logo

Đọc hiểu Mưa qua những cánh rừng (2 đề)

icon_facebook

Hướng dẫn trả lời hai đề đọc hiểu Mưa qua những cánh rừng trắc nghiệm , tự luận chi tiết chính xác giúp bạn ôn luyện thi Ngữ Văn phần Đọc hiểu đạt kết quả cao 

Đọc ngữ liệu sau và trả lời câu hỏi:

MƯA QUA NHỮNG CÁNH RỪNG

…Đây là lần đầu tiên Huyên đến đồn Biên phòng Sang Khương. Mất gần hai tiếng đồng hồ để di chuyển từ thành phố đến bến thuyền đầu tiên, ngồi ca-nô chừng ba mươi cây số ngược lòng hồ thủy lợi, thêm một quãng đường rừng đồi dốc quanh co trên chiếc xe ô-tô đời cũ xóc nảy đến nỗi ê ẩm hết cả người thì Huyên mới đặt chân tới cổng đồn. […]

Huyên cố giữ tâm trí mình bình lặng lại sau khi bị xáo động dữ dội bởi cuộc hội ngộ bất ngờ với Bằng. Biết bao nhiêu năm dằng dặc cách biệt, không ngờ có ngày Huyên gặp lại anh ở nơi tận cùng hoang vắng này, trong một đồn Biên phòng nằm lọt thỏm giữa cánh rừng mênh mông xanh thẳm, giữa những người lính mang trên mình bộ quân phục nhuốm màu sương gió và cơn mưa tháng sáu dữ dội đến vô cùng.

*

(Lược một đoạn: Huyên nhớ về những ký ức xưa ở với bà vì mẹ đi làm tận miền nam. Hai bà cháu sống trên ngôi làng nhỏ ở vách núi – nơi mỗi năm vẫn oằn mình chống chịu những cơn lũ Tiểu Mãn khốc liệt. Mười hai tuổi Huyên gặp Bằng – cậu bé mồ côi – vì cả gia đình vừa bị lũ cuốn trôi năm đó. Bà đón Bằng về nhà nuôi, Huyên và Bằng nhanh chóng trở nên thân thiết và gắn bó với nhau. Một thời gian sau, bà ốm nặng, mẹ từ miền nam trở về thăm bà, thăm Huyên. Mẹ phản đối việc bà nuôi Bằng trong nhà, nên Bằng chỉ được ở sau nhà gần chuồng bò. Không lâu sau bà mất, mẹ bán nhà, bán vườn đưa Huyên lên phố. Huyên năn nỉ nhưng mẹ không cho Bằng đi theo. Ngày chiếc xe tải lăn bánh rời đi, Bằng chân trần chạy theo gọi Huyên mãi giữa trời đông mưa phùn gió bấc. Huyên òa lên khóc…

Lần này, khi đến đồn biên phòng Sang Khương để viết bài phóng sự, Huyên được các chiến sĩ đưa đi thăm đập Ngàn Trươi và lắng nghe những câu chuyện về Bằng – người chiến sĩ chưa từng nghỉ phép. Huyên ghi chép lại những câu chuyện đầy thương mến ấy. Và tự nhiên Huyên thấy mình được đi cùng anh cả một chặng đời.)

Ngay khoảnh khắc đầu tiên bước vào phòng truyền thống của đồn biên phòng Sang Khương, Huyên đã nhận ra Bằng ngay lập tức. Dường như có một luồng điện vụt qua trí não của cô chiếu sáng những mảnh ký ức vụn vỡ tưởng chừng đã chìm vào quên lãng. Từ trong bức ảnh được lồng khung trang trọng treo chính giữa căn phòng, một người lính mang quân hàm xanh với đôi mắt sáng và cái nhìn điềm tĩnh đang hướng về phía cô.

Trong đôi mắt đó những mất mát buồn thương đã lắng vào sâu thẳm, chỉ còn lại ánh sáng ấm áp yêu thương và khắc khoải đợi chờ. Bên dưới bức ảnh là dòng chữ ghi họ tên anh, thiếu úy Lê Hữu Bằng, nơi sinh, quê quán, cùng một dấu gạch nối giữa hai mốc thời gian ngắn ngủi.

– Dịp đó cũng chừng đầu tháng sáu như thế này, sau mấy tuần liên tiếp cồn cột gió Lào đỉnh điểm nắng nóng thì trời đột ngột đổ mưa, dân gian vẫn thường gọi là mưa Tiểu Mãn – Giọng đồng chí đồn trưởng trầm trầm kể lại – Cả ngày hôm đó giông gió sấm chớp dữ dội, chúng tôi vẫn thực hiện công tác tuần tra biên giới như mọi khi.

