logo

Đọc hiểu quán hàng phù thủy


Đề đọc hiểu quán hàng phù thủy đề số 1

Đọc bài thơ sau và thực hiện các yêu cầu:

               QUÁN HÀNG PHÙ THUỶ

          Một phù thuỷ

          Mở quán hàng nho nhỏ

         “Mời vào đây

           Ai muốn mua gì cũng có!”

          Tôi là khách đầu tiên

          Từ bên trong Phù thuỷ ló ra nhìn:

          “Anh muốn gì?”

         “Tôi muốn mua tình yêu,

          Mua hạnh phúc, sự bình yên, tình bạn…”

          “Hàng chúng tôi chỉ bán cây non

           Còn quả chín, anh phải trồng. Không bán!”

                             (K. Badjadjo Pradip – Thái Bá Tân dịch)

Câu 1: Bài thơ trên có sự kết hợp những phương thức biểu đạt nào?

- Bài thơ trên có sự kết hợp giữa phương thức biểu cảm và tự sự.

Câu 2:  Câu nói “Mời vào đây – Ai muốn mua gì cũng có!” cho thấy điều gì ở phù thuỷ?

-Câu nói “Mời vào đây – Ai muốn mua gì cũng có!” cho thấy phù thủy là người có quyền năng vô hạn có thể đáp ứng tất cả các yêu cầu, mong muốn của “khách hàng”.

Câu 3: Mong muốn của vị khách “Tôi muốn mua tình yêu – Mua hạnh phúc, sự bình yên, tình bạn” cho thấy vị khách là con người như thế nào?

- Mong muốn của vị khách “Tôi muốn mua tình yêu – Mua hạnh phúc, sự bình yên, tình bạn” cho thấy vị khách là người đang khao khát những điều tốt đẹp nhất trên đời này như tình yêu, hạnh phúc, sự bình yên, tình bạn…Song cũng có thể hiểu vị khách trong tình huống này là người khá khôn ngoan, hóm hỉnh, đang muốn “thử” xem phù thủy có khả năng đap ứng ta71t cả các nhu cầu mong muốn của “khách hàng” hay không.

Câu 4: Anh/ Chị có đồng tình với quan điểm của phù thuỷ ở hai câu thơ cuối bài không? Vì sao?

-Tình yêu, hạnh phúc, sự bình yên, tình bạn như những thứ “quả chín” mà quán hàng phù thủy chỉ bán “cây non”. Muốn có được những thứ “quả chín” ấy thì khách hang phải có thời gian, bỏ công sức để trồng những cái “cây non” tình yêu, hạnh phúc, sự bình yên, tình bạn, ngay cả phù thủy- người có quyền năng vô hạn cũng không thể tạo ra những giá trị ấy.


Đề đọc hiểu quán hàng phù thủy đề số 2

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:

Quán hàng phù thuỷ

Một phù thuỷ

Mở quán hàng nho nhỏ

“Mời vào đây

Ai muốn mua gì cũng có!”

Tôi là khách đầu tiên.

Từ bên trong

Phù thuỷ ló ra nhìn:

“Anh muốn gì?”

“Tôi muốn mua tình yêu,

Mua hạnh phúc, sự bình yên, tình bạn…”

“Hàng chúng tôi chỉ bán cây non.

Còn quả chín, anh phải trồng. Không bán!”

(Tác giả: K. Badjadjo Pradip, Thái Bá Tân dịch)

Câu 1.  Phân tích ý nghĩa của các hình ảnh “cây non”, “quả chín” trong văn bản trên.

Câu 2.  Thông điệp mà anh, chị nhận được từ văn bản trên là gì?

Câu 3. 

Viết bài văn không quá 1,5 trang giấy thi trình bày suy nghĩ của mình về ý kiến sau: Bạn sinh ra là một nguyên bản. Đừng chết như một bản sao.


Đáp án đọc hiểu quán hàng phù thủy đề số 2

Câu 1. Ý nghĩa của các hình ảnh “cây non”, “quả chín”:

– “Cây non” là những hạt mầm mà ta gieo vào cuộc sống, là sự khởi đầu, là nền tảng đầu tiên của cuộc sống.

