logo

Giải Tiếng Việt lớp 3 Bài 5: Ôn tập giữa học kì I

Giải Tiếng Việt lớp 3 Bài 5: Ôn tập giữa học kì I ngắn gọn, hay nhất. Trả lời câu hỏi: Ôn tập giữa học kì I (SGK trang 59, 60, 61, 62, 63, 64, 65) bộ sách mới Cánh diều.


Tiết 1 trang 59 SGK Tiếng Việt 3 tập 1

Trả lời câu hỏi trang 59 SGK Tiếng Việt 3

Câu 1:

Đánh giá kĩ năng đọc thành tiếng, học thuộc lòng: Mỗi học sinh đọc một đoạn văn, đoạn thơ khoảng 60 – 65 tiếng hoặc đọc thuộc lòng một đoạn thơ (bài thơ) đã học.  

Lời giải:

Em đọc bài thơ, đoạn văn đã chọn. 

Câu 2:

Sắp xếp các tên riêng sau đây theo thứ tự trong bảng chữ cái:

Trả lời câu hỏi Bài 5: Ôn tập giữa học kì I Tiếng Việt lớp 3 - Sách mới Cánh diều

Lời giải:

Các tên riêng theo thứ tự trong bảng chữ cái là: Chiến, Cường, Khánh, Kiên, Nam, Nga, Nghĩa, Thanh, Trung, Tùng.  


Tiết 2 trang 59, 60 SGK Tiếng Việt 3 tập 1

Trả lời câu hỏi trang 59 SGK Tiếng Việt 3

Phần I: Đánh giá kĩ năng đọc thành tiếng, học thuộc lòng.  

Lời giải:

Em chủ động luyện tập kĩ năng đọc và học thuộc.  

Phần II: Bài đọc: 

Ngày em vào Đội

Trả lời câu hỏi Bài 5: Ôn tập giữa học kì I Tiếng Việt lớp 3 - Sách mới Cánh diều (ảnh 2)

Chị đã qua tuổi Đoàn

Em hôm nay vào Đội

Màu khăn đỏ dắt em

Bước qua thời thơ dại.

 

Màu khăn tuổi thiếu niên

Suốt đời tươi thắm mãi

Như lời ru vời vợi

Chẳng bao giờ cách xa.

 

Này em, mở cửa ra

Một trời xanh vẫn đợi

Cánh buồm là tiếng gọi

Mặt biển và dòng sông.

Nắng vườn trưa mênh mông

Bướm bay như lời hát

Con tàu là đất nước

Đưa ta tới bến xa.

 

Những ngày chị đi qua

Những ngày em đang tới

Khao khát lại bắt đầu

Từ màu khăn đỏ chói. 

XUÂN QUỲNH

Phần III: Đọc hiểu: 

Trả lời câu hỏi trang 60 SGK Tiếng Việt 3

Câu 1: Bài thơ là lời của ai nói với ai, nhân dịp gì? 

Lời giải:

Bài thơ là lời của chị nói với em, nhân dịp em được kết nạp Đội.  

Câu 2: Em hiểu 2 dòng thơ “Màu khăn đỏ dắt em / Bước qua thời thơ dại.” như thế nào? Chọn ý đúng:

a) Màu đỏ của chiếc khăn quàng sẽ giúp em khôn lớn.

b) Chiếc khăn quàng đỏ sẽ giúp em bước qua thời thơ dại.

c) Lễ kết nạp Đội đánh dấu bước trưởng thành của em. 

Lời giải:

Em hiểu 2 dòng thơ “Màu khăn đỏ dắt em / Bước qua thời thơ dại.” là lễ kết nạp Đội đánh dấu bước trưởng thành của em. 

Chọn: c)

Câu 3: Tìm những hình ảnh đẹp gợi tả tương lai ở khổ thơ 3, khổ thơ 4.  

Lời giải:

Những hình ảnh đẹp gợi tả tương lai ở khổ thơ 3, khổ thơ 4 là:

- “Này em, mở cửa ra 

Một trời xanh vẫn đợi”

- “Con tàu là đất nước 

Đưa ta tới bến xa.”

