Câu hỏi: Em có được những hiểu biết gì về phong tục thờ cúng tổ tiên của cư dân Vân lang, Âu lạc
Trả lời:
Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên (hay còn được gọi là đạo ông bà).
Là tục lệ thờ cúng tổ tiên đã qua đời của nhiều dân tộc châu Á, đặc biệt phát triển trong văn hóa Việt Nam, văn hóa Trung Hoa, văn hóa Triều Tiên và Văn hóa Đông Nam Á. Đối với người Việt, phong tục thờ cúng tổ tiên trở thành một thứ tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Nhiều người Việt Nam, ngoài tôn giáo của mình thường thờ cúng cả tổ tiên. Đại đa số các gia đình đều có bàn thờ tổ tiên trong nhà, ít nhất là có treo di ảnh một cách trang trọng, nhưng không phải là một tôn giáo mà là do lòng thành kính của người Việt đối với cha mẹ, ông bà, cụ kỵ. Đây là một tín ngưỡng rất quan trọng và gần như không thể thiếu trong phong tục Việt Nam.
Tổ tiên theo quan niệm của người Việt Nam, trước hết là những người cùng huyết thống, như cha, mẹ, ông, bà, cụ, kỵ v.v… là người đã sinh ra mình. Tổ tiên cũng là những người có công tạo dựng nên cuộc sống hiện tại như các vị “Thành hoàng làng” các “Nghệ tổ”. Không chỉ thế, tổ tiên còn là những người có công bảo vệ làng xóm, quê hương, đất nước khỏi nạn ngoại xâm như Trần Hưng Đạo đã thành “Cha” được tổ chức cúng, giỗ vào tháng 8 âm lịch hàng năm. “Tháng 8 giỗ cha” ở rất nhiều nơi trong cộng đồng người Việt. Ngay cả “Thành hoàng” của nhiều làng cũng không phải là người đã có công tạo dựng nên làng, mà có khi là người có công, có đức với nước được các cụ xa xưa tôn thờ làm “thành hoàng”. Tổ tiên trong tín ngưỡng của người Việt Nam còn là “Mẹ Âu Cơ”, còn là “Vua Hùng”, là người sinh ra các dân tộc trong đại gia đình Việt Nam.
Ngoài lí do tin vào những người đã khuất, ý thức tôn trọng cội nguồn và đức tính hiếu thảo của người Việt cũng là cơ sở quan trọng hình thành nên tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Con cháu bày tỏ lòng biết ơn đối với các bậc sinh thành, lúc họ đã chết cũng như khi còn sống đồng thời cũng thể hiện trách nhiệm liên tục và lâu dài của con cháu đối với nhu cầu của tổ tiên. Trách nhiệm được biểu hiện không chỉ trong các hành vi sống (giữ gìn danh dự và tiếp tục truyền thống của gia đình, dòng họ, đất nước) mà còn ở trong các hành vi cúng tế cụ thể. Từ đó, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên dần được hình thành.
Người phương Đông vốn có thói quen tâm lý duy tình nhưng biểu hiện này ở người Việt càng trở nên sâu sắc hơn. Con người vừa chịu quan niệm “sống vì mồ mả, ai sống vì bát cơm” mong được nhận “phúc ấm của tổ tiên” nhưng lại lo trách nhiệm để phúc cho con cháu “đời cha ăn mặn đời con khát nước”. Bởi vậy mà khi cúng lễ tổ tiên, một mặt con người hướng về quá khứ, định hướng cho hiện tại (giáo dục truyền thống gia đình, đạo lý làm người cho con cháu) và mặt khác đã chuẩn bị cho tương lai.
Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên có nội dung bình dị và giàu tính thực tiễn, không cực đoan như nhiều tôn giáo khác. Bằng việc thờ cúng tổ tiên, thế hệ trước nêu gương cho thế hệ sau không chỉ vì trách nhiệm đối với các bậc sinh thành mà còn để giáo dục dạy dỗ con cháu lưu truyền nòi giống. Trong khi tế lễ, lời khấn vái của họ cũng thật giản dị, rất thực tiễn: lời cầu xin che chở, phù trợ cho cuộc sống hàng ngày của họ được bình yên, suôn sẻ. Không biết sự cầu xin ấy hiệu quả như thế nào, nhưng trước hết, con người cảm thấy thanh thản về mặt tâm linh, điểm tựa tinh thần quan trọng cho cuộc sống. Do đó, khả năng phổ biến trong không gian và thời gian của tín ngưỡng này cũng là một điều dễ hiểu.
