logo

Đọc hiểu Tờ hoa: Tại một công trường làm đường Tây Bắc (2 đề)

Trả lời câu hỏi Đọc hiểu Tờ hoa: Tại một công trường làm đường Tây Bắc (2 đề): Xác định 1 biện pháp tu từ được sử dụng trong câu văn. Theo tác giả, đời sống con ong để lại cho người đọc nó một bài học về điều gì? Trong đoạn văn trên tác giả đã sử dụng những phương thức biểu đạt nào? Anh/chị hiểu như thế nào về câu nói: Sự tích lũy ở mình cũng ngày ngày có giọt ra mà phần nào đem thơm thảo vào sự sống. Bài học có ý nghĩa nhất với anh/chị rút ra từ đoạn trích.

Đọc đoạn trích sau đây và trả lời các câu hỏi:

“Tại một công trường làm đường Tây Bắc, 1966.

         Tôi nhìn ra cái tàu lăn nghiến đá mặt đường mới, nhìn ra những kíp thợ xây dựng mở đường, nhìn ra một tổ ong của anh chị em làm đường vừa mang được ong chúa về. Cửa sổ buồng tôi viết, lúc nào cũng nhộn nhịp cánh tay người và những cánh ong quen dần với tổ mới. Ong bay trên trang sổ tay tôi. Ong tua tròn trên trang giấy chữ nhật trắng, như là tàu bay đảo nhiều vòng chờ lệnh hạ cánh xuống. Buồng bên có người bị ong đốt. Bởi vì người đó hoảng hốt vừa giết ong một cách không cần thiết, và ngửi thấy mùi máu, bọn ong cùng tổ liền xông tới đốt. Rồi ong cũng lăn ra chết, tinh hồn  xuất theo luôn với nọc đốt. Con ong bé cũng như con voi to, vốn tính lành nhưng khiêu khích chúng thì chúng đánh lại ngay, dẫu rằng có phải lấy bổn mạng ra mà trả lời. Anh cán bộ địa chất liền cho tôi mượn một số tạp chí khoa học có mấy trang về nuôi ong. Giờ tôi mới biết rằng đó là một thế giới đầy sinh thú. Đời sống con ong để lại cho người đọc nó một bài học về kiên nhẫn, về cần lao, về tích lũy, chế tạo và sáng tạo. Người ta đã đánh dấu con ong, theo dõi nó, và thấy rằng cái giọt mật làm ra đó, là kết quả của 2.700.000 chuyến (bay) đi, đi từ tổ nó đến khắp các nơi có hoa quanh vùng. Và trong một nửa lít mật ong đóng chai, phân chất ra được 5 vạn thứ hoa. Tính ra thành bước chân người thì tổng cộng đường bay của con ong đó là 8.000.000 cây số.

      Giữa rừng Tây Bắc đầy hoa, đầy bướm, đầy ong, cái tôi thấy say say trong chính mình là dầu không được một chuyến đi bằng một đời ong, mình cũng là một con sinh vật đang nung một thứ mật gì. Sự tích lũy ở mình cũng ngày ngày có giọt ra mà phần nào đem thơm thảo vào sự sống. Đối hoa xuân lắng ong mật mà thêm ngẫm tới đàn bướm tốt mã chấp chới bay, lộng lẫy những sắc phấn của sáo ngữ ồn ào. Bướm phù phiếm cũng bay vào hoa, nhưng cặp cánh hào nhoáng cũng chẳng để lại gì. Từ ngày có lịch sử tiến hóa của loài người, chưa ai dám nói đến mật bướm.”

(Trích Tờ hoa – Nguyễn Tuân)

Đọc hiểu Tờ hoa: Tại một công trường làm đường Tây Bắc (ảnh 1)
Ong đi lấy mật

Đọc hiểu Tờ hoa – Đề số 1

Câu 1. Xác định 1 biện pháp tu từ được sử dụng trong câu văn sau: Giữa rừng Tây Bắc đầy hoa, đầy bướm, đầy ong, cái tôi thấy say say trong chính mình là dầu không được một chuyến đi bằng một đời ong, mình cũng là một con sinh vật đang nung một thứ mật gì.

Câu 2. Theo tác giả, đời sống con ong để lại cho người đọc nó một bài học về điều gì?

Câu 3. Anh/chị hiểu như thế nào về câu nói: Sự tích lũy ở mình cũng ngày ngày có giọt ra mà phần nào đem thơm thảo vào sự sống.

Câu 4. Bài học có ý nghĩa nhất với anh/chị rút ra từ đoạn trích.