– “Quả chín” là kết quả mà ta đạt được, là thành công, là những điều tốt đẹp trong cuộc sống.

Câu 2. Thông điệp:

– Hạnh phúc bình yên, tình bạn là những giá trị thuộc về lĩnh vực tinh thần và đó là những giá trị cao quý mà con người luôn khao khát hướng tới.

– Nó là kết quả của tình cảm chân thành, không vụ lợi, là sự nỗ lực, tìm hiếu vun đắp, nuôi dưỡng của chính bản thân mình, không tiền bạc, sức mạnh, quyền lực nào có thể mua nổi.

Câu 3.

1. Giải thích:

– Giải thích ý nghĩa từ ngữ:

+ “Nguyên bản”: bản gốc, thể hiện tính độc đáo, duy nhất.

+ “Bản sao”: sao chép lại một bản khác, rập khuôn theo mẫu có sẵn.

– Ý nghĩa cả câu: Khẳng định con người sinh ra là một cá tính độc đáo, không nên bắt chước theo khuôn mẫu, làm theo người khác mà đánh mất chính mình, dẫn đến cái chết về mặt tâm hồn, tính cách.

2. Bàn luận:

Câu nói thể hiện quan điểm sống đúng đắn. Từ khi sinh ra mỗi con người đã là một cá thể đơn nhất. Sự độc đáo không chỉ thể hiện ở kiến trúc cơ thể sống mà quan trọng hơn ở đời sống tâm hồn, tính cách.

– Trong cuộc sống, sự ảnh hưởng nhau về lối sống, cách sống là hiện tượng phổ biến. Điều đó có mặt tích cực giúp con người hoàn thiện mình hơn. Tuy nhiên nếu thụ động, máy móc, rập khuôn và không tự chủ được con người sẽ dễ đánh mất mình, biến thành cái bóng của người khác. Dần dần, nó sẽ dẫn con người đến cái chết về tâm hồn, tính cách.

– Phê phán một số biểu hiện tiêu cực trong cuộc sống khi rập khuôn theo cách sống của người khác.

3. Bài học:

– Mỗi người cần nhận thức sâu sắc: Mỗi người như một tiểu vũ trụ riêng, không lặp lại. Chúng ta phải sống đúng, sống thật với con người mình.

– Cần học tập những mặt tích cực ở người khác nhưng đồng thời cần tôn trọng chính con người mình, giữ gìn bản sắc và cá tính riêng.


Đề đọc hiểu quán hàng phù thủy đề số 3

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:

Quán hàng phù thủy (K. Badjadjo Pradip)

Một phù thủy

Mở quán hàng nho nhỏ

“Mời vào đây

Ai muốn mua gì cũng có!”

Tôi là khách đầu tiên

Từ bên trong Phù thủy ló ra nhìn:

“Anh muốn gì?”

“Tôi muốn mua tình yêu,

Mua hạnh phúc,sự bình yên, tình bạn…”

“Hàng chúng tôi chỉ bán cây non.

Còn quả chín, anh phải trồng. Không bán!”

( Thái Bá Tân dịch)

Câu 1: Văn bản trên thuộc phong cách ngôn ngữ nào?

Câu 2: Tìm và phân tích tác dụng của biện pháp tu từ ẩn dụ trong văn bản trên?

Câu 3: Giải thích tại sao: tình yêu, hạnh phúc, bình yên, tình bạn lại phải trồng, không bán

Câu 4: Bài học nhận được từ văn bản này là gì?

Câu 5 . Viết một đoạn văn ( khoảng 200 chữ) bàn về triết lí nhân sinh được gửi gắm trong văn bản ở phần Đọc hiểu.

Bộ đề Đọc hiểu quán hàng phù thủy

Đáp án đọc hiểu quán hàng phù thủy đề số 3

Câu 1:

Văn bản trên thuộc phong cách ngôn ngữ nghệ thuật

Câu 2:

Tác giả sử dụng biện pháp tu từ ẩn dụ qua 2 hình ảnh: cây non và quả chín

- Hình ảnh cây non được hiểu là những hạt mầm mà ta gieo vào cuộc sống, là sự khởi đầu, là nền tảng đầu tiên của cuộc sống.

