logo

Đọc hiểu Dì Hảo của Nam Cao (Dì Hảo đã đi lấy chồng)

Truyện ngắn "Dì Hảo" của Nam Cao tuy không có cốt truyện kịch tính, lôi cuốn nhưng lại khiến độc giả vô cùng cuốn hút theo cách riêng. Hãy cùng Toploigiai trả lời những câu hỏi đề Đọc hiểu Dì Hảo của Nam Cao (Dì Hảo đã đi lấy chồng) nhé!

Đọc đoạn trích sau và trả lời câu hỏi:

Dì Hảo đã đi lấy chồng, mang theo cho người ấy tất cả lòng yêu vẫn để cho tôi. Và người ấy đã nhận tấm lòng yêu ấy, nhận lấy mà chẳng làm gì cho đáng nhận.

Người ấy không yêu dì. Thật mà! Người ấy chẳng yêu dì Hảo đâu. Mà lại còn khinh dì là khác nữa. Hắn khinh dì là đứa con nuôi, còn hắn là con dòng cháu giống. Và tuy rằng nghèo xác, hắn nhất định không làm gì. Hắn lấy vợ để cho vợ nó nuôi. Dì Hảo cũng nghĩ đúng như thế ấy; dì làm mà nuôi hắn. Người vợ đảm đang ấy kiếm mỗi ngày được hai hào, dì ăn có năm xu. Còn một hào thì hắn dùng mà uống rượu. Và dì Hảo sung sướng lắm. Và gia đình vui vẻ lắm. Nhưng sự tai ác của ông trời bắt dì đẻ một đứa con.

Đứa con chết, mà dì thì tê liệt. Mỗi ngày ngồi là một ngày không có hai hào. Người chồng muốn đó là cái lỗi của người vợ vô phúc ấy.

Nhưng mới đầu hắn chỉ nghĩ thế thôi. Là vì nhờ ít tiền dành dụm. người ta vẫn có thể đủ cả cơm lẫn rượu. Nhưng rồi rượu phải bớt đi. Đến cả cơm cũng thế. Đến lúc ấy thì hắn không nhịn được nữa. Hắn chửi bâng quơ. Hắn chửi những nhà giàu, hắn chửi số kiếp hắn, và sau cùng thì chửi vợ. Ô! Hắn chửi nhiều lắm lắm, một bữa đói rượu rồi tình cờ có một bữa rượu say.

Dì Hảo chẳng nói năng gì. Dì nghiến chặt răng để cho khỏi khóc nhưng mà dì cứ khóc. Chao ôi! Dì Hảo khóc. Dì khóc nức nở, khóc nấc lên, khóc như người ta thổ. Dì thổ ra nước mắt. Nhưng đã vội phí nước mắt làm gì nhiều đến thế. Vì dì còn phải khóc hơn thế nhiều, khi hắn chán chửi, bỏ nhà mà đi, bỏ đi bơ vơ, đau ốm, để tìm cơm rượu. Trách làm gì hắn, cái con người bắt buộc phải tàn nhẫn ấy? Hắn phải ăn, phải uống, phải vui thú, đó là đời của hắn. Dì Hảo què liệt không còn những cái ấy để mà cho. Không, dì có trách chi con người tàn nhẫn ấy. Cũng như dì đã không trách bà tôi đã làm ngơ không cấp đỡ cho dì. Bà tôi có còn giàu như trước nữa đâu? Người đã già, đã ốm yếu, và khổ cực thay! Đã nghèo như lúc còn hăm hai. Cái cơ nghiệp người gây dựng thầy tôi buôn bán thua lỗ, chúng tôi học hành tổn phí nhiều, đã tan tác đi theo gió bốn phương. Người chỉ có thể đem đến cho dì Hảo mỗi ngày một xu quà, và rất nhiều nước mắt. Và rất nhiều lời than thở.

(Trích Dì Hảo, Nam Cao)


Đọc hiểu Dì Hảo của Nam Cao (Dì Hảo đã đi lấy chồng)

Câu 1. Nhân vật được tác giả tập trung khắc họa trong đoạn trích trên là ai?

Câu 2. Truyện được kể theo ngôi thứ mấy?

Câu 3. Người chồng của di Hảo được miêu tả là người như thế nào?

Câu 4. Tìm những chi tiết kể về cuộc đời bất hạnh của di Hảo

Câu 5. Điểm nhìn từ người kể chuyên có sự chuyển dịch sang điểm nhìn của nhân vật dì Hảo như thế nào? Nêu tác dụng của sự chuyển dịch điểm nhìn đỏ.

