logo

Đọc hiểu Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu (3 đề)

Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu là quyển sách của một người trẻ đã từng ở trong khủng hoảng, đã bứt phá thành công, tìm thấy đam mê và tỏa sáng trên con đường của mình. Cùng Toploigiai tìm hiểu bộ đề Đọc hiểu Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu để hiểu rõ về ý nghĩa cuốn sách mang lại.


Ngữ liệu đọc hiểu Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu 

TUỔI TRẺ ĐÁNG GIÁ BAO NHIÊU

    Làm thế nào để hiểu được chính mình là câu hỏi lớn của nhiều người trẻ. Người không trẻ chưa hẳn đã hiểu chính mình, nhưng họ nhiều khi đã ngừng đặt câu hỏi.

    Hiểu được bản thân là điều đầu tiên để phát triển, để từ đó làm việc mình thích và có một cuộc đời như mơ ước. Việc này không phải một sớm một chiều có thể xong được. Tôi chưa thấy ai một sáng thức dậy bỗng nhận ra rằng bây giờ mình đã hiểu mình là ai.

    Mỗi người trong chúng ta là một cá thể khác biệt. Ai cũng có thế mạnh, sở trường. Điều quan trọng là mình hiểu được mình, biết được điểm mạnh, điểm yếu của mình, biết được mình thích gì, muốn gì, mình phù hợp với cái gì để rồi từ đó mài giũa bản thân theo nó.

    Để bắt đầu tìm hiểu chính mình, điều cần làm là ngừng so sánh mình với người khác, ngừng suy nghĩ tiêu cực về bản thân, học cách lắng nghe và yêu thương chính mình.

    Muốn khám phá bản thân, có thể dựa vào những cách từ bên ngoài và bên trong. Về bên ngoài, nếu hoàn toàn mù mờ về bản thân thì bạn có thể bắt đầu bằng những thứ cơ
bản: các trắc nghiệm tính cách…

    Một cách khác để hiểu bản thân hơn là hỏi. Đặt ra những câu hỏi cho những người xung quanh mình, gia đình, bạn bè, đồng nghiệp thân thiết, người yêu… những người bạn nghĩ rằng họ hiểu bạn.

    Cách tiếp theo để tìm hiểu bản thân là thay vì hỏi người bên ngoài thì tự hỏi chính mình. Dành thời gian yên tĩnh một mình để nhìn vào bên trong, hồi tưởng quá khứ, tìm hiểu những giá trị cốt lõi của bản thân mình.

(Trích Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu – Rosie Nguyễn, NXB Hội Nhà văn, 2016, tr.42)


Đọc hiểu Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu - Đề số 1

Thực hiện các yêu cầu sau

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản.

Câu 2. Theo tác giả, việc hiểu được bản thân là khó hay dễ? Điều đó có ý nghĩa quan trọng như thế nào?

Câu 3. Anh/chị hiểu như thế nào về ý kiến: Mỗi người trong chúng ta là một cá thể khác biệt?

Câu 4. Anh/chị có đồng tình với quan điểm sau của tác giả không: Cách tiếp theo để tìm hiểu bản thân là thay vì hỏi người bên ngoài thì tự hỏi chính mình? Vì sao?

Trả lời câu hỏi đọc hiểu

Câu 1: 

Phương thức biểu đạt chính của văn bản trên là: Nghị luận.

Câu 2: 

Theo tác giả, việc hiểu được bản thân là điều khó. Khi hiểu được bản thân, ta sẽ làm được những điều mình thích và phát triển được bản thân một cách tốt nhất.

Câu 3: 

“Mỗi người trong chúng ta là một cá thể khác biệt” là do con người sinh ra không ai giống ai, mỗi người một sở thích, một tính cách, một lối sống, một cách suy nghĩ nhìn nhận.

Câu 4: 

Em vừa đồng tình vừa không đồng tình với quan điểm sau của tác giả không: Cách tiếp theo để tìm hiểu bản thân là thay vì hỏi người bên ngoài thì tự hỏi chính mình .

+ Đồng tình vì: Không ai hiểu bản thân mình bằng chính mình. Cuộc đời của mình và nó chỉ có một nên hãy lắng nghe bản thân và làm những điều mình thích.