- Hình ảnh quả chín là những kết quả mà ta đạt được, là thành công, là những điều tốt đẹp ta thu được từ cuộc sống. Ở trong văn bản, quả chín chính là tình yêu, hạnh phúc, bình yên, tình bạn, những giá trị tinh thần mà con người luôn khao khát.

Câu 3:

Tình yêu, hạnh phúc, bình yên, tình bạn “phải trồng, không bán” vì:

- Tình yêu, hạnh phúc, bình yên, tình bạn là những giá trị thuộc về lĩnh vực tinh thần và đó là những giá trị tinh thần cao quý, nó vừa gần gũi thân thiết hiện hữu ngay bên cạnh con người, vừa là thứ con người luôn khao khát mơ ước.

- Nó là kết quả của tình cảm chân thành, thiết tha không vụ lợi, là sự nỗ lực tự tìm kiếm, vun đắp, nuôi dưỡng của chính bản thân mình, nó là thứ quả hái từ chính cây non chúng ta trồng chứ không tiền bạc nào, sức mạnh nào, quyền lực nào có thể mua nổi.

Câu 4:

 Học sinh tự rút ra bài học cho riêng mình, đó có thể là:

- Trên đời có những thứ không tiền bạc nào, sức mạnh nào, quyền lực nào có thể mua nổi.

- Trong cuộc sống, con người luôn phải có khát vọng hướng tới những giá trị cao đẹp.

- Phải chính bàn tay ta xây đắp, tạo dựng tình yêu, hạnh phúc, sự bình yên, tình bạn không nên trông chờ vào một năng lực siêu nhiên, một phép màu nào đó.

- Quá trình tìm kiếm, tạo dựng để có được tình yêu, hạnh phúc, bình yên, tình bạn là một quá trình lâu dài, không có sẵn cho nên không được nản lòng, phải có ý chí, nghị lực. Hơn thế phải có tình cảm chân thành, không vụ lợi, phải có phương hướng hành động đúng đắn.

Câu 5:

a, Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn: Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo nhiều cách khác nhau, có đủ số câu chữ theo yêu cầu.

b, Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: bàn về triết lí nhân sinh được gửi gắm trong Quán hàng phù thủy

c, Triển khai vấn đề nghị luận: vận dụng kết hợp các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề cần nghị luận theo nhiều cách. Có thể theo hướng sau:

- Tình yêu, hạnh phúc, bình yên, tình bạn là “quả chín” mà quán hàng phù thủy quyền năng từng tuyên bố “ ai mua gì cũng có” lại không bán, và còn khẳng định rằng “phải trồng”. Từ một câu chuyện tưởng như vô lí trong Quán hàng phù thủy tác giả đã nêu một bài học thật sâu sắc về cuộc đời và con người: trên đời có những thứ không tiền bạc nào, sức mạnh nào, quyền lực nào có thể mua nổi, phải tự tay tìm kiếm, vun đắp mới có được. Cây non có thể kết quả chín là do sự vun trồng chăm sóc của chính mình.

- Triết lí nhân sinh được gửi gắm trong văn bản chính là: Tình yêu, hạnh phúc, bình yên, tình bạn … và muôn vàn mơ ước khác đều do chính con người làm ra. Muốn có những giá trị tinh thần to lớn ấy phải có thời gian, công sức, phảixuất phát từ tình cảm chân thành, không vụ lợi, toan tính.

- Quá trình tìm kiếm tạo dựng tình yêu, hạnh phúc, bình yên, tình bạn là một quá trình lâu dài, không có sẵn cho nên không được nản lòng, phải có ý chí, nghị lực. Hạnh phúc không phải ở ngày gặt hái mà nằm ngay trong quá trình vun đắp, gìn giữ, vượt qua những khó khăn, gian nan, thử thách.

d, Sáng tạo: Có cách diễn đạt mới mẻ, thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận.

e, Chính tả, ngữ pháp: Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt


TRIẾT LÍ NHÂN SINH GỬI GẮM TRONG BÀI THƠ QUÁN HÀNG PHÙ THỦY

DÀN Ý CHI TIẾT ĐOẠN VĂN NGHỊ LUẬN VỀ TRIẾT LÍ NHÂN SINH TRONG QUÁN HÀNG PHÙ THỦY

1. Mở đoạn:

- Xác định vấn đề cần nghị luận: Triết lí nhân sinh được gửi gắm trong Quán hàng phù thủy.

