logo

Đọc hiểu Bình ngô đại cáo (5 đề)

Tuyển tập Bộ đề Đọc hiểu Bình ngô đại cáo hay nhất. Tổng hợp, sưu tầm các đề Đọc hiểu Bình ngô đại cáo có đáp án trả lời chi tiết, đầy đủ nhất.


Đề đọc hiểu Bình ngô đại cáo - Đề số 1

Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi:

“…Ngày mười tám, trận Chi Lăng, Liễu Thăng thất thế,

Ngày hai mươi, trận Mã Yên, Liễu Thăng cụt đầu,

Ngày hăm lăm, bá tước Lương Minh bại trận tử vong,

Ngày hăm tám, thượng thư Lí Khánh cùng kế tự vẫn.

Thuận đà ta đưa lưỡi dao tung phá,

Bí nước giặc quay mũi giáo đánh nhau.

Lại thêm quan bốn mặt vây thành,

Hẹn đến giữa tháng mười diệt giặc.

Sĩ tốt kén tay hùng hổ,

Bề tôi chọn kẻ vuốt nanh.

Gươm mài đá, đá núi cũng mòn,

Voi uống nước, nước sông phải cạn.

Đánh một trận sạch không kình ngạc,

Đánh hai trận tan tác chim muông …"

Thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1. Đoạn văn trên được trích từ tác phẩm nào? Của tác giả nào? 

Câu 2. Xác định nội dung chính của đoạn văn? 

Câu 3. Trong đoạn văn, tác giả viết những câu văn dài có nhiều vế ngắn kết hợp với những câu văn ngắn. Tác dụng của hình thức nghệ thuật này là gì? 

Trả lời câu hỏi đọc hiểu

Câu 1. 

Đoạn văn trên được trích từ tác phẩm Bình Ngô đại cáo của tác giả Nguyễn Trãi.

Câu 2. 

Nội dung chính của đoạn văn là: Cho thấy sự thất bại thảm hại của kẻ thù xâm lược và cho thấy sức mạnh cùng chiến thắng to lớn của nghĩa quân Lam Sơn.

Câu 3. 

Trong đoạn văn, tác giả viết những câu văn dài có nhiều vế ngắn kết hợp với những câu văn ngắn là để tạo nhịp điệu hào hùng cho tác phẩm, ngợi ca sức mạnh và cho thấy sự thất bại của bọ xâm lược.


Đề đọc hiểu Bình ngô đại cáo - Đề số 2

Đề đọc hiểu Bình ngô đại cáo

Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi từ 1 đến 4:

      (1)“Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa. Chỉ căm tức chưa xả thịt, lột da, nuốt gan, uống máu quân thù. Dẫu cho trăm thân này phơi ngoài nội cỏ, nghìn xác này gói trong da ngựa, ta cũng vui lòng.”

(Trích Hịch tướng sĩ, Trần Quốc Tuấn, SGK, Ngữ văn 8)

(2)“Ta đây:

Núi Lam Sơn dấy nghĩa

Chốn hoang dã nương mình

Ngẫm thù lớn há đội trời chung

Căm giặc nước thề không cùng sống

Đau lòng nhức óc, chốc đà mười mấy năm trời

Nếm mật nằm gai, há phải một hai sớm tối.

Quên ăn vì giận, sách lược thao suy xét đã tinh,

Ngẫm trước đến nay, lẽ hưng phế đắn đo càng kỹ.

Những trằn trọc trong cơn mộng mị,

Chỉ băn khoăn một nỗi đồ hồi

Vừa khi cờ nghĩa dấy lên,

Chính lúc quân thù đang mạnh.”

(Đại cáo Bình Ngô – Nguyễn Trãi , Ngữ văn 10, Tập hai, tr.17-  NXB Giáo dục, 2006)

Thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1. Nêu nội dung chính của văn bản (1) và (2)?

Câu 2. Hãy so sánh nỗi lòng của Trần Quốc Tuấn ở Hịch tướng sĩ và tâm trạng của Lê Lợi ở Đại cáo bình Ngô ?

Câu 3. Từ 2 văn bản, viết một văn ngắn ( 5 đến 7 dòng) trình bày suy nghĩ của em về tinh thần trách nhiệm trong cuộc sống hiện nay.

Trả lời câu hỏi đọc hiểu

Câu 1. Ý chính của các văn bản trên :

      – Văn bản (1) : Tâm trạng của Trần Quốc Tuấn thể hiện trong Hịch tướng sĩ. ;

      – Văn bản (2) : hình tượng Lê Lợi trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn.

