Hướng dẫn trả lời 2 đề Đọc hiểu Tết của hồi ức tự luận chi tiết giúp bạn ôn luyện đề thi Ngữ văn Đọc hiểu đạt kết quả cao
Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:
Nói là tết ta, tết cổ truyền, nguyên đán… vậy chứ mấy ai còn nhớ và thấm được hết cái tinh túy từ cái hồn Tết ấy. Mà nếu có tình cờ đọc được trong sách, báo thì rồi cũng đánh lảng đi như nhớ về thửa ruộng xưa giờ nằm dưới mấy lời bê tông; như hương bồ kết, dậu cúc tần, bồ kết, hương nhu thơm nồng nơi quê hương xa ngái. Bởi thế, nếu được gộp vào với tết Tây lịch, nếu bị lép vế so với Giáng sinh sẽ chẳng có gì lạ. Trừ khi biết được Tết chính là điều bí ẩn thách thức ta suốt cuộc đời. Tết như thể dấu tích minh chứng một điều: những kỉ nguyên, hệ hình văn hóa xưa đã “thác” vào trong đó. […]
“Tết cả” với người Việt vui nhất là lúc sắp sửa diễn ra. Nó tựa như cái hậu trường của một nhà làm phim kì công, như một dòng sông chảy ngược về những hạt mưa nguồn rời vào từng kẽ, từng lạch nước rồi mới ra đến đại dương mênh mông. Chiều Ba mươi tết, cái ngày không sao quên được trong đời một người, cái chiều không ai có thể bình tâm được bởi sự cận kề của cái mới, đáo hạn cái cũ. Sức nóng của hai phía khiến tất cả mọi người cùng buông cuốc, bỏ cày, gác bút, quay mũi thuyền buôn, ngưng tiếng tràng, đục, lơi tay trên dây tơ đàn… Cái xuân nó suồng sã, dân chủ mà đồng điệu thế. Không chỉ là với những sĩ, nông, công, thương, xướng ca ấy mà đến cả răm ba đứa trẻ cũng kiếm cái gì cho mình đón Tết. Không hiểu sao những ngày của Tết xưa ấy, tôi thích nhất là được phụ bà sắm sửa, thu dọn. Dù thuộc lòng những việc năm nảo năm nào cũng diễn ra nhưng vẫn muốn được sai đi mua thứ này, làm việc kia để được nhập vào cái sự vội vã, bị động mà hồn nhiên của người lo tết. […]
Đêm ba mươi đến rất nhanh, chẳng nhà nào quên bữa cơm chiều vội vã. Giờ người ta tụ tập đông đủ, ăn uống linh đình trong bữa cơm đó nhưng người Việt xưa thường không có thứ vui sớm đó mà phải là thu dọn nhà cửa, thả hạt mướp, chuẩn bị nhóm lửa bánh trưng cho một đêm đỏ lửa thâu sang năm mới. Ngọn lửa của chiếc bếp lớn được thắp lên, những sân gạch tối tăm cả năm rực sáng, lũ trẻ chỉ trực thế mà ùa ra lĩnh cái phần trông suốt đêm để được chơi đùa quanh sân, được đánh tam cúc, nướng củ khoai hay chí ít là được gà gật bên ngọn lửa,
Thời khắc cuối của một năm từ từ đến, cha mẹ, ông bà cẩn trọng soạn mâm cúng, hương thơm tỏa khói bay lan man trong niềm suy cảm về hồn vía ông bà được mời về thụ hưởng. Lũ trẻ dường như cũng nín lặng, chỉ còn tiếng con meo đang quật đuôi vồ bóng, tiếng chuột rúc ríc ngoài bờ rào… những âm thanh lạ mà quen, như từ ngàn xưa đọng lại trong tâm thức của người Việt. Mai là năm mới, lại sửa soạn đi chúc họ hàng, chòm xóm, rồi vãn cảnh chùa, đi hội làng mình rồi làng bên…
(Tết của hồi ức – Bùi Việt Phương)
Câu 1: Xác định các phương thức biểu đạt được sử dụng trong văn bản? (0.75 điểm)
Câu 2: Theo tác giả, vì sao “Nói là tết ta, tết cổ truyền, nguyên đán… vậy chứ mấy ai còn nhớ và thấm được hết cái tinh túy từ cái hồn Tết ấy”? (0.75 điểm)
Câu 3: Theo tác giả, tết cả với người Việt vui nhất là lúc nào? (0.5 điểm)
Câu 4: Anh/chị hãy chỉ ra một câu văn có yếu tố trữ tình và một câu văn có yếu tố tự sự trong văn bản trên và nêu tác dụng của việc vận dụng kết hợp hai yếu tố đó? (1 điểm)
Câu 5: Xác định chủ đề của văn bản? (1 điểm)
Câu 6: Anh/chị hiểu như thế nào về quan điểm của tác giả: “Chiều Ba mươi tết, cái ngày không sao quên được trong đời một người, cái chiều không ai có thể bình tâm được bởi sự cận kề của cái mới, đáo hạn cái cũ”?(1.0 điểm)
Đáp án
Câu 1:
- Phương thức biểu đạt được sử dụng trong văn bản trên là: tự sự, miêu tả, biểu cảm, nghị luận.