Trả lời câu hỏi đọc hiểu

Câu 1. Biện pháp tu từ trong câu văn là so sánh.

Câu 2. Theo tác giả trong bài viết: Đời sống con ong để lại cho người đọc nó một bài học về kiên nhẫn, về cần lao, về tích lũy, chế tạo và sáng tạo. Tác giả đã lấy dẫn chứng về 2.700.000 chuyến bay của ong để tạo ra giọt mật, để tạo ra 1 lít mật ong thì phải bay đến 8.000.000 cây số.

Câu 3. Có thể hiểu câu nói: Sự tích lũy ở mình cũng ngày ngày có giọt ra mà phần nào đem thơm thảo vào sự sống là: Chúng ta hãy tích lũy những điều tốt đẹp từ những hành động nhỏ nhất rồi sẽ góp phần vào sự tốt đẹp cho toàn xã hội.

Câu 4. Bài học có ý nghĩa rút ra từ đoạn trích là sự kiên trì, cần cù, sáng tạo. Hãy chăm chỉ như loài ong, cần mẫn làm việc thì sẽ tạo ra giọt mật thơm. Con người cũng vậy, chúng ta cần phải kiên trì, cần cù, sáng tạo, không bỏ cuộc thì mới có được thành công trong tương lai. Không những thế, tác giả còn muốn nhắn nhủ chúng ta hãy sống đẹp, biết đối nhân xử thế và biết yêu thương mọi người. Mình không hại người thì người không hại mình giống như trong câu chuyện trên nếu con người không giết ong thì ong đã không đốt con người.


Đọc hiểu Tờ hoa – Đề số 2

Đọc hiểu Tờ hoa: Tại một công trường làm đường Tây Bắc (ảnh 2)
Ong lấy mật từ những bông hoa

Câu 1. Nêu nội dung của đoạn văn.

Câu 2. Trong đoạn văn trên tác giả đã sử dụng những phương thức biểu đạt nào?

Câu 3. “Tôi nhìn…”, “Giờ tôi mới biết rằng…”, “cái tôi thấy say say…”

Qua các cụm từ trên anh/chị hiểu gì về cái “tôi” trong thể loại tùy bút?

Câu 4. Hãy thể hiện sự liên tưởng của anh/chị trước hình ảnh “ngọn lửa”.

Trả lời câu hỏi đọc hiểu

Câu 1. Nội dung của đoạn văn trên là: Mượn hình ảnh loài ong, tác giả muốn nhắn nhủ con người hãy làm việc chăm chỉ, tích lũy sẽ mang lại hương thơm cho đời.

Câu 2. Trong đoạn văn trên tác giả đã sử dụng những phương thức biểu đạt: tự sự (kể về câu chuyện của loài bướm, loài ong), miêu tả (tả về công trường thi công, loài bướm, loài ong), biểu cảm (thể hiện cảm xúc trước sự cần mẫn và tích lũy của loài ong)

Câu 3. Qua các cụm từ “Tôi nhìn…”, “Giờ tôi mới biết rằng…”, “cái tôi thấy say say…” ta thấy được cái “tôi” trong thể tùy bút của nhà văn Nguyễn Tuân đó là: Cái tôi thể hiện trực tiếp trong tác phẩm và cái tôi đó có được là từ sự quan sát, trải nghiệm và tưởng tượng của tác giả.

Câu 4. Nhắc đến ngọn lửa, em liên tưởng tới sự nhiệt huyết, bùng cháy với đam mê. Đó là lí do mà tại các đại hội Olympic, ngọn lửa được duy trì suốt trong thời gian diễn ra đại hội. Ngọn lửa còn là biểu tượng cho sức mạnh, nghị lực và hòa bình tới toàn nhân loại.


Đọc hiểu Tờ hoa – Đề số 3

Câu 1. Xác định thể loại của đoạn trích trên?

A. Tiểu thuyết

B. Kịch

C. Tuỳ bút

D. Truyện ngắn.

Câu 2. Dòng nào nêu đúng nhất đặc điểm về lời văn, giọng điệu của đoạn trích? 

A. Lời văn, giọng điệu ngắn gọn, hàm súc.

B. Lời văn, giọng điệu giàu tính hình tượng, đa nghĩa

C. Lời văn, giọng điệu bình dị, nôm na như lời ăn tiếng nói của nhân dân

D. Lời văn, giọng điệu uyển chuyển, linh hoạt, đầy sáng tạo, bất ngờ của nhân vật trữ tình.

Câu 3. Biện pháp tu từ nào được sử dụng trong câu văn: “Giữa rừng Tây Bắc đầy hoa, đầy bướm, đầy ong, cái tôi thấy say say trong chính mình là dầu không được một chuyến đi bằng một đời ong, mình cũng là một con sinh vật đang nung một thứ mật gì.”?

