logo

Soạn Địa lí 8 Chủ đề chung 1

Hướng dẫn Soạn Địa lí 8 Kết nối tri thức Chủ đề chung 1 ngắn gọn, hay nhất theo chương trình Sách mới.

Chủ đề chung 1: Văn minh châu thổ sông Hồng và sông Cửu Long

Lý thuyết Địa lí 8 Kết nối tri thức Chủ đề chung 1: Văn minh châu thổ sông Hồng và sông Cửu Long

Mở đầu trang 157 Địa Lí 8: Phù sa của hệ thống sông Hồng và hệ thống sông Cửu Long đã bồi đắp nên hai đồng bằng châu thổ lớn nhất nước ta là đồng bằng châu thổ sông Hồng và đồng bằng châu thổ sông Cửu Long. Hai châu thổ được hình thành và phát triển như thế nào? Con người đã khai khẩn và cải tạo châu thổ, chế ngự và thích ứng với chế độ nước của các dòng sông chính trên châu thổ ra sao?

Trả lời:

* Vùng châu thổ sông Hồng:

- Quá trình hình thành và phát triển:

+ Hệ thống sông Hồng là một trong hai hệ thống sông lớn nhất ở Việt Nam, với dòng sông chính là sông Hồng, hàng trăm phụ lưu các cấp và hàng chục chi lưu.

+ Hệ thống sông Hồng có tổng lượng dòng chảy lớn và lượng phù sa hết sức phong phú.

+ Châu thổ sông Hồng được hình thành từ quá trình bồi đắp phù sa của hệ thống sông Hồng, kết hợp với tác động của thuỷ triều và sóng biển.

+ Phù sa sông còn có tác dụng bồi cao để hoàn chỉnh bề mặt châu thổ. Để mở rộng diện tích sản xuất đồng thời để phòng chống lũ lụt, ông cha ta đã xây dựng một hệ thống đê dài hàng nghìn ki-lô-mét dọc hai bên bờ sông.

- Quá trình khai khẩn, chế ngự:

+ Ngay từ thời xa xưa, con người đã khai phá vùng châu thổ sông Hồng.

+ Để phát triển nền nông nghiệp trồng lúa nước, con người sớm đã quan tâm đến việc: điều tiết và chế ngự nguồn nước.

* Vùng châu thổ sông Cửu Long:

- Quá trình hình thành và phát triển:

+ Hệ thống sông Mê Công là một trong những hệ thống sông lớn ở châu Á và thế giới. Phần sông Mê Công chảy trên lãnh thổ Việt Nam (còn gọi là: sông Cửu Long) dài hơn 230 km, gồm hai nhánh chính là sông Tiền và sông Hậu cùng hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt trên bề mặt châu thổ.

+ Tổng lượng dòng chảy của hệ thống sông Cửu Long rất lớn, đạt 507 tỉ m3/năm, chiếm 60,4% tổng lượng nước của tất cả sông ngòi ở Việt Nam, vì vậy tuy hàm lượng phù sa không cao nhưng tổng lượng phù sa của hệ thống sông Cửu Long vẫn rất lớn.

+ Do không có hệ thống đê ven sông như ở châu thổ sông Hồng nên khi mùa lũ đến, nước sông Cửu Long dâng tràn ngập một vùng rộng khoảng 10.000 km, bồi đắp phù sa cho bề mặt châu thổ.

+ Trước đây, hằng năm châu thổ sông Cửu Long tiến ra biển ở khu vực bán đảo Cà Mau tới hàng trăm mét mỗi năm. Hiện nay, do biến đổi khí hậu, nước biển dâng và hàm lượng phù sa trong nước sông giảm nên nhiều nơi ở ven biển của châu thổ bị sạt lở.

- Quá trình khai khẩn, thích ứng:

+ Ngay từ thời vương quốc Phù Nam, vùng châu thổ sông Cửu Long đã được con người khai phá.

+ Việc khai khẩn đồng bằng sông Cửu Long gắn liền với quá trình con người thích ứng với tự nhiên.