Câu 2:
- Theo tác giả “Nói là tết ta, tết cổ truyền, nguyên đán… vậy chứ mấy ai còn nhớ và thấm được hết cái tinh túy từ cái hồn Tết ấy” bởi vì nếu có tình cờ đọc được trong sách, báo thì rồi cũng đánh lảng đi, nếu được gộp vào với tết Tây lịch, nếu bị lép vế so với Giáng sinh.
Câu 3:
- Theo tác giả, “Tết cả” với người Việt vui nhất là lúc sắp sửa diễn ra.
Câu 4:
- Yếu tố trữ tình: “Cái xuân nó suồng sã, dân chủ mà đồng điệu thế”
- Yếu tố tự sự: “Thời khắc cuối của một năm từ từ đến, cha mẹ, ông bà cẩn trọng soạn mâm cúng, hương thơm tỏa khói bay lan man trong niềm suy cảm về hồn vía ông bà được mời về thụ hưởng”
- Tác dụng: Khi kết hợp hai yếu tố này về hình thức tạo cho câu văn có sự hài hòa, nhiều góc mở đa dạng, gợi cho người đọc thấy rõ hình ảnh những ngày tết sinh động và hấp dẫn tuy vẫn chứa nhiều trăn trở suy tư của tác giả. Về nội dung thấy được sự gìn giữ truyền thống này, dành sự trân trọng cho ngày Tết cổ truyền, đồng thời lo sợ trước việc ngày Tết dần mất đi giá trị cốt lõi.
Câu 5:
- Chủ đề của văn bản: nói về bản sắc văn hóa truyền thống tết cổ truyền Việt Nam trong xã hội hiện đại, đồng thời bộc lộ được sự mai một dần dần của giá trị tinh thần và giá trị cốt lõi của tết cổ truyền.
Câu 6:
- Quan điểm của tác giả: “Chiều Ba mươi tết, cái ngày không sao quên được trong đời một người, cái chiều không ai có thể bình tâm được bởi sự cận kề của cái mới, đáo hạn cái cũ” được hiểu là: Chiều ba mươi tết đây là thời điểm để mọi người trong gia đình xum họp, đoàn tụ. Bên cạnh đó còn nhắc nhở dòng thời gian trôi chảy mọi thứ đều thay đổi cần trân trọng mọi khoảnh khắc phút giây để thấy một năm vừa qua giá giá trị đến nhường nào. Bộc lọ được tâm trạng con người hối hả, xen lẫn háo hức, mong chờ năm mới hứa hẹn nhiều điều tốt đẹp.
Câu 1: Nhan đề “ Tết của hồi ức” mang ý nghĩa gì ?
Câu 2: Theo tác giả, Tết như thể dấu tích minh chứng một điều gì ?
Câu 3: Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp tu từ ẩn dụ trong đoạn sau: “Nói là tết ta, tết cổ truyền, nguyên đán… vậy chứ mấy ai còn nhớ và thấm được hết cái tinh túy từ cái hồn Tết ấy. Mà nếu có tình cờ đọc được trong sách, báo thì rồi cũng đánh lảng đi như nhớ về thửa ruộng xưa giờ nằm dưới mấy lời bê tông; như hương bồ kết, dậu cúc tần, bồ kết, hương nhu thơm nồng nơi quê hương xa ngái.”
