logo

Hoạt động trải nghiệm ở Tiểu học


1. Đặc điểm của hoạt động trải nghiệm ở tiểu học

Nội dung cơ bản của chương trình Hoạt động trải nghiệm xoay quanh các mối quan hệ giữa cá nhân học sinh với bản thân; giữa học sinh với người khác, cộng đồng và xã hội; giữa học sinh với môi trường; giữa học sinh với nghề nghiệp. Nội dung này được triển khai qua 4 nhóm hoạt động chính:

- Hoạt động phát triển cá nhân;

- Hoạt động lao động;

- Hoạt động xã hội và phục vụ cộng đồng;

- Hoạt động hướng nghiệp.

     Đối với bậc tiểu học, nội dung hoạt động tập trung nhiều hơn vào các hoạt động phát triển bản thân, các kỹ năng sống, kỹ năng quan hệ với bạn bè, thầy cô và những người thân trong gia đình. Bên cạnh đó, các hoạt động lao động, hoạt động xã hội và làm quen với một số nghề gần gũi với học sinh cũng được tổ chức thực hiện.


2. Mục tiêu của hoạt động trải nghiệm

Hoạt động trải nghiệm ở Tiểu học

     Hoạt động trải nghiệm góp phần hình thành, phát triển các phẩm chất chủ yếu, năng lực chung và các năng lực đặc thù cho học sinh; nội dung hoạt động được xây dựng dựa trên các mối quan hệ của cá nhân học sinh với bản thân, với xã hội, với tự nhiên và với nghề nghiệp. Nội dung Hoạt động trải nghiệm được phân chia theo hai giai đoạn: giai đoạn giáo dục cơ bản và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp. Ở cấp tiểu học, Hoạt động trải nghiệm tập trung vào các hoạt động khám phá bản thân, hoạt động rèn luyện bản thân, hoạt động phát triển quan hệ với bạn bè, thầy cô và người thân trong gia đình. Các hoạt động xã hội và tìm hiểu một số nghề nghiệp gần gũi với học sinh cũng được tổ chức thực hiện với nội dung, hình thức phù hợp với lứa tuổi. 

     Mục tiêu chung của Hoạt động trải nghiệm là giúp hình thành, phát triển ở học sinh năng lực thích ứng với cuộc sống, năng lực thiết kế và tổ chức hoạt động, năng lực định hướng nghề nghiệp; đồng thời góp phần hình thành, phát triển các phẩm chất chủ yếu và năng lực chung quy định trong Chương trình tổng thể. Ngoài ra, Hoạt động trải nghiệm còn giúp học sinh khám phá bản thân và thế giới xung quanh, phát triển đời sống tâm hồn phong phú, biết rung cảm trước cái đẹp của thiên nhiên và tình người, có quan niệm sống và ứng sử đúng đắn, đồng thời bồi dưỡng cho học sinh tình yêu đối với quê hương, đất nước, ý thức về cội nguồn và bản sắc của dân tộc để góp phần giữ gìn, phát triển các giá trị tốt đẹp của con người Việt Nam trong một thế giới hội nhập. Ở bậc tiểu học, mục tiêu chính của Hoạt động trải nghiệm là giúp hình thành cho học sinh thói quen tích cực trong cuộc sống hằng ngày, chăm chỉ lao động; thực hiện trách nhiệm của người học sinh ở nhà, ở trường và địa phương; biết tự đánh giá và tự điều chỉnh bản thân; hình thành những hành vi giao tiếp, ứng xử có văn hoá; có ý thức hợp tác nhóm và hình thành được năng lực giải quyết vấn đề.


3. Ai thực hiện chương trình hoạt động trải nghiệm?

     Hoạt động trải nghiệm trên thực tế đã từng tồn tại rất lâu trước đó trong các môn giáo khoa và các hoạt động ngoại khoá, sinh hoạt tập thể ở trường học.

     Giáo viên và học sinh đã tiến hành các hoạt động đó mà không ý thức đầy đủ và sâu sắc về vai trò của nó đối với sự hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực của con người.

     Theo dự thảo, giáo viên phụ trách hoạt động ngoài giờ lên lớp hiện nay sẽ chuyển sang phụ trách hoạt động trải nghiệm. Hoạt động ngoài giờ lên lớp hiện nay đang giao cho giáo viên chủ nhiệm đảm trách. Nếu nói như các nhà soạn thảo chương trình, thì đội ngũ giáo viên chủ nhiệm cũng là những người sẽ phải lo tổ chức hoạt động trải nghiệm (trừ phần trải nghiệm nằm trong từng môn học).

     Như vậy, nếu không được hiểu rõ, không được chuẩn bị, không có cơ chế hợp lý để đội ngũ này tiếp quản nhiệm vụ thì có thể nhìn thấy trước hoạt động trải nghiệm đề ra trong dự thảo cũng sẽ chỉ là phiên bản của hoạt động ngoài giờ lên lớp được thực hiện cầm chừng, hình thức. Nhất là khi khối lượng công việc hiện nay dồn lên giáo viên chủ nhiệm vốn đã quá nặng nề.

icon-date
Xuất bản : 23/12/2021 - Cập nhật : 31/12/2021