logo

Đọc hiểu Bần thần hương huệ thơm đêm

Tuyển tập Bộ đề Đọc hiểu Bần thần hương huệ thơm đêm hay nhất. Tổng hợp, sưu tầm các đề Đọc hiểu Bần thần hương huệ thơm đêm giúp các em ôn tập đạt kết quả cao. 


Đọc hiểu Bần thần hương huệ thơm đêm - Đề số 1

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu sau:

“ Bần thần hương huệ thơm đêm
Khói nhang vẽ nẻo đường lên niết bàn
Chân nhang lấm láp tro tàn
Xăm xăm bóng mẹ trần gian thưở nào?

Mẹ ta không có yếm đào
Nón mê thay nón quai thao đội đầu
Rối ren tay bí tay bầu
Váy nhuộm bùn áo nhuộm nâu bốn mùa

Cái cò...sung chát đào chua
Câu ca mẹ hát gió đưa về trời
Ta đi trọn kiếp con người
Cũng không đi hết nhữnglời mẹ ru

Bao giờ cho tới mùa thu
Trái hồng trái bưởi đánh đu giữa rằm
Bao giờ cho tới tháng năm
Mẹ ra trải chiếu ta nằm đếm sao
Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa

(Nguyễn Duy; Thơ Nguyễn Duy -Trần Đăng Khoa tuyển chọn, NXB Giáo dục, 1998)

Câu 1 (0, 5 điểm) Hình ảnh người mẹ được gợi lên qua những chi tiết nào?

Câu 2 (1.0 điểm) Anh/ chị hiểu như thế nào về nghĩa của từ “đi” trong câu thơ sau: 

“Ta đi trọn kiếp con người/ Cũng không đi hết những lời mẹ ru”?

Câu 3

(1,0 điểm) Chỉ ra và nêu hiệu quả của phép tu từ trong đoạn thơ sau:

Bao giờ cho tới mùa thu

Trái hồng trái bưởi đánh đu giữa rằm

Bao giờ cho tới tháng năm

Mẹ ra trải chiếu ta nằm đếm sao”

Câu 4: (0,5 điểm) Đoạn thơ gợi cho anh/chị những cảm xúc gì?

Trả lời

Câu 1. Hình ảnh người mẹ được gợi lên qua các chi tiết:

- “Nón mê” “tay bí tay bầu”, “váy nhuộm bùn”, “áo nhuộm nâu”

Câu 2. Nghĩa của từ đi:

- “ Ta đi trọn kiếp con người”: “Đi” nghĩa là sống, trưởng thành, là trải qua trọn kiếp người

- “cũng không đi hết mấy lời mẹ ru”: “Đi” nghĩa là hiểu, cảm nhận.

=>  Ta sống trọn kiếp người cũng chưa thấu hiểu, cảm nhận được hết tình yêu thương của mẹ dành cho mình.

Câu 3. 

“Bao giờ cho tới mùa thu

Trái hồng trái bưởi đánh đu giữa rằm

Bao giờ cho tới tháng năm

Mẹ ra trải chiếu ta nằm đếm sao”

- Biện pháp tu từ nhân hóa: “ Trái hồng trái bưởi đánh đu giữa rằm”. Tác giả nhân cách hóa trái bưởi, trái hồng như hình ảnh những đứa trẻ tinh nghịch, hiếu động chơi trò đánh đu giữa trăng rằm. Câu thơ vì thế gợi hình ảnh rất sinh động, ngộ nghĩnh và gợi cảm xúc tuổi thơ trong trẻo.

Câu 4. Học sinh trình bày suy nghĩ của cá nhân, có thể nêu cảm xúc: cảm động và biết ơn sâu sắc trước hình ảnh người mẹ nghèo, lam lũ những hết lòng thương yêu, chăm lo cho con.