+ Không đồng tình vì: Cuộc đời không ai là hoàn hảo, thay vì chỉ làm theo ý thích của mình, luôn khăng khăng khẳng định mình đúng thì nên nghe và tiếp thu có chọn lọc những ý kiến của người khác để phát triển bản thân hơn.

Đọc hiểu Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu

Đọc hiểu Làm thế nào để hiểu được chính mình là câu hỏi lớn của nhiều người trẻ - Đề số 2

    “Bạn hối tiếc vì không nắm bắt lấy một cơ hội nào đó, chẳng có ai phải mất ngủ. Bạn trải qua những ngày tháng nhạt nhẽo với công việc bạn căm ghét, người ta chẳng hề bận lòng. Bạn có chết mòn nơi xó tường với những ước mơ dang dở, đó không phải là việc của họ.

    Suy cho cùng, quyết định là ở bạn. Muốn có điều gì hay không là tùy bạn. Nên hãy làm những điều bạn thích. Hãy đi theo tiếng nói trái tim. Hãy sống theo cách bạn cho là mình nên sống. Vì sau tất cả, chẳng ai quan tâm."

(Trích "Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu", Rosie Nguyễn, NXB Hội Nhà văn - 2016)

Thực hiện các yêu cầu sau

Câu 1. Hãy nêu phương thức biểu đạt và phong cách ngôn ngữ của đoạn văn bản trên?

Câu 2. Biện pháp tu từ chính được sử dụng trong đoạn văn trên? Tác dụng?

Câu 3. Theo anh/ chị, thế nào là không nắm bắt lấy một cơ hội nào đó, trải qua những ngày tháng nhạt nhẽo với công việc bạn căm ghét, chết mòn nơi xó tường với những ước mơ dang dở?

Câu 4. Đoạn trích trên đem lại lời khuyên nào cho tuổi trẻ?

Trả lời câu hỏi đọc hiểu

Câu 1:

- Phương thức biểu đạt của đoạn văn trên là nghị luận và phong cách ngôn ngữ của đoạn văn là chính luận.

Câu 2:

- Biện pháp tu từ chính trong đoạn văn là: Phép điệp từ.

→ Tác dụng: nhấn mạnh vai trò của mỗi cá nhân trong việc quyết định cuộc sống của bản thân.

Câu 3: 

Không nắm bắt lấy một cơ hội nào đó, trải qua những ngày tháng nhạt nhẽo với công việc bạn căm ghét, chết mòn nơi xó tường với những ước mơ dang dở là: Chỉ lối sống thiếu ý chí, không biết nắm bắt cơ hội để làm điều mình yêu thích mà chỉ sống tạm bợ với những cái mình không thích mà không phấn đấu để thoát ra khỏi nó.

Câu 4: 

Lời khuyên dành cho tuổi trẻ trong đoạn trích trên đó là: Tuổi trẻ phải biết sống theo đuổi đam mê, ước mơ của bản thân.


Đọc hiểu Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu - Đề số 3

… Đa phần người trẻ Việt Nam hiện nay thì lại chú ý quá nhiều vào học hành, vào sự nghiệp. Cuộc sống hầu như chỉ biết đến công việc, không biết đến trải nghiệm khác, đến những điều khác cần thiết trong cuộc sống như âm nhạc, khiêu vũ các môn thể thao, dã ngoại, leo núi... Ngay cả kỹ năng sống còn như bơi lội không phải người trẻ nào cũng biết, đừng nói đến những trải nghiệm đặc biệt thử thách khả năng chịu đựng của bản thân, khiến con người bước ra khỏi vùng an toàn của mình và làm cuộc sống thêm phong phú. Điều mà giới trẻ Việt Nam nên làm là cân bằng giữa những trải nghiệm làm giàu cuộc sống, và những kinh nghiệm có thể đóng gióp vào sự phát triển dài hạn cho nghề nghiệp.