Câu 4: Em hiểu 2 dòng thơ cuối bài như thế nào?  Chọn ý đúng:

a) Người chị tin là em đang có những ước mơ đẹp khi trở thành đội viên.

b) Người chị chúc em có những ước mơ đẹp khi trở thành đội viên.

c) Người chị căn dặn em thực hiện những ước mơ đẹp khi trở thành đội viên. 

Lời giải:

Em hiểu 2 dòng thơ cuối bài là người chị tin là em đang có những ước mơ đẹp khi trở thành đội viên.

Chọn đáp án: a) 

Phần IV

Câu 1: Đặt câu có từ ngữ chỉ đặc điểm để:

a) Nói về chiếc khăn quàng đỏ.

b) Nói về niềm vui của em khi trở thành đội viên. 

Lời giải:

Đặt câu có từ ngữ chỉ đặc điểm để:

a) Nói về chiếc khăn quàng đỏ:

- Màu khăn quàng đỏ thắm là màu của niềm tin, hy vọng.

- Chiếc khăn quàng đỏ thắm là người bạn đồng hành thân thiết của em.

b) Nói về niềm vui của em khi trở thành đội viên:

- Em thấy vô cùng tự hào khi được đeo chiếc khăn quàng đỏ lên vai.

- Em rất thích chiếc khăn quàng đỏ thắm này vì nó đánh dấu việc em trở thành đội viên. 

Câu 2: Em thích hình ảnh so sánh nào trong bài thơ? Vì sao? 

Lời giải:

Em thích hình ảnh so sánh “Con tàu là đất nước / Đưa ta tới bến xa”. Vì hình ảnh này chứa đầy niềm tin, hi vọng vào tương lai phía trước. 


Tiết 3 trang 61 SGK Tiếng Việt 3 tập 1

Trả lời câu hỏi trang 61 SGK Tiếng Việt 3

1. Đánh giá kĩ năng đọc thành tiếng, học thuộc lòng.

2. Chọn 1 trong 2 đề sau:

a) Viết đoạn văn kể về một tiết học em thích.

b) Viết đoạn văn kể lại một cuộc nói chuyện điện thoại của em. 

Lời giải

1. Em chủ động luyện đọc và học thuộc bài. 

2. Em dựa vào gợi ý để viết đoạn văn.

a)

Bài tham khảo 1:

Vào thứ hai tuần trước, em đã được học một tiết học rất thú vị, đó là môn Tiếng Việt của cô Ngọc Linh. Trong tiết học ngày hôm đó, cô Linh đã hướng dẫn chúng em viết bài văn về một người thân mà em yêu quý. Dưới sự hướng dẫn tận tình của cô, chẳng mấy chốc chúng em đã hoàn thành xong bài viết. Những bài văn viết về người thân của các bạn đều rất hay và cảm động. Tiết tiếng Việt của cô Ngọc Linh ngày hôm ấy là tiết học hay và ý nghĩa nhất mà em từng được học.

Bài tham khảo 2: 

Một tuần, chúng em có bốn tiết học toán. Chúng em sẽ được tìm hiểu về các số, hình học hay các phép tính cộng, trừ. Mỗi tiết học toán diễn ra đều rất vui vẻ, sôi động. Bởi cô giáo thường tổ chức các trò chơi giúp cả lớp ôn tập lại kiến thức. Những phép tính khó đã trở nên dễ hiểu hơn. Em rất thích thú khi đến tiết học toán.

b)

Bài tham khảo 1:

Sau bữa cơm, bố và em ngồi ở phòng khách xem đá bóng và ăn hoa quả. Bỗng bố quay sang hỏi em:

- Dạo này con học tốt chứ Nam?

Em vừa cười vừa vui vẻ trả lời:

- Dạ, thưa bố, con học vẫn tốt ạ, hôm qua, cô trả bài kiểm tra cuối kì con được tận 5 con điểm 10 ạ.

Bố vừa xoa đầu em vừa nói:

- Vậy thì chắc chắn, kì này Nam của bố đạt học sinh giỏi rồi?

Em nhanh nhảu đáp:

- Dạ tất nhiên rồi bố. Điểm của con đứng thứ hai lớp, chỉ sau mỗi bạn lớp trưởng thôi ạ!

