logo

Mở bài Vợ chồng A Phủ hay sáng tạo nhất

Tuyển chọn những bài văn hay Mở bài Vợ chồng A Phủ hay sáng tạo nhất. Với những bài văn mẫu đặc sắc, chi tiết dưới đây, các em sẽ có thêm nhiều tài liệu hữu ích phục vụ cho việc học môn văn. Cùng tham khảo nhé! 


Mở bài Vợ chồng A Phủ hay sáng tạo nhất - Bài mẫu 1

Mở bài Vợ chồng A Phủ hay sáng tạo nhất

      Có những sở thích nhất thời song cũng có những sở thích đời đời không bao giờ thay đổi, có những nỗi đau thoáng qua và ngược lại cũng có những vết thương hằn sâu theo năm tháng. Nếu giở những trang đời đẫm lệ của kiều ta sẽ phải bật khóc, nếu Chí Phèo chết ta sẽ có buồn thương thì khi đọc Vợ Chồng A Phủ ta cũng cho phép cảm xúc của mình rung lên theo tiếng thổn thức của Mị. Một cô gái trẻ phải đã chôn vùi tuổi thanh xuân của mình trong nhà thống lý, một chàng trai yêu sự  tự do phải làm nô lệ chuộc nợ chấp nhận trói mình vì mất một con bò. Khi đọc tác phẩm, chúng ta có cảm tưởng đó vừa là một bản cáo trạng vừa đan xen là một khúc tình ca.


Mở bài Vợ chồng A Phủ hay sáng tạo nhất - Bài mẫu 2

      Tô Hoài được coi là cây đại thụ của nền văn học Việt Nam hiện đại với sức sáng tạo dồi dào trên 200 đầu sách. Tô Hoài có quan niệm nghệ thuật vị nhân sinh độc đáo và có phần quyết liệt “viết văn là một quá trình đấu tranh để nói ra sự thật. Đã là sự thật thì không tầm thường, cho dù phải đập vỡ những thần tượng trong lòng người đọc”. Phải chăng vì thế mà Vợ chồng A Phủ được coi là tác phẩm thành công nhất, phản ánh những hiện thực tàn khốc của cuộc sống ngoài kia. Với chuyến đi thực tế của mình, chung sống và ăn ở cùng người dân Tây Bắc mà ông đã hiểu những cơ cực và vẻ đẹp tâm hồn của những người dân lao động vùng cao.


Mở bài Vợ chồng A Phủ hay sáng tạo nhất - Bài mẫu 3

      “Văn học nghệ thuật luôn đứng ngoài những quy luật về sự băng hoại. Chỉ mình nó không thừa nhận cái chết” (Sê-đê-rin). Có thể coi Vợ chồng A Phủ là một tác phẩm như thế. Đã hơn nửa thế kỉ trôi qua, chất vàng mười trong nó vẫn còn vẹn nguyên. Tác phẩm đã nói lên một cách đau xót nỗi thống khổ bao đời của đồng bào dân tộc vùng cao dưới ách thống trị của thực dân Pháp và bè lũ tay sai. Từ nỗi thống khổ ấy, Tô Hoài đã bằng một trái tim nhân đạo bao la, một giác quan cách mạng nhạy bén mà tìm thấy một sức sống tiềm tàng, mãnh liệt bên dưới cái vỏ câm lặng, cam chịu của người dân vùng cao.


Mở bài Vợ chồng A Phủ hay sáng tạo nhất - Bài mẫu 4

      Tây Bắc hẳn là mảnh hồn thiêng của núi sông, là miền đất hứa có khả năng sản sinh ra những năng lượng dồi dào cũng như truyền cảm hứng cho biết bao nhà văn, nhà thơ để họ có thể viết nên những trang thơ, những  trang văn lấp lánh. “Người mẹ của hồn thơ” ấy đã thả hồn vào bao vần thơ đẹp của Chế Lan Viên, đã lấp lánh rạng ngời “chất vàng mười” trong hình tượng trong  người lái đò của cụ Nguyễn Tuân và phả vào trang viết của Tô Hoài sức sống tiềm tàng mãnh liệt của con người lao động. Đó hẳn là sức sống bền bỉ, tiềm tàng của nhân vật Mị trong tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” mà mỗi lần gấp trang sách lại ta không thể nào quên được .


Mở bài Vợ chồng A Phủ hay sáng tạo nhất - Bài mẫu 5

      Tô Hoài là nhà văn có công khai phá về đề tài vùng núi Tây Bắc xa xôi – nơi địa đầu của Tổ quốc trong văn học cách mạng ở mảng đề tài về cuộc sống, con người Tây Bắc. Tô Hoài đã thể hiện hứng thú và sở trường của một nhà văn phong tục khi tái hiện sống động bức tranh thiên nhiên và con người vùng cao. Bằng vốn hiểu biết qua những chuyến đi thực tế, thâm nhập vào đời sống của các đồng bào dân tộc miền núi. Và bằng tài năng văn chương xuất chúng, Tô Hoài đã tạo nên những tác phẩm đặc sắc mang đậm màu sắc Tây Bắc mà tiêu biểu là Vợ chồng A Phủ.


Mở bài Vợ chồng A Phủ hay sáng tạo nhất - Bài mẫu 6

      Trong tập “Trăng sáng”, Nam Cao viết “Nghệ thuật không là ánh trăng lừa dối, không nên là ánh trăng lừa dối! Nghệ thuật có thể chỉ là tiếng đau khổ kia thoát ra từ những kiếp người lầm than”. Nam Cao hay Tô Hoài, thì đều coi trọng sự thật. Các nhà văn đều cho rằng nghệ thuật không thể là sự lừa dối mà là nghệ thuật vị nhân sinh. Bởi vậy, các tác phẩm ra đời đều phản ánh những hiện thực của cuộc sống khách quan. Bằng vốn hiểu biết sâu rộng của mình và những chuyến thực tế vùng cao, Tô Hoài đã hiểu được cuộc sống cơ cực của đồng bào vùng núi Tây Bắc mà điển hình là nhân vật Mị. Không những thế, tác giả còn tinh tế phát hiện ra sức sống tiềm tàng của những con người nơi đây.


