logo

Khứa là gì?

Câu hỏi: Khứa là gì?

Trả lời:

Khi nghe nói đến từ khách khứa, chắc nhiều người, nhất là các học sinh đang học tiếng Việt ở nhà trường đều nghĩ "khứa" là một yếu tố phụ, dùng thêm vào một từ có sẵn để tạo nên một từ ghép hai âm tiết. Tiếng Việt có khá nhiều tổ hợp dạng này: nhà cửa, cây cối, đất đai, chợ búa, tre pheo... Ta dễ dàng nhận ra các cụm từ trên có nghĩa chung, nghĩa khái quát, mà nghĩa cơ bản được hình thành từ nghĩa của thành tố đầu. Chẳng hạn, cây cối: các loại cây (nói khái quát); đất đai: đất cát, những gì thuộc về đất trồng, lãnh thổ nói chung; nhà cửa: nhà ở (nói khái quát); v.v.

Về từ khách khứa, khi nghe qua ta dễ cho đó một từ ghép được tạo lập bằng phương thức láy (ở đây là láy âm đầu). Từ điển tiếng Việt (Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng 2017) định nghĩa: KHÁCH KHỨA [kng] là “khách đến thăm [nói khái quát]”. Ta thường nói: Nhà đông khách khứa; Ban lễ tân có trách nhiệm tiếp đón khách khứa; Khách khứa gì mà ngồi dai thế không biết... Nhưng qua tìm hiểu, thì từ khứa kia không hẳn chỉ là một yếu tố phụ (được thêm vào mở rộng nghĩa cho từ khách).

[CHUẨN NHẤT] Khứa là gì?

Theo tác giả Võ Xuân Trang (Ngôn ngữ & Đời sống, 1992), ở vùng Hiệp Hoà, Hà Bắc (ngày xưa và bây giờ vẫn còn một số nơi) có tục lệ rất đặc biệt. Ấy là, chủ nhân mỗi khi có khách đến chơi, để cho không khí vui vẻ, thân tình, và để chu đáo, họ thường mời thêm một vài người anh em họ hàng sang nhà mình tiếp khách cùng. Họ có thể tiếp kiến, trò chuyện, có thể ngồi vào mâm ăn cỗ với khách (và chủ). Những người này được gọi là khứa. Dĩ nhiên, các khứa này cũng có sự chọn lựa, như thường ngang bằng về tuổi tác, có cùng giới tính, sở thích, hiểu biết (để dễ làm quen). 

Thói quen ở nơi này thông dụng tới mức, đã có khách tất phải có khứa. Khứa không chỉ “ngồi cho có chuyện” mà họ còn là những nhân vật có vai trò quan trọng làm cho cuộc gặp gỡ thêm sinh động, vui vẻ.

Hoá ra, khứa không hề “vô duyên” như ta tưởng. Đó là tập quán hay, mang tính cộng đồng và đượm vẻ đẹp văn hoá phong tục. Có khi, chính khứa lại là người giữ vai trò quan trọng trong một cuộc vui chứ không chỉ là “cầu thủ dự bị” chỉ có mặt cho đẹp đội hình. Họ vừa vào vai chủ, vừa đóng vai khách. Họ là cầu nối, là người dẫn chuyện đặc biệt. Ái chà, vậy hoá ra ngày xưa, các cụ nhà ta cũng đã có thói quen “xài sang” là dùng các MC (Master of Ceremony, người dẫn chương trình) ngay trong sinh hoạt gia đình.

Cùng Top lời giải tìm hiểu về Văn hoá làng xã của người Việt để hiểu thêm nhé!

Trong làng, mỗi dòng họ gồm nhiều gia đình. Gia đình là nền tảng của đất nước, nhiều gia đình hợp lại thành đất nước. Mọi người ai cũng biết nước (quốc gia) thì có Vua, ở nhà (gia đình) thì có ông bà, cha mẹ. Dòng tộc là hình thức gia đình mở rộng, quan hệ huyết thống, có vai trò giúp đỡ, uốn nắn những hành vi lệch lạc, không hợp với đạo lý. Tiểu gia đình là gia đình nhỏ, gia đình hạt nhân. Đại gia đình là gia đình lớn gồm ba, bốn hoặc năm thế hệ sống chung trong một ngôi nhà, gọi là tam đại, tứ đại hoặc ngũ đại đồng đường. Gia đình nào cũng có một bàn thờ gia tiên, gia tộc thì có nhà thờ họ. Người làng xử sự với nhau dựa vào các triết lý của Khổng giáo, đạo Phật, đạo Lão và tín ngưỡng thờ tổ tiên. Đình làng là nơi thờ Thành hoàng làng, cũng là trụ sở làm việc của Hội đồng kỳ mục và nơi tổ chức lễ hội của làng. Đình, nghè, đền, miếu, cây đa, giếng nước và cổng làng… là niềm tự hào của tất thảy người dân trong làng. Chùa làng là nơi thờ Phật. Đền là nơi thờ Mẫu hoặc thờ những vị anh hùng có công với dân với nước, có khi thờ các vị tổ nghề. Văn chỉ là nơi thờ Khổng Tử và nơi hội họp của những người trong Hội tư văn trong làng. Võ chỉ là nơi thờ các vị tổ nghề võ, cũng là nơi sinh hoạt của các thành viên Hội tư võ.

Hàng xóm láng giềng sống với nhau cơ bản hòa thuận, trên bảo dưới nghe, xưng hô như họ hàng, đáng tuổi gì gọi tuổi ấy: ông, bà, chú, bác, cô, cậu…và luôn “sớm lửa, tối đèn có nhau”; “bán anh em xa mua láng giềng gần”, tương thân tương ái, giúp đỡ nhau những khi cần thiết. Mọi người không ưa lối sống “Đèn nhà ai, nhà ấy rạng” hoặc “Cháy nhà hàng xóm bình chân như vại”… Người làng luôn tôn trọng người cao tuổi, “kính lão đắc thọ”, các cụ bô lão khi họp làng được ngồi chiếu trên, “triều đình trọng tước, hương đảng trọng xỉ’”. Tinh thần cộng đồng rất cao, đó là đặc tính cộng cư, cộng mệnh và cộng cảm.

Vậy để “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc” đạt được kết quả tốt đẹp, chúng ta làm sao phải khơi lại được những giá trị truyền thống của làng xã sao cho thích nghi với đời sống đương đại, mà không bị mất gốc, không bị tha hóa. Vì làng xã của người Việt từ xưa đến nay luôn là cái nôi hình thành và nuôi dưỡng truyền thống văn hóa của dân tộc. Làng mà nề nếp, thuần hậu thì thế nước vững vàng, làng mà trên bảo dưới không nghe, trật tự đảo lộn thì thế nước rối ren, quân hồi vô phèng.

icon-date
Xuất bản : 07/02/2022 - Cập nhật : 08/02/2022