Bố cười gật gù tỏ vẻ hài lòng vừa chỉ tay lên bằng khen - Huân chương lao động hạng nhất của ông nội và nói:

- Tốt lắm con trai, hai chúng ta cùng cố gắng giống ông nội con nhé. Chúng ta sẽ là những con người có ích cho xã hội.

Bài tham khảo 2:

Sau một tuần đi công tác, mẹ về nhà và mang theo rất nhiều quà. Sau khi hỏi chuyện ở nhà, mẹ đã hỏi chuyện học tập ở lớp của em:

- Tuần vừa rồi con trai của mẹ học hành thế nào?

Nghe mẹ hỏi, em liền sung sướng khoe ngay những điều mà mình đã đạt được:

- Dạ tuần vừa qua con đã rất cố gắng đó ạ. Con được ba điểm mười và hai điểm chín. Rồi còn được cô giáo tuyên dương trước lớp vì đã tiến bộ hơn nhiều đó mẹ.

- Ôi! Con trai của mẹ giỏi quá!

Mẹ vừa nói, vừa ôm chầm em vào lòng.


Tiết 4 trang 61, 62 SGK Tiếng Việt 3 tập 1

Trả lời câu hỏi trang 61 SGK Tiếng Việt 3

Câu 1:

Đánh giá kĩ năng đọc thành tiếng, học thuộc lòng. 

Lời giải:

Em chủ động hoàn thành bài tập.  

Câu 2

Nghe – viết: 

Bà mình vừa ở quê ra

Bà cho cả bưởi, cả na đi cùng

Áo bà xe cọ lấm lưng

Bưởi na bà bế bà bồng trên tay.

Đường ra tỉnh rất là dài

Qua một cái núi với hai cái cầu

Rồi bao nhiêu mái nhà cao

Bao nhiêu phố nữa, với bao nhiêu đường...

Đón bà, nhà rộn mùi hương

Theo bà có cả cây vườn quê xa. 

PHAN QUÊ

Lời giải:

Em thực hiện viết bài vào vở. 

Trả lời câu hỏi trang 62 SGK Tiếng Việt 3

Câu 3:

Xếp các từ ngữ dưới đây vào nhóm thích hợp:

Trả lời câu hỏi Bài 5: Ôn tập giữa học kì I Tiếng Việt lớp 3 - Sách mới Cánh diều (ảnh 3)

Lời giải:

- Sự vật: núi, cầu, bưởi, xe, áo.

- Hoạt động: bồng, bế, đi, đón. 

- Đặc điểm: rộn, cao, lấm.

Câu 4:

Đặt câu với một từ chỉ sự vật (hoặc chỉ hoạt động, đặc điểm) em vừa tìm được.  

Lời giải:

- Trên núi có rất nhiều cây và không khí trong lành

- Hồi bé mẹ thường bế em đi chơi quanh xóm

- Tòa nhà cao nhất chỗ em là khách sạn Mường Thanh 


Tiết 5 trang 62 SGK Tiếng Việt 3 tập 1

Trả lời câu hỏi trang 62 SGK Tiếng Việt 3

Câu 1:

Đánh giá kĩ năng đọc thành tiếng, học thuộc lòng.  

Lời giải:

Em chủ động hoàn thành bài tập.  

Câu 2:

Nghe và kể lại câu chuyện:

CON YÊU MẸ

Trả lời câu hỏi Bài 5: Ôn tập giữa học kì I Tiếng Việt lớp 3 - Sách mới Cánh diều (ảnh 4)

Gợi ý:

a) Cô con gái 8 tuổi lo lắng về điều gì?

b) Người mẹ trách con trai như thế nào?

c) Điều gì đã làm người mẹ cảm động và ân hận?

d) Người mẹ đã làm gì với tờ giấy dán tường có bức vẽ của con? 

Lời giải:

CON YÊU MẸ

Người mẹ mệt mỏi trở về từ cửa hàng sau một ngày làm việc dài đăng đẵng, kéo lê túi hàng trên sàn bếp. Đang chờ bà là đứa con trai tên David lên 8 tuổi, đang lo lắng kể lại những gì mà em nó đã làm ở nhà: “… lúc con đang chơi ngoài sân còn bố đang gọi điện thoại thì Tom lấy bút chì màu viết lên tường, lên chính tờ giấy dán tường mới mà mẹ dán trong phòng làm việc ấy! Con đã nói với nó là mẹ sẽ bực mình mà!”.

