logo

Giải thích Sách mở ra trước mắt tôi những chân trời mới

Tuyển chọn những bài văn hay chủ đề Giải thích Sách mở ra trước mắt tôi những chân trời mới. Các bài văn mẫu được biên soạn, tổng hợp chi tiết, đầy đủ từ các bài viết hay, xuất sắc nhất của các bạn học sinh trên cả nước. Mời các em cùng tham khảo nhé! 


Dàn ý Giải thích Sách mở ra trước mắt tôi những chân trời mới

a. Mở bài

Dẫn dắt, giới thiệu câu nói của M. Goóc-ki: “Sách mở ra trước mắt tôi những chân trời mới”.

b. Thân bài

* Giải thích:

- Sách chứa đựng tri thức loài người, được chọn lọc, tích lũy từ ngàn xưa, là công cụ truyền lưu văn hóa nhân loại.

- Sách mở rộng những chân trời mới:

+ Mở rộng hiểu biết về thế giới tự nhiên và vũ trụ.

+ Mở rộng hiểu biết về loài người, các dân tộc xa lạ: đời sống vật chất, tinh thần, tình cảm, văn hóa của họ.

+ Rèn luyện nhân cách, nuôi dưỡng khát vọng, ước mơ của ta.

* Cách chọn sách và đọc sách:

- Chọn sách tốt, sách tốt giúp ta

+ Nhận thức đúng sự vật, sự việc, con người.

+ Hành động đúng và tiến bộ.

+ Nâng cao phẩm chất đạo đức, làm phong phú đời sống tinh thần.

- Loại bỏ sách xấu, vì sách xấu

+ Bóp méo sự thật, xuyên tạc lịch sử.

+ Khích động những thị dục thấp hèn.

+ Thúc đẩy những hành vi sai trái, hành động vô đạo đức.

(Nêu dẫn chứng cụ thể)

- Cách đọc sách:

+ Chọn thời gian và nơi đọc thích hợp.

+ Chọn lọc, tiếp thu những tri thức tốt, bổ sung kiến thức bản thân.

(Nêu dẫn chứng cụ thể)

c. Kết bài

– Tóm lược những chân trời mới mà sách có thể mở rộng cho ta.

– Sách gắn liền với nền văn minh của nhân loại.

Giải thích Sách mở ra trước mắt tôi những chân trời mới ngắn gọn nhất

Giải thích Sách mở ra trước mắt tôi những chân trời mới - Bài mẫu 1

M. Gorki từng nhận định: “Sách mở ra trước mắt tôi những chân trời mới”. Qua đó, mỗi người hiểu được tầm quan trọng của sách đối với đời sống nhân loại.

Đầu tiên “sách” là một dạng văn bản được in ra thành quyển chứa đựng một khối lượng thông tin, kiến thức đã được đúc kết qua nghiên cứu, kinh nghiệm của các tác giả. “Những chân trời mới” là hình ảnh mang tính biểu tượng, ý chỉ nguồn tri thức mới. Cách nói “sách mở rộng những chân trời mới” có nghĩa là sách giúp mở rộng hiểu biết của con người, khám phá ra những tri thức mới mẻ.

Lưu giữ toàn bộ kiến thức của nhân loại, sách giúp con người mở mang tri thức. Có rất nhiều loại sách khác nhau như sách khoa học, sách nghệ thuật, sách đời sống… Từ đó, chúng ta có thể lựa chọn ra những lĩnh vực cần tìm hiểu, khám phá để. Khi đọc một cuốn sách, bạn đọc giống như đang được đi du lịch miễn phí đến những miền đất xa xôi, hay ra ngoài vũ trụ kì bí. Thậm chí, chúng ta còn có thể xuyên không để trở về quá khứ hay bước vào thế giới viễn tưởng để hình dung về cuộc sống trong tương lai. Những cuốn sách giúp kết nối các thời đại với nhau. Bộ tiểu thuyết “Tấn trò đời” của nhà văn Balzac đã khắc họa hiện thực xã hội nước Pháp nửa đầu thế kỷ XIX một cách chân thực và sống động. Có người đã nhận xét về tác phẩm này “một trong những công trình bát ngát mênh mông nhất mà một con người dám đơn độc cấu tứ”. Thế giới mà sách mang lại luôn mới mẻ, thú vị.