A.  So sánh

B. Hoán dụ

C. Điệp cấu trúc

D. Phóng đại

Câu 4. Theo tác giả, đời sống con ong để lại cho người đọc nó một bài học về điều gì? 

A. Bài học về sự chăm chỉ, cần cù.

B. Bài học về kiên nhẫn, cần lao, tích lũy, chế tạo và sáng tạo. 

C. Bài học về sự kiên trì, sáng tạo.

D. Bài học về sự nhẫn nại, quyết tâm.

Câu 5. Dòng nào không nêu lên đặc điểm cái “Tôi” tác giả trong đoạn trích? 

A. Mong muốn, khao khát khám phá những vùng đất mới của Tổ quốc.

B. Ý thức với nghề, mong muốn thức tỉnh tâm linh con người về cái Đẹp.

C. Tự tin, tự hào với vẻ đẹp con người, dân tộc thời kì mới.

D. Say mê, khao khát khám phá cái đẹp

Câu 6. Anh/chị hiểu như thế nào về câu nói: “Sự tích lũy ở mình cũng ngày ngày có giọt ra mà phần nào đem thơm thảo vào sự sống.”

A. Con người cần phải làm nhiều công việc trong cuộc sống.

B. Con người cần phải tiết kiệm trong cuộc sống.

C. Con người cần phải chăm chỉ ngày ngày để cuộc sống của mình tốt đẹp hơn.

D. Con người cần phải tích lũy những điều tốt đẹp từ những hành động nhỏ nhất rồi sẽ góp phần vào sự tốt đẹp cho toàn xã hội.

Câu 7. Đâu là chủ đề chính của đoạn trích?

A. Đoạn trích ca ngợi phẩm chất: kiên nhẫn, cần lao, chăm chỉ chế tạo và sáng tạo của con người.

B. Đoạn trích ca ngợi sự kiên nhẫn, chăm chỉ của loài ong.

C. Đoạn trích nêu lên vai trò của loài ong đối với cuộc sốn

D. Đoạn trích miêu tả sự kì diệu của loài ong

Trả lời đọc hiểu

Câu 1: C. Tuỳ bút

Câu 2: D. Lời văn, giọng điệu uyển chuyển, linh hoạt, đầy sáng tạo, bất ngờ của nhân vật trữ tình.

Câu 3: A.  So sánh

Câu 4: B. Bài học về kiên nhẫn, cần lao, tích lũy, chế tạo và sáng tạo. 

Câu 5: C. Tự tin, tự hào với vẻ đẹp con người, dân tộc thời kì mới.

Câu 6: D. Con người cần phải tích lũy những điều tốt đẹp từ những hành động nhỏ nhất rồi sẽ góp phần vào sự tốt đẹp cho toàn xã hội.

Câu 7: A. Đoạn trích ca ngợi phẩm chất: kiên nhẫn, cần lao, chăm chỉ chế tạo và sáng tạo của con người.


Đọc hiểu Tờ hoa – Đề số 4

Câu 1. Phương thức biểu đạt chính của đoạn trích trên là gì?

Câu 2. Qua mạch liên tưởng về loài ong, theo em tác giả đã phát hiện những vẻ đẹp nào của cuộc sống?

Câu 3. Bài học có ý nghĩa nhất với anh/chị rút ra từ đoạn trích.

Câu 4. Từ nội dung đoạn trích, hãy viết một đoạn văn ngắn (từ 5 đến 7 dòng) nêu suy nghĩ của bản thân về vai trò của lòng kiên nhẫn?

Trả lời đọc hiểu

Câu 1:

- Tự sự

Câu 2:

Qua mạch liên tưởng về loài ong, tác giả đã phát hiện những vẻ đẹp của cuộc sống: 

- Vẻ đẹp của thiên nhiên. 