Câu hỏi trang 158 Địa Lí 8: Dựa vào thông tin trong mục a, hãy trình bày quá trình hình thành và phát triển châu thổ sông Hồng.

Trả lời:

- Quá trình hình thành và phát triển châu thổ sông Hồng:

+ Hệ thống sông Hồng là một trong hai hệ thống sông lớn nhất ở Việt Nam, với dòng sông chính là sông Hồng, hàng trăm phụ lưu các cấp và hàng chục chi lưu.

+ Hệ thống sông Hồng có tổng lượng dòng chảy lên tới 112 tỉ m3/năm và lượng phù sa hết sức phong phú, khoảng 120 triệu tấn/năm.

+ Châu thổ sông Hồng được hình thành từ quá trình bồi đắp phù sa của hệ thống sông Hồng, kết hợp với tác động của thuỷ triều và sóng biển. Khi đổ ra biển, phù sa được lắng đọng ở cửa sông và hình thành châu thổ. Cùng với thời gian, châu thổ sông Hồng ngày càng tiến ra biển (ở Kim Sơn - Ninh Bình, Tiền Hải - Thái Bình tốc độ tiến ra biển lên tới hàng chục mét/năm).

+ Phù sa sông còn có tác dụng bồi cao để hoàn chỉnh bề mặt châu thổ. Để mở rộng diện tích sản xuất đồng thời để phòng chống lũ lụt, ông cha ta đã xây dựng một hệ thống đê dài hàng nghìn ki-lô-mét dọc hai bên bờ sông. Điều này đã làm cho địa hình bề mặt châu thổ đã có sự thay đổi.

Câu hỏi trang 159 Lịch Sử và Địa Lí 8: Dựa vào thông tin mục b và hình 1.2, hãy mô tả chế độ nước của sông Hồng.

Trả lời:

- Chế độ nước sông Hồng tương đối đơn giản, trong năm có một mùa lũ và một mùa cạn rõ rệt.

+ Mùa lũ kéo dài 5 tháng (từ tháng 6 đến tháng 10), chiếm khoảng 75% lưu lượng dòng chảy cả năm với các đợt lũ lên nhanh và đột ngột.

+ Mùa cạn kéo dài 7 tháng (từ tháng 11 đến tháng 5 năm sau), chỉ chiếm khoảng 25% lưu lượng dòng chảy cả năm, mực nước sông hạ thấp rõ rệt.

- Từ khi các hệ thống hồ chứa nước được xây dựng ở thượng lưu hệ thống sông thì chế độ nước sông đã trở nên điều hoà hơn.

Câu hỏi trang 160 Địa Lí 8: Dựa vào thông tin trong mục a, hãy trình bày quá trình hình thành và phát triển châu thổ sông Cửu Long.

Trả lời:

- Quá trình hình thành và phát triển châu thổ sông Cửu Long:

+ Hệ thống sông Mê Công là một trong những hệ thống sông lớn ở châu Á và thế giới. Phần sông Mê Công chảy trên lãnh thổ Việt Nam (còn gọi là: sông Cửu Long) dài hơn 230 km, gồm hai nhánh chính là sông Tiền và sông Hậu cùng hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt trên bề mặt châu thổ.

+ Tổng lượng dòng chảy của hệ thống sông Cửu Long rất lớn, đạt 507 tỉ m3/năm, chiếm 60,4% tổng lượng nước của tất cả sông ngòi ở Việt Nam, vì vậy tuy hàm lượng phù sa không cao nhưng tổng lượng phù sa của hệ thống sông Cửu Long vẫn rất lớn.

+ Do không có hệ thống đê ven sông như ở châu thổ sông Hồng nên khi mùa lũ đến, nước sông Cửu Long dâng tràn ngập một vùng rộng khoảng 10.000 km (chủ yếu ở Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên), bồi đắp phù sa cho bề mặt châu thổ.

+ Trước đây, hằng năm châu thổ sông Cửu Long tiến ra biển ở khu vực bán đảo Cà Mau tới hàng trăm mét mỗi năm. Hiện nay, do biến đổi khí hậu, nước biển dâng và hàm lượng phù sa trong nước sông giảm nên nhiều nơi ở ven biển của châu thổ bị sạt lở.

