logo

Đọc hiểu Câu chuyện bó đũa: Ngày xưa, ở một gia đình kia có hai anh em (2 đề)

Trả lời câu hỏi Đọc hiểu Câu chuyện bó đũa (2 đề):  Nêu phương thức biểu đạt chính của văn bản? Văn bản trên gồm mấy nhân vật? Phó từ “vẫn” trong câu văn: “Khi lớn lên, anh có vợ, em có chồng, tuy mỗi người một nhà nhưng vẫn hay va chạm”, có tác dụng gì? Lúc nhỏ, những người con sống thế nào? Người cha gọi các con lại để làm gì? Tại sao bốn người con không ai bẻ gãy được bó đũa?  Một chiếc đũa được ngầm so sánh với gì? Cả bó đũa ngầm so sánh với gì?

Đọc đoạn văn sau và thực hiện các yêu cầu:

CÂU CHUYỆN BÓ ĐŨA

    Ngày xưa, ở một gia đình kia, có hai anh em. Lúc nhỏ, anh em rất hòa thuận. Khi lớn lên, anh có vợ, em có chồng, tuy mỗi người một nhà nhưng vẫn hay va chạm.

    Thấy các con không yêu thương nhau, người cha rất buồn phiền. Một hôm, ông đặt một bó đũa và một túi tiền trên bàn, rồi gọi các con, cả trai, cả gái, dâu, rể lại và bảo:

- Ai bẻ gãy được bó đũa này thì thưởng cho túi tiền

    Bốn người con lần lượt bẻ bó đũa. Ai cũng cố hết sức mà không sao bẻ gãy được. Người cha bèn cởi bó đũa ra, rồi thong thả bẻ gãy từng chiếc một cách dễ dàng.

    Thấy vậy, bốn người con cùng nói:

- Thưa cha, lấy từng chiếc mà bẻ thì có khó gì!

    Người cha liền bảo:

- Đúng. Như thế là các con đều thấy rằng chia lẻ ra thì yếu, hợp lại thì mạnh. Vậy các con phải biết thương yêu, đùm bọc lẫn nhau. Có đoàn kết thì mới có sức mạnh.

(Truyện ngụ ngôn Việt Nam)

Đọc hiểu Câu chuyện bó đũa: Ngày xưa, ở một gia đình kia, có hai anh em (ảnh 1)

Đọc hiểu Câu chuyện bó đũa – Đề số 1 Trắc nghiệm

Câu 1: Nêu phương thức biểu đạt chính của văn bản?

A. Thuyết minh

B. Tự sự

C. Nghị luận

D. Biểu cảm

Câu 2: Văn bản trên gồm mấy nhân vật?

A. Có 2 nhân vật

B. Có 3 nhân vật

C. Có 4 nhân vật

D. Có 5 nhân vật

Câu 3: Phó từ “vẫn” trong câu văn: “Khi lớn lên, anh có vợ, em có chồng, tuy mỗi người một nhà nhưng vẫn hay va chạm”, có tác dụng gì?

A. Chỉ sự tiếp diễn tương tự

B. Chỉ quan hệ thời gian

C. Chỉ mức độ

D. Chỉ sự phủ định

Câu 4: Lúc nhỏ, những người con sống thế nào?

A. Anh em hay gây gổ nhau

B. Anh em thường nói xấu, ganh ghét nhau

C. Anh em sống hòa thuận, đoàn kết, yêu thương nhau

D. Anh em so bì, đố kị nhau

Câu 5: Người cha gọi các con lại để làm gì?

A. Trò chuyện vui vẻ cùng các con

B. Chia tài sản cho các con

C. Căn dặn các con cần phải chăm chỉ làm việc

D. Bảo họ rằng nếu ai bẻ gãy được bó đũa này thì cha thưởng cho túi tiền

Câu 6: Tại sao bốn người con không ai bẻ gãy được bó đũa?

A. Tại vì họ chưa dùng hết sức mạnh của mình để bẻ

B. Tại vì họ cầm cả bó đũa người cha đưa để bẻ

C. Tại bó đũa làm bằng kim loại nên không ai bẻ gãy được

D. Tại vì không ai muốn bẻ gẫy bó đũa cả

Câu 7: Một chiếc đũa được ngầm so sánh với gì? Cả bó đũa ngầm so sánh với gì?

A. Một chiếc đũa hay cả bó đũa ngầm so sánh với một người con trong câu chuyện

B. Một chiếc đũa được ngầm so sánh với một người con; cả bó đũa ngầm so sánh với cả bốn người con

C. Một chiếc đãu được ngầm so sánh với bốn người con; cả bó đũa ngầm so sánh với một người con

D. Một chiếc đũa hay cả bó đũa ngầm so sánh với cả bốn người con trong câu chuyện

Câu 8: Người cha muốn khuyên nhủ các con điều gì?

A. Các con không cần phải quan tâm, tương trợ lẫn nhau, mỗi người phải tự thân vận động xây dựng cuộc sống của mình

B. Các con phải cùng tập hợp nhau lại, đồng lòng chung sức thì mới bẻ gẫy được cả bó đũa

C. Các con phải biết yêu thương, đùm bọc lẫn nhau; có đoàn kết thì mới tạo ra sức mạnh

D. Các con không so đo, tính toán thiệt hơn số tài sản cha để lại cho mỗi người

Câu 9: “Câu chuyện bó đũa” khuyên nhủ chúng ta bài học gì trong cuộc sống?

