logo

Cách thiết kế hoạt động trải nghiệm theo chủ đề cho học sinh tiểu học

Phương pháp, hình thức tổ chức hoạt động trải nghiệm ở tiểu học

      Hoạt động trải nghiệm được tổ chức trong và ngoài lớp học, trong và ngoài trường học; theo quy mô nhóm, lớp học, khối lớp hoặc quy mô trường; với các hình thức tổ chức chủ yếu: thực hành nhiệm vụ ở nhà, sinh hoạt tập thể (sinh hoạt dưới cờ; sinh hoạt lớp; sinh hoạt Sao Nhi đồng, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội liên hiệp Thanh niên Việt Nam,…), dự án, làm việc nhóm, trò chơi, giao lưu, diễn đàn, hội thảo, tổ chức sự kiện, câu lạc bộ, cắm trại, tham quan, khảo sát thực địa, thực hành lao động, hoạt động thiện nguyện.

– Trường tiểu học quyết định lựa chọn những nội dung, hình thức hoạt động trong chương trình phù hợp với điều kiện của nhà trường và địa phương. Hoạt động trải nghiệm của mỗi lớp do giáo viên chủ nhiệm phụ trách, thực hiện theo kế hoạch của nhà trường. Tùy từng hoạt động cụ thể, giáo viên chủ nhiệm phối hợp với giáo viên môn học, cán bộ phụ trách Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, cha mẹ học sinh để tổ chức các hoạt động này. Giáo viên và nhà trường cũng cần báo cáo chính quyền địa phương, phối hợp với các tổ chức, cá nhân trong xã hội để hướng dẫn học sinh tham gia các hoạt động lao động công ích, thiện nguyện.

Việc thiết kế các HĐTNST cụ thể được tiến hành theo các bước sau:

Bước 1Xác định nhu cầu tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Công việc này bao gồm một số việc:

Căn cứ nhiệm vụ, mục tiêu và chương trình giáo dục, nhà giáo dục cần tiến hành khảo sát nhu cầu, điều kiện tiến hành.

Xác định rõ đối tượng thực hiện. Việc hiểu rõ đặc điểm học sinh tham gia vừa giúp nhà giáo dục thiết kế hoạt động phù hợp đặc điểm lứa tuổi, vừa giúp có các biện pháp phòng ngừa những đáng tiếc có thể xảy ra cho học sinh.

Bước 2: Đặt tên cho hoạt động

Đặt tên cho hoạt động là một việc làm cần thiết vì tên của hoạt động tự nó đã nói lên được chủ đề, mục tiêu, nội dung, hình thức của hoạt động.

Tên hoạt động cũng tạo ra được sự hấp dẫn, lôi cuốn, tạo ra được trạng thái tâm lý đầy hứng khởi và tích cực của học sinh. Vì vậy, cần có sự tìm tòi, suy nghĩ để đặt tên hoạt động sao cho phù hợp và hấp dẫn.

Việc đặt tên cho hoạt động cần phải đảm bảo các yêu cầu sau:

- Rõ ràng, chính xác, ngắn gọn.

- Phản ánh được chủ đề và nội dung của hoạt động.

- Tạo được ấn tượng ban đầu cho học sinh

Tên hoạt động đã được gợi ý trong bản kế hoạch HĐTNST, nhưng có thể tùy thuộc vào khả năng và điều kiện cụ thể của từng lớp để lựa chọn tên khác cho hoạt động.

Giáo viên cũng có thể lựa chọn các hoạt động khác ngoài hoạt động đã được gợi ý trong kế hoạch của nhà trường, nhưng phải bám sát chủ đề của hoạt động và phục vụ tốt cho việc thực hiện các mục tiêu giáo dục của một chủ đề, tránh xa rời mục tiêu.

Bước 3: Xác định mục tiêu và sản phẩm đầu ra của hoạt động trải nghiệm

Về mục tiêu, quá trình học tập trải nghiệm sáng tạo, GV luôn phải xác định rõ những gì GV cần biết, hiểu, có thể làm được sau khi hoàn thành một bài học. Xác định mục tiêu bài học giúp GV đảm bảo hướng đi đúng cho HS tập trung vào những kiến thức và kĩ năng cơ bản, cần thiết.