2. Thân đoạn:

* Triển khai vấn đề nghị luận

- Tình yêu, hạnh phúc, bình yên, tình bạn là “quả chín” mà quán hàng phù thủy quyền năng từng tuyên bố “ai mua gì cũng có" lại không bán, và còn khẳng định rằng “phải trồng”. Từ một câu chuyện tưởng như vô lí trong Quán hàng phù thủy tác giả đã nêu một bài học thật sâu sắc về cuộc đời và con người: trên đời có những thứ không tiền bạc nào, sức mạnh nào, quyền lực nào có thể mua nổi, phải tự tay tìm kiếm, vun đắp mới có được. Cây non có thể kết quả chỉ là do sự vun trồng chăm sóc của chính mình.

- Triết lí nhân sinh được gửi gắm trong văn bản chính là: Tình yêu, hạnh phúc, bình yên, tình bạn ..., và muôn vàn mơ ước khác đều do chính con người làm ra. Muốn có những giá trị tinh thần to lớn ấy phải có thời gian, công sức, phải xuất phát từ tình cảm chân thành, không vụ lợi, toan tính.

- Quá trình tìm kiếm tạo dựng tình yêu, hạnh phúc, bình yên, tình bạn là một quá trình lâu dài, không có sẵn cho nên không được nản lòng, phải có ý chí, nghị lực. Hạnh phúc không phải ở ngày gặt hái mà nằm ngay trong quá trình vun đắp, gìn giữ, vượt qua những khó khăn, gian nan, thử thách.

* Bài học:

– Trong cuộc sống, con người luôn phải có khát vọng hướng tới những giá trị cao đẹp.

– Phải chính bàn tay ta xây đắp tạo dựng hạnh phúc, sự bình yên, không nên trông chờ vào một năng lực siêu nhiên, một phép màu nào đó.

– Hạnh phúc, sự bình yên của cá nhân phải được đặt trong mối quan hệ thống nhất với hạnh phúc, sự bình yên của tập thể.

3. Kết đoạn

- Nhận xét, đánh giá chung về tính đúng đắn của những vấn đề triết lí nhân sinh được đưa ra trong bài.


MỘT SỐ ĐOẠN VĂN, BÀI VĂN MẪU NGẮN NGHỊ LUẬN VỀ TRIẾT LÍ NHÂN SINH TRONG QUÁN HÀNG PHÙ THỦY

Bài mẫu 1:

     Trong cuộc sống của chúng ta không phải tất cả mọi thứ đều sẵn có. Dòng nước nào cũng bắt nguồn từ khe, từ lạch, rồi nước từ lạch đổ về mới thành sông, sông nhỏ đổ vào sông lớn, sông lớn tiến ra biển cả mênh mông. Hành trình nào cũng đều bắt đầu từ góc sân, đầu ngõ, đường làng rồi mới tiến ra đường quốc lộ xa tít tắp. Chúng ta cũng không phải bỗng dưng mà lớn, ai cũng phải trải qua ba tháng biết lẫy, bảy tháng biết bò, chín tháng lò dò biết đi. Cuộc sống không dễ dàng đem hạnh phúc, tình yêu đến cho bất cứ ai, bất cứ người nào, để có được chúng, người ta phải thường tự tay tìm kiếm. Phải chăng vì vậy mà nhà thơ Ấn Độ K.Bađjadro Pradip đã gửi gắm một triết lý thật sâu sắc về cuộc đời qua bài thơ Quán hàng phù thuỷ…

