logo

Đọc hiểu Trăng Xuân Diệu (2 đề)

Hướng dẫn trả lời đề Đọc hiểu Trăng Xuân Diệu  trắc nghiệm, tự luận chi tiết, chính xác giúp bạn ôn luyện đề thi Ngữ văn Đọc hiểu đạt kết quả cao.

Đọc ngữ liệu sau và trả lời câu hỏi

TRĂNG

(Xuân Diệu)

Trong vườn đêm ấy nhiều trăng quá,

Ánh sáng tuôn đầy các lối đi.

Tôi với người yêu qua nhẹ nhẹ…

Im lìm, không dám nói năng chi.

 

Bâng khuâng chân tiếc giậm lên vàng,

Tôi sợ đường trăng tiếng dậy vang,

Ngơ ngác hoa duyên còn núp lá,

Và làm sai lỡ nhịp trăng đang.

 

Dịu dàng đàn những ánh tơ xanh,

Cho gió du dương điệu múa cành;

Cho gió đượm buồn, thôi náo động

Linh hồn yểu điệu của đêm thanh.

 

Chúng tôi lặng lẽ bước trong thơ,

Lạc giữa niềm êm chẳng bến bờ.

Trăng sáng, trăng xa, trăng rộng quá!

Hai người nhưng chẳng bớt bơ vơ.


Đọc hiểu Trăng Xuân Diệu ( Tự luận) - Đề 1

Câu 1: Liệt kê các từ ngữ, hình ảnh miêu tả ánh trăng trong văn bản trên?

Câu 2: Chỉ ra và phân tích tác dụng của các từ láy được sử dụng trong văn bản trên?

Câu 3: Nhận xét về cảm xúc của nhân vật trữ tình được thể hiện trong văn bản?

Câu 4: Qua văn bản, anh chị hãy nêu một thông điệp về tình yêu có ý nghĩa nhất đối với bản thân và giải thích lí do vì sao anh (chị) chọn thông điệp đó.

Trả lời

Câu 1:

Liệt kê các từ ngữ, hình ảnh miêu tả ánh trăng trong văn bản: ánh sáng tuôn đầy, vàng, ánh tơ xanh, sáng, xa, rộng.

Câu 2:

Các từ láy: nhẹ nhẹ, im lìm, bâng khuâng, dịu dàng, du dương, ngơ ngác, lặng lẽ, bơ vơ

Tác dụng:

+ Gợi tả những trạng thái tinh tế của tạo vật trong đêm trăng thơ mộng

+ Thể hiện những rung động khẽ khàng của tâm hồn nhân vật trữ tình khi đi bên cạnh người yêu trong đêm trăng.

+ Tạo nên nhạc điệu nhẹ nhàng, dìu dặt cho bài thơ.

Câu 3:

Cảm xúc của nhân vật trữ tình: Xao xuyến, bâng khuâng, ngượng ngùng, chăm chú lắng nghe những rung động của tạo vật và tâm hồn lứa đôi, có chút cô đơn mơ hồ.

– Nhận xét:

+ Đó là những cảm xúc rất mơ hồ, khó nắm bắt nhưng được tác giả gợi tả tinh tế.

+ Thể hiện một cái tôi nhạy cảm, luôn khát khao giao cảm với tạo vật và con người nhưng luôn có cảm giác cô đơn – những cảm xúc đặc trưng của cái tôi lãng mạn.

Câu 4:

Mỗi người đều có một thông điệp về tình yêu khác nhau 

Ví dụ: Thông điệp tình yêu cần sự tinh tế, lắng nghe, thấu hiểu

Giải thích vì sao chọn thông điệp đó: bởi vì trong tình yêu, để có được một tình yêu lâu dài, bền lâu thì cần phải tinh tế, thấu hiểu đối phương, phải đặt cảm xúc của bản thân mình vào họ, biết chia sẻ, lắng nghe để giải quyết được các vẫn đề xảy ra. Có như vậ thì tình yêu mới được gắn kết và lâu dài.

Đọc hiểu Trăng Xuân Diệu

Đọc hiểu Trăng Xuân Diệu ( Trắc nghiệm) - Đề 2

Câu 1: Văn bản trên được viết theo thể thơ nào?

  1. Thất ngôn
  2. Tự do
  3. Lục bát
  4. Ngũ ngôn

Câu 2: Phương thức biểu đạt chính của bài thơ là?

  1. Biểu cảm
  2. Nghị luận     
  3. Tự sự
  4. Miêu tả

Câu 3: Nêu chủ đề của bài thơ?

  1. Tình bạn
  2. Tình yêu
  3. Trăng
  4. Gió

Câu 4: Từ “dịu dàng” thuộc từ loại nào?

  1. Danh từ
  2. Động từ
  3. Tính từ 
  4. Trạng từ

Câu 5: Ý nghĩa hình ảnh “trăng” trong bài thơ là gì?

  1. Không có ý nghĩa gì
  2. Trăng của thiên nhiên
  3. Trăng tình bạn
  4. Trăng là người chứng kiến, soi sáng cho tình yêu lứa đôi.

Trả lời

Câu 1. A => Văn bản trên được viết theo thể thơ thất ngôn (bảy chữ)

Câu 2. A => Phương thức biểu đạt chính của bài thơ là biểu cảm

Câu 3. B => Chủ đề của bài thơ viết về tình yêu

Câu 4. C => Từ “dịu dàng” thuộc từ tính từ

Câu 5. D => Trăng là người chứng kiến, soi sáng cho tình yêu lứa đôi.

icon-date
Xuất bản : 04/04/2024 - Cập nhật : 04/04/2024