logo

Đọc hiểu Giăng sáng

Tuyển tập Bộ đề Đọc hiểu Giăng sáng hay nhất. Tổng hợp, sưu tầm các đề Đọc hiểu Giăng sáng đầy đủ nhất.


Đọc hiểu Giăng sáng - Đề số 1

Đọc văn bản và trả lời các câu hỏi 

      (1) Năm ngoái đây, cái trường vẫn thuê Ðiền dạy lớp nhất, lấy hai chục bạc lương một tháng, đột nhiên phải giẹp. Giẹp để nhường lại mấy căn nhà cho người ta dùng vào việc khác, cần cho lúc này hơn. Ông hiệu trưởng còn chịu của Ðiền nửa tháng lương. Tiền học tháng cuối cùng thì chưa thu được. Chỗ anh em biết tính thế nào cho tiện? Giá ông xoay được, thì ông trả phắt Ðiền chục bạc, cho đẹp mặt cả đôi bên. Nhưng ông không xoay được. Mà chẳng lẽ Ðiền phải thiệt? Thôi thì... thôi thì... - biết nói sao bây giờ? - Ông cười một cách ngượng nghịu bảo Ðiền:

      (2) - Thôi! Thế này này, ông Ðiền ạ! Giá ông không ngại, thì ông đem bộ ghế mây về quê mà dùng. Lão hàng phở nó trả có bảy hào một cái. Hôm nọ, chỉ căng mây lại cho hai cái cũng đã mất một đồng. Bán cho lão thì phí đi. Mà ở nhà ông chưa có ghế…

      (3) Lúc ấy, Ðiền phải cố giữ, cái mặt mới không xị xuống. Thật ra thì Ðiền chán lắm. Ðiền chẳng muốn lấy bốn cái ghế tí nào. Chao ôi! Cũng mang tiếng là ghế mây!... Cái thì xộc xệch, cái thì bốn chân rúm lại, và chẳng cái nào nước sơn không róc ra cả như da thằng hủi. Trông đủ thảm. Ðiền phải bỏ bảy hào chịu lấy một cái vé tàu hỏa để tải mình về quê đã đủ xót ruột lắm rồi, còn phải nợ bỏ tiền ra tải bốn cái ghế già nua ấy nữa. Nhưng từ chối thì không tiện. Ra sự rằng mình dỗi. Có thể tủi lòng ông hiệu trưởng. Ấy là một điều mà Ðiền chẳng muốn, bởi ông với Ðiền là chỗ bạn nghèo với nhau. Họ bị tủi vì người ngoài đã lắm. Chẳng nên để người nọ còn phải  tủi vì người kia...

(Trích Giăng sáng, Tuyển tập Nam Cao, NXB Văn học, 1999, tr. 309-310)

Thực hiện các yêu cầu sau: 

Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích.

Câu 2: Trong văn bản, ông hiệu trưởng đã bảo Điền làm gì khi còn chịu của Điền nửa tháng lương?

Câu 3: Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp tu từ nhân hóa trong trong câu văn in đậm.

Câu 4: Nhận xét về nhân vật Điền được thể hiện qua đoạn (3). 

Trả lời câu hỏi đọc hiểu

Câu 1: 

Phương thức biểu đạt chính của đoạn trích: tự sự

Câu 2: 

Trong văn bản, ông hiệu trưởng đã bảo Điền đem bộ ghế mây về quê dùng khi còn chịu của Điền nửa tháng lương

Câu 3: 

Câu in đậm sử dụng biện pháp tu từ nhân hóa: “bốn cái ghế già nua” có tác dụng nhấn mạnh sự cũ nát của chiếc ghế, thái độ chán trường của nhân vật Điền

Câu 4: 

Qua đoạn văn có thể thấy Điền là một thầy giáo nghèo nhưng luôn cố gắng đấu tranh nội tâm để bao dung, cảm thông, vươn tới những điều tốt đẹp nhất.