Câu 10: Viết khoảng 5 – 7 dòng trình bày suy nghĩ của em về sức mạnh của tinh thần đoàn kết

Trả lời câu hỏi đọc hiểu

Câu 1: B

Câu 2: D

Câu 3: A

Câu 4: C

Câu 5: D

Câu 6: B

Câu 7: B

Câu 8: C

Câu 9: Những bài học rút ra từ câu chuyện Bó đũa là:

- Bài học về sức mạnh của tinh thần đoàn kết. Là anh em cùng chung một nhà phải biết yêu thương, đoàn kết và đùm bọc lẫn nhau, có như thế mới tạo nên sức mạnh. Vượt qua những khó khăn, trở ngại trong cuộc sống.

- Rộng lớn hơn, câu chuyện còn đề cao tinh thần đoàn kết giữa con người với con người trong xã hội. Chúng ta phải biết đoàn kết, đồng sức đồng lòng. Từ đó tạo nên sức mạnh để đánh đuổi giặc ngoại xâm, xây dựng đần nước phồn vinh.

Câu 10:

 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”. Lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc đã chứng minh câu nói đó hòa toàn đúng đắn. Đoàn kết chính là việc con người trong cùng tập thể cùng nhau hướng tới mục tiêu chung và nỗ lực hết mình để đạt được mục tiêu chung ấy. Đoàn kết là việc kết nối những cá nhân hợp sức lại tạo thành một sức mạnh vững chắc. Nhờ có sức mạnh đoàn kết mà giúp chúng ta vượt qua những khó khăn, thử thách. Minh chứng rõ ràng nhất là nhờ có sức mạnh đoàn kết của toàn thể dân tộc Việt Nam mà chúng ta đã đánh đuổi giặc Pháp, Mĩ để giành lại độc lập, tự do cho dân tộc. Vì vậy, thế hệ trẻ chúng ta hãy cùng nhau đoàn kết, “đoàn kết là sức mạnh” để xây dựng tổ quốc Việt Nam ngày càng ấm no, hạnh phúc và phát triển. 


Đọc hiểu Câu chuyện bó đũa – Đề số 2 Trắc nghiệm

Đọc hiểu Câu chuyện bó đũa: Ngày xưa, ở một gia đình kia, có hai anh em (ảnh 2)

Câu 1. Câu chuyện bó đũa thuộc thể loại nào?

A. Truyện truyền thuyết 

B. Truyện cổ tích

C. Truyện ngụ ngôn 

D. Truyện cười

Câu 2. Câu chuyện được kể bằng lời của ai?

A. Lời của người cha 

B. Lời của người kể chuyện 

C. Lời của người em gái 

D. Lời của người anh cả

Câu 3. Thấy anh em không yêu thương nhau, người cha có thái độ ra sao?

A. Khóc thương B. Tức giận

C. Thờ ơ D. Buồn phiền

Câu 4. Tại sao bốn người con không ai bẻ gãy được bó đũa?

A. Họ chưa dùng hết sức để bẻ 

B. Không ai muốn bẻ cả

C. Cầm cả bó đũa mà bẻ 

D. Bó đũa được làm bằng kim loại

Câu 5. Người cha đã làm gì để răn dạy các con?

A. Cho thừa hưởng cả gia tài 

B. Lấy ví dụ về bó đũa

C. Trách phạt 

D. Giảng giải đạo lý của cha ông

Câu 6. Trạng ngữ trong câu: Lúc nhỏ, anh em rất hòa thuận. bổ sung ý nghĩa gì?

A. Thời gian 

B. Nơi chốn

C. Cách thức 

D. Mục đích

Câu 7. Từ đoàn kết trái nghĩa với từ nào?

A. Đùm bọc 

B. Chia rẽ

C. Yêu thương 

D. Giúp đỡ

Câu 8. Nhận xét nào sau đây đúng với Câu chuyện bó đũa?

A. Ca ngợi tình cảm cộng đồng bền chặt. 

B. Ca ngợi tình cảm anh, em đoàn kết, thương yêu nhau.

C. Giải thích các bước bẻ đũa. D. Giải thích các hiện tượng thiên nhiên.

Câu 9. Qua câu chuyện trên, rút ra bài học mà em tâm đắc nhất?

Câu 10. Cách dạy con của người cha có gì đặc biệt?

Trả lời câu hỏi đọc hiểu

Câu 1: C

Câu 2: B

Câu 3: D

Câu 4: C

Câu 5: B

Câu 6: A

Câu 7: B

Câu 8: B

Câu 9:

Bài học mà em tâm đắc nhất là về tinh thần đoàn kết của các thành viên trong gia đình. Người ta vẫn thường nói răng “gà cùng một mẹt chớ hoài đá nhau”, vì vậy đã là anh em trong gia đình thì phải biết yêu thương, đùm bọc và chia sẻ lẫn nhau mới tạo nên sức mạnh đoàn kết để vượt qua khó khăn.

Câu 10. Cách dạy của người cha rất thông minh và khôn khéo. Thay vì giáo dục con cái trực tiếp bằng lời nói, ông đã dùng một phép thử về khó khăn để các con thực hiện. Từ đó người cha giảng đạo lí và rút ra được bài học để vượt qua khó khăn đó.

---------------------------------- 

Trên đây Toploigiai đã mang tới cho các bạn những kiến thức bổ ích qua bài Đọc hiểu Câu chuyện bó đũa. Hi vọng những kiến thức trên sẽ giúp các bạn đạt được kết quả cao trong học tập. Mời các bạn đến với câu hỏi tiếp theo.

icon-date
Xuất bản : 25/03/2023 - Cập nhật : 30/06/2023