    Không ai trên đời có hai lần tuổi trẻ. Trong khi nhiều người trong tuổi trẻ lạc lối mất phương hướng, lãng phí thời gian, thì họ không biết rằng những gì họ đang làm hay không làm hôm nay sẽ ảnh hưởng rất nhiều trong cả cuộc đời còn lại. Qua 30 hay 40 tuổi, công việc cuộc sống của hầu hết mọi người đã ổn định, khó học thêm, làm thêm được gì, và cuộc sống ít có những thay đổi to lớn.

    Có thể bây giờ bạn không nhận ra, nhưng tuổi đôi mươi là tuổi tạo tiền đề. Đây là khoảng thời gian mà bạn xây dựng, gieo trồng, chứ không phải là thời gian nghỉ ngơi thụ hưởng. Hãy tận dụng khoảng thời gian này để học hỏi, bước đi, làm thật nhiều thứ. Hãy đọc nhiều hơn, lăn lộn nhiều hơn, thực hành nhiều hơn. Chuẩn bị kiến thức, kỹ năng, mạng lưới hỗ trợ cho tương lai. Kỹ năng nếu không được học trong thời trẻ, thì sau này môi trường ổn định ít va chạm rất khó để học lại được.

Tuổi trẻ đã qua sẽ không bao giờ trở lại, hãy sống như thể ta chỉ còn lại một ngày để sống.

(Trích Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu - Rosie Nguyễn, NXB Hội nhà văn 2018, Trang 136-137)

Thực hiện các yêu cầu sau

Câu 1. Chỉ ra phương thức biểu đạt chính của đoạn văn bản?

Câu 2. Theo tác giả, điều mà giới trẻ Việt Nam cần làm là gì?

Câu 3. Anh/ chị hiểu như thế nào về ý kiến: “Tuổi đôi mươi- đây là khoảng thời gian bạn xây dựng, gieo trồng, chứ không phải là thời gian nghỉ ngơi thụ hưởng”?

Câu 4. Anh/chị có đồng tình với quan niệm: “Kỹ năng nếu không được học trong thời trẻ, thì sau này môi trường ổn định ít va chạm rất khó để học lại được”? Vì sao?

Trả lời câu hỏi đọc hiểu

Câu 1: Phương thức biểu đạt chính của đoạn văn bản trên là: Nghị luận.

Câu 2: 

Theo tác giả, điều mà giới trẻ Việt Nam cần làm là: “cân bằng giữa những trải nghiệm làm giàu cuộc sống, và những kinh nghiệm có thể đóng góp vào sự phát triển dài hạn cho nghề nghiệp”.

Câu 3: Em hiểu câu “Tuổi đôi mươi- đây là khoảng thời gian bạn xây dựng, gieo trồng, chứ không phải là thời gian nghỉ ngơi thụ hưởng” được hiểu là:

Tuổi trẻ là tuổi mang trong mình những sức mạnh, những nhiệt huyết và có nhiều niềm tin nhất. Đây là khoảng thời gian mà vẫn chưa phải chịu quá nhiều áp lực về cơm áo gạo tiền, vẫn được bố mẹ là hậu phương vững chắc để bạn chấp cánh ước mơ. Vì thế đây là khoảng thời gian lý tưởng để bạn xây dựng và gieo trồng những ước mơ chứ không phải là nghỉ ngơi hưởng thụ.

Câu 4: 

Em vừa đồng tình vừa không đồng tình với quan niệm: “Kỹ năng nếu không được học trong thời trẻ, thì sau này môi trường ổn định ít va chạm rất khó để học lại được”. Vì:

+ Đồng tình: Khi còn trẻ là thời gian chúng ta nhanh nhạy và có nhiều nhiệt huyết, sức mạnh để học hỏi và làm việc.

+ Không đồng tình: Học tập là chuyện cả đời nên nếu mình muốn và có quyết tâm thì mọi việc đều có thể làm được.

-----------------------------------------

Trên đây Toploigiai đã mang tới cho các bạn những kiến thức bổ ích qua bài Đọc hiểu Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu. Hi vọng những kiến thức trên sẽ giúp các bạn đạt được kết quả cao trong học tập. Mời các bạn đến với câu hỏi tiếp theo.

icon-date
Xuất bản : 04/02/2021 - Cập nhật : 04/04/2024