- Vẻ đẹp của sự kiên nhẫn, sáng tạo, sự tích lũy…

Câu 3:

- Bài học về sự kiên trì, cần cù, sáng tạo

- Bài học về việc đối nhân xử thế và biết yêu thương mọi người

Câu 4:

Để tồn tại và đối mặt được với cuộc sống ngày nay, có lẽ lòng kiên nhẫn là yếu tố không thể thiếu đối với mỗi con người. Kiên nhẫn hai từ nghe sao đơn giản nhưng sự đơn giản ấy hoàn toàn đối lập với các giá trị mà nó mang lại. kiên nhẫn giúp con người có ý chí bền bỉ hơn, giúp con người thành công theo đuổi ước mwo, chinh phục lí tưởng của bản thân đề ra. Đồng thời kiên nhẫn giúp con người xử lí những vấn đề bất ngờ một cách tốt hơn, hợp lí hơn, điềm tĩnh, và sáng suốt hơn. Vì thế mỗi người cần sở hữu lòng kiên nhẫn để chinh phục với những khó khăn của cuộc sống này.


Đọc hiểu Tờ Hoa - Đề số 5

Câu 1: Dòng nào không nói lên đặc điểm của văn bản Tờ hoa?

A. Chất trữ tình; chất khảo cứu.

B. Chất trữ tình; chất truyện.

C. Chất trữ tình; hồi ức/ hồi tưởng.

D. Dựa trên tiêu chí về đề tài.

Câu 2: Yếu tố tự sự và vai trò của chúng trong văn bản Tờ hoa là:

A. Cốt truyện, sự việc, nhân vật.

B. Các sự việc mà tác giả đã trải qua.

C. Câu chuyện/ các sự việc đời sống có liên quan đến mạch cảm xúc, liên tưởng vàsuy ngẫm của tác giả

D. Câu chuyện/ các sự việc đời sống khơi gợi mạch cảm xúc, tình cảm của tác giả.

Câu 3: Những số liệu trong đoạn văn Từ “Người ta ... của 2.700.000 chuyến (bay) đi… đến là 8.000.000 cây số” nhằm thể hiện suy ngẫm gì của người viết?

A. Dòng cảm xúc trước con người /cuộc sống

B. Mạch liên tưởng, suy tư trước sự việc, con người

C. Tình huống nhận thức

D. Bài học về tính kiên nhẫn, cần lao, về tích lũy, về chế tạo và sáng tạo.

Câu 4: Câu văn “Sự tích lũy ở mình cũng ngày càng có giọt ra mà phần nào đem thơm thảo vào sự sống” thể hiện ý nghĩa gì trong nghề viết?

A. Quá trình thâm nhập thực tiễn đời sống sẽ tạo nên những tác phẩm hay cho đời

B. Nhà văn càng chịu khó học hỏi, thâm nhập cuộc sống sẽ đem đến giá trị, ý nghĩa cho tác phẩm

C. Nhà văn cần sống trọn vẹn với đời sống sẽ viết được những tác phẩm hay.

D. Quá trình thâm nhập, tích lũy vốn sống, vốn văn hóa sẽ giúp nhà văn tạo ra những tác phẩm nghệ thuật có giá trị, ý nghĩa.

Câu 5: Mạch gắn kết câu chuyện về con ong, về nghề văn và cách tạo ra ngọc trai thể hiện suy ngẫm độc đáo nào của tác giả?

A. Hành trình gian nan để tạo ra cái Đẹp trong cuộc đời.

B. Quá trình đạt thành tựu, kết quả trong cuộc sống.

C. Sự tương đồng/ khác biệt giữa vẻ đẹp tự nhiên và sáng tạo nghệ thuật.

D. Bất kỳ vẻ đẹp nào trong đời sống cũng bắt nguồn từ sự kiên nhẫn và khổ đau.

Câu 6: Dòng nào không nói lên những triết lí về lao động và sáng tạo nghệ thuật trong tùy bút trên?

A. Để hiểu thấu cuộc sống và sáng tạo, cần sống trọn vẹn/thâm nhập hiện thực.

B. Sáng tạo là quá trình phát hiện tình huống/sự kiện độc đáo của thực tiễn.

C. Cái Đẹp chân chính bắt nguồn từ quá trình lao động, sáng tạo thực sự.

D. Giá trị lao động thực sự sẽ tạo nên bản sắc của mỗi cá nhân.

Câu 7: Qua mạch liên tưởng về con ong và sự hình thành ngọc trai, tác giả đã phát hiện những vẻ đẹp nào của cuộc sống?

A. Vẻ đẹp của thế giới tự nhiên muôn màu.

B. Vẻ đẹp văn hóa, lịch sử, địa lý.

C. Quá trình sáng tạo, lao động trong cuộc sống.

D. Vẻ đẹp của sự kiên nhẫn, sáng tạo, khổ đau âm thầm.

Câu 8: Dòng nào không nêu lên đặc điểm cái Tôi tác giả trong tùy bút Tờ hoa?

