logo

Cảm nhận về khổ thơ Bếp Hoàng Cầm ta dựng giữa trời (ngắn gọn)

Đề tài người lính luôn là đề tài sáng tác bất hủ đối với nền văn học Việt Nam. Trong thời kỳ nước ta kháng chiến chống Mỹ, Bài thơ về tiểu đội xe không kính là một bài thơ nổi bật. Để giúp các bạn hiểu hơn về tâm hồn và tình đồng đội của những người lính trong bài thơ, được mang đến trong khổ thơ thứ sáu, chúng tôi đã mang tới bài viết sau, mời các bạn cùng tham khảo.


Dàn ý Cảm nhận về khổ thơ Bếp Hoàng Cầm ta dựng giữa trời (ngắn gọn)

a. Mở bài:

- Giới thiệu chung về tác phẩm Bài thơ về tiểu đội xe không kính và đoạn sáu của bài thơ: “Bếp Hoàng Cầm ta dựng giữa trời...trời xanh thêm”

b. Thân bài:

- Câu thơ “Bếp Hoàng Cầm ta dựng giữa trời”: Dọc đường chi viện miền Nam, những người lính tạm nghỉ để ăn cơm lấy sức; Bếp Hoàng Cầm là loại bếp dùng không có khói bay lên trời, tránh quân địch phát hiện nhưng vẫn không tránh khỏi nguy hiểm rình rập; những người lính hiêng ngang “dựng giữa trời”.

- Câu thơ “Chung bát đũa nghĩa là gia đình đấy”: Tình đồng đội thắm thiết của những người lính. Họ coi nhau như gia đình, ruột thịt, cùng nhau trải qua khó khăn, gian khổ.

- Câu thơ “Võng mắc chông chênh đường xe chạy”: Hoàn cảnh sinh hoạt khó khăn của những người lính, họ thường mắc tạm võng để nghỉ tạm, nơi nằm không chắc chắn

- Câu thơ cuối: Tuy khó khăn gian khổ, nhưng cùng nhau đoàn kết, sát canh, với tinh thần yêu nước nồng nàn, những người lính vẫn anh dũng, lạc quan lên đường cứu nước, với khát vọng hòa bình như bầu trời xanh kia

c. Kết bài:

- Khái quát lại cảm nhận về về đoạn thơ sáu của bài thơ.

>>> Tham khảo: Cảm nhận về khổ thơ cuối Bài thơ về tiểu đội xe không kính?


Cảm nhận về khổ thơ Bếp Hoàng Cầm ta dựng giữa trời (ngắn gọn)

Cảm nhận về khổ thơ Bếp Hoàng Cầm ta dựng giữa trời (ngắn gọn)

      Theo suốt lịch sử 4000 năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam ta, có biết bao cuộc chiến bảo vệ tổ quốc đã diễn ra. Trong những cuộc chiến đó biết bao cha anh đã phải hy sinh mọi thứ, bỏ lại tuổi xuân, mạng sống của mình để bảo vệ hòa bình cho đất nước. Họ đã ra đi nhưng hình ảnh của họ vẫn còn sống mãi trong lòng người dân Việt Nam. Đã có rất nhiều bài văn, bài thơ được sáng tác để tri ân công lao và tưởng nhớ tới thế hệ đi trước, tới những người lính đang tiếp tục thực hiện sứ mệnh bảo vệ tổ quốc. Nhắc đến những tác phẩm văn học nổi tiếng viết về chủ đề chiến tranh và người lính trong kháng chiến chống Mỹ sẽ thật là thiếu sót lớn nếu không nhắc nhắc tới tác phẩm Bài thơ về tiểu đội xe không kính của nhà thơ Phạm Tiến Duật. Bài thơ về tiểu đội xe không kính được sáng tác vào năm 1969 in trong tập "Vầng trăng và quầng lửa" (1970). Nổi bật trong bài thơ chính là khổ thơ thứ sáu, nói lên vẻ đẹp tâm hồn của những người lính lái xe vượt dãy Trường Sơn vào miền Nam cứu nước cũng như tinh thần đồng đội thắm thiết của họ:

"Bếp Hoàng Cầm ta dựng giữa trời

Chung bát đũa nghĩa là gia đình đấy

Võng mắc chông chênh đường xe chạy

Lại đi, lại đi trời xanh thêm"