Người mẹ than thở rồi nhướng lông mày: “Bây giờ nó đâu?”. Thế rồi bà bỏ hết hàng ở đó, sải bước vào phòng của đứa con trai nhỏ, nơi nó đang trốn. Bà gọi cả tên họ của đứa bé, mà ở các nước phương Tây, khi gọi cả tên lẫn họ như thế này là thường thể hiện sự tức giận. Khi bà bước vào phòng, đứa bé run lên vì sợ, nó biết sắp có chuyện gì ghê gớm lắm. Trong 10 phút, người mẹ nguyền rủa con, là bà đã phải tiết kiệm thế nào và tờ giấy dán tường đắt ra sao! Sau khi rên rỉ về những việc phải làm để sửa lại tờ giấy, người mẹ kết tội đứa con là thiếu quan tâm đến người khác. Càng mắng mỏ con, bà càng thấy bực mình, cuối cùng bà ra khỏi phòng con, cảm thấy cáu đến phát điên!

Người mẹ chạy vào phòng làm việc để xác minh nỗi lo lắng của mình. Nhưng khi nhìn bức tường, đôi mắt bà tràn ngập nước mắt. Những gì bà đọc được như một mũi tên xuyên qua tâm hồn người mẹ. Dòng chữ viết: “Con yêu mẹ” được viền bằng một trái tim!

Và giờ đây bao thời gian trôi qua, tờ giấy dán tường vẫn ở đó, y như lúc người mẹ nhìn thấy, với một cái khung ảnh rỗng treo để bao bọc lấy nó. Đó là một sự nhắc nhở đối với người mẹ, và với tất cả mọi người: Hãy bỏ một chút thời gian để đọc những dòng chữ viết trên tường!

- Em dựa vào gợi ý để kể lại câu chuyện. 


Tiết 6 trang 63, 64, 65 SGK Tiếng Việt 3 tập 1

Phần I: Bài đọc: 

Ba anh em

Trả lời câu hỏi Bài 5: Ôn tập giữa học kì I Tiếng Việt lớp 3 - Sách mới Cánh diều (ảnh 5)

Xưa, có ba anh em sống với nhau rất hòa thuận. Đến khi họ có gia đình riêng thì tình cảm anh em không còn được như trước nữa.

Cha mẹ già lần lượt qua đời. Mấy anh em chia của cải cha mẹ để lại ra làm ba phần đều nhau. Chỉ còn một cây cổ thụ trong vườn, cành lá xum xuê. Một người em nhất quyết đòi chia nốt. Mấy anh em gọi thợ về chặt cây để xẻ thành ván rồi chia.

Đến hôm định hạ cây xuống, ba anh em ra vườn thì thấy cây cổ thụ đã khô héo tự bao giờ. Người anh cả bèn ôm cây mà khóc. Hai người em thấy vậy, bảo:

- Một thân cây khô héo đáng giá bao nhiêu mà anh phải thương tiếc thế?

Người anh đáp:

- Anh không khóc vì tiếc cái cây. Nhưng anh buồn vì cỏ cây biết sắp phải chia lìa còn khô héo, huống chi anh em ta là ruột thịt. Anh nhìn cây nghĩ đến tình anh em nên mới khóc.

Nghe anh nói, hai người em cùng òa khóc. Từ đó, gia đình ba anh em lại sống với nhau êm ấm như xưa. Cây cổ thụ đã khô héo cũng xanh tươi trở lại. 

Truyện dân gian Trung Quốc

Phần II: Đọc hiểu: 

Trả lời câu hỏi trang 64 SGK Tiếng Việt 3

Câu 1: Đánh dấu tích vào ô trống trước ý đúng:

a) Đoạn 1 câu chuyện cho biết ba anh em sống với nhau thế nào?

- Trước kia hòa thuận, về sau không được như trước nữa.