“Chân trời mới” không chỉ dừng lại ở kiến thức, kĩ năng. Harvey MacKay nói rằng: “Cuộc đời ta thay đổi theo hai cách: qua những người ta gặp và qua những cuốn sách ta đọc”. Một cuốn sách hay giúp tích lũy cho mình một nguồn kiến thức mới, một bài học mới, một lối tư duy khác. Chúng ta cũng sẽ khám phá ra nhiều điều mới lạ mà trước đây chưa từng thấy, hoặc thấy rồi nhưng sẽ theo một chiều hướng khác, tích cực hơn. Ngoài ra, sách cũng giúp mọi người xác định được cho mình những mục tiêu, gây dựng những ước mơ tốt đẹp để có thêm động lực trong cuộc sống.

Hiểu được tầm quan trọng của sách, chúng ta cần có phương pháp đọc sách đúng đắn. Lựa chọn sách phù hợp với nhu cầu và mục đích của bản thân. Đọc sách không nên quá quan trọng việc mình đã đọc được bao nhiêu cuốn, đó là nhiều hay ít. Mà quan trọng nhất là khi đọc sách cần vừa đọc, vừa ngẫm nghĩ để hiểu được nội dung cuốn sách đó một cách sâu sắc nhất. Cần tránh xa những cuốn sách có nội dung xấu, gây ảnh hưởng tiêu cực đến bản thân.

Như vậy, nhận xét của M. Goóc-ki là hoàn toàn đúng đắn, giúp mỗi người hiểu ra giá trị tốt đẹp sau mỗi cuốn sách.


Giải thích Sách mở ra trước mắt tôi những chân trời mới - Bài mẫu 2

Đã từ lâu, sách luôn là một món ăn tinh thần không thể thiếu được trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Sách luôn là một kho tàng huyền bí kích thích sự tò mò của biết bao người. Nó càng bí ẩn bao nhiêu thì càng gợi sự say mê của con người bấy nhiêu. Nếu chúng ta không thể sống thiếu bạn thì ta cũng không thể không thiếu sách được. Sách là chiếc chìa khóa mở mang tầm hiểu biết và làm đẹp cuộc đời. Cho nên khi nhận định về giá trị của sách, nhà văn M.Gorki có viết: "Sách mở ra trước mắt tôi những chân trời mới".

Sự thật sách có giá trị to lớn và kì diệu như thế nào?

Trong đời sống hằng ngày, nếu như không có sách báo để mọi người giải trí sau những giờ phút căng thẳng làm việc, không có một nguồn thông tin nào để mọi người theo dõi những diễn biến trong nước và ở nước ngoài, cũng như không tiếp nhận được một kiến thức mới lạ nào... thử hỏi cuộc sống, xã hội đó sẽ ra sao? Do vậy, chính nhờ có sách báo mà đời sống con người thoải mái hơn, tầm hiểu biết được mở rộng, nâng cao hơn. Sách bao giờ cũng mang đến cho chúng ta nhiều điều mới mẻ. Sách có nhiều loại, mang nhiều đề tài khác nhau. Do đó, nó giúp cho ta có nhiều kiến thức ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Đến với sách, chúng ta không chỉ biết được việc xảy ra trên quả đất, những sự kiện của thời nay mà ta còn biết được cả những việc đã xảy ra từ thời xa xưa hoặc những vấn đề liên quan ở trên cung trăng hoặc ở sâu dưới đáy đại dương. Xem truyện cổ tích, ta biết được cuộc sống, ước mơ của cha ông thuở trước. Sách lịch sử giúp ta hình dung những trận ác chiến của quân thù, những thời vàng son rực rỡ qua các triều đại. Sách còn giới thiệu với ta những kinh nghiệm, những thành tựu về khoa học. nông nghiệp, công nghiệp và cả về chính trị nữa. Ngoài ra, sách còn là hướng dẫn viên đưa ta đến những danh lam thắng cảnh, những kì quan trên thế giới. Tất cả những điều trên là "chân trời mới" như lời nhận định của nhà văn. Sách còn dạy cho ta biết được bao điều hay lẽ phải trong cuộc đời, giúp ta sống ngày một hoàn thiện hơn về nhân phẩm, đạo đức của con người. Cho nên, ta có thể nói rằng, sách là bạn thân vô cùng hữu ích, mang lại niềm tin yêu, vui vẻ đến cho ta. Sách không những giúp ta mở mang kiến thức, mở rộng tầm nhìn mà còn mang lại nguồn hạnh phúc, sự thanh thản cho tâm hồn. Sách vừa là người bạn vừa là người thầy luôn có mặt trong cuộc sống của ta. Do đó, lời nhân định trên của M.Gorki là một nhận định đúng đắn.