Làm sao các bài học là những hoạt động học tập để học sinh có thể phát huy năng lực tự học, tìm tòi, khám phá sáng tạo và còn bổ sung cho mình những kĩ năng mềm cần thiết. Điều này đảm bảo rằng GV, HS, hoạt động đánh giá, nội dung dạy học và kế hoạch dạy học được liên kết chặt chẽ trong quá trình dạy học.

Trong đổi mới phương pháp dạy học hiện nay, có hai điểm cần chú ý:

Theo lí luận dạy học Địa lí thì có 3 nhóm nhiệm vụ cần phải đạt được trong mỗi bài học đó là mục tiêu về kiến thức, kĩ năng, thái độ - hành vi. Cụ thể như sau:

Nhóm mục tiêu về kiến thức: Theo B.Bloom , trong lĩnh vực nhận thức có 6 mức độ từ đơn giản đến phức tạp: Nhận biết; thông hiểu; phân tích; áp dụng; tổng hợp.

Nhóm mục tiêu tâm - vận động: Nhóm mục tiêu này đề cập tới mức độ thành thạo của các kĩ năng như: Bắt trước; thao tác; hành động chuẩn xác; hành động phối hợp; hành động tự nhiên.

Nhóm mục tiêu cảm xúc: Nhóm mục tiêu này nói tới cảm giác, thái độ, giá trị.

Trong lĩnh vực này được phân biệt thành 5 mức độ khác nhau: Tiếp cận; đáp ứng; định giá; tổ chức; biểu thị tính cách riêng.

Ngoài ra bên cạnh việc xác định mục tiêu thông thường GV cần xác định được trong bài học GV sẽ định hướng cho HS phát triển năng lực gì để trong quá trình hoạt động GV có thể đưa HS đi đúng hướng. Bởi với xu hướng dạy học hiện đại thì mỗi bài học cần nhằm mục tiêu phát triển năng lực ở người học.

Bước 4: Xác định nội dung và phương pháp, phương tiện, hình thức của hoạt động

Mục tiêu có thể đạt được hay không phụ thuộc vào việc xác định đầy đủ và hợp lý những nội dung và hình thức của hoạt động.

Trước hết, cần căn cứ vào từng chủ đề, các mục tiêu đã xác định, các điều kiện hoàn cảnh cụ thể của lớp, của nhà trường và khả năng của học sinh để xác định các nội dung phù hợp cho các hoạt động. Cần liệt kê đẩy đủ các nội dung hoạt động phải thực hiện.

Từ nội dung, xác định cụ thể phương pháp tiến hành, xác định những phương tiện cần có để tiến hành hoạt động. Từ đó lựa chọn hình thức hoạt động tương ứng.

Có thể một hoạt động nhưng có nhiều hình thức khác nhau được thực hiện đan xen hoặc trong dó có một hình thức nào đó là chủ đạo, còn hình thức khác là phụ trợ.

Ví dụ: “Thảo luận về việc phát huy truyền thống hiếu học và tôn sư trọng đạo”. Hình thức thảo luận là chủ đạo, có thể xen kẽ hình thức văn nghệ, trò chơi hoặc đố vui.

Trong “Diễn đàn tuổi trẻ với việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc”, nên chọn hình thức báo cáo, trình bày, thuyết trình về vấn đề gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc làm chính, kết hợp với thi đàn, hát dân ca, trò chơi dân gian hoặc gặp gỡ, giao lưu với các nghệ nhân, nghệ sĩ, nhà nghiên cứu… để tăng tính đa dạng, tính hấp dẫn cho diễn đàn.

Bước 5: Lập kế hoạch

Nếu chỉ tuyên bố về các mục tiêu đã lựa chọn thì nó vẫn chỉ là những ước muốn và hy vọng, mặc dù có tính toàn, nghiên cứu kỹ lưỡng. Muốn biến các mục tiêu thành hiện thực thì phải lập kế hoạch.

Lập kế hoạch để thực hiện hệ thống mục tiêu tức là tìm các nguồn lực (nhân lực – vật lực – tài liệu) và thời gian, không gian… cần cho việc hoàn thành các mục tiêu.

Chi phí về tất cả các mặt phải được xác định. Hơn nữa phải tìm ra phương án chi phí ít nhất cho việc thực hiên mỗi một mục tiêu. Vì đạt được mục tiêu với chi phí ít nhất là để đạt được hiệu quả cai nhất trong công việc. Đó là điều mà bất kỳ người quản lý nào cũng mong muốn và cố gắng đạt được.