Câu 6. Xác định đề tài, chủ đề chính, chủ đề phụ của đoạn trích trên.

Câu 7. Trong đoạn trích trên, nhà văn thể hiện thái độ, tình cảm như thế nào đối với nhân vật dì Hảo?

Câu 8. Em có đồng tỉnh với thái độ cam chịu, nhẫn nhịn của dì Hảo đối với chồng không? Vì sao?

Câu 9. Phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích là gì?

Câu 10. Biện pháp tu từ được sử dụng trong câu văn sau là gì: “Dì khóc nức nở, khóc nấc lên, khóc như người ta thổ."

Câu 11. Tình cảnh của Dì Hảo giúp anh/chị hiểu gì về thân phận người nông trong xã hội Việt Nam trước Cách mạng?

Đọc hiểu Dì Hảo của Nam Cao (Dì Hảo đã đi lấy chồng)

Trả lời câu hỏi Đọc hiểu

Câu 1: 

- Nhân vật được tác giả tập trung khắc học trong đoạn trích trên là dì Hảo

Câu 2:

- Truyện được kể theo ngôi thứ ba

Câu 3:

- Người chồng của dì Hảo được miêu tả là một người vũ phu, thô lỗ và vô tâm

Câu 4:

- Những chi tiết kể về cuộc đời bất hạnh của dì Hảo:

+ Đứa con chết, mà dì thì tê liệt
+ Vì dì còn phải khóc hơn thế nhiều, khi hắn chán chửi, bỏ nhà mà đi, bỏ đi bơ vơ, đau ốm, để tìm cơm rượu. 
+ Hắn chửi những nhà giàu, hắn chửi số kiếp hắn, và sau cùng thì chửi vợ.
+ dì làm mà nuôi hắn.

Câu 5:

- Điểm nhìn của tác giả được chuyển sang điểm nhìn của dì Hảo khi mà viết về những bất hạnh trong cuộc đời dì sau khi dì lấy chồng.

- Việc thay đổi điểm nhìn đã khiến cho câu truyện trở nên có sức thuyết phục hơn, chân thực hơn, cũng như làm cho độc giả có thể đồng cảm với những đau đớn, khó khăn mà nhân vật đã phải trải qua.

Câu 6:

- Đề tài: Nỗi bất hạnh của người nông dân trước Cách mạng tháng Tám

- Chủ đề chính: Số phận của người phụ nữ trong xã hội thời kỳ bấy giờ

- Chủ đề phụ: Hoàn cảnh của dì Hảo sau khi lấy chồng

Câu 7:

- Trong đoạn trích trên, tác giả đã thể hiện sự đau xót, thương cảm và cảm thông với những đau khổ mà dì Hảo đã phải trải qua.

Câu 8:

- Em vừa đồng tình vừa không đồng tình với thái độ nhẫn nhịn, cam chịu của dì Hảo đối với chồng. Đồng tình vì đặt mình trong vị trí của người phụ nữ lúc bấy giờ, thì việc nuôi chồng, nhẫn nhịn vì chồng vì con được xem là chuẩn mực của người phụ nữ trong xã hội. Nếu họ làm trái đi thì sẽ bị người ngoài dị nghị, bàn tán, tệ hơn nữa là có những người bị ép phải tự tử để thoát khỏi những lời nói về bản thân mình. Không đồng ý bởi vì khi dì Hảo nhẫn nhịn như vậy sẽ khiến cho bản thân dì bị chồng càng khinh rẻ hơn, cũng như từ đó càng khiến bản thân đau buồn và không tìm được lối thoát cho tâm trí của mình.

Câu 9: 

- Phương thức biểu đạt chính: Tự sự

Câu 10:

-  Biện pháp tu từ được sử dụng trong câu văn “Dì khóc nức nở, khóc nấc lên, khóc như người ta thổ.": Phép điệp tăng tiến

Câu 11:

- Tình cảnh của dì Hảo đã khiến em hiểu rằng số phận của người nông dân trong xã hội trước Cách mạng Tháng 8 thật khó khăn, khốn khổ. Mạng người rẻ rúng, bị khinh miệt không thể tự đứng lên để có tiếng nói riêng cho mình.

icon-date
Xuất bản : 11/10/2023 - Cập nhật : 11/10/2023