Câu 2. Nỗi lòng của Trần Quốc Tuấn ở Hịch tướng sĩ và tâm trạng của Lê Lợi ở Đại cáo bình Ngô:

      – Họ đều có chung nỗi lòng của một người yêu nước anh hùng: cùng căm giận trào sôi ( Trần Quốc Tuấn “ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa”. Lê Lợi “đau lòng nhức óc”); cùng nuôi chí lớn (Trần Quốc Tuấn “tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối”, Lê Lợi “nếm mật nằm gai, quên ăn vì giận”); cùng một quyết tâm sắt đá (Trần Quốc Tuấn “dẫu cho trăm thân phơi ngoài nội cỏ, nghìn xác gói trong da ngựa … cũng cam lòng”, Lê Lợi “Những trằn trọc trong cơn mộng mị – Chỉ băn khoăn một nỗi đồ hồi”).

      – Rõ ràng Lê Lợi là người anh hùng kiểu Trần Quốc Tuấn. Chính cảm hứng về truyền thống dân tộc đã giúp Nguyễn Trãi khắc họa thành công con người anh hùng Lê Lợi nói riêng và người anh hùng dân tộc nói chung.

Câu 3. 

      Đoạn văn đảm bảo các yêu cầu :

      - Hình thức: đảm bảo về số câu, không được gạch đầu dòng, không mắc lỗi chính tả, ngữ pháp. Hành văn trong sáng, cảm xúc chân thành ;

      - Nội dung: Từ nỗi lòng và tâm trạng thể hiện qua 2 văn bản, thí sinh bày tỏ suy nghĩ của mình về tinh thần trách nhiệm:

      + Trách nhiệm là phần việc được giao cho hoặc coi như được giao cho, phải bảo đảm làm tròn, nếu kết quả không tốt thì phải gánh chịu phần hậu quả;

       + Sống có trách nhiệm là làm tròn nghĩa vụ, bổn phận với gia đình, nhà trường và xã hội.

      + Người sống có trách nhiệm được mọi người tôn trọng

      + Phê phán thói vô trách nhiệm

      + Bài học nhận thức và hành động


Đề đọc hiểu Bình ngô đại cáo - Đề số 3

      Ngô là ai? Dụng ý của Nguyễn Trãi khi dùng hai chữ “bình Ngô”?  

… Ngô là nước Ngô, người Ngô, giặc Ngô! Vâng! Nhưng nguồn gốc của chữ Ngô từ đâu ra? 

      Chu Nguyên Chương gốc người Hào Châu, mà Hào châu xưa, thuộc đất Ngô. Vì thế, Ngô chính là quê cha đất tổ của người sáng lập ra nhà Đại Minh: Thái Tổ Chu Nguyên Chương! Hơn nữa, khi sự nghiệp đang trên đà thắng lợi (chiếm xong lộ Tập Khánh), năm 1356, Chu Nguyên Chương xưng Ngô Quốc công, ý muốn nhắc tới nguồn gốc của mình: người đất Ngô. Tám năm sau, khi sự nghiệp sắp thành công, ông cải xưng là Ngô Vương, ý muốn hồi cố và ước mơ sự nghiệp của mình sánh với nước Ngô thời cực thịnh dưới quyền Ngô Vương Hạp Lư đánh tan nước Sở hùng mạnh, truyền ngôi cho con là Ngô Vương Phù Sai; Phù Sai lại diệt nước Việt, cầm tù Việt Vương Câu Tiễn…

      Bởi vậy, Ngô ở đây vừa là tước hiệu của Minh Thái Tổ khi chưa lên ngôi: Ngô Quốc công, Ngô Vương; vừa là nguồn gốc, quê cha đất tổ của người khai sáng ra nhà Đại Minh: Chu Nguyên Chương! “Bình Ngô”là “bình” tận gốc gác nòi giống họ Chu – Thái Tổ nhà Minh. Ba đời Vua Minh xâm lược nước ta là, Thành Tổ Chu Đệ, Nhân Tông Chu Cao Xí, Tuyên Tông Chu Chiêm Cơ Tuyên Đức. Nếu kể từ thái Tổ Chu Nguyên Chương, Tuyên Đức là đời vua Minh thứ năm. “Bình Ngô” là bình tận ông thượng tổ năm đời của “đứa trẻ ranh” Tuyên Đức. Hai chữ “Đại cáo” nói riêng, nhan đề Bình Ngô đại cáo  nói chung, mang ý nghĩa thâm thúy và sâu sắc như vậy(…)

( Bình Ngô đại cáo-Một số vấn đề về chữ nghĩa-PGS TS Nguyễn Đang Na)

Thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1.  Nêu những ý chính của văn bản.

Câu 2. Xác định phương thức biểu đạt của văn bản trên?