     Bài thơ như một câu chuyện nhỏ. Đọc bài thơ, ta như được sống lại thế giới cổ tích thuở ấu thơ, với những nàng tiên, ông bụt, mụ phù thuỷ. Mặc dù không dành được tình cảm yêu mến của tâm hồn trẻ thơ như những cô tiên, ông bụt nhưng mụ phù thuỷ là một nhân vật cổ tích gây được nhiều ấn tượng với chúng ta. Vói vẻ ngoài kì dị, gớm ghiếc: chiếc áo choàng đen, chiếc mũ chóp và cây chổi bay, phù thuỷ xuất hiện thường sẽ chẳng mang lại điều gì tốt đẹp cho ai. Nhưng một điều khiến chúng ta tò mò thích thú nhất ở nhân vật này chính là nhũng phép thuật và quyền năng kì lạ. Phải chăng tác giả cố dụng ý khi xây dựng hình tượng một quán hàng phù thuỷ mà không phải là một quán hàng cô tiên hay quán hàng ông bụt ?

     Rồi vị khách đầu tiên cũng đã đến. Chủ quán phù thuỷ sẽ niềm nở đón tiếp và trao cho vị khách đầu tiên của mình món hàng mà anh ta cần chăng? “Tôi muốn mua tình yêu – Mua hạnh phúc, sự bình yên, tình bạn”, một vị khách thật khôn ngoan và lém lỉnh. Anh ta không mua châu báu, ngọc ngà, mà mua những thứ tốt đẹp nhất, cao quý nhất, thiêng liêng nhất và cũng hoàn mĩ nhất, những thứ mà bất kì một ai trong cuộc đời này đều mong muốn, những thứ tưởng chừng như vô hình, trừu tượng nhưng thực ra lại hiện hữu trong mọi khía cạnh của cuộc sống con người. Một tình yêu chân thành, niềm hạnh phúc được thực hiện điều mình mong muốn, một cuộc sống thanh bình, yên ổn, một tình bạn đẹp đẽ, sáng trong… Những điều tốt đẹp ấy con người ai là không mong muốn? Không phải ngọc ngà, châu báu hay tiền bạc nhưng nó quý giá hơn tất cả mọi thứ trên đời.

     Liệu với sự khôn ngoan của khách và những phép thuật kì diệu của chủ quán, cuộc mua bán sẽ thành công chăng? Nhưng bất ngờ đã đến với cả người mua lẫn bạn đọc. Với quyền lực và những phép thuật kì lạ của mình không phải phù thuỷ không thể đáp ứng những điều mà vị khách yêu cầu, nhưng phù thuỷ đã từ chối chính khách hàng đầu tiên bằng một câu trả lời đầy những ẩn ý:

“Hàng chúng tôi chỉ bán cây non

Còn quả chín anh phải trồng, không bán”

     Một câu trả lời khiến cả người mua và người đọc phải suy nghĩ rất nhiều. Hoá ra muốn có quả chín không phải là một việc dễ dàng như người khách và chúng ta vẫn tưởng. Để có được quả chín, chúng ta phải trồng cây, phải chăm sóc để cây ra hoa, kết trái… Phải chăng quả chín đó không chỉ là quả chín của cây cối mà chính là quả chín của cuộc đời, quả chín của con người? Phải chăng đó chính là những thành công, những điều tốt đẹp trong cuộc sống mà chúng ta có được từ những cây non – những nền tảng đầu tiên.

     Nhưng có bao nhiêu người trong chúng ta hiểu được điều đó? Tôi chắc rằng không chỉ người đầu tiên mà sẽ là người khách thứ hai, thứ ba và rất nhiều người nữa rồi sẽ trở về trong những suy tư như vậy. Bởi vì mấy ai trong cuộc đời này hiểu được rằng: Có những thứ trong cuộc sống không thể nào đem ra để cân đong đo đếm và cũng sẽ không có một quyền lực nào, phép thuật nào, sức mạnh nào làm ra hay mua được, chỉ có thời gian, tấm lòng và công sức mới có thể làm nên. Có ai mua được tình yêu đích thực bằng tiền, bằng quyền lực? Có ai mua được hạnh phúc, tình bạn, sự bình yên? Để tạo ra những giá trị đích thực của cuộc sống thì mỗi chúng ta cần biết tự tay tìm kiếm, vun đắp và gây dựng.