Thế rồi vào lúc chập tối, có một nhóm ba người dân hoảng hốt chạy tới báo tin họ đi rừng lấy mật ong không may gặp nạn chỗ suối Hóp, nơi có một khúc quanh cực kỳ nguy hiểm nước thường dâng rất đột ngột. Năm đó công trình thủy lợi Ngàn Trươi chưa làm, lũ lụt ở vùng này vô cùng bất ngờ và ác liệt.

Đồn biên phòng lập tức cử người lên đường ngay, đồng thời qua bộ đàm liên lạc với tiểu đội do đồng chí Bằng đang ở gần đó nhất. Trời sập tối rất nhanh mà mưa càng lúc càng to, đường mòn sụt lở khó đi kinh khủng. Lúc cắt rừng đến nơi thì nước đã dâng cao quá chỗ ngầm tràn, dưới ánh đèn pin lấp loáng, chúng tôi nhìn thấy hai người dân mắc kẹt lại trên một tảng đá nhỏ giữa dòng chảy xiết đang kêu cứu đến kiệt sức.

Anh em hội ý rất nhanh rồi thống nhất phương án dùng dây chăng qua các gốc cây, sau đó cử hai đồng chí buộc dây vào mình trực tiếp bơi ra. Đồng chí Bằng cùng với một chiến sĩ nữa xung phong thực hiện nhiệm vụ. Sau mấy tiếng đồng hồ vật lộn giữa dòng nước hung dữ tối tăm cuồn cuộn, anh em cũng đưa được người bị nạn vào bờ an toàn. Thế nhưng vào phút cuối cùng, không ai ngờ được một sự cố đau lòng lại xảy ra.

[….] Ngôi mộ của thiếu úy Lê Hữu Bằng nằm khiêm tốn ở góc đồi, đó cũng là một ngôi mộ gió. Suốt đêm mưa lũ bão bùng ấy và ròng rã mấy tháng sau, anh em chiến sĩ đào xới từng khoảnh rừng để tìm kiếm Bằng nhưng không hề thấy một dấu vết nào sót lại. Dường như anh đã lặng lẽ hòa vào trong đất, giữa mầu xanh miên viễn của rừng. Đám tang anh được đơn vị cử hành sau đó có rất đông bà con từ những xóm làng xa xôi dọc vùng biên ải lặn lội đến dự. Tất cả họ đều chít khăn trắng. Trên mộ anh phủ đầy hoa trắng. Ngày Huyên ra thăm anh, giữa tháng sáu nắng đổ rực trời cô nhìn thấy những bông hoa muối li ti mầu trắng nở đầy trên mộ.

Về sau này người ta vẫn kể rằng chưa bao giờ thấy trận lũ trái mùa bất thường đến thế ở Ngàn Trươi. Đó cũng là trận lũ cuối cùng trước khi đập chính chặn dòng, công trình thủy lợi khánh thành đã làm thay đổi hoàn toàn một vùng biên giới.

Huyên đặt dấu chấm kết thúc cho bài phóng sự gửi về tòa soạn báo vào một buổi chiều tĩnh lặng. Bên cạnh cô là màn hình máy tính nhấp nháy sáng từng con chữ, cuốn sổ tay chép bằng mực xanh của Bằng với rất nhiều trang nhắc đến tên Huyên như người em gái yêu thương xa cách từ thuở thiếu thời…

Bình minh chiếu ánh nắng rực rỡ xuống mặt hồ khi những người lính biên phòng tiễn Huyên ra tận bến đò. Chiếc ca-nô tung bọt trắng xóa giữa dòng Ngàn Trươi. Phía sau cô là bóng áo xanh dưới tán rừng lặng lẽ”.

                                                                                                                                                      (Trần Thị Tú Ngọc, báo Nhân Dân, ngày 20/06/2022)


Đọc hiểu Mưa qua những cánh rừng (Trắc nghiệm) - Đề 1

Câu 1: Văn bản trên sử dụng ngôi kể nào?

A. Ngôi kể thứ ba

B. Ngôi kể thứ hai

C. Ngôi kể thứ nhất

D. Ngôi kể thứ hai và thứ ba

Câu 2: Phát biểu nào sau đây nói đúng về đặc điểm của lời kể trong truyện?