Câu 4: Anh/chị có suy nghĩ như thế nào về “Tết cả” bản sắc văn hóa truyền thống của Tết cổ truyền Việt Nam trong xã hội hiện đại.
Câu 5: Em có đồng tình với quan điểm của tác giả khi cho rằng: “Nói là tết ta, tết cổ truyền, nguyên đán… vậy chứ mấy ai còn nhớ và thấm được hết cái tinh túy từ cái hồn Tết ấy” không ? Vì sao ?
Đáp án
Câu 1:
- Nhan đề “Tết của hồi ức” mang ý nghĩa: chỉ những ký ức về Tết xưa, những trải nghiệm của tác giả về ngày Tết trong quá khứ. Thể hiện niềm hoài niệm về những giá trị truyền thống tốt đẹp của ngày Tết xưa, về sự gắn kết gia đình, về không khí ấm áp, sum vầy. Sự tiếc nuối về thời gian đã qua, về những điều không thể nào lấy lại được. Đồng thời tác giả thông qua đây mong muốn được sống lại những khoảnh khắc đẹp đẽ của ngày Tết xưa, được sum vầy bên gia đình trong dịp Tết đến xuân về.
Câu 2:
- Theo tác giả, Tết như thể dấu tích chứng một điều: những kỉ nguyên, hệ hình văn hóa xưa đã “thác” vào trong đó.
Câu 3:
- Ẩn dụ: “ cái tinh túy từ cái hồn Tết ấy”, “như nhớ về thửa ruộng xưa giờ nằm dưới mấy lời bê tông”, "như hương bồ kết, dậu cúc tần, bồ kết, hương nhu thơm nồng nơi quê hương xa ngái"
- Tác dụng: Tăng sức gợi hình, gợi tả tạo cho người đọc dễ hình dung Tết một giá trị tinh thần cao quý, sâu sắc, là "tinh túy", là "hồn cốt" của văn hóa Việt Nam. Giá trị tinh thần đó không thể so sánh với bất kỳ điều gì khác. Đồng thời nêu bật Cái hồn Tết đang dần phai nhạt, bị lãng quên, bị lấp đi bởi sự phát triển của xã hội hiện đại. ảm giác nuối tiếc, xót xa về sự mất mát những giá trị truyền thống. Cái hồn Tết gắn liền với những hình ảnh, mùi hương quen thuộc của quê hương.
Câu 4:
- “Tết cả” bản sắc văn hóa truyền thống của Tết cổ truyền Việt Nam trong xã hội hiện đại là: là ngày tết truyền thống của ngươi Việt, những ngày cận kề tết cho dù là ngày xưa hay nay mọi người đều tấp nập chuẩn bị, sắm sửa đón tết. Khi đêm ba mươi cận đề của giao thừa, sự giao thoa giữa năm cũ và năm mới. Tuy vậy một số phong tục tập quán truyền thống dần mai một dần do bị ảnh hưởng của lối sống hiện đại, nhiều người trẻ quên đi giá trị văn hóa truyền thống của ngày Tết, Tết cổ truyền đang dần trở nên thương mại hóa với sự xuất hiện của nhiều dịch vụ ăn uống, vui chơi giải trí.
Câu 5:
- Quan điểm: “Nói là tết ta, tết cổ truyền, nguyên đán… vậy chứ mấy ai còn nhớ và thấm được hết cái tinh túy từ cái hồn Tết ấy” không hoàn toàn đúng.
- Vì: Trong cuộc sống xã hội còn nhiều người vẫn quan tâm đến những ngày tết truyền thống, ngày mà họ tạm gác lại bộn bề để trở về với gia đình, rũ bỏ mọi muộn phiền năm mới sum vầy ấm áp bên hồn tết, thiên nhiên mùa Xuân. Cái tinh túy hồn Tết ấy vẫn còn khắc ghi ở nhiều nơi vẫn lưu truyền và luôn có những phong tục diễn ra trong ngày tết từ thời xưa đến nay có sự tham gia của nhiều thế hệ.