Câu hỏi trang 160 Địa Lí 8: Dựa vào thông tin mục b và hình 1.4, hãy mô tả chế độ nước của sông Cửu Long.

Trả lời:

- Chế độ nước của sông Cửu Long đơn giản và điều hoà, chia thành hai mùa:

+ Mùa lũ dài 5 tháng (từ tháng 7 đến tháng 11), chiếm khoảng 80% lưu lượng dòng chảy cả năm. Lũ khi lên và khi rút đều diễn ra chậm vì lưu vực sông Mê Công dài, có dạng lông chim và được điều tiết bởi hồ Tôn-lê Sáp (của Cam-pu-chia).

+ Mùa cạn dài 7 tháng (từ tháng 12 đến tháng 6 năm sau), chiếm khoảng 20% lưu lượng dòng chảy cả năm.

- Đặc biệt, vùng hạ lưu châu thổ chịu tác động rất mạnh của chế độ thuỷ triều.

Câu hỏi 1 trang 162 Địa Lí 8: Khai thác tư liệu trên giúp em biết được điều gì về vấn đề đê điều dưới triều Nguyễn?

Trả lời:

- Đoạn tư liệu trên cho biết 3 thông tin sau:

+ Thông tin 1: vấn đề xây đắp đê điều để chế ngự chế độ nước sông Hồng đã được các triều đại phong kiến trước đó thực hiện (thể hiện ở chi tiết: những huyện ven sông Hồng, từ trước đã đắp đê phòng lụt).

+ Thông tin 2: dưới thời Nguyễn, tình trạng lụt lội ở vùng đồng bằng sông Hồng thường xuyên diễn ra, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của cư dân (thể hiện ở chi tiết: hễ đến mùa lụt thì đê lại vỡ lở, lúa ruộng bị ngập lụt, người và vật đều bị hại)

+ Thông tin 3: chính quyền phong kiến nhà Nguyễn rất quan tâm đến vấn đề đắp đê phòng lụt ở vùng châu thổ sông Hồng. Tuy nhiên, triều đình đang lâm vào thế bối rối, cân nhắc lợi - hại của việc nên tiếp tục đắp đê hay bỏ đê (thể hiện ở chi tiết: vậy đắp đê hay bỏ đê, cách nào lợi, cách nào hại, cho được bày tỏ)

Câu hỏi 2 trang 162 Địa Lí 8: Trình bày những nét chính về quá trình con người khai khẩn và cải tạo châu thổ, chế ngự chế độ nước sông Hồng.

Trả lời:

- Ngay từ thời xa xưa, con người đã khai phá vùng châu thổ sông Hồng. Hình ảnh về cuộc sống sông nước, cũng như dựa vào khai thác các sản phẩm tự nhiên từ sông nước được in đậm trên các di vật, hoặc vẫn được lưu giữ trong các tầng văn hoá khảo cổ học.

- Để phát triển nền nông nghiệp trồng lúa nước, con người sớm đã quan tâm đến việc: điều tiết và chế ngự nguồn nước.

+ Từ xa xưa, để khai thác nguồn nước giàu phù sa của hệ thống sông Hồng, người Việt đã biết tạo nên những hệ thống kênh (sông đào) dẫn nước vào ruộng, hoặc tiêu nước, phân lũ về mùa mưa; đồng thời cũng sớm phải tổ chức đắp đê, trị thuỷ để phát triển sản xuất và bảo vệ cuộc sống.

+ Từ thế kỉ XI, dưới thời Lý, Nhà nước Đại Việt đã cho đắp đê dọc theo hầu hết các con sông lớn.

+ Tới thời Trần, triều đình đã cho gia cố cho các đoạn đê xung yếu ở hai bên bờ sông Hồng từ đầu nguồn tới biển (đê quai vạc) và đặt ra chức quan Hà đê sứ chuyên trách trông coi việc bồi đắp và bảo vệ hệ thống đê điều,...