A. Chỉ có lời nhân vật

B. Chỉ có lời người kể chuyện

C. Bao gồm cả lời người kể chuyện và lời nhân vật

D. Bao gồm cả lời người kể chuyện, lời nhân vật và lời tác giả

Câu 3: Nhân vật Huyên và Bằng gặp nhau lần đầu tiên trong hoàn cảnh nào?

A. Huyên đi chơi và vô tình gặp Bằng bên sườn núi.

B. Huyên đi công tác gặp Bằng trong đồn biên phòng .

C. Huyên gặp Bằng trên xe ôtô khi đến đồn biên phòng.

D. Huyên gặp Bằng khi cha mẹ anh vừa mất sau trận lũ.   

Câu 4: “Cuộc hội ngộ” giữa Huyên và Bằng sau nhiều năm xa cách có gì đặc biệt?

A. Bằng đã hy sinh, Huyên chỉ thấy Bằng qua khung ảnh

B. Bằng đã trở thành chiến sĩ và không nhớ Huyên

C. Huyên vẫn nhận ra Bằng, nhưng Bằng giận Huyên

D. Huyên đi công tác gặp Bằng trong đồn biên phòng.

Câu 5: Chi tiết “Bằng chân trần chạy theo gọi Huyên mãi giữa trời đông mưa phùn gió bấc. Huyên òa lên khóc” cho thấy tình cảm gì của Huyên với người anh thời thơ ấu?

A. Huyên lo sợ Bằng lạnh và bị ốm khi chạy chân trần giữa mùa đông.

B. Huyên không muốn rời xa Bằng và thương anh phải sống lẻ loi một mình.

C. Huyên vui mừng tạm biệt Bằng vì được lên thành phố sống ấm no, hạnh phúc.

D. Huyên tức giận với Bằng vì cứ chạy theo xe oto khiến người đi đường khó chịu.

Câu 6: Qua câu chuyện của những người chiến sĩ về Bằng, Huyên có tình cảm, thái độ gì?

A. Phấn khởi, vui vẻ vì người anh được nhiều người yêu quý.

B. Buồn tủi, băn khoăn vì sao người anh không về thăm mình.

C. Nhớ thương, trân trọng sự hy sinh của anh dành cho nhân dân.

D. Mong muốn đón anh lên thành phố để có cuộc sống no đủ hơn.

Câu 7: Tại sao nhân vật Bằng được chủ yếu khắc họa thông qua điểm nhìn của những nhân vật khác?

A. Tác giả không biết nhân vật Bằng có ngoại hình như thế nào nên không miêu tả.

B. Để những nhân vật khác thể hiện tình cảm tự nhiên, chân thật của mình dành cho nhân vật Bằng.

C. Nhân vật Bằng là người nổi tiếng nên cần khắc họa qua lời nói của nhiều người.

D. Tác giả không muốn nhân vật Bằng xuất hiện thường xuyên trong tác phẩm của mình.

Câu 8: Nhận xét về trình tự thời gian trong mạch truyện.

Câu 9: Chi tiết: “cuốn sổ tay chép bằng mực xanh của Bằng với rất nhiều trang nhắc đến tên Huyên như người em gái yêu thương xa cách từ thuở thiếu thời” cho em hiểu gì về nhân vật chiến sĩ Bằng?

Câu 10: Từ truyện ngắn trên, bạn suy nghĩ gì về ý nghĩa của lòng biết ơn trong cuộc sống? (Viết khoảng 5 – 7 dòng)

Đáp án

Câu 1. A => Văn bản trên sử dụng ngôi kể thứ ba. 

Câu 2. C => Phát biểu nói đúng về đặc điểm của lời kể trong truyện: Bao gồm cả lời người kể chuyện và lời nhân vật.

Câu 3. D => Nhân vật Huyên và Bằng gặp nhau lần đầu tiên trong hoàn cảnh: Huyên và Bằng khi cha mẹ anh vừa mất sau trận lũ 

Câu 4. D => “ Cuộc hội ngộ ” giữa Huyên và Bằng sau nhiều năm xa cách có sự đặc biệt là: Huyên đi công tác gặp Bằng trong đồn biên phòng.

Câu 5. B => Chi tiết “Bằng chân trần chạy theo gọi Huyên mãi giữa trời đông mưa phùn gió bấc. Huyên òa lên khóc” cho thấy tình cảm gì của Huyên với người anh thời thơ ấu là: Huyên không muốn rời xa Bằng và thương anh phải sống lẻ loi một mình.