Đọc hiểu Giăng sáng (trắc nghiệm) - ảnh 2

Đọc hiểu Giăng sáng - Đề số 2

Đọc văn bản và trả lời các câu hỏi 

        … Điền thương con lắm. Vút cái, Điền thấy Điền không thể nào đi được. Điền không thể sung sướng khi con Điền còn khổ. Chao ôi! Trăng đẹp lắm! Trăng dịu dàng và trong trẻo và bình tĩnh. Nhưng trong trong những căn lều nát mà trăng làm cho cái bề ngoài trông cũng đẹp, biết bao người quằn quại, nức nở, nhăn nhó với những đau thương của kiếp mình! Biết bao tiếng nghiến răng và chửi rủa! Biết bao cực khổ và lầm than?... Không, không, Điền không thể nào mơ mộng được. Cái sự thật tàn nhẫn luôn luôn bày ra đấy. Sự thực giết chết những ước mơ lãng mạn gieo trong đầu óc Điền cái thứ văn chương của bọn nhàn rỗi quá. Điền muốn tránh sự thực, nhưng trốn tránh làm sao được? Vợ Điền khổ, con Điền khổ, cha mẹ Điền khổ. Chính Điền cũng khổ. Bao nhiêu người nữa, cùng một cảnh, khổ như Điền! Cái khổ làm héo một phần lớn những tính tình tươi đẹp của người ta. Tiếng đau khổ vang dội lên mạnh mẽ. Chao ôi! Chao ôi! Nghệ thuật không cần là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật có thể chỉ là tiếng đau khổ kia, thoát ra từ những kiếp lầm than, vang dội lên mạnh mẽ trong lòng Điền. Điền chẳng cần đi đâu cả. Điền chẳng cần trốn tránh, Điền cứ đứng trong lao khổ, mở hồn ra đón lấy tất cả những vang động của đời …

          Sáng hôm sau, Điền ngồi viết. Giữa tiếng con khóc, tiếng vợ gắt gỏng, tiếng léo xéo đòi nợ ngoài đầu xóm. Và cả tiếng chửi bới của một người láng giềng ban đêm mất gà.

(Trích Giăng sáng – Nam Cao)

Thực hiện các yêu cầu sau: 

Câu 1: Nội dung chính của văn bản trên là gì?

Câu 2: Ngôn ngữ trong văn bản trên là của ai? Việc sử dụng ngôn ngữ đó có tác dụng gì?

Câu 3: Anh/chị cảm nhận như thế nào về nhân vật Điền trong văn bản trên? Viết câu trả lời trong khoảng 10 dòng.

Câu 4: Điền quan niệm: “Nghệ thuật không cần là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật có thể chỉ là tiếng đau khổ kia, thoát ra từ những kiếp lầm than”. Anh/chị có đồng ý với quan niệm đó hay không? Vì sao?

Trả lời câu hỏi đọc hiểu

Câu 1: Nội dung chính của văn bản: Tâm trạng đau khổ, đầy bi kịch và những trăn trở về nghệ thuật của nhân vật Điền.

Câu 2: Ngôn ngữ trong văn bản là ngôn ngữ nửa trực tiếp, nhà văn hóa thân vào nhân vật để cất lên tiếng nói nội tâm của nhân vật ⟶ Ngôn ngữ đa thanh – một trong những đặc trưng của văn xuôi Nam Cao. Nó làm tăng sự chân thực cho đoạn văn.

Câu 3: Cảm nhận về nhân vật Điền:

- Là 1 nhà văn có lí tưởng đẹp đẽ về văn chương nghệ thuật.

- Có cái nhìn chân thực, sâu sắc về cuộc đời, về mối quan hệ giữa văn chương nghệ thuật và cuộc sống: nghệ thuật phải vị nhân sinh chứ k phải nghệ thuật vị nghệ thuật.

⟶ Nhà văn có tâm huyết, có tình thương và có hoài bão lớn.

Câu 4: Quan điểm nghệ thuật vị nhân sinh:

- Bày tỏ thái độ đồng tình.

- Vì:

+ Con người là đối tượng phản ánh của văn học, hiện thực cuộc sống chính là nguồn cảm hứng, là chất liệu tạo nên tác phẩm văn học. Con người cũng chính là đối tượng hướng tới của văn học. Nếu xa rời hiện thực, văn chương sẽ trở nên xáo rỗng; không có độc giả, văn chương sẽ “chết”.

+ Văn chương phải cất lên tiếng nói sẻ chia, đồng cảm với con người mới là văn chương chân chính.


