Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:
Tôi là viên đá mọn không tên
Tôi tự hào sung sướng tuổi thanh niên
Chiến đấu lớn dưới ngọn cờ của Đảng
Tôi yêu bản hùng ca không tắt
Mà lời ca sang sảng những tên người
Bế Văn Đàn hiến trọn tuổi hai mươi
Thân trai trẻ vì nhân dân làm giá súng
Phan Đình Giót như một hòn núi lớn
Ngực yêu đời đè bẹp lỗ châu mai
La Văn Cầu vì rất quý những bàn tay
Đã chặt đứt cánh tay mình xông tới
Lý Tự Trọng đầu không hề chịu cúi
Lúc ra pháp trường còn đọc truyện Nguyễn Du
Chị Sáu ơi! Bông hoa chị cài đầu
Còn thắm mãi giữa ngàn cây Côn Đảo.
(Theo Vương Trùng Dương http://vanhay.edu.vn/de-thi-thu-thpt-quoc-gia-mon-van)
Câu 1. Phương thức biểu đạt của văn bản trên?
Trả lời
Phương thức biểu đạt: tự sự, miêu tả, biểu cảm.
Câu 2. Đoạn thơ sử dụng biện pháp tu từ nào là chính? Nêu tác dụng của biện pháp tu từ đó.
Trả lời
– Biện pháp tu từ chính: liệt kê. Tác giả liệt kê những vị anh hùng của dân tộc: Lý Tự Trọng, Bế Văn Đàn, Võ Thị Sáu, La Văn Cầu...
– Tác dụng: nhằm nhấn mạnh vẻ đẹp của đức hi sinh, lòng dũng cảm, lí tưởng sống cao đẹp của những con người đã làm nên “dáng hình xứ sở” Việt Nam.
Câu 3. Trình bày ý nghĩa của hai câu thơ:
La Văn Cầu vì rất quý những bàn tay
Đã chặt đứt cánh tay mình xông tới.
Trả lời
– Cả hai câu thơ đề cập đến hình ảnh người anh hùng La Văn Cầu đã dũng cảm hi sinh cánh tay của mình để tiếp tục chiến đấu mở đường tiến cho bộ đội công đồn.
– Qua đó thể hiện tinh thần dũng cảm, ý chí chiến đấu ngoan cường. Hình ảnh “chặt đứt cánh tay mình” vì rất “quý những bàn tay” của bao đồng đội, đồng chí và nhân dân mãi mãi là biểu tượng bất tử cho tinh thần Việt Nam.
Câu 4. Hình ảnh Lý Tự Trọng "ra pháp trường còn đọc truyện Nguyễn Du" và chị Võ Thị Sáu với "Bông hoa chị cài đầu" gợi lên ý nghĩa gì?
Trả lời
Hình ảnh Lý Tự Trọng "ra pháp trường còn đọc truyện Nguyễn Du" và chị Võ Thị Sáu với "bông hoa chị cài đầu" gợi lên ý nghĩa: Làm nổi bật tư thế hiên ngang, lòng yêu nước, tinh thần lạc quan và vẻ đẹp tâm hồn của những người anh hùng sẵn sàng hi sinh cho độc lập, tự do của Tổ quốc, ngay cả khi họ đối diện với cái chết.
Câu 5. Tại sao tác giả xem mình là "viên đá mọn không tên"?
Trả lời
Tác giả xem mình là “viên đá mọn không tên”vì:
- Tác giả cảm nhận sâu sắc vai trò và những đóng góp to lớn của các thế hệ cha anh đi trước đối với công cuộc đấu tranh bảo vệ nền độc lập dân tộc.
- Nhắc đến những tấm gương anh dũng tác giả cảm thấy mình nhỏ bé, thậm chí vô danh, vô nghĩa khi chưa có những đóng góp, cống hiến xứng đáng cho dân tộc.
- Việc xem mình là “viên đá mọn không tên” thể hiện thái độ khiêm tốn, chân thành và bộc lộ khao khát được thể hiện phần trách nhiệm của cá nhân với đất nước.
Câu 6. Tác giả đã sử dụng biện pháp tu từ nào để viện dẫn ra hàng loạt anh hùng vì nước quên mình?
Trả lời
Biện pháp tu từ chính: liệt kê (tên tuổi và hành động dũng cảm của những anh hùng trẻ tuổi trong 2 cuộc kháng chiến của dân tộc.)
Câu 7. Anh/ chị hiểu như thế nào về hai dòng thơ “Tôi yêu bản hùng ca không tắt/ Mà lời ca sang sảng những tên người”?
Trả lời
Hai dòng thơ “Tôi yêu bản hùng ca không tắt/ Mà lời ca sang sảng những tên người” có thể hiểu:
+ Khẳng định một lần nữa sự tồn tại vĩnh cửu của nền độc lập dân tộc dưới sự hi sinh cũng như sự ngã xuống của bao thế hệ anh hùng.
+ Nói lên sự biết ơn của tác giả đổi với những anh hùng Tổ quốc.
Câu 8. Từ những tấm gương Phan Đình Giót, Bế Văn Đàn, Lý Tự Trọng, Võ Thị Sáu… Anh (chị) hãy viết đoạn văn ngắn (khoảng 10 – 12 dòng) nói lên lòng biết ơn của mình với các thế hệ cha anh.
Trả lời
Thí sinh viết theo nhiều cách khác nhau nhưng bảo đảm được:
– Lòng biết ơn sâu nặng trước sự hi sinh của các anh hùng liệt sĩ.
– Bản thân cần làm gì cho cuộc sống hôm nay tươi đẹp?