     Nhưng nếu phù thuỷ lại dễ dàng cho người khách của mình những điều anh ta mong muốn là tình yêu, hạnh phúc, sự bình yên và tình bạn thì liệu những thứ đó có thực sự bền vững thiêng liêng? Tôi dám chắc là không! Anh ta sẽ không thể có một tình yêu đích thực nếu không tự tìm kiếm, xây dựng; anh ta không thể có sự bình yên nếu không biết đấu tranh, không xây đắp giữ gìn, trân trọng nó…

     Khi đọc bài thơ này, có ai trong các bạn tự hỏi: “Mình đã thật sự có tình yêu, hạnh phúc, sự bình yên và tình bạn hay chưa?”. Và với bạn, những điều đó có thực sự quan trọng hay không? Nếu ai trong các bạn đã thực sự tìm thấy tình yêu – một tình yêu đích thực, hạnh phúc – một hạnh phúc ngập tràn và tình bạn – một tình bạn chân thành thì bạn nên biết bạn là người may mắn và hãy biết quý trọng giữ gìn để những điều cao quý, tốt đẹp này mãi bền vững. Nhưng thực tế không phải ai trên đời này cũng có may mắn như thế. Nếu chưa thực sự tìm được những giá trị cao quý và tốt đẹp đó thì một lời khuyên cho bạn: Hãy thực sự hiểu những điều cao quý đó là gì trong cuộc sống của bạn để tạo dựng, vun trồng.

     Bạn hãy tự hỏi: Tình yêu với bạn là gì? Với tôi, đó là tình yêu với gia đình thân thương hay đơn giản chỉ là niềm vui khi được hoà mình cùng thiên nhiên muôn loài… Bạn hãy tự hỏi: Hạnh phúc với bạn là gì? Với con gái C.Mác: “Hạnh phúc là đấu tranh”; với một bác sĩ, hạnh phúc là khi bệnh nhân ra khỏi phòng cấp cứu an toàn; với một kĩ sư là khi công trình của anh được hoàn thành… Khi đã hiểu, bạn hãy tìm kiếm, vun đắp, xây dựng để những giá trị tốt đẹp đó mãi mãi bền vững. Bởi vì mọi thứ trên đời này nhất là những thú quý giá đều thường phải do chính bản thân tạo ra. Cũng như cây non kia phải có bàn tay vun trồng, chăm bón cẩn thận thì mới có quả chín, quả ngọt có sức sống bền vững lâu dài. Như Lỗ Tấn đã viết: “Trên mặt đất vốn làm gì có đường, người ta đi mãi thì thành đường thôi”. Triết lí về cuộc đời được tác giả bài thơ đưa ra không chỉ dành riêng cho người khách mà đó là bài học cho mọi người, mọi thời đại.

Có một chân lí, mà bất cứ ai cũng phải nhớ:

Có làm thì mới có ăn

Không dưng ai dễ đem phần đến cho

     Mặc dù vậy, cuộc sống này vẫn không thiếu những kẻ chỉ biết sống dựa dẫm, chờ ăn những quả chín của người khác trồng nên mà quên mất giá trị của bản thân, những kẻ đó quả là đáng khinh, đáng ghét.

     Từ một câu chuyện tưởng chừng vô lí trong Quán hàng phù thuỷ, nhà thơ Ẩn Độ đã cho tôi và tất cả các bạn một bài học thật sâu sắc về cuộc đời và con người: trên đời có những thứ không tiền bạc nào, sức mạnh nào, quyền lực nào có thể mua nổi; chỉ có tự tay tìm kiếm, vun đắp thì những điều có được đó mới thật sự có giá trị.

     Nếu ai trong các bạn đã từng quên đi điều giản dị nhưng đầy ý nghĩa ấy thì tôi mong rằng: Quán hàng phù thuỷ sẽ là một bài học để bạn có thể tìm cho mình những giá trị đích thực của cuộc sống.

icon-date
Xuất bản : 04/02/2021 - Cập nhật : 25/04/2021