Giải thích: Vì Huyên và Bằng đã sống cùng nhau trong một thời gian dài, chi tiết mẹ Huyên phản đối việc bà nuôi Bằng trong nhà và sau khi bà mất mẹ Huyên đã bán nhà cửa, bán vườn đưa Huyên lên phố sông không cho Bằng theo khiến Huyên thương Bằng hơn không muốn anh sống một mình

Câu 6. C => Qua câu chuyện những người chiến sĩ về Bằng, Huyên có tình cảm, thái độ nhớ thương, trân trọng sự hy sinh của anh dành cho nhân dân.

Giải thích: Nhớ thương vì Bằng là người anh trai sống và được nuôi nấng, che chở dưới tay của bà và cùng sống với Huyên suốt thời gian rồi bỗng bị chia cách. Và một ngày gặp lại anh nơi biên giới, xót thương cho chính anh khi xả thân cứu người tuy cuộc hội ngộ không thấy bóng dáng Bằng chỉ được nghe những câu chuyện về chàng thiếu úy Lê Hữu Bằng.

Câu 7. B => Nhân vật Bằng được chủ yếu khắc họa thông qua điểm nhìn của những nhân vật khác vì để những nhân vật khác thể hiện tình cảm tự nhiên, chân thật của mình dành cho nhân vật Bằng.

Câu 8: 
- Trình tự thời gian trong mạch truyện: là thời gian đa chiều 

+ Mở đầu tác phẩm là thời gian của hiện tại, khi mà nhân vật Huyên đang là phóng viên di chuyển lên đồn biên phòng 

+ Đoạn tiếp theo là thời gian quay về quá khứ khi xưa, Huyên nhớ về tuổi thơ của chính mình được sống cùng bà với Bằng, sự chia xa Bằng và cùng mẹ lên phố sống. 

+ Quay trở lại hiện tại khoảnh khắc khi Huyên nhận ra Bằng thông qua bức ảnh của anh được treo ở phòng truyền thống khơi gợi ký ức ngày xưa 

+ Thời gian quay lại quá khứ gần vào dịp tháng 6 kể về sự hy sinh của thiếu úy Lê Hữu Bằng bằng giọng của đồng chí đồn trưởng 

+ Thời gian lại quay trở lại hiện tại Huyên đã hoàn thành xong bài phóng sự và trở về nhà cùng cuốn sổ tay của Bằng.  

Câu 9: Chi tiết: “cuốn sổ tay chép bằng mực xanh của Bằng với rất nhiều trang nhắc đến tên Huyên như người em gái yêu thương xa cách từ thuở thiếu thời” cho em hiểu về nhân vật chiến sĩ Bằng là:

- Cho thấy anh là một người dịu dàng, ấm áp và giàu tình cảm

- Có tình yêu thương và trân trọng những kỉ niệm đẹp hồi ức xưa, trân trọng tình bạn và người thân 

- Nhân vật Bằng thể hiện tình cảm của mình qua hành động cụ thể viết những lời yêu thương, dành một loại tình cảm gắn bó, thân thiết giữa hai người anh em tuy xa mặt nhưng không cách lòng.

Câu 10: Ý nghĩa của lòng biết ơn trong cuộc sống: 

- Lòng biết ơn là một phẩm chất đạo đức cao đẹp, là sự ghi nhận và trân trọng những gì mình đã nhận được từ người khác. Sống với lòng biết ơn mang lại nhiều ý nghĩa to lớn cho cuộc sống. Khi biết ơn những điều tốt đẹp mình có, con người sẽ cảm thấy hạnh phúc và trân trọng cuộc sống hơn. Nhờ đó, họ sẽ có tinh thần lạc quan, yêu đời và dễ dàng vượt qua khó khăn. Khi biết ơn, con người sẽ biết yêu thương, chia sẻ và giúp đỡ nhau nhiều hơn. Con người biết ơn những gì mình đang có giúp con người rèn luyện lòng nhân ái, biết quan tâm và chia sẻ với những người có hoàn cảnh khó khăn. Lòng biết ơn sẽ thúc đẩy con người sống chan hòa, yêu thương và giúp đỡ nhau, từ đó tạo nên một cộng đồng văn minh và phát triển.

Đọc hiểu Mưa qua những cánh rừng

Đọc hiểu Mưa qua những cánh rừng (Tự luận) - Đề 2

Câu 1: Đoạn trích trên chủ yếu được kể từ điểm nhìn của những nhân vật nào 

Câu 2: Theo đoạn trích, vì sao Huyên và Bằng chia tay nhau?                                                                                 

Câu 3: Chủ đề của truyện ngắn trên là gì? Em có nhận xét gì về chủ đề ấy?