Giải thích Sách mở ra trước mắt tôi những chân trời mới ngắn gọn nhất (ảnh 2)

Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phân biệt loại sách tốt và loại sách xấu. Bởi lẽ hiện nay trên thị trường bày bán rất nhiều sách mà không phải bất cứ loại sách nào cũng là bạn hiền, bạn tôi cho con người đâu. Nếu sách tốt thì nó góp phần giáo dục ta biết sống nhân ái, biết vươn tới cái đẹp. Còn sách xấu thì nó sẽ làm đen tối tâm hồn của tuổi trẻ, biến thanh thiếu niên thành những kẻ xấu xa, đồi trụy...Vì vậy ta cần phải biết chọn sách phù hợp với lứa tuổi của mình. Đọc sách vừa là để giải trí lành mạnh, vừa là cách tự học, tự bồi dưỡng kiến thức cho mình.

Xét cho cùng, câu nói của M.Gorki "Sách mở rộng ra trước mắt tôi những chân trời mới" hàm chứa một ý nghĩa phong phú và cũng là một lời khuyên vô cùng quý giá.


Giải thích Sách mở ra trước mắt tôi những chân trời mới - Bài mẫu 3

Sách từ lâu đã được biết đến là một người bạn đồng hành tin cậy trong cuộc sống của con người. Bàn về vai trò to lớn của sách trong đời người, M. Gorki từng nói: “Sách mở ra trước mắt tôi những chân trời mới”.

“Sách” là nguồn tri thức tập trung tri thức phục vụ đời sống con người. Còn “chân trời mới” – ẩn dụ chỉ những khoảng tri thức mới, điều mới mẻ, tốt đẹp, những hiểu biết mang tính sâu rộng hơn. “Sách mở ra trước mắt tôi những chân trời mới” có nghĩa là đối với M. Goóc-ki mà nói, sách chính là công cụ giúp ông có thêm những hiểu biết mới về thế giới. Nhờ sách, M. Goóc-ki nhìn nhận được những điều mới mẻ trong cuộc đời. Điều ấy có lẽ không phải chỉ đúng với riêng ông mà đúng với tất cả mọi người trong xã hội.

Trong cuộc sống của mình, con người luôn luôn có ý thức học tập, tìm hiểu khám phá thế giới tự nhiên và xã hội. Những kinh nghiệm, suy nghĩ của con người được ghi chép, lưu giữ lại để truyền cho muôn đời con cháu mai sau. Và vì vậy, sách trở thành một con đường quan trọng để con người đến với tri thức. Con người lưu lại vào sách những suy nghĩ tâm tư, tình cảm của mình về những vấn đề trong cuộc sống… Tuỳ vào loại tri thức con người lưu giữ mà sách có nhiều loại: sách khoa học, sách nghệ thuật, sách đời sống, …

Do những điều trên mà khi con người đọc sách, sách sẽ cung cấp tri thức cho con người, con người biết được mọi chuyện Đông, Tây, kim cổ, trên vũ trụ xa vời hay dưới lòng đất thẳm sâu. Đến với sách, ta sẽ được “du lịch miễn phí” đến những quốc gia xa xôi, bay đến những vì sao, thám hiểm trong lòng biển. Không chỉ thế, ta còn có thể ngược dòng lịch sử trở về quá khứ thậm chí bay vào thế giới viễn tưởng để hình dung về cuộc sống trong tương lai. Kì diệu hơn, ta còn có thể thâm nhập vào thế giới vi mô của sự vật hiện tượng để biết về nguồn gốc chung của cả vũ trụ…