Câu 3. Câu văn nào trong văn bản đánh giá nét độc đáo khi dùng từ Bình Ngô của Nguyễn Trãi theo nhận xét của người viết ? 

Trả lời câu hỏi đọc hiểu

Câu 1. Ý chính của văn bản:

      – Người viết giải thích nguồn gốc của chữ Ngô trong nhan đề Đại cáo bình Ngô của Nguyễn Trãi;

      – Người viết lí giải nguyên nhân tại sao Nguyễn Trãi dùng từ Bình Ngô.

Câu 2. Phương thức biểu đạt của văn bản trên là thuyết minh theo phương pháp giải thích

Câu 3. Câu văn trong văn bản đánh giá nét độc đáo khi dùng từ Bình Ngô của Nguyễn Trãi theo nhận xét của người viết:

      –  “Bình Ngô” là “bình” tận gốc gác nòi giống họ Chu – Thái Tổ nhà Minh. Ba đời Vua Minh xâm lược nước ta là, Thành Tổ Chu Đệ, Nhân Tông Chu Cao Xí, Tuyên Tông Chu Chiêm Cơ Tuyên Đức.

      -“Bình Ngô” là bình tận ông thượng tổ năm đời của “đứa trẻ ranh” Tuyên Đức.


Đề đọc hiểu Bình ngô đại cáo - Đề số 4

      Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi từ 1 đến 4:

1)Sông núi nước Nam, vua Nam ở

Rành rành định phận tại sách trời

Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm

Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời.

 (Sông núi nước Nam, SGK, Ngữ văn 7)

(2)“Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân.

Quân điếu phạt trước lo trừ bạo.”

Như nước Đại Việt ta từ trước,

Vốn xưng nền văn hiến đã lâu.

Núi, sông bờ cõi đã chia,

Phong tục Bắc Nam cũng khác.

Từ Triệu, Đinh, Lí, Trần bao đời gây nền độc lập

Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đế một phương.

Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau.

Song hào kiệt đời nào cũng có.”


(Đại cáo Bình Ngô – Nguyễn Trãi , Ngữ văn 10, Tập hai, tr.17-  NXB Giáo dục, 2006)

Thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1. Nêu nội dung chính của văn bản (1) và (2)?

Câu 2. Giải thích ý nghĩa các từ: Nhân nghĩa, yên dân, trừ bạo trong văn bản (2)?

Câu 3. Xác định điểm giống nhau và khác nhau trong nội dung khẳng định lời Tuyên ngôn độc lập của  2 văn bản trên ?

4/ Từ 2 văn bản, viết một văn ngắn ( 5 đến 7 dòng) trình bày suy nghĩ của em về ý thức bảo vệ tổ quốc của tuổi trẻ trong giai đoạn hiện nay.

Trả lời câu hỏi đọc hiểu

Câu 1. Ý chính của các văn bản trên:

      – Văn bản (1): Bài thơ khẳng định chủ quyền lãnh thổ của nước ta và ý chí kiên quyết bảo vệ Tổ quốc và nền độc lập dân tộc;

      – Văn bản (2) nêu luận đề chính nghĩa: Nêu cao tư tưởng nhân nghĩa, yêu nước thương dân, khẳng định nền độc lập dân tộc, quyền tự chủ và truyền thống lâu đời với những yếu tố cơ bản về văn hóa, cương vực lãnh thổ, phong tục tập quán và sự ý thức về sức mạnh dân tộc.

Câu 2. Giải thích ý nghĩa các từ trong văn bản (2) :

      – Nhân nghĩa: Là cách cư xử, là mối quan hệ tốt đẹp giữa người với người trong cộng đồng.

      - Yên dân: Là làm cho nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, yên ổn làm ăn để đất nước ổn định và phát triển.

      - Trừ bạo: tiêu diệt những kẻ bạo tàn đã gây ra những đau khổ cho nhân dân.

Câu 3. Điểm giống nhau và khác nhau trong nội dung khẳng định lời Tuyên ngôn độc lập của  2 văn bản trên ?

a/ Giống nhau: cả 2 văn bản đều đưa ra các tiêu chí làm cơ sở khẳng định độc lập chủ quyền của dân tộc: có tên nước, có vua, có biên giới;

b/ Khác nhau: ngoài 3 tiêu chí trên, trong văn bản (2), Nguyễn Trãi đã bổ sung các tiêu chí so với bài Sông núi nước Nam như: có nền văn hiến, có phong tục, có anh hùng.
 
 4/ Viết đoạn văn ngắn( 5 đến 7 dòng) bày tỏ suy nghĩ về trách nhiệm của công dân đối với Tổ quốc.