+ Sang thế kỉ XV, nhà Lê bắt đầu tiến hành quai đê lấn biển để khai thác bãi bồi vùng cửa sông. Công việc này được đẩy mạnh vào thời Nguyễn ở các vùng ven biển Thái Bình, Nam Định và Ninh Bình.

Câu hỏi trang 163 Địa Lí 8: Trình bày những nét chính về quá trình con người khai khẩn và cải tạo châu thổ, chế ngự và thích ứng với chế độ nước sông Cửu Long.

Trả lời:

- Ngay từ thời vương quốc Phù Nam (khoảng thế kỉ I đến đầu thế kỉ VII), vùng châu thổ sông Cửu Long đã được con người khai phá và trở thành một trung tâm nông nghiệp lúa nước.

- Đến thế kỉ IV, ở Nam Bộ xuất hiện tình trạng biển tiến cục bộ, nước mặn dần dâng cao. Quá trình này đã làm cho toàn bộ vùng đất thấp bị ngập mặn, gây ra hậu quả lâu dài và ảnh hưởng nghiêm trọng đến nghề trồng lúa. Cho đến thế kỉ XIII, Nam Bộ vẫn còn là vùng đất tương đối hoang vu.

- Việc khai khẩn đồng bằng sông Cửu Long gắn liền với quá trình con người thích ứng với tự nhiên.

+ Quá trình khai hoang, phục hoá đồng ruộng bắt đầu được đẩy mạnh từ khoảng thế kỉ XVII với nhiều dòng kênh lớn được đào và đưa vào khai thác. Các cộng đồng cư dân đến từ phía bắc, cùng với những nhóm cư dân có mặt từ trước đã sát cánh bên nhau khai phá trên quy mô lớn, phát triển vùng đất Nam Bộ dần thành một trung tâm kinh tế của đất nước.

+ Cuộc sống trên sông nước, gần sông nước và những ứng xử thường xuyên với môi trường đã tạo nên một nền văn hoá đậm chất sông nước. Chợ nổi, nhà nổi,... là những cách thích ứng với môi trường sông nước của cư dân đồng bằng sông Cửu Long.

+ Do tác động lớn của môi trường sông nước mà “nước” thành quan niệm của người Việt về Tổ quốc từ xưa đến nay.

Luyện tập - Vận dụng

Câu 1. Chế độ nước của các sông chính ở châu thổ sông Hồng và châu thổ sông Cửu Long khác nhau như thế nào?

Trả lời:

* Sông Hồng:

Chế độ nước ở châu thổ sông Hồng tương đối đơn giản, một năm chia làm hai mùa rõ mệt: mùa lũ và mùa cạn

- Mùa lũ: thường kéo dài 5 tháng (từ tháng 6 đến tháng 10), chiếm khoảng 75% lưu lượng nước dòng chảy cả năm. Vào những mùa lũ lên cao lưu lượng nước tăng đột ngột.

- Mùa cạn: kéo dài 7 tháng (từ tháng 11 đến tháng 5 năm sau), lưu lượng nước ít chỉ chiếm khoảng 25% lưu lượng dòng chảy cả năm, có những tháng mực nước sông thấp rõ rệt.

* Sông Cửu Long:

Trung bình mỗi năm lưu lượng nước và lượng phù sa ở châu thổ sông Cửu Long tăng nhiều. Và được chia thành hai mùa chính: mùa lũ và mùa cạn

- Mùa lũ: kéo dài trong 5 tháng (từ tháng 7 đến tháng 11), chiếm khoảng 80% lưu lượng nước của cả năm. Nhưng khi lũ lên hay rút thì lưu lượng nước rút chậm vì ở lưu vực sông Mê Công có chiều dài dài, hình lông chim và được điều hòa bởi hồ Tôn-lê Sáp.

- Mùa cạn: trung bình dài 7 tháng (từ tháng 12 đến tháng 6 năm sau), chiếm khoảng 20% lưu lượng nước của dòng chảy. Tuy nhiên ở vùng hạ lưu châu thổ luôn phải chịu tác động mạnh mẽ từ chế độ của thuỷ triều.