Thực tế sẽ chứng minh vì sao sách lại “mở ra trước mắt” con người “những chân trời mới”. Như mọi người đều biết, sách là nơi lưu trữ những tri thức, những thành tựu của con người có được trong quá khứ. Và mục đích người ta ghi lại bằng sách, là để thế hệ sau có thể học hỏi, nghiên cứu, khám phá. Chính bởi vậy, có thể nói, sách cung cấp cho con người những hiểu biết trên tất cả các lĩnh vực. Thông qua bất kì một quyển sách nào, chúng ta ít nhất cũng sẽ thu nhận được một điều mới mẻ nào đó. Từ cội nguồn của sách, bao nhiêu ý tưởng thú vị mang ý nghĩa đã ra đời… Con người từ một đứa trẻ ngây thơ vừa mới chập chững bước vào lớp 1, để trở thành một người chững chạc và hiểu biết khi học hết lớp 12, đều nhờ một phần không nhỏ ở việc chúng ta được học các kiến thức trong sách vở hằng ngày. Những cuốn sách khoa học tự nhiên cung cấp cho con người kiến thức chuyên ngành. Những cuốn sách lịch sử lưu giữ, mở ra trước mắt ta “chân trời” quá khứ dân tộc, để ta hiểu và tự hào. Sách thiên văn học giúp ta tìm hiểu về vũ trụ, sách kĩ năng mở ra cho con người những hiểu biết về các kỹ năng mềm trong xã hội. Sách địa lí mở ra cho chúng ta hiểu biết về các địa điểm nổi tiếng thế giới mà không nhất thiết phải đến tận nơi, sách ẩm thực mở ra “chân trời” các món ăn…Đến với những cuốn sách văn học, ta lại có dịp được nhìn ra một “chân trời mới” ngay trong chính bản thân mình, đó là chân trời của tâm hồn, của cái đẹp… Còn rất nhiều những “chân trời mới” mà mỗi cuốn sách khác nhau đang sẵn sàng mở ra trước mắt con người, chỉ cần con người có khát khao khám phá.

Mỗi trang sách không những chứa đựng những thông tin mà qua đó sách còn giúp con người giao lưu với thế giới bên ngoài. Khi đọc sách, người đọc cũng bộc lộ những cảm xúc, suy nghĩ của mình. Nếu Hoài Thanh viết trong “Ý nghĩa văn chương”: “Văn chương gây cho ta những tình cảm ta không có, luyện những tình cảm sẵn có…”, thì ta cũng có thể nói rằng: sách đã cho ta những tình cảm ta chưa có, còn bồi đắp cho ta những tình cảm ta sẵn có. Khi đọc sách sử, người ta có thể thêm yêu nước, thêm yêu đồng loại. Sách có thể cho ta một cách sống thế nào cho ý nghĩa mà có thể trường học, đường đời chưa dạy ta. Đó là những triết lý cuộc sống mà chúng ta tìm được khi đọc một câu chuyện, một lời tâm sự trên trang sách. Khi đọc sách ta có thể nhận ra cuộc sống muôn màu muôn vẻ, và chứa trong đó nhiều giá trị cao đẹp, giúp ta nhìn nhận chính mình cũng như người xung quanh chính xác hơn.

Như vậy, trong câu nói của nhà văn Nga, “chân trời mới” có thể được hiểu là những chân trời tri thức mới, những chân trời cảm xúc mới. Tất cả đã giúp con người đẹp thêm, có văn hóa hơn, nhân ái hơn…

Vậy nên, để sách thực sự có thể mở ra trước mắt ta những chân trời mới, mỗi người cần thực sự hiểu và trân trọng giá trị của sách vở. Phải lựa chọn cho mình những cuốn sách thực sự cần thiết và bổ ích, đặc biệt phù hợp với hoàn cảnh, công việc của bản thân. Ngoài ra, cũng nên đọc thêm các loại sách bổ trợ kĩ năng và sách có thể giúp chúng ta có thêm hiểu biết về xã hội. Đọc sách không được đọc qua loa mà phải đọc thật kĩ, kết hợp vừa đọc vừa suy ngẫm, bởi đọc sách mà vô tội vạ, đọc qua loa sẽ chẳng đọng lại được điều gì, thế thì chân trời mới mãi vẫn chỉ là “chân trời mới”. Trong quá trình đọc sách, đặc biệt cần vận dụng linh hoạt những gì trong sách, không nên rập khuôn sáo rỗng, có như thế khả năng tư duy của bản thân mới được mở rộng và giới hạn của bản thân mới được khám phá.

Tựu trung lại, sách “mở ra” trước mắt con người “những chân trời mới”, có nghĩa là “sách” là một cánh cửa để “mở ra” “chân trời”, còn khám phá “chân trời” ấy theo cách nào là việc của mỗi chúng ta. Điều quan trọng là phải nỗ lực biến “chân trời mới” trong mỗi cuốn sách trở nên quen thuộc hơn. Khi đó, con người thực sự sẽ nâng thêm một bậc vốn hiểu biết của mình. Câu nói của văn hào M. Goóc-ki vẫn luôn mang giá trị thời đại sâu sắc.

---/---

Như vậy Top lời giải đã trình bày xong bài văn mẫu Giải thích Sách mở ra trước mắt tôi những chân trời mới. Hy vọng sẽ giúp ích các em trong quá trình làm bài. Chúc các em học tốt môn Văn!

icon-date
Xuất bản : 12/05/2022 - Cập nhật : 30/11/2022