Câu 4: Qua chi tiết “Đồng chí Bằng cùng với một chiến sĩ nữa xung phong thực hiện nhiệm vụ.” Cho em hiểu gì về nhân vật chiến sĩ Bằng.

Câu 5: Em có đồng tình với quan niệm của tác giả khi cho rằng: “Dường như anh đã lặng lẽ hòa vào trong đất, giữa mầu xanh miên viễn của rừng” hay không?Vì sao?

Câu 6: Từ truyện ngắn trên, bạn suy nghĩ gì về ý nghĩa của việc sống có lý tưởng.

Đáp án

Câu 1:

- Đoạn trích trên chủ yếu được kể từ điểm nhìn của các nhân vật: người kể chuyện, Huyên, đồng chí đội trưởng.                                          

Câu 2:            

- Huyên và Bằng chia tay nhau vì mẹ Huyên bán nhà, bán vườn rồi đưa Huyên theo mẹ lên phố sống, nhưng không cho Bằng đi theo.

Câu 3:  

- Chủ đề của truyện ngắn nói về mối quan hệ bền bỉ của tình thân giữa Huyên và Bằng ngay cả khi không phải cùng máu mủ ruột thịt. Đồng thời bộc lộ được thiên thiên cánh rừng một câu chuyện nối tiếp từ ký ức tới hiện tại, hé lộ vẻ đẹp của người lính quên mình vì nghĩa lớn.

- Nhận xét về chủ đề: chủ đề thể hiện nhiều khía cạnh khác nhau, những con người bình bị đơn giản với vẻ đẹp bình dị nhưng mở ra một tâm hồn lớn lao.

Câu 4: 

- Qua chi tiết  “Đồng chí Bằng cùng với một chiến sĩ nữa xung phong thực hiện nhiệm vụ.” Cho em hiểu về nhân vật chiến sĩ Bằng là một người có trách nhiệm cao trong công việc nhiệm vụ của mình, anh dũng sẵn lòng để bảo vệ nhân dân, không ngại gian khó dũng cảm đối mặt với nỗi sợ, xả thân mình để cứu người khác.

Câu 5: 

-  Quan niệm của tác giả khi cho rằng: “Dường như anh đã lặng lẽ hòa vào trong đất, giữa mầu xanh miên viễn của rừng” hoàn toàn đúng 

- Vì: Câu văn hòa cùng thiên nhiên nhẹ nhàng dường như an ủi xoa dịu phần nào đi sự mất mát của người chiến sĩ ấy, sự hòa hợp với thiên nhiên trở về với cội nguồn hòa vào đất mẹ, trở thành một phần của thiên nhiên, cái chết không phải là kết thúc mà là sự tiếp nối của một vòng luân hồi mới, con người dù sinh hay chết đi, thiên nhiên vẫn luôn tồn tại, tiếp tục vươn lên và phát triển.

Câu 6: 

* Ý nghĩa của việc sống có lý tưởng:

- Đối với cá nhân: 

+ Lý tưởng giúp con người xác định được mục tiêu và định hướng cho cuộc đời. Khi có mục tiêu, con người sẽ có động lực để phấn đấu và có kế hoạch cụ thể để thực hiện mục tiêu của mình.

+ Khi có lý tưởng, con người sẽ có niềm tin vào bản thân và kiên trì theo đuổi mục tiêu của mình.

+ Sẽ có nhiều khó khăn và thử thách trên con đường thực hiện lý tưởng, vì vậy cần kiên trì, không ngừng nỗ lực và học hỏi để vượt qua, can đảm vượt qua và bước tiếp.

- Đối với xã hội: 

+ Khi con người sống có lý tưởng, họ sẽ hướng đến những giá trị tốt đẹp, chung tay xây dựng một xã hội văn minh, có đạo đức.

+ Sống có lý tưởng là khi con người có mục tiêu, động lực và quyết tâm, họ sẽ cống hiến hết sức mình cho công việc, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế của xã hội.

+ Khi con người cùng chung lý tưởng, họ sẽ hướng đến mục tiêu chung, cùng nhau giúp đỡ, hỗ trợ nhau, từ đó tăng cường sự đoàn kết và gắn kết cộng đồng.
 

icon-date
Xuất bản : 15/04/2024 - Cập nhật : 15/04/2024

Câu hỏi thường gặp

Đánh giá độ hữu ích của bài viết

😓 Thất vọng
🙁 Không hữu ích
😐 Bình thường
🙂 Hữu ích
🤩 Rất hữu ích
image ads