Đọc hiểu Giăng sáng - Đề số 3

Đọc đoạn trích sau và trả lời câu hỏi:

“Chao ôi! Trăng đẹp lắm! Trăng dịu dàng và trong trẻo và bình tĩnh. Nhưng trong trong những căn lều nát mà trăng làm cho cái bề ngoài trông cũng đẹp, biết bao người quằn quại, nức nở, nhăn nhó với những đau thương của kiếp mình! Biết bao tiếng nghiến răng và chửi rủa! Biết bao cực khổ và lầm than?... Không, không, Ðiền không thể nào mơ mộng được. Cái sự thật tàn nhẫn luôn luôn bày ra đấy. Sự thực giết chết những ước mơ lãng mạn gieo trong đầu óc Ðiền cái thứ văn chương của bọn nhàn rỗi quá. Ðiền muốn tránh sự thực, nhưng trốn tránh làm sao được? Vợ Ðiền khổ, con Ðiền khổ, cha mẹ Ðiền khổ. Chính Ðiền cũng khổ. Bao nhiêu người nữa, cùng một cảnh, khổ như Ðiền! Cái khổ làm héo một phần lớn những tính tình tươi đẹp của người ta. Tiếng đau khổ vang dội lên mạnh mẽ. Chao ôi! Chao ôi! Nghệ thuật không cần là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật có thể chỉ là tiếng đau khổ kia, thoát ra từ những kiếp lầm than, vang dội lên mạnh mẽ trong lòng Ðiền. Ðiền chẳng cần đi đâu cả. Ðiền chẳng cần trốn tránh, Ðiền cứ đứng trong lao khổ, mở hồn ra đón lấy tất cả những vang động của đời…

(Trích “Giăng sáng”, Nam Cao)

Thực hiện các yêu cầu sau: 

Câu 1: Theo đoạn trích, vì sao nhân vật Điền “không thể nào mơ mộng được” trong đêm trăng sáng?

Câu 2: Tác giả đã sử dụng những biện pháp nghệ thuật nào trong đoạn “Vợ Ðiền khổ, con Ðiền khổ, cha mẹ Ðiền khổ. Chính Ðiền cũng khổ. Bao nhiêu người nữa, cùng một cảnh, khổ như Ðiền!”? 

Câu 3: Anh/chị hiểu như thế nào về đoạn “Chao ôi! Chao ôi! Nghệ thuật không cần là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật có thể chỉ là tiếng đau khổ kia, thoát ra từ những kiếp lầm than, vang dội lên mạnh mẽ trong lòng Ðiền. Ðiền chẳng cần đi đâu cả. Ðiền chẳng cần trốn tránh, Ðiền cứ đứng trong lao khổ, mở hồn ra đón lấy tất cả những vang động của đời”

Câu 4: Anh/chị có đồng ý với quan điểm “Cái khổ làm héo một phần lớn những tính tình tươi đẹp của người ta” hay không? Vì sao? 

Trả lời câu hỏi đọc hiểu

Câu 1: 

Nhân vật Điền “không thể nào mơ mộng được” trong đêm trăng sáng vì sự thực đã giết chết những ước mơ của bọn nhàn rỗi quá

Câu 2: 

Tác giả đã sử dụng biện pháp nghệ thuật điệp ngữ trong đoạn “Vợ Ðiền khổ, con Ðiền khổ, cha mẹ Ðiền khổ. Chính Ðiền cũng khổ. Bao nhiêu người nữa, cùng một cảnh, khổ như Ðiền!”? 

Câu 3: 

Bằng nghệ thuật của bản thân, tác giả đã cho thấy được văn học luôn lắng đọng, tiềm ẩn sâu bên trong mỗi con người. 

Câu 4: 

Em đồng ý với quan điểm “Cái khổ làm héo một phần lớn những tính tình tươi đẹp của người ta” vì chính cái khổ đã khiến cho con người không thể sống một cuộc đời bình yên mà không cần suy nghĩ, cũng sẽ khiến cho ta đau khổ mà thay đổi tính cách.


Đọc hiểu Giăng sáng (trắc nghiệm)

Đọc hiểu Giăng sáng (trắc nghiệm) - ảnh 1

Câu 1: Đoạn trích trên chủ yếu kể về sự kiện gì?

