logo

Đọc hiểu Email lúc 0 giờ

Tuyển tập Bộ đề Đọc hiểu Email lúc 0 giờ hay nhất. Tổng hợp, sưu tầm các đề Đọc hiểu Email lúc 0 giờ đầy đủ nhất.


Đọc hiểu Email lúc 0 giờ - Đề số 1

I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

Người xưa nói “thư trung hữu kim” – trong sách có vàng. Sách là nơi lưu giữ trí khôn nhân loại, nên đó là kho vàng tri thức. Lại có những bậc đại bút quan niệm, người viết sách phải là người đọc hết các kì thư, ngao du những kì quan, trò chuyện với các kì nhân, về nhà đóng cửa ba năm nghiền ngẫm rồi mới bắt tay vào cầm bút. Xem ra, với công phu khổ luyện như vậy, những cuốn sách được viết ra có gọi là mỏ kim cương cũng đáng lắm.

Thế nhưng, trong cuộc sống hiện đại hình như người ta không còn tìm vàng, tìm kim cương trong sách nữa. Họ thích tìm trong chứng khoán, bất động sản, dự án, công trình, và cả các phi vụ làm ăn phi pháp. Khi internet trở nên phổ biến, nhiều người đắm chìm trong thế giới ảo hoặc ngụp lặn trong bể truyền thông thăm thẳm. Không gian hoạt động của người hiện đại chỉ còn là cuộc di chuyển từ màn hình vi tính đến giường ngủ. Việc đọc trở nên lép vế so với xem, nghe, nhìn, ngắm,… Nếu coi đọc sách là một quá trình tư duy, thì ngày nay, người ta đang ít nghĩ đi nhiều lắm.

(Trích Một ngày đọc sách, Email lúc 0 giờ, Hữu Việt, NXB Trẻ, 2017, tr.16)

Câu 1. Hai đoạn văn trong đoạn trích trên có mối liên hệ nhờ phép liên kết hình thức nào?

Câu 2. Theo tác giả, người xưa quan niệm thế nào về người viết sách và việc viết sách?

Câu 3. Tại sao tác giả cho rằng không gian hoạt động của người hiện đại chỉ còn là cuộc di chuyển từ màn hình vi tính đến giường ngủ?

Câu 4. Anh/Chị hãy nêu ngắn gọn 2-3 giải pháp để nâng cao văn hóa đọc trong xã hội ngày nay.

Trả lời:

Câu 1. Hai đoạn văn trong đoạn trích trên có sự liên kết nhờ các phép liên kết hình thức: 

- Phép nối (thế nhưng).

 - Phép lặp: sách, đọc

Câu 2. Người xưa quan niệm người viết sách “phải là người đọc hết các kì thư, ngao du những kì quan, trò chuyện với các kì nhân, về nhà đóng cửa ba năm nghiền ngẫm rồi mới bắt tay vào cầm bút”.

Câu 3. Tác giả cho rằng “không gian hoạt động của người hiện đại chỉ còn là cuộc di chuyển từ màn hình vi tính đến giường ngủ” vì phần lớn những tiếp xúc với thế giới bên ngoài của con người hiện nay thông qua mạng internet. Mạng internet tuy đem lại những lợi ích to lớn nhưng cũng làm cho con người trở nên ít vận động, ít tiếp xúc với thế giới thực hơn.

Câu 4. 

Một số giải pháp nâng cao văn hóa đọc trong xã hội ngày nay: 

- Giáo dục để nâng cao nhận thức về vai trò, giá trị, tầm quan trọng của sách. 

- Phát động các cuộc thi đọc sách, chia sẻ về sách ở các đơn vị trường học, cơ quan, nhà máy, xí nghiệp,... 

- Xây dựng tủ sách trong mỗi gia đình, lớp học, cơ quan,...


Đọc hiểu Email lúc 0 giờ - Đề số 2

I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

Lịch sử đã có những câu chuyện thú vị lẫn bi thương liên quan đến thách thức và thách đố.

Đại thi hào Puskin bên cạnh sự nghiệp thi ca khổng lồ, còn là tác gia truyện ngắn vô cùng đặc sắc. Một trong những chuyện cha thích nhất là Phát súng, kể về về một cuộc thách đấu mà người ta vẫn tin rằng nhà thơ đã lấy bản thân mình làm nguyên mẫu. Cuộc đấu súng kết thúc khi lòng cao thượng chiến thắng hận thù, đố kị, và cái còn lại là sự khâm phục vì tình thương yêu con người. Thế nhưng từ trang sách đến cuộc đời lại là một khoảng cách quá xa. Cái kết trong truyện ngắn Phát súng không phải là là kết cục cuộc đấu súng thực sự giữa Puskin và một sĩ quan quân đội Sa hoàng vốn thù ghét nhà thơ. Lòng ghen tuông đã khiến ông không vượt qua được cuộc thách đấu mà nếu như không có nó, hẳn gia tài văn học của nhân loại sẽ còn tiếp tục giàu có thêm rất nhiều, trước hết là cuốn tiểu thuyết Người da đen của Piotr Đại đế ông đang viết, hứa hẹn cực hay, đành dang dở mãi mãi…

Chấp nhận thách thức, thậm chí chủ động tạo ra thách thức, đặt mình vào tình thế không còn đường lùi là một cách rèn luyện ý chí. Nói như một học giả thì ở đâu có ý chí, ở đó sẽ có con đường…

Con bảo, lớn lên muốn tiếp tục công việc của cha và ông nội, trở thành nhà văn. Dù rất vui, nhưng cha phải nói ngay với con rằng, đã lâu rồi cha không thấy con đọc hết một cuốn sách. Khi một em bé băng qua đường bị ngã, con đã không làm gì cả bởi con đang cắm đầu vào màn hình điện thoại… Người viết văn nếu không giật mình trước nỗi đau của đồng loại thì niềm đam mê tưởng chừng hay ho ấy có thể biến cuộc sống sau này trở nên tầm thường và tẻ nhạt. .. Thách thức có thể rất cụ thể hoặc rất trừu tượng, nhưng đôi khi lại giản dị như công việc hàng ngày.

(Trích Email lúc 0 giờ, Hữu Việt, NXB Trẻ. 2017, tr17, 18)

Câu 1. Đoạn trích mang hình thức lời của người cha nhắn nhủ con. Qua lời nhắn nhủ ấy, người cha luận bàn về hai khái niệm nào?

Câu 2. Điều gì khiến người cha cảm thấy phiền muộn ở con mình?

Câu 3. Tại sao người cha lại khuyên con “chấp nhận thách thức” để rèn luyện ý chí?

Câu 4. Anh/Chị rút ra bài học gì từ đoạn trích trên?

* Gợi ý trả lời:

Câu 1. Người cha luận bàn về khái niệm thách thức và thách đố.

Câu 2. Người cha cảm thấy phiền muộn vì con nói muốn trở thành nhà văn như cha và ông nội nhưng: đã lâu không thấy con đọc hết một cuốn sách; thờ ơ, vô tâm khi một em bé qua đường bị ngã.

Câu 3. Người cha khuyên con “chấp nhận thách thức” để rèn luyện ý chí vì chỉ khi đối mặt với thách thức, con người mới bộc lộ được hết những khả năng tiềm ẩn của mình; chỉ khi chấp nhận thách thức, ý chí con người mới được tôi luyện trưởng thành.

Câu 4. Học sinh có thể trả lời theo hướng sau:

– Nêu bài học rút ra từ đoạn trích.

– Giải thích lí do rút ra bài học ấy.

icon-date
Xuất bản : 06/06/2021 - Cập nhật : 06/06/2021