- Trước sau đều không hòa thuận với nhau.

- Trước sau đều hòa thuận, không có gì thay đổi.

b) Vì sao ba anh em định chặt cây cổ thụ để chia nhau?

- Vì cây cổ thụ đã khô héo.

- Vì cả ba anh em đều cần có gỗ.

- Vì một người em nhất quyết đòi chia.

c) Chuyện gì xảy ra khi mấy anh em chuẩn bị hạ cây cổ thụ?

- Cây cổ thụ xum xuê khác thường.

- Cây cổ thụ bỗng nhiên khô héo.

- Cây cổ thụ xanh tươi hơn trước.

d) Vì sao người anh cả ôm cây mà khóc?

- Vì ông nhìn cây mà buồn về chuyện anh em không hòa thuận.

- Vì ông không muốn chia cái cây cho hai người em.

- Vì ông không muốn chia của cải cha mẹ để lại.

e) Chi tiết cây cổ thụ xanh tươi trở lại thể hiện điều gì?

- Cây cổ thụ vui vì nó đã khỏi bệnh.

- Cây cổ thụ vui vì nó mọc cành lá xum xuê.

- Cây cổ thụ vui vì ba anh em lại hòa thuận như xưa. 

Lời giải:

a) Đoạn 1 câu chuyện cho biết ba anh em sống với nhau thế nào?

- Trước kia hòa thuận, về sau không được như trước nữa.

b) Vì sao ba anh em định chặt cây cổ thụ để chia nhau?

- Vì một người em nhất quyết đòi chia.

c) Chuyện gì xảy ra khi mấy anh em chuẩn bị hạ cây cổ thụ?

- Cây cổ thụ bỗng nhiên khô héo.

d) Vì sao người anh cả ôm cây mà khóc?

- Vì ông nhìn cây mà buồn về chuyện anh em không hòa thuận.

e) Chi tiết cây cổ thụ xanh tươi trở lại thể hiện điều gì?

- Cây cổ thụ vui vì ba anh em lại hòa thuận như xưa. 

Trả lời câu hỏi trang 65 SGK Tiếng Việt 3

Câu 2: Tìm trong bài đọc:

a) Một từ có nghĩa giống hòa thuận.

b) Một từ có nghĩa trái ngược với khô héo. 

Lời giải:

a) Một từ có nghĩa giống hòa thuận: êm ấm, êm đềm.

b) Một từ có nghĩa trái ngược với khô héo: xanh tươi, xum xuê, tươi tốt. 

Câu 3: Đặt câu với một từ em vừa tìm được.  

Lời giải:

Cuộc sống êm đềm cứ dần dần trôi

Vườn rau do bà em chăm sóc lúc nào cũng tươi tốt


Tiết 7 trang 66 SGK Tiếng Việt 3 tập 1

Trả lời câu hỏi trang 66 SGK Tiếng Việt 3

Câu 1:

Viết đoạn văn kể về một sự việc hoặc hoạt động mà em được chứng kiến hoặc tham gia ở trường. 

Lời giải:

Bài tham khảo 1:

Cuối tuần vừa rồi, em đã được tham gia vệ sinh khu phố. Hoạt động lần này có bác tổ trưởng tổ dân phố, các anh chị tình nguyện và các bạn học sinh chúng em cùng thực hiện. Bác tổ trưởng tổ dân phố đứng ra tập trung rồi phân công công việc cho mọi người. Các anh chị lớn làm những việc nặng như thu góp rác, dọn dẹp rác thải, đồ cũ. Học sinh chúng em thì làm những việc nhẹ như quét dọn đường phố, tưới cây xanh. Mọi người đều rất hăng say và nhiệt tình với công việc được giao. Em rất vui vì được góp một phần nhỏ bé làm cho khu phố xanh – sạch – đẹp hơn.

Bài tham khảo 2:

Buổi sáng, lúc cùng mẹ đi chợ, em đã được chứng kiến một hành động rất đẹp. Lúc ấy, có hai chiếc xe đạp chở khá nhiều đồ đạc va vào nhau trước cổng chợ, khiến đồ đạc rớt xuống. Tuy nhiên, hai người đó lại không hề cãi nhau, mà liên tục xin lỗi và hỏi thăm đối phương. Sau đó, họ liền vội vàng sắp xếp lại đồ đạc lên xe cùng sự giúp đỡ của những người xung quanh. Sự việc ấy khiến em rất vui và hạnh phúc bởi vì tình người ấm áp vẫn luôn hiện diện ở xung quanh mình.