      Sau những chặng đường hành quân mệt mỏi và gian khổ những người lính dừng chân lại để nghỉ ngơi tiếp sức. Họ dùng "Bếp Hoàng Cầm" để nấu cơm, đây là một loại bếp đặc biệt do Hoàng Cầm phát minh ra. Loại bếp này khi nấu sẽ không thấy  bay lên cao, tránh để quân địch phát hiện ra nơi trú quân. Tuy vậy nhưng nguy hiểm vẫn luôn rình rập những người lính, kẻ địch vẫn có thể tấn công họ bất cứ lúc nào. Với tinh thần dũng cảm và lạc quan không ngại khó khăn, những người lính thay vì sợ hãi lại thoải mái dựng bếp " giữa trời". Đây chính là khí khái hiên ngang của dân tộc Việt Nam anh dũng. Trong không gian ấm áp của những nồi cơm nghi ngút hơi, những người lính ngồi quây quần ăn nhanh bữa cơm tiếp sức để lên đường chi viện miền Nam. Trong bữa cơm thân mật cùng nhau, họ khẳng định: 

" Chung bát đũa nghĩa là gia đình đấy"

      Một câu thơ thật ý nghĩa làm sao! Những người lính hành quân coi nhau như ruột thịt, không chỉ "chung bát đũa", họ còn "đêm rét chung chăn thành đôi tri kỷ" như trong bài thơ "Đồng chí" của nhà thơ Chính Hữu. Rộng hơn nữa họ là người thân trong đại gia đình dân tộc Việt Nam, chung máu đỏ da vàng, chung lý tưởng cứu nước, dành lại hoà bình. 

      Trên con đường vào miền Nam cứu nước những người lính chỉ có thể nghỉ ngơi ở những chiếc võng mắc tạm dọc đường xe chạy: 

"Võng mắc chông chênh đường xe chạy"

      Những chiếc võng người lính nằm nghỉ ngơi được mắc một cách "chông chênh", không chắc chắn. Hoàn cảnh sinh hoạt của họ thật khó khăn, thiếu thốn. Ấy vậy mà những người lính vẫn không nản chí, yếu đuối, họ tích cực, dũng cảm vô cùng với câu thơ cuối khép lại đoạn sáu: 

"Lại đi, lại đi trời thêm xanh"

      Những chiếc xe không kính lại bắt đầu nối đuôi nhau để vào miền Nam chi viện. Biện pháp lặp ngữ cụm từ "lại đi" thật hay và đặc sắc. Những người lính cứ từng đoàn đi tiếp mà không dừng lại, tất cả vì hai chứ đất nước. Không chỉ có những đoàn xe không kính tiếp tục sứ mệnh cứu nước, mà tinh thần yêu nước, đấu tranh bảo vệ lãnh thổ của toàn dân tộc ta cũng như vậy, sẽ nối tiếp nhau, tiếp tục dựng xây cơ đồ. Khi chúng ta quyết tâm như những người lính của tiểu đội xe không kính, chúng ta sẽ được thấy "trời xanh thêm". Trời xanh thêm ở đây chính là tượng trưng cho hòa bình, tự do, chính là khát vọng thiêng liêng của những người lính và toàn thể nhân dân, hy vọng một ngày đất nước sẽ thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ. 

      Đoạn thơ thứ sáu của Bài thơ về tiểu đội xe không kính thật ý nghĩa và đặc sắc. Qua đoạn thơ chúng ta đã cảm nhận được tình đồng đội thắm thiết như ruột thịt của những người lính và vẻ đẹp tâm hồn của họ, dù trong khó khăn, gian khổ, họ vẫn lạc quan, dũng cảm hành quân bảo vệ tổ quốc. Những người lính trong tác phẩm Bài thơ về tiểu đội xe không kính nói riêng và tất cả những người lính Việt Nam nói chung đều là tấm gương sáng cho chúng ta học tập và noi theo, phát huy truyền thống yêu nước bao đời của dân tộc ta.

------------------------

Trên đây Toploigiai đã cùng các bạn viết bài Cảm nhận về khổ thơ Bếp Hoàng Cầm ta dựng giữa trời (ngắn gọn). Bài thơ đã khiến cho chúng ta cảm nhận được vẻ đẹp tâm hồn và tình đồng đội thân thiết của những người lính của tiểu đội xe không kính.

icon-date
Xuất bản : 04/01/2023 - Cập nhật : 15/07/2023

Tham khảo các bài học khác