A. Cuộc sống chật vật, khốn khổ và khát vọng văn chương của Điền

B. Cuộc sống cơm áo, gạo tiền của nhân vật Điền

C. Hoài bão, khát vọng văn chương lớn lao của Điền

D. Sự giày vò, đau khổ của Điền vì gánh nặng cơm áo

Câu 2: Câu chuyện được diễn ra trong không gian nào?

A. Phố thị phồn hoa

B. Làng quê u tịch, chật hẹp

C. Đêm trăng thanh bình, yên ả

D. Nhà ở nhỏ hẹp, tù túng

Câu 3: Sự khác nhau giữa Điền và vợ khi nghĩ về trăng là:

A. Với Điền, trăng là cánh đồng mênh mông; với vợ Điền, ngắm trăng nhưng vẫn cứ luôn tính toán

B. Với Điền, ánh trăng êm xoa nước mát lên da; với vợ Điền, ngắm trăng là lúc thảnh thơi bên chồng con

C. Với Điền, ngồi ngắm trăng để tạm quên những cái lo nhỏ nhen của kiếp người; với vợ Điền, trăng chẳng ý nghĩa gì

D. Với Điền, trăng đẹp và quý giá; với vợ Điền, trăng là thứ giúp đỡ tốn hai xu dầu

Câu 4: Theo Điền, việc học của anh có ích vì nó giúp cho anh: 

A. Có thể đi dạy học và lấy được một người vợ, con nhà khá giả

B. Làm nên ông phán, ông tham để ấm thân theo mong muốn của bố mẹ

C. Đọc nổi văn thơ, và nhờ văn thơ mà hiểu được cái đẹp của gió, của giăng

D. Có thể đi dạy học lấy mỗi tháng hai mươi đồng để gây dựng lại gia đình 

Câu 5: “Ðiền sẽ nguyện cam chịu tất cả những thiếu thốn, đọa đày mà văn nhân nước mình phải chịu. Ðiền vẫn thường bảo với một người bạn cùng chí hướng: Ðiền sẵn lòng từ chối một chỗ làm kiếm mỗi tháng hàng trăm bạc, nếu có thể kiếm được năm đồng bạc về nghề văn.” Những câu văn trên cho thấy Điền là một người:

A. Cam chịu, thiếu ý chí cầu tiến trong cuộc sống

B. Có khát vọng và tình yêu mãnh liệt với nghề viết văn

C. Sẵn sàng chấp nhận mọi thứ miễn sao kiếm được đồng tiền 

D. Quen với cuộc sống vất vả; không tham tiền tài, vật chất

Câu 6: … “Nhà Ðiền kiết xác xơ. Các em Ðiền không được đi học. Mà cũng không được ăn no nữa. Sự túng thiếu đưa đến bao nhiêu là lục đục. Bố Ðiền bỏ nhà đi. Mẹ Ðiền gồng thuê, gánh mướn kiếm tiền nuôi hai đứa con thơ. Những đứa con lớn, đứa đi ở bế em, đứa đi ở chăn trâu, đứa đi xin những cái hoa chuối, những nắm khoai đội đi chợ xa bán để kiếm vài xu ăn cho khỏi chết. Ðiền thấy mình ích kỷ. Sự nghiệp mà làm gì nữa?”…
Điểm nhìn người kể chuyện trong đoạn trích trên là: 

A. Điểm nhìn bên trong: kể và tả xuyên qua cảm nhận, ý thức nhân vật

B. Điểm nhìn bên ngoài: miêu tả con người, sự vật, kể về những điều nhân vật chưa biết

C. Điểm nhìn không gian: nhìn và miêu tả con người, sự vật từ xa, gần

D. Từ nhiều điểm nhìn khác nhau: gắn với nhiều quan điểm, cách đánh giá về con người, sự vật

Câu 7: … “Nhưng Ðiền tin rằng: cái học thức của Ðiền tuy chẳng giúp Ðiền kiếm nổi miếng ăn, nhưng cũng có ích cho Ðiền nhiều lắm. Chỉ nói một cái nhờ nó mà Ðiền đọc nổi văn thơ, và nhờ văn thơ mà hiểu được cái đẹp của gió, của giăng. Và Ðiền rất phàn nàn cho những tâm hồn cằn cỗi như tâm hồn của vợ Ðiền. Ðối với thị, giăng chỉ là… đỡ tốn hai xu dầu!”…
Lời người kể chuyện và lời nhân vật trong đoạn trích trên là: 

