logo

Liên hệ mở rộng Bài thơ về tiểu đội xe không kính

Tiểu đội xe không kính là một trong những bài thơ xuất sắc trong sự nghiệp sáng tác của nhà thơ Phạm Tiến Duật. Cùng Toploigiai liên hệ mở rộng bài thơ về tiểu đội xe không kính với một số tác phẩm khác cùng viết về đề tài này để thấy được điểm mới mẻ, đặc sắc trong phong cách của nhà thơ trong dàn ý và bài mẫu tham khảo dưới đây nhé!


Dàn ý Liên hệ mở rộng Bài thơ về tiểu đội xe không kính

1. Mở bài

- Đôi nét tác giả, tác phẩm

- Thành công của bài thơ và so sánh liên hệ với một số tác phẩm khác cùng chủ đề như Đồng Chí…

2. Thân bài

- Khái quát giá trị nghệ thuật và nội dung của bài thơ.

- Liên hệ mở rộng với một số bài thơ khác cùng đề tài như Đồng Chí.

+ Điểm giống

- Cùng viết về đề tài người lính.

- Phản ánh vẻ đẹp của người lính trong kháng chiến cũng như trong thời bình.

+ Điểm khác

- Tiểu đội xe không kính: khai thác vẻ đẹp người lính trong kháng chiến chống Mỹ với vẻ đẹp ngang tàng, lạc quan chiến thắng hoàn cảnh khó khăn, tinh thần chiến đấu hết mình vì độc lập

- Đồng Chí: khai thác vẻ đẹp người lính trong kháng chiến chống Pháp những ngày đầu nhập ngũ, cơ sở hình thành tình đồng chí.

- Đánh giá chung phong cách thơ Phạm Tiến Duật qua bài thơ: có giọng điệu sôi nổi, trẻ trung, hồn nhiên, tinh nghịch mà sâu sắc.

3. Kết bài

- Khẳng định giá trị của bài thơ Tiểu đội xe không kính.

- Liên hệ bản thân.


Liên hệ mở rộng Bài thơ về tiểu đội xe không kính

      Thuộc thế hệ nhà thơ trẻ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Phạm Tiến Duật luôn thể hiện sự sung sức khi của mình khi sáng tác thơ. Bài thơ về tiểu đội xe không kính là một trong những tác phẩm xuất sắc của ông khi khai thác chủ đề về người lính trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Một đề tài không mới nhưng thơ ông vẫn có cái riêng, không lẫn với bất kỳ bài thơ nào. Liên hệ mở rộng bài thơ về tiểu đội xe không kính với các tác phẩm khác cùng đề tài như Đồng Chí để thấy được những đóng góp của ông đối với thơ ca Việt Nam giai đoạn này.

Liên hệ mở rộng Bài thơ về tiểu đội xe không kính

      Bài thơ về tiểu đội xe không kính là tác phẩm thuộc chùm thơ của Phạm Tiến Duật được tặng giải Nhất cuộc thi thơ của báo Văn nghệ năm 1969-1970. Bài thơ gây ấn tượng với người đọc ngay từ cái nhan đề , không phải tiểu đội xe không kính mà phải đầy đủ là “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” Tức là những khúc ca đầy hào sảng của những người lính Trường Sơn trên những chiếc xe không có kính. Chúng ta đều biết những năm 69-70 là thời kỳ Mỹ ném bom rất dữ dội trên tuyến đường giao thông huyết mạch Trường Sơn, những chiếc xe vào chiến trường đều chung số phận “không có kính”, “không có đèn”, “thùng xe thì xước”... khó khăn và thiếu thốn đủ bề, gian nguy và chết chóc cận kề nhưng người lính lái xe vẫn không hề nao núng. Chiếc xe vẫn bon bon chạy, tiến thẳng về miền Nam phía trước vì trong xe có trái tim rực cháy nhiệt huyết cách mạng. Giọng điệu thơ có vẻ ngang tàng, phóng khoáng khi người lính miêu tả về những chiếc xe và ngoại hình khác thường của mình: Không có kính không phải vì xe không có kính. Bom giật bom rung kính vỡ đi rồi… Bụi phun tóc trắng như người già” Sự ngang tàng của người lính thể hiện cái cười lạc quan, thách thức bom đạn và những khó khăn của chiến tranh, vượt lên trên hoàn cảnh nghiệt ngã để tìm niềm vui. Dù không có kính, dù xung quanh là bom rơi, đạn giật nhưng người lính vẫn “ung dung” với tư thế bình tĩnh đến cảm phục và tư thế “nhìn thẳng về phía trước” để đối diện với tất cả hiểm nguy, gian khó, sẵn sàng vì độc lập, vì tiền tuyến. Hình ảnh tiểu đội xe không kính là biểu tượng cho tinh thần chiến đấu tuyệt vời của những người lính bộ đội  Hồ Chí Minh vượt Trường Sơn hướng tới miền Nam.

