logo

Đọc hiểu Công dân toàn cầu và tâm hồn bộ lạc

Đề Đọc hiểu Công dân toàn cầu và tâm hồn bộ lạc thuộc bộ Đề thi đánh giá năng lực ĐH QG Hà Nội 2023 (đề mẫu) với các câu hỏi có đáp án đầy đủ. Mời các thầy cô, quý phụ huynh các em học sinh tham khảo.

Đọc đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi:

      Theo tôi, để có thể tồn tại và phát triển trong thế giới toàn cầu hóa hôm nay, các quốc gia phải hướng đến đào tạo các “công dân toàn cầu”. Đó là công dân có những kỹ năng, những tố chất để có thể sống, làm việc, kiến tạo và bảo vệ một thế giới hoà bình, dân chủ. Các công dân đó phải hiểu biết các nền văn hóa khác nhau, có khả năng giao tiếp và hợp tác với nhau... và quan trọng hơn hết là thái độ bao dung và biết tôn trọng sự khác biệt. Tôn trọng sự khác biệt, kính trọng người khác là một giá trị cốt lõi, là tiêu chuẩn văn minh từ lâu đã được đề cao trong giáo dục gia đình cũng như giáo dục nhà trường tại các nước dân chủ phát triển. Tôn trọng sự khác biệt rất cần để mọi người có thể sống chung với nhau một cách hòa bình trong thế giới đa nguyên, cũng như để sống chung hoà bình với nhau trong cùng một xã hội luôn có bản chất là chín người mười ý. Công dân toàn cầu nên được giáo dục những giá trị phổ quát như các quyền cơ bản của con người đã được Liên hiệp quốc chủ trương.

(Trích Công dân toàn cầu và tâm hồn bộ lạc, Nguyễn Khánh Trung, Báo Thế giới tiếp thị, ngày 17/02/2015)

Đọc hiểu Công dân toàn cầu và tâm hồn bộ lạc

Đọc hiểu Công dân toàn cầu và tâm hồn bộ lạc

Câu 1: Theo tôi, để có thể tồn tại và phát triển trong thế giới toàn cầu hóa hôm nay, các quốc gia phải hướng đến đào tạo các “công dân toàn cầu”. Đó là những kỹ năng, những tố chất để có thể sống, làm việc, kiến tạo và bảo vệ một thế giới hòa bình, dân chủ. Các công dân đó phải hiểu biết các nền văn hóa khác nhau, có khả năng giao tiếp và hợp tác với nhau... và quan trọng hơn hết là thái độ bao dung và biết tôn trọng sự khác biệt. Đáp án nào dưới đây chỉ ra chính xác các phép liên kết được sử dụng trong đoạn trích trên?

A. Phép lặp, phép nghịch đối

B. Phép thế, phép lặp

C. Phép nghịch đối, phép liên tưởng

D. Phép liên tưởng, phép thế

Câu 2: Theo tác giả, đâu là phẩm chất quan trọng nhất của một công dân toàn cầu?

A. Được trang bị kiến thức, kĩ năng toàn diện.

B. Thái độ bao dung và biết tôn trọng sự khác biệt.

C. Được giáo dục những giá trị nhân bản phổ quát.

D. Khả năng giao tiếp và hợp tác để hội nhập toàn cầu.

Câu 3: Định hướng đào tạo các “công dân toàn cầu” được tác giả nhắc đến trong văn bản trên gần gũi với mục tiêu giáo dục nào của UNESCO?

A. “Học để biết” 

B. “Học để làm”

C. “Học để cùng chung sống” 

D. “Học để khẳng định mình”

Câu 4: Từ “đa nguyên” được in đậm trong đoạn trích gần nghĩa hơn cả với từ nào sau đây?

A. Đa dạng 

B. Đa nhiệm

C. Phức tạp 

D. Cạnh tranh

Câu 5: Cụm “chín người mười ý” được in đậm trong đoạn trích là?

A. Thành ngữ 

B. Tục ngữ

C. Ngữ cố định 

D. Ca dao


Trả lời câu hỏi đọc hiểu

Câu 1: Đáp án B

Phép liên kết được sử dụng trong đoạn trích trên là phép thế từ “đó” và phép lặp từ “công dân”.

Câu 2: Đáp án B

Theo tác giả, “Sống bao dung và biết tôn trọng sự khác biệt” là phẩm chất quan trọng nhất của một công dân toàn cầu. Ta căn cứ vào hai câu sau đây:

- “Tôn trọng sự khác biệt, kính trọng người khác là một giá trị cốt lõi, là tiêu chuẩn văn minh từ lâu đã được đề cao trong giáo dục gia đình cũng như giáo dục nhà trường tại các nước dân chủ phát triển.”

- “Tôn trọng sự khác biệt rất cần để mọi người có thể sống chung với nhau một cách hòa bình trong thế giới đa nguyên, cũng như để sống chung hòa bình với nhau trong cùng một xã hội luôn có bản chất là chín người mười ý.”

Câu 3: Đáp án C

Định hướng đào tạo các “công dân toàn cầu” được tác giả nhắc đến trong văn bản trên gần gũi với mục tiêu giáo dục “Học để chung sống” của UNESCO. Ta căn cứ vào câu: “Tôn trọng sự khác biệt rất cần để mọi người có thể sống chung với nhau một cách hòa bình trong thế giới đa nguyên, cũng như để sống chung hòa bình với nhau trong cùng một xã hội luôn có bản chất là chín người mười ý.”

Câu 4: Đáp án A

Từ “đa nguyên” được in đậm trong đoạn trích gần nghĩa hơn cả với từ “Đa dạng”

Câu 5: Đáp án A

Cụm “chín người mười ý” được in đậm trong đoạn trích là một thành ngữ.

----------------------------------

Trên đây Toploigiai đã mang tới cho các bạn những kiến thức bổ ích qua bài Đọc hiểu Công dân toàn cầu và tâm hồn bộ lạc. Hi vọng những kiến thức trên sẽ giúp các bạn đạt được kết quả cao trong học tập. Mời các bạn đến với câu hỏi tiếp theo.

icon-date
Xuất bản : 03/02/2023 - Cập nhật : 10/02/2023