Đọc hiểu Bần thần hương huệ thơm đêm - Đề số 2

Đọc bài thơ sau và thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến Câu 4:

Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa

Bần thần hương huệ thơm đêm

khói nhang vẽ nẻo đường lên niết bàn

chân nhang lấm láp tro tàn

xăm xăm bóng mẹ trần gian thuở nào

Mẹ ta không có yếm đào

nón mê thay nón quai thao đội đầu

rối ren tay bí tay bầu

váy nhuộm bùn, áo nhuộm nâu bốn mùa

Cái cò… sung chát đào chua…

câu ca mẹ hát gió đưa về trời

ta đi trọn kiếp con người

cũng không đi hết mấy lời mẹ ru

Bao giờ cho tới mùa thu

trái hồng trái bưởi đánh đu giữa rằm

bao giờ cho tới tháng năm

mẹ ra trải chiếu ta nằm đếm sao

Ngân hà chảy ngược lên cao

quạt mo vỗ khúc nghêu ngao thằng Bờm…

bờ ao đom đóm chập chờn

trong leo lẻo những vui buồn xa xôi

Mẹ ru cái lẽ ở đời

sữa nuôi phần xác, hát nuôi phần hồn

bà ru mẹ… mẹ ru con

liệu mai sau các con còn nhớ chăng

Nhìn về quê mẹ xa xăm

lòng ta — chỗ ướt mẹ nằm đêm mưa

ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa

miệng nhai cơm búng lưỡi lừa cá xương.

(Thơ Nguyễn Duy, NXB Hội Nhà văn, 2010)

Bộ đề Đọc hiểu Bần thần hương huệ thơm đêm hay nhất

Câu 1. Bài thơ được viết theo thể thơ nào? Thể thơ ấy có tác dụng gì trong việc thể hiện tâm trạng, cảm xúc của nhân vật trữ tình?

Câu 2. Hình ảnh người mẹ được miêu tả trong thời gian, không gian nào? Các yếu tố đó có ảnh hưởng như thế nào đến cảm hứng chủ đạo của bài thơ?

Câu 3. Nêu cảm nhận của anh/ chị về thông điệp được tác giả gửi gắm trong khổ thơ sau:

Mẹ ru cái lẽ ở đời sữa nuôi phần xác, hát nuôi phần hồn bà ru mẹ… mẹ ru con liệu mai sau các con còn nhớ chăng

Câu 4. Hình ảnh người mẹ hiện lên trong bài thơ này như thế nào?

Trả lời

Câu 1. Bài thơ viết theo thể thư lục bát.

Câu 2. 

-Thời gian: ban đêm, hiện tại, mẹ không còn nữa; không gian: bàn thờ với khói hương mờ ảo, ngôi nhà vắng mẹ…

– Thời gian, không gian ấy càng khơi nỗi buồn nhớ, xót xa, tiếc thương người mẹ đã đi xa…

Câu 3. Những thông điệp được tác giả gửi gắm trong khổ thơ:

– Khẳng định, ngợi ca công ơn trời biển của mẹ. Mẹ đã chắt chiu dòng sữa ngọt lành nuôi nấng con khôn lớn. Lời ru của mẹ chứa đựng tình yêu thương và lẽ sống ở đời nuôi dưỡng tâm hồn con…

– Bày tỏ niềm trăn trở về việc gìn giữ, bảo toàn những giá trị tinh thần vô giá: Lời ru kết đọng tình yêu thương, bản sắc văn hoá, vẻ đẹp tâm hồn dân tộc… được các thế hệ của bà, của mẹ truyền lại cho con có còn được tiếp nối?

Câu 4. Cần nêu được các ý cơ bản sau:

– Hình ảnh người mẹ nghèo khó, lam lũ, vất vả, cơ cực: không có yếm đào, nón mê, rối ren tay bí tay bầu…

– Hình ảnh người mẹ dịu dàng, tần tảo với tình yêu thương vô hạn dành cho con: Mẹ ra trải chiếu ta nằm đếm sao; Sữa nuôi phần xác, hát nuôi phân hôn; Mẹ ru cái lẽ ở đòi; Lòng ta – chỗ ướt mẹ nằm đêm mưa; Miệng nhai cơm búng lưỡi lừa cá xương…