      Cũng nằm trong đề tài về hình ảnh người lính trong kháng chiến nhưng Tiểu đội xe không kính: khai thác vẻ đẹp người lính trong kháng chiến chống Mỹ với vẻ đẹp ngang tàng, lạc quan chiến thắng hoàn cảnh khó khăn, tinh thần chiến đấu hết mình vì độc lập. Đồng Chí của Chính Hữu lại khai thác vẻ đẹp người lính trong kháng chiến chống Pháp những ngày đầu nhập ngũ, chung chăn, chung chiến đấu, chung lý tưởng và là cơ sở để hình thành tình đồng chí. Người lính trong thơ “Chính Hữu” xuất thân từ những làng quê nghèo khó nước mặn đồng chua, đất cày sỏi đá, những buổi đầu nhập ngũ họ là những người xa lạ, chưa biết gì về nhau. Nhưng cũng chính nhờ điểm tương đồng ở hoàn cảnh xuất thân, những thiếu thốn của buổi đầu nhập ngũ, cho đến những đêm rét bên nhau chờ giặc tới đã khiến họ trở thành “đôi tri kỉ”. Chất hiện thực và lãng mạn đều có trong “Đồng chí”, tình đồng đội anh em cũng vô cùng bền chặt nhưng do thời điểm sáng tác khác nhau, cảm hứng khác nhau nên hai bài thơ vẫn có những điểm khác nhau. Chúng ta thấy trong “Tiểu đội xe không kính” là giọng thơ ngang tàng, sôi nổi, trẻ trung, là hiện thực nghiệt ngã nhưng vẫn không thắng nổi chất thơ, chất lãng mạn bàng bạc trong tác phẩm. Chúng ta thấy tâm hồn những người lính trẻ trung, yêu đời, khí phách và phản ánh đúng nét đặc trưng của thế hệ thanh niên trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Còn người lính trong thơ Chính Hữu là người lính buổi đầu nhập ngũ nên vẫn còn cái e dè, ngại ngùng của những chàng trai mới xa quê, cái chất lãng mạn, hào hoa chưa đậm đặc so với “Tiểu đội xe không kính”.

Liên hệ mở rộng Bài thơ về tiểu đội xe không kính

      Sự thay đổi của thời kỳ lịch sử đã mang đến cho các tác giả nhưng cách tiếp cận mới mẻ hơn, phong phú hơn. Đó là lý do vì sao “Tiểu đội xe không kính” của Phạm Tiến Duật mang đậm hơi thở thời đại. Tác phẩm cũng khẳng định phong cách thơ Phạm Tiến Duật nhất quán trong suốt sự nghiệp: có giọng điệu sôi nổi, trẻ trung, hồn nhiên, tinh nghịch mà sâu sắc. Đó là lý do nhiều năm qua “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” vẫn là một trong những bài thơ đỉnh cao trong sự nghiệp sáng tác của Phạm Tiến Duật. 

----------------------------------------------

Trên đây Toploigiai đã cùng các bạn Liên hệ mở rộng Bài thơ về tiểu đội xe không kính. Chúng tôi hi vọng các bạn đã có kiến thức hữu ích khi đọc bài viết này, chúc các bạn học tốt.

icon-date
Xuất bản : 20/03/2023 - Cập nhật : 14/07/2023