A. Mong muốn, khao khát khám phá những vùng đất mới của Tổ Quốc.

B. Ý thức với nghề, mong muốn thức tỉnh tâm linh con người về cái Đẹp.

C. Tự tin, tự hào với vẻ đẹp con người, dân tộc thời kỳ mới.

D. Say mê, khao khát khám phá cái Đẹp.

Câu 9. Nhan đề Tờ hoa gợi cho em những suy ngẫm gì về vẻ đẹp của trang văn với trang đời? Từ đó, nhận xét cảm hứng chủ đạo trong văn bản 

Câu 10. Em có đồng ý với nhận định “Tôi đã lấy cách nhìn hạt ngọc mà nhìn vào sự biểu dương một công tác, một công trạng, một công trình” không? Vì sao?

Trả lời câu hỏi

Câu 1. A .Chất trữ tình, chất khảo cứu không nói lên đặc điểm của văn bản Tờ hoa

Câu 2. D . Trong văn bản có yếu tố tự sự: Câu chuyện/ các sự việc đời sống và đóng vai trò khơi gợi mạch cảm xúc, tình cảm của tác giả

Câu 3. C . Những số liệu trên thể hiện tình huống nhận thức của tác giả để làm cho văn bản có tính xác thực cao

Câu 4. D . Liên kết câu văn trong chỉnh thể toàn văn bản để thể hiện: Quá trình thâm nhập, tích lũy vốn sống, vốn văn hóa sẽ giúp nhà văn tạo ra những tác phẩm nghệ thuật có giá trị, ý nghĩa

Câu 5. A . Mạch gắn kết: tất cả là biểu hiện cho hành trình gian nan để tạo ra cái đẹp trong cuộc đời

Câu 6. D . Dòng không nói lên những triết lí về lao động và sáng tạo nghệ thuật trong tùy bút trên: Giá trị lao động thực sự sẽ tạo nên bản sắc của mỗi cá nhân

Câu 7. C . Qua mạch liên tưởng về con ong và sự hình thành ngọc trai, tác giả đã phát hiện những vẻ đẹp trong quá trình sáng tạo, lao động trong cuộc sống

Câu 8. B . Đặc điểm cái tôi tác giả trong tùy bút Tờ hoa: Ý thức với nghề, mong muốn thức tỉnh tâm linh con người về cái Đẹp

Câu 9. 

- Nhan đề Tờ hoa:

+ Nghĩa tường minh: nói về những trang văn có ý nghĩa, có giá trị đẹp, giống như hoa trong cuộc sống – vốn biểu tượng cho sự tinh túy của tự nhiên, đất trời

+ Nghĩa biểu tượng: thể hiện tuyên ngôn nghệ thuật của Nguyễn Tuân, gắn vẻ đẹp nghệ thuật với cuộc sống: Để viết được những trang văn đầy sắc hương có ích cho đời “như hoa” thì người nghệ sĩ phải luôn lao tâm, khổ tứ, nhiều khi phải âm thầm, xót xa, khổ đau, phải được sống, được tận mắt chứng kiến cuộc đời cũng như có một gia tài văn hóa
sâu rộng, phong phú

- Cảm hứng chủ đạo: Yêu thương, say mê trước vẻ đẹp đất nước, con người mới sau Cách mạng tháng Tám. Trân trọng quá trình lao động sáng tạo, hình thành vẻ đẹp trong tự nhiên và đời sống. Những yêu thương, say mê đó hóa thành tâm hồn với những dòng xúc cảm, rung động giàu liên tưởng

Câu 10.

- Câu văn trên được hiểu là: Khi nhìn thấy thành quả/ thành tựu, ta cần nhận thấy, hiểu được quá trình gian nan, khó nhọc, nhiều khi âm thầm, đau đớn, xót xa để đạt được nó

- Em đồng ý quan điểm của tác giả:

+ Cần có sự đánh giá quá trình khi nhận xét một kết quả, một thành tích

+ Cần có sự ghi nhận, trân trọng công sức, lao động sáng tạo thực sự của con người

+ Không nên tồn tại cách đánh giá phiến diện, chỉ vì bản thân không thích người đó mà gạt bỏ đi hết những công sức người khác bỏ ra 

---------------------------------- 

Trên đây Toploigiai đã mang tới cho các bạn những kiến thức bổ ích qua bài Đọc hiểu Tờ hoa. Hi vọng những kiến thức trên sẽ giúp các bạn đạt được kết quả cao trong học tập. Mời các bạn đến với câu hỏi tiếp theo.

icon-date
Xuất bản : 24/03/2023 - Cập nhật : 07/11/2023