Phong tục thờ cúng tổ tiên không phải là một thứ tôn giáo dựa vào bảy căn cứ dưới đây:
Thứ nhất: Một tôn giáo nói chung phải có tính nhân loại, không có tính Tổ quốc. Tức là không có biên giới cho sự tồn tại. Quyền uy của Giáo hoàng vì thế rất lớn, nhiều khi át cả chính quyền nhà nước.
Ở Việt Nam thì khác, tôn giáo nào vào Việt Nam cũng phải đứng hàng thứ hai sau việc yêu nước. Thế nên bây giờ chúng ta vẫn có khẩu hiệu: Kính chúa yêu nước ở các nơi trong nhà thờ hay lời căn dặn của các giám mục.
Thứ hai: Tôn giáo lấy kiếp sống sau khi chết là chính. Thế nên mới có người mong được tử vì đạo. Ở Việt Nam: Kiếp sống hiện tại chính là thiên đường nên việc thờ cúng tổ tiên cũng chính là việc cầu xin ông bà phù hộ cho mình, cho cộng đồng, Tổ quốc mình.
Thứ ba: Tôn giáo vào nước nào cũng thành một hệ thống chặt chẽ. Mỗi tôn giáo có nơi sinh hoạt tín ngưỡng riêng. Với đạo Thiên chúa là nhà thờ và có giám mục, với đạo Phật là chùa và các nhà sư...
Còn ở Việt Nam, việc thờ cúng tổ tiên không hề có sự áp đặt. Bản thân ai muốn thờ cúng tổ tiên cũng được, chuyện này hoàn toàn do tự nguyện.
Thứ tư: Tôn giáo nào đã được thờ thì không có chỗ cho tôn giáo khác. Nhưng tại Việt Nam: Các tôn giáo đều được bình đẳng tồn tại. Người dân có quyền theo hoặc không theo tôn giáo nào. Vì quyền tự do tín ngưỡng nên mới có hiện trạng một số đạo phát sinh tại Việt Nam như: Đạo Cao Đài, Hòa Hảo mới xuất hiện chưa lâu nhưng dung hòa được nhiều đạo khác trong nó.
Thứ năm: Tôn giáo có những cái không thể giải thích mà chỉ có đức tin thuần túy. Những kinh sách giáo huấn nói rằng đức chúa trời có ba ngôi ... Còn ở Việt Nam: Việc thờ cúng tổ tiên thì không có tín điều nào. Chỉ có một điều rất đơn giản là: Cha mẹ sinh ra mình thì mình thờ. Không ai trách ai theo tôn giáo này mà không theo tôn giáo kia. Kể cả người theo Đảng mà tôn giáo tín ngưỡng là Phật cũng được.
Thứ sáu: Tôn giáo có trường lớp đào tạo bài bản. Với đạo Thiên chúa có trường dòng, đạo Phật có nhà chùa dạy kinh kệ, sau lập Đại học phật giáo...
Phong tục thờ cúng tổ tiên lại không hề có một trường lớp nào. Việc cúng khấn cũng không có một chuẩn mực nào nhất định. Việc thờ cúng làm con người đoàn kết cộng đồng. Ngay bản thân việc thờ thành hoàng cũng thế. Không có gì là huyền bí cả. Chỉ đơn giản là người dân thờ một người nào đó có công với làng.
Thứ bảy: Tôn giáo tôn thờ một thế giới riêng. Thế giới đó quyết định thế giới ngày hôm nay. Vì thế có những người nắm được thế giới đó và có người biết được con đường đó. Lẽ tự nhiên con người muốn tồn tại phải sản xuất. Đã sản xuất thì thay đổi thế giới. Vì vậy, con người có tham vọng thay đổi thế giới. Từ đó nảy sinh những cuồng vọng. Tôn giáo vì thế nhiều khi có tham vọng chính trị. Còn phong tục thờ cúng tổ tiên của Việt Nam không tham gia chuyện đó.
Với những nét tính chất nhân văn trên, có thể nói rằng: Phong tục thờ cúng tổ tiên là một phong tục đẹp, ưu việt.