Đọc hiểu Bần thần hương huệ thơm đêm - Đề số 3

Đọc đoạn thơ sau và trả lời câu hỏi:

Bần thần hương huệ thơm đêm

Khói nhang vẽ nẻo đường lên niết bàn

Chân nhang lấm láp tro tàn

Xăm xăm bóng mẹ trần gian thuở nào

Mẹ ta không có yếm đào

Nón mê thay nón quai thao đội đầu

Rối ren tay bí tay bầu

Váy nhuộm bùn, áo nhuộm nâu bốn mùa

Cái cò…sung chát đào chua…

Câu ca mẹ hát gió đưa về trời

Ta đi trọn kiếp con người

Cũng không đi hết mấy lời mẹ ru.

(Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa…– Nguyễn Duy)

Câu 1: Đoạn thơ trên được viết theo thể thơ gì?

Câu 2: Trong đoạn thơ trên có sử dụng các từ láy nào? Chỉ ra tác dụng nghệ thuật của các từ láy đó?

Câu 3: Qua việc cảm nhận đoạn thơ trên, em hiểu gì về tâm trạng của nhân vật trữ tình?

Câu 4: Đọc xong bài thơ, em có suy nghĩ gì về cách ứng xử với cha mẹ của một số người qua những mẩu tin sau?

– Sáng 26/3, Nguyễn Duy Linh (25 tuổi, trú huyện Thanh Oai) bị TAND Hà Nội xét xử về tội giết người. Nạn nhân là mẹ của bị cáo. (Theo vnexpress ngày 26/3/2014)

– Cụ Nguyễn Văn Quý (84 tuổi) và cụ Nguyễn Thị Chén (82 tuổi), ngụ thôn Đồng Lư, xã Đồng Quang, huyện Quốc Oai, Hà Nội đang sống trong góc nhà nhỏ hẹp khoảng dăm m2, chiếc giường xin được ở đâu nên hai chân còn, hai chân phải lấy gạch kê lên. Tám năm qua, cả 2 cụ bị con cái đẩy ra đường dù đã dựng vợ, gả chồng cho con cái yên ấm. Hiện tại, cụ ông ngày ngày ra đồng mò cua bắt ốc về nuôi cụ bà qua những ngày đói khổ. (Theo vietnamnet ngày 27/12/2013)

– Đùn đẩy trách nhiệm không muốn phụng dưỡng mẹ già, các con đã đẩy cụ bà 77 tuổi ra đường trong đêm sương lạnh. (Theo ngoisao ngày 23/2/2013)

Trả lời

Câu 1: Thể thơ: Lục bát

Câu 2: 

– Các từ láy trong đoạn thơ: Bần thần, lấm láp, xăm xăm, rối ren ( 0.5 điểm)

– Tác dụng: tăng giá trị biểu đạt (tô đậm cuộc đời lam lũ của mẹ, tôn vinh đấng sinh thành cao cả, bộc lộ cảm xúc của người con khi tưởng nhớ về mẹ) (0.5 điểm)

Câu 3:

Đoạn trích thể hiện tâm trạng của nhân vật trữ tình: nỗi nhớ, niềm thương, tình yêu và lòng biết ơn sâu nặng của một người con dành cho mẹ.

Câu 4: 

Học sinh có thể có nhiều cách suy nghĩ:

– Hành động, cách đối xử với cha mẹ của những người trong các bản tin trên là bất hiếu, bất kính, tàn nhẫn.

– Xã hội cần lên án, phê phán mạnh mẽ những hành vi xấu xa, cần trừng trị đích đáng những tội ác, xử lý nghiêm khắc những kẻ ngược đãi chính cha mẹ mình.

– Liên hệ với đoạn trích trong bài thơ Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa… ta càng hiểu, càng yêu và thấm thía sự hi sinh của mẹ dành cho các con thông qua hành trình đầy thấm thía của người con tìm về nơi bóng mẹ đã khuất, từ đó thấy rằng cần điều chỉnh hành vi của mình cho phù hợp với đạo đức, luân lý.

icon-date
Xuất bản : 31/05/2022 - Cập nhật : 19/11/2022