      Đoạn văn đảm bảo các yêu cầu:

      - Hình thức: đảm bảo về số câu, không được gạch đầu dòng, không mắc lỗi chính tả, ngữ pháp. Hànhvăn trong sáng, cảm xúc chân thành;

      - Nội dung: Từ lời khẳng định độc lập chủ quyền dân tộc ở 2 văn bản, thí sinh bày tỏ suy nghĩ của mình: Bảo vệ tổ quốc là bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. Tuổi trẻ phải luôn nêu cao ý thức cảnh giác với kẻ thù dù bất cứ lúc nào. Tuổi trẻ cần hưởng hứng và tích tực các diễn đàn hợp pháp trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên internet, khẳng định chủ quyền đất Việt Nam trên các diễn đàn, đồng thời kịch liệt lên án và đấu tranh tham gia ngăn chặn các hành vi xâm phạm phạm chủ quyền đất nước. Điều quan trọng nữa là không ngừng tu dưỡng phẩm chất người Việt Nam mới,  tích cực tham gia xây dựng đất nước giàu mạnh, có định hướng lý tưởng yêu nước và đoàn kết thì chúng ta sẽ kết nối khối sức mạnh lớn đủ sức bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.  Bên cạnh đó sẵn sàng chuẩn bị tinh thần tham gia trực tiếp vào công cuộc giữ gìn biển đảo quê hương bằng tất cả những gì mình có thể.


Đề đọc hiểu Bình ngô đại cáo - Đề số 5

Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân,

Quân điếu phạt(*) trước lo trừ bạo.

Như nước Đại Việt ta từ trước,

Vốn xưng nền văn hiến đã lâu.

Núi sông bờ cõi đã chia,

Phong tục Bắc Nam cũng khác.

Từ Triệu, Đinh, Lí, Trần bao đời gây nền độc lập,

 Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đế một phương.

Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau,

Song hào kiệt đời nào cũng có.


(Trích Đại cáo bình Ngô – Nguyễn Trãi, bản dịch của Bùi Kỉ, Ngữ văn 10, Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2012, tr. 17)

Chú thích: (*) Điếu phạt: (điếu: thương, phạt: trừng trị) rút từ ý “Điếu dân phạt tội” nghĩa là thương dân, đánh kẻ có tội.

Thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1. Văn bản đã xác định nền độc lập, chủ quyền của nước Đại Việt ở những yếu tố nào?

Câu 2. Việc sử dụng những từ ngữ: từ trước, vốn xưng, đã lâu, đã chia, bao đời nhằm khẳng định điều gì?

Câu 3. Từ việc đọc hiểu văn bản trên, hãy viết một đoạn văn ngắn trình bày suy nghĩ của anh/chị về việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của đất nước ta hiện nay.

Trả lời câu hỏi đọc hiểu

Câu 1. 

      Văn bản đã xác định nền độc lập, chủ quyền của nước Đại Việt qua các yếu tố: nền văn hiến lâu đời, cương vực lãnh thổ riêng, phong tục tập quán riêng, lịch sử với các triều đại riêng.

Câu 2. 

      Việc sử dụng những từ ngữ: từ trước, vốn xưng, đã lâu, đã chia, bao đời đã khẳng định được tính chất hiển nhiên, vốn có, lâu đời về sự tồn tại độc lập, có chủ quyền của nước Đại Việt.

Câu 3. 

      Từ việc đọc hiểu văn bản, viết đoạn văn bày tỏ suy nghĩ của bản thân về việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của đất nước ta hiện nay. Sau đây là một số gợi ý:

      – Bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của đất nước là trách nhiệm, bổn phận của mỗi người dân Việt Nam.

      – Phát huy truyền thống yêu nước của dân tộc, kiên quyết ngăn chặn mọi sự xâm phạm chủ quyền đất nước.

      – Dân tộc ta có chính nghĩa, có sức mạnh của lòng yêu nước, có ý chí chiến đấu ngoan cường, có sự ủng hộ của nhân dân tiến bộ thế giới chắc chắn sẽ bảo vệ được chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

(Lưu ý: Với câu 1 và câu 2, thí sinh có thể viết thành đoạn văn hoặc trình bày các ý theo cách gạch đầu dòng; với câu 3, thí sinh phải viết thành một đoạn văn hoàn chỉnh thì mới đạt điểm tối đa).

----------------------------------

Trên đây Toploigiai đã mang tới cho các bạn những kiến thức bổ ích qua bài Đọc hiểu Bình ngô đại cáo. Hi vọng những kiến thức trên sẽ giúp các bạn đạt được kết quả cao trong học tập. Mời các bạn đến với câu hỏi tiếp theo.

icon-date
Xuất bản : 11/06/2021 - Cập nhật : 28/12/2022