Câu 2. Theo em, quá trình con người khai thác và cải tạo châu thổ, chế ngự và thích ứng với chế độ nước của sông Hồng và sông Cửu Long có điểm gì giống và khác nhau?

Trả lời :

Giống nhau:

- Quá trình con người khai thác và cải tạo châu thổ, chế ngự và thích ứng với chế độ nước của sông Hồng và sông Cửu Long đều được con người khai thác từ rất sớm 

- Ở đây người dân đều biết tận dụng tối đa để khai thác nguồn nhiên luyện của dòng sông đem lại, đồng thời biết cách cải tạo vùng châu thổ, chế ngự và thích ứng với chế độ nước của 2 con sông lớn này.

Khác nhau:

- Sông Hồng: Quá trình khai thác gắn liền với công trình thủy lợi. Xây dựng hệ thống đê điều, đắp đập, hàng rào ngăn dòng nước lũ.

- Sông Cửu Long: Việc khai thác, điều khiển là quá trình gắn liền với tự nhiên.

Câu 3. Chọn và hoàn thành một trong hai nhiệm vụ sau:

Nhiệm vụ 1: Sưu tầm tư liệu, hình ảnh về địa hình, sông ngòi của châu thổ sông Hồng và châu thổ sông Cửu Long.

Nhiệm vụ 2: Tìm hiểu thêm từ sách, báo, internet và cho biết: Hiện nay việc khai thác và cải tạo châu thổ, chế ngự và thích ứng với chế độ nước của sông Hồng và sông Cửu Long có cần thiết không? Vì sao?

Trả lời :

Nhiệm vụ 1:

Vùng châu thổ sông Hồng:

Địa lí 8 Kết nối tri thức Chủ đề chung 1 trang 157, 158,… 163
Địa lí 8 Kết nối tri thức Chủ đề chung 1 trang 157, 158,… 163

Đồng bằng sông Cửu Long:

Địa lí 8 Kết nối tri thức Chủ đề chung 1 trang 157, 158,… 163
Địa lí 8 Kết nối tri thức Chủ đề chung 1 trang 157, 158,… 163

Nhiệm vụ 2:

Hiện nay, việc khai thác, cải tạo đồng bằng sông Hồng và sông Cửu Long, chế ngự và thích ứng với chế độ nước là rất cần thiết. Đối với đồng bằng sông Hồng, đây là một khu vực có ý nghĩa quan trọng trong sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Vùng đất này có tiềm năng lớn để phát triển kinh tế và văn hóa. Tuy nhiên, với mật độ dân số tập trung cao, nhiều vấn đề phải được giải quyết, bao gồm cải thiện năng suất đất canh tác, tạo việc làm và đảm bảo nhà ở an toàn. Hiện nay, việc quy hoạch đô thị còn chưa được hợp lý, dẫn đến ngập lụt cục bộ và gây trở ngại cho giao thông và đi lại.

Đối với đồng bằng sông Cửu Long, đây là một vùng đất có vị trí chiến lược trong sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Với vị trí trọng điểm sản xuất lương thực - thực phẩm của cả nước, đây là nơi cung cấp thực phẩm cho toàn quốc và sản xuất lúa gạo và thủy sản cho xuất khẩu. Đồng bằng này còn giữ lại được nhiều tiềm năng về tự nhiên, có khí hậu thuận lợi cho nông nghiệp nhiệt đới và nguồn nước dồi dào. Việc đẩy mạnh cải tạo tự nhiên ở đây là rất cần thiết để biến đồng bằng thành một khu vực kinh tế quan trọng của đất nước.

>>> Xem toàn bộ: Soạn Địa lí 8 Kết nối tri thức

-------------------------------------

Trên đây Toploigiai đã cùng các bạn Địa lí 8 Kết nối tri thức Chủ đề chung 1: Văn minh châu thổ sông Hồng và sông Cửu Long. trong bộ SGK Kết nối tri thức theo chương trình sách mới. Chúc các bạn học tốt!

icon-date
Xuất bản : 10/03/2023 - Cập nhật : 17/03/2024