Mở bài Vợ chồng A Phủ hay sáng tạo nhất - Bài mẫu 7

      Khi nhắc đến Tô Hoài, ai cũng nhớ đến một nhà văn của vùng núi. Trước kia, với “Dế Mèn phiêu lưu kí”, Tô Hoài đã bộ lộ xuất sắc tài năng nghệ thuật của mình. Đến nay, không chỉ dừng lại ở đó mà Vợ chồng A Phủ còn được đánh giá cao hơn bởi những giá trị mà nó đem lại. Tìm đến với vùng núi Tây Bắc xa xôi của Tổ quốc, “ngòi bút vàng” này đã bộc lộ tài năng văn chương xuất chúng của mình làm nên một tác phẩm mang đậm màu sắc Tây Bắc. Cùng ăn, cùng ngủ, thâm nhập vào đời sống của người dân nơi đây mà ông hiểu hết những đau khổ và vẻ đẹp tâm hồn của những người lao động nghèo dưới ách áp bức của thực dân và phong kiến. Sau khi rời xa Tây Bắc, Tô Hoài chia sẻ “Đất nước và con người miền Tây đã để thương để nhớ cho tôi nhiều quá…Tôi không có tham vọng đi sâu vào văn hóa Mèo. Ý tưởng của tôi là làm hồi sinh những con người nơi đây”.

Mở bài Vợ chồng A Phủ hay sáng tạo nhất (ảnh 2)

Mở bài Vợ chồng A Phủ hay sáng tạo nhất - Bài mẫu 8

      “Nhà văn tồn tại ở trên đời trước hết để làm công việc giống như kẻ nâng giấc cho những con người bị cùng đường, tuyệt lộ, bị cái ác hoặc số phận đen đủi dồn đến chân tường. Những con người cả tâm hồn và thể xác bị hắt hủi và đọa đầy đến ê chề, hoàn toàn mất hết lòng tin vào con người và cuộc đời. Nhà văn tồn tại ở trên đời để bênh vực cho những con người không có ai để bênh vực.” (Nguyễn Minh Châu). Với hình tượng nhân vật Mị trong tác phẩm “Vợ chồng A Phủ”, nhà văn Tô Hoài đã thực hiện trọn vẹn sứ mệnh ấy khi mang đến cho người đọc một hình tượng nghệ thuật với biết bao vẻ đẹp – nhất là sức sống tiềm tàng mãnh liệt mà không thế lực nào có thể dập tắt được.


Mở bài Vợ chồng A Phủ hay sáng tạo nhất - Bài mẫu 9

      Tây Bắc – vùng núi cao của Tổ quốc, nơi mà thiên nhiên hùng vĩ ngút ngàn với những dãy núi, bản làng trải dài bất tận. Nếu Nguyễn Tuân tìm đến với Tây Bắc vì thứ “vàng mười đã qua thử lửa” thì Tô Hoài lại mong muốn tìm ra sự thật và khao khát cho sự đấu tranh của nhân dân. Lối viết văn hóm hỉnh, sinh động trong “Dế Mèn phiêu lưu kí” nay được thay bằng giọng văn tình cảm làm nên một Vợ chồng A Phủ mang đậm màu sắc Tây Bắc. Trong bài cảm nghĩ về truyện Vợ chồng A Phủ, tác giả có viết “Nhưng điều kì diệu là dẫu trong cùng cực đến thế mọi thế lực của tội ác cũng không giết được sức sống con người. Lay lắt, đói khổ, nhục nhã, Mị vẫn sống, âm thầm, tiềm tàng mãnh liệt”.


Mở bài Vợ chồng A Phủ hay sáng tạo nhất - Bài mẫu 10

      Trong những năm tháng của cuộc chiến tranh, đâu chỉ có những đau khổ ngoài chiến trường mà còn có cả những cơ cực của người dân dưới ách thống trị của thực dân và phong kiến. Để hiện thực hóa những đau khổ đó, Tô Hoài đã có chuyến đi thực tế ở vùng đất cao Tây Bắc, cho ra đời tác phẩm Vợ chồng A Phủ với giá trị nhân văn sâu sắc. Vợ chồng A Phủ gồm hai phần. Đoạn trích thuộc phần một, lấy bối cảnh ở Hồng Ngài. Dưới ngòi bút của người tôn trọng sự thật, nhà văn đã làm sống lại quãng đường cơ cực, tăm tối của người dân miền núi dưới ách thống trị dã man của bọn chúa đất phong kiến. Đồng thời khẳng định sức sống tiềm tàng của những kiếp nô lệ. Ông khẳng định rằng chỉ có sự vùng dậy của chính họ, được ánh sáng của cách mạng soi đường sẽ dẫn tới cuộc đời tươi sáng.

---/---

Với các bài văn mẫu Mở bài Vợ chồng A Phủ hay sáng tạo nhất do Top lời giải sưu tầm và biên soạn trên đây, hy vọng các em sẽ có thêm những góc nhìn mới mẻ và có cái nhìn tổng quát hơn về  tác phẩm. Chúc các em làm bài tốt!

icon-date
Xuất bản : 05/07/2021 - Cập nhật : 05/07/2021