Tính cân đối của kế hoạch đòi hỏi giáo viên phải tìm ra đủ các nguồn lực và điều kiện để thực hiện mỗi mục tiêu. Nó cũng không cho phép tập trung các nguồn lực và điều kiện cho việc thực hiện mục tiêu này mà bỏ mục tiêu khác đã lựa chọn.

Cân đối giữa hệ thống mục tiêu với các nguồn lực và điều kiện thực hiện chúng, hay nói khác đi, cân đối giữa yêu cầu và khả năng đòi hỏi người giáo viên phải nắm vững khả năng mọi mặt, kể cả các tiềm năng có thể có, thấu hiểu từng mục tiêu và tính toán tỉ mỉ việc đầu tư cho mỗi mục tiêu theo một phương án tối ưu.

Bước 6: Thiết kế chi tiết hoạt động trên bản giấy

Trong bước này, cần phải xác định:

Có bao nhiêu việc cần phải thực hiện?

Các việc đó là gì? Nội dung của mỗi việc đó ra sao?

Tiến trình và thời gian thực hiện các việc đó như thế nào?

Các công việc cụ thể cho các tổ, nhóm, các cá nhân.

Yêu cầu cần đạt được của mỗi việc.

Bước 7: Kiểm tra, điều chỉnh và hoàn thiện chương trình hoạt động

Rõ soát, kiểm tra lại nội dung và trình tự của các việc, thời gian thực hiện cho từng việc, xem xét tính hợp lý, khả năng thực hiện và kết quả cần đạt được.

Nếu phát hiện những sai sót hoặc bất hợp lý ở khâu nào, bước nào, nội dung nào hay việc nào thì kịp thời điều chỉnh.

Cuối cùng, hoàn thiện bản thiết kế chương trình hoạt động và cụ thể hóa chương trình đó bằng căn bản. Đó là giáo án tổ chức hoạt động.

Bước 8Lưu trữ kết quả hoạt động vào hồ sơ của học sinh.

Tổ chức hoạt động học tập trải nghiệm

Mô hình học tập này gồm có 5 bước cụ thể:

     Bước 1 - Kinh nghiệm có sẵn: Kinh nghiệm có sẵn ở đây có thể được hiểu đó là kết quả của quá trình sau khi học sinh được đọc tài liệu, xem video, hay từ thực tế cuộc sống, qua một số bài học được tích lũy từ trước... được học sinh xâu kết, gợi nhớ lại biến nó thành nguyên liệu học tập. Đây là bước khởi đầu trong quá trình học tập.

     Bước 2 - Trải nghiệm cụ thể: Thông qua kinh nghiệm sẵn có người học trải nghiệm cụ thể. Học sinh sẽ là người tự định hướng cho chặng đường học tập của mình. Qua trải nghiệm cụ thể học sinh sẽ được tham gia sâu hơn và phát triển trong quá trình học tập.

     Bước 3 - Phản hồi: Phân tích đánh giá nó dưới hình thức chiêm nghiệm lại để học sinh tự đúc rút xem vấn đề đó có đúng với suy nghĩ của các em hay đúng với lí thuyết mà các em được đọc hay không

     Bước 4 - Kinh nghiệm mới: Trên cơ sở học sinh thực hiện 3 bước trên học sinh tiến hành khái niệm hóa những kinh nghiệm đã nhận được. Để từ đó tìm ra cho mình khái niệm mới. Quá trình này biến kiến thức trở nên có hệ thống và lưu giữu, khắc sâu trong bộ nhớ.

     Nhờ có bước này mà kinh nghiệm được nâng cấp phát triển lên một tầm cao mới, hữu ích hơn. Bước này được xem như là giai đoạn kiểm chứng kết luận của mình có đúng hay không.

     Bước 5 - Áp dụng giải quyết vấn đề thực tế: Sau giai đoạn khái niệm khoa học sinh đã đưa ra được một kết luận được đúc rút từ thực tiễn với những luận cứ, suy nghĩ chặt chẽ. Nhờ kết luận đó học sinh có thể đưa nó vào thực tiễn để kiểm nghiệm. Đây là bước hết sức quan trọng trong việc hình thành tri thức thực sự.

icon-date
Xuất bản : 23/12/2021 - Cập nhật : 31/12/2021