logo

Đọc hiểu Đơn giản chỉ là hạnh phúc: Có thể chúng ta vẫn nghĩ hạnh phúc là vấn đề riêng tư và cá nhân (2 đề)

Trả lời câu hỏi Đọc hiểu Đơn giản chỉ là hạnh phúc: Có thể chúng ta vẫn nghĩ hạnh phúc là vấn đề riêng tư và cá nhân (2 đề): Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản trên. Theo tác giả vì sao hạnh phúc không phải là vấn đề “riêng tư” và “cá nhân”? Nội dung chính của đoạn trích trên? Chỉ ra và gọi tên thành phần biệt lập trong câu sau: Có thể, chúng ta vẫn nghĩ hạnh phúc là vấn đề "riêng tư" và "cá nhân".

Đọc đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi:

Có thể, chúng ta vẫn nghĩ hạnh phúc là vấn đề "riêng tư" và "cá nhân". Nhưng không phải vậy. Nếu bạn lo buồn hay gặp bất trắc thì ít nhất, thầy cô, cha mẹ, bạn bè đều cảm thấy xót xa, lo lắng cho bạn. Về vui tươi, hạnh phúc, bạn muốn vui tươi, hạnh phúc thì ít nhất cũng làm cho chừng đó người cảm thấy yên lòng, lạc quan và vui vẻ khi nghĩ về bạn.

Mỗi con người là một mắt xích, dù rất nhỏ nhưng đều gắn kết và ảnh hưởng nhất định đến người khác. Và người khác ấy lại có ảnh hưởng đến những người khác nữa. Tôi thích nghĩ về mối quan hệ giữa con người với nhau trong cuộc đời như mạng tinh thể kim cương. Mỗi người là một nguyên tử cacbon trong cấu trúc đó, có vai trò như nhau và ảnh hưởng đến bốn nguyên tử khác, và cứ thế mà nhân rộng ra. Chúng ta cũng có thể vô tình tác động đến cuộc đời một người hoàn toàn xa lạ theo kiểu như vậy.

(Trích Đơn giản chỉ là hạnh phúc, Sách Nếu biết trăm năm là hữu hạn..., Phạm Lữ Ân, 

NXB Hội nhà văn, năm 2016, trang 40-41)

Đọc hiểu Đơn giản chỉ là hạnh phúc: Có thể chúng ta vẫn nghĩ hạnh phúc là vấn đề riêng tư và cá nhân (ảnh 1)

Đọc hiểu Đơn giản chỉ là hạnh phúc – Đề số 1

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản trên.

Câu 2. Chỉ ra và gọi tên thành phần biệt lập trong câu sau: Có thể, chúng ta vẫn nghĩ hạnh phúc là vấn đề "riêng tư" và "cá nhân".

Câu 3. Từ “ấy” trong câu văn sau: “Và người khác ấy lại có ảnh hưởng đến những người khác nữa” thay thế cho những từ nào ở các câu trước đó trong đoạn. Xét về liên kết câu và liên kết đoạn thì câu văn “Và người khác ấy lại có ảnh hưởng đến những người khác nữa” có sử dụng mấy phép liên kết? Đó là phép liên kết nào?

Câu 4. Chỉ ra và nêu dấu hiệu nhận biết về khởi ngữ có trong câu văn sau: “Về vui tươi, hạnh phúc, bạn muốn vui tươi, hạnh phúc thì ít nhất cũng làm cho chừng đó người cảm thấy yên lòng, lạc quan và vui vẻ khi nghĩ về bạn”.

Câu 5. Em hiểu thế nào về câu văn “Mỗi con người là một mắt xích, dù rất nhỏ nhưng đều gắn kết và ảnh hưởng nhất định đến người khác”?

Câu 6. Nội dung chính của đoạn trích trên?

Trả lời câu hỏi đọc hiểu

Câu 1. Phương thức biểu đạt: Nghị luận bàn về hạnh phúc.

Câu 2. Thành phần biệt lập trong câu là thành phần tình thái “có thể” chỉ thái độ tin cậy.

Câu 3

- Từ “ấy” trong câu văn sau: “Và người khác ấy lại có ảnh hưởng đến những người khác nữa” thay thế cho thầy cô, cha mẹ, bạn bè.