A. Lời độc thoại nội tâm: tái hiện tiếng nói bên trong của nhân vật

B. Lời nửa trực tiếp: lời người kể chuyện nhưng tái hiện ý thức, giọng điệu của nhân vật

C. Lời gián tiếp: lời thuật lại lời nói hay nêu lại ý nghĩ của người hoặc nhân vật

D. Lời nhại: mô phỏng quan điểm, ý thức của nhân vật với chủ ý mỉa mai hay bông đùa

Câu 8: Nhận định nào nói lên giọng điệu của người kể chuyện trong đoạn trích trên:

A. Buồn thương, da diết, xót xa

B. Chân thực, tự nhiên, hóm hỉnh

C. Bình dị, dí dỏm, buồn bã

D. Từ tốn, dân dã, suy tư

Câu 9: Trong đoạn trích, Nam Cao đã thể hiện thái độ, tình cảm gì dành cho nhân vật Điền? 

A. Thấu hiểu, ngợi ca, căm phẫn

B. Thấu hiểu, cảm thông, thương xót

C. Ngợi ca, yêu thương, phê phán

D. Trân trọng, chua xót, phê phán

Câu 10: Bài học tác giả muốn gửi gắm đến người đọc thông qua nhân vật Điền trong đoạn trích là: 

A. Cái đẹp, cái tài không thể tồn tại nếu không gắn với cuộc sống, không phục vụ cuộc sống 

B. Gạt bỏ nhu cầu vật chất, chỉ cần có niềm đam mê, khát vọng, hoài bão sẽ thành hiện thực

C. Con người hãy biết gạt bỏ những lo toan, tính toán hằng ngày để tận hưởng cuộc sống

D. Gạt bỏ nhu cầu về đời sống vật chất, hãy chú trọng đời sống tinh thần

Trả lời câu hỏi Đọc hiểu Giăng sáng (trắc nghiệm)

Câu 1. A => Ðiền tự an ủi: Có tiền rồi sẽ viết. Nhưng Ðiền biết: chẳng bao giờ Ðiền viết nữa, bởi chắc chắn là suốt đời Ðiền cũng không có tiền…

Câu 2. D => Nhà Ðiền kiết xác xơ.

Câu 3. D =>  Có đọc văn thơ, mới biết giăng là một cái đẹp và quý lắm/ Ðối với thị, giăng chỉ là… đỡ tốn hai xu dầu!

Câu 4. C => Nhưng Ðiền tin rằng: cái học thức của Ðiền tuy chẳng giúp Ðiền kiếm nổi miếng ăn, nhưng cũng có ích cho Ðiền nhiều lắm. Chỉ nói một cái nhờ nó mà Ðiền đọc nổi văn thơ, và nhờ văn thơ mà hiểu được cái đẹp của gió, của giăng

Câu 5. B => Dù rằng hoàn cảnh có khó khăn, khốn khổ, thế nhưng Điền vẫn không từ bỏ việc học tập của mình

Câu 6. A => Dựa trên góc nhìn của người kể truyện miêu tả lại

Câu 7. C => Dựa vào đặc điểm của câu nói ( hai chấm trích lại những ý chính trong suy nghĩ của nhân vật)

Câu 8. A => Tác giả thấu hiểu và ngợi ca cho tinh thần say mê học hỏi cũng như tôn vinh cái đẹp của Điền, thế nhưng ông cũng phê phán lối sống của Điềm khi không nhìn vào thực tại mà muốn theo đuổi giấc mơ

Câu 9. B => Tác giả thấu hiểu và ngợi ca cho tinh thần say mê học hỏi cũng như tôn vinh cái đẹp của Điền và thương xót cho sự nghèo khó của Điền

Câu 10. A => Bài học rút ra sau khi đọc dữ liệu văn bản

----------------------------------

Trên đây Toploigiai đã mang tới cho các bạn những kiến thức bổ ích qua bài Đọc hiểu Giăng sáng. Hi vọng những kiến thức trên sẽ giúp các bạn đạt được kết quả cao trong học tập. Mời các bạn đến với câu hỏi tiếp theo.

icon-date
Xuất bản : 06/06/2021 - Cập nhật : 26/10/2023