Câu 2:

Viết đoạn văn kể về một kỉ niệm đáng nhớ của em với một người thân trong gia đình.  

Trả lời câu hỏi Bài 5: Ôn tập giữa học kì I Tiếng Việt lớp 3 - Sách mới Cánh diều (ảnh 6)

Lời giải:

Bài tham khảo 1:

Ngày còn bé, em thường theo anh hai trốn ngủ trưa để ra sau hè chơi. Sau hè nhà em là một dòng sông tươi mát, với hàng dừa đứng soi mình xuống mặt nước. Những trưa hè nóng nực, chờ bố mẹ ngủ say, em và anh sẽ cùng nhau ra đó để tắm mát. Chúng em lội từng bước xuống sông để cảm nhận rõ cái sự mát rượi của làn nước, rồi mới ngụp lặn hết cả cơ thể xuống dòng sông. Cảm giác tự do vẫy vùng dưới làn nước trong xanh ấy dù là bãi biển đẹp đến thế nào cũng không mang lại được. Tắm mát xong, chúng em cùng nhau lên bờ, nằm dưới bóng mát của cây dừa, thủ thỉ tâm sự cùng nhau. Những cơn gió trưa mát rượi thổi từ sông lên, vỗ về đưa chúng em vào giấc ngủ. Để buổi chiều tỉnh dậy, chúng em lại tíu tít vui chơi dưới dòng sông yêu quý.

Bài tham khảo 2:

Trong gia đình mình, có lẽ người gắn nhất chính là ông nội của tôi. Năm nay, ông đã ngoài bảy mươi tuổi. Nhưng ông vẫn còn rất khỏe mạnh và minh mẫn. Ông rất yêu thích công việc trồng cây nên khu vườn nhà tôi luôn xanh tốt quanh năm. Những cây ăn quả đã cho trái ngọt không biết bao nhiêu mùa. Cứ mỗi buổi chiều, ông lại ra vườn để chăm sóc cây cối. Lúc đó, tôi lại chạy theo ông, đòi được giúp ông tưới tắm cho cây cối trong vườn. Ông đã dạy tôi phải chăm chút chúng một cách nâng niu, cẩn thận. Mỗi loài cây trong vườn đã trở thành người bạn của tôi. Cây ổi cho tôi leo trèo cùng lũ bạn trong xóm. Cây cam cho trái thơm ngọt ngào. Những khóm hoa: đồng tiền, cẩm tú cầu, mười giờ... giúp tôi cảm thấy thư giãn sau một ngày học tập mệt mỏi. Có thể nói, nhờ có ông mà tôi đã trở thành “người làm vườn tài ba”. Không chỉ vậy, tôi còn được nghe ông kể rất nhiều câu chuyện hay về cuộc sống. Đó là những bài học bổ ích giúp tôi sống tốt hơn mỗi ngày. Tôi rất yêu ông nội của mình. Tôi mong ông sẽ thật khỏe mạnh để sống cùng gia đình tôi thật lâu.

>>> Xem toàn bộ: Giải Tiếng Việt lớp 3 Cánh diều

-----------------------------

Trên đây Top lời giải đã cùng các bạn Giải Tiếng Việt lớp 3 Bài 5: Ôn tập giữa học kì I trong bộ SGK Cánh diều theo chương trình sách mới. Chúng tôi hi vọng các bạn đã có kiến thức hữu ích khi đọc bài viết này. Top lời giải đã có đầy đủ các bài soạn cho các môn học trong các bộ sách mới Kết nối tri thức, Chân trời sáng tạo, Cánh diều. Mời các bạn hãy click ngay vào trang chủ Top lời giải để tham khảo và chuẩn bị bài cho năm học mới nhé. Chúc các bạn học tốt!

icon-date
Xuất bản : 04/07/2022 - Cập nhật : 23/07/2022