- Câu văn “Và người khác ấy lại có ảnh hưởng đến những người khác nữa” sử dụng các phép liên kết:

+ Phép thế từ “ấy”.

+ Phép lặp từ “người khác.

+ Phép nối từ “và”

Câu 4. 

- Khởi ngữ trong câu là “về vui tươi, hạnh phúc”

- Dấu hiệu nhận biết: Khởi ngữ này đứng trước chủ ngữ và có thêm quan hệ từ “về”

Câu 5. 

Câu văn “Mỗi con người là một mắt xích, dù rất nhỏ nhưng đều gắn kết và ảnh hưởng nhất định đến người khác” là tác giả khẳng định chúng ta sống trong sự tương tác qua lại với những người khác trong xã hội, mỗi con người đều có vai trò quan trọng trong xã hội. Dù chúng ta có làm gì, ở đâu thì cũng sẽ có sự ảnh hưởng nhất định đến xã hội đó.

Câu 6. Nội dung của đạn trích là bàn về hạnh phúc. Hạnh phúc của cá nhân cũng là hạnh phúc của mọi người.


Đọc hiểu Đơn giản chỉ là hạnh phúc – Đề số 2

Đọc hiểu Đơn giản chỉ là hạnh phúc: Có thể chúng ta vẫn nghĩ hạnh phúc là vấn đề riêng tư và cá nhân (ảnh 2)

Câu 1. Theo tác giả vì sao hạnh phúc không phải là vấn đề “riêng tư” và “cá nhân”?

Câu 2. Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp tu từ có trong câu văn sau: “Tôi thích nghĩ về mối quan hệ giữa con người với nhau trong cuộc đời như mạng tinh thể kim cương. Mỗi người là một nguyên tử cacbon trong cấu trúc đó, có vai trò như nhau và ảnh hưởng đến bốn nguyên tử khác, và cứ thế mà nhân rộng ra”?

Câu 3. Anh/chị có đồng tình với quan điểm “Mỗi con người là một mắt xích, dù rất nhỏ nhưng đều gắn kết và ảnh hưởng nhất định đến người khác”

Câu 4. Điều ý nghĩa nhất mà anh/chị rút ra từ trong đoạn trích?

Trả lời câu hỏi đọc hiểu

Câu 1. 

Theo tác giả hạnh phúc không phải là vấn đề “riêng tư” và “cá nhân” vì: Nếu bạn lo buồn hay gặp bất trắc thì ít nhất, thầy cô, cha mẹ, bạn bè đều cảm thấy xót xa, lo lắng cho bạn. Nếu bạn muốn vui tươi, hạnh phúc thì ít nhất cũng làm cho chừng đó người cảm thấy yên lòng, lạc quan và vui vẻ khi nghĩ về bạn.

Câu 2.

- Biện pháp so sánh: mỗi quan hệ giữa con người với mạng tinh thể kim cương.

- Tác dụng: Nhấn mạnh và diễn tả chân thực hơn về vai trò của mỗi cá nhân với những người khác trong xã hội và sự tác động qua lại lẫn nhau cũng như sự tác động qua lại của 4 nguyên tử cacbon.

Câu 3. 

Em đồng tình với quan điểm “Mỗi con người là một mắt xích, dù rất nhỏ nhưng đều gắn kết và ảnh hưởng nhất định đến người khác” vì: chúng ta sống chung trong một xã hội, có sự tác động qua lại với những người xung quanh. Do đó, sẽ có những ảnh hưởng ít hoặc nhiều tới họ và cũng chịu sự ảnh hưởng ngược lại từ người khác.

Câu 4. 

Điều ý nghĩa nhất mà em rút ra từ trong đoạn trích đó là: Hãy sống thật vui tươi, hạnh phúc để lan tỏa niềm vui, niềm hạnh phúc tới những người xung quanh.

---------------------------------- 

Trên đây Toploigiai đã mang tới cho các bạn những kiến thức bổ ích qua bài Đọc hiểu Đọc hiểu Đơn giản chỉ là hạnh phúc. Hi vọng những kiến thức trên sẽ giúp các bạn đạt được kết quả cao trong học tập. Mời các bạn đến với câu hỏi tiếp theo.

icon-date
Xuất bản : 25/03/2023 - Cập nhật : 30/06/2023