logo

Dàn ý phân tích cảm hứng lãng mạn ở bài thơ Tây Tiến

Tham khảo Dàn ý phân tích cảm hứng lãng mạn ở bài thơ Tây Tiến, tổng hợp đầy đủ dàn ý chung và những bài văn cảm nhận ngắn gọn, chi tiết, hay nhất. Qua các bài văn mẫu sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn về tác phẩm, cùng tham khảo nhé!

Dàn ý phân tích cảm hứng lãng mạn ở bài thơ Tây Tiến (ảnh 1)


Dàn ý phân tích cảm hứng lãng mạn ở bài thơ Tây Tiến

Mở bài:

- Giới thiệu về Quang Dũng và bài thơ Tây Tiến.

- Giới thiệu về cảm hứng lãng mạn như một nét cảm hứng chủ đạo của bài thơ.

Thân bài:

- Giải thích cảm hứng lãng mạn là gì và sự thể hiện cảm hứng lãng mạn trong tác phẩm văn chương:

+ Cảm hứng lãng mạn trong văn học được hiểu là xu thế vươn lên, vượt lên trên thực tại khách quan bằng cảm xúc chủ quan của người nghệ sĩ, thể hiện những khát vọng mạnh mẽ hướng về những vẻ đẹp khác lạ trong thế giới của mơ ước, tưởng tượng, ở tương lai hay quá khứ.

+ Cảm hứng lãng mạn vì thế thường khai thác những đề tài như thiên nhiên, tình yêu, tôn giáo, hồi tưởng, kỉ niệm,... đồng thời đi tìm cái đẹp trong những cái khác lạ, phi thường, độc đáo, vượt lên những cái tầm thường, quen thuộc của đời sống hằng ngày. Nó đề cao nguyên tắc chủ quan, phát huy cao độ sức mạnh của tưởng tượng, liên tưởng, cảm hứng lãng mạn cũng thường tìm đến cách diễn đạt khoa trương, phóng đại, thủ pháp tương phản, ngôn ngữ giàu tính biểu cảm và tạo được ấn tượng mạnh mẽ.

- Sự thể hiện cảm hứng lãng mạn trong bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng: Cần phân tích cảm hứng lãng mạn trong bài thơ Tây Tiến trên hai phương diện: nội dung cảm hứng (nỗi nhớ về một thời chiến chinh gian khổ, nhiều mất mát hy sinh nhưng cũng thật hào hùng; hình tượng thiên nhiên; hình tượng người lính Tây Tiến); nghệ thuật thể hiện (bút pháp tương phản trong việc thể hiện hiện thực khắc nghiệt của cuộc sống và chất thơ từ chính cuộc sống đó, tính chất bi tráng của hình tượng người lính, giọng điệu trữ tình và bi tráng của tác phẩm,...).

+ Vẻ đẹp của thiên nhiên và cuộc sống con người: địa hình gập ghềnh, hiểm trở với núi cao, vực thẳm, sông sâu; thiên nhiên hoang sơ, bí ẩn nhưng cũng toát lên vẻ đẹp hùng vĩ, thơ mộng, trữ tình với tất cả vẻ quyến rũ, làm say lòng người.

+ Vẻ đẹp của hình tượng người lính Tây Tiến: những khó khăn, thử thách không ngăn được bước chân người lính vốn là những chàng trai Hà Thành hào hoa, tinh tế; những nét bi thương "không mọc tóc,", "mồ viễn xứ",... là những âm trầm trong bản hùng ca về những con người "Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh".

- Nhận xét, bàn luận về ý nghĩa, giá trị của sự thể hiện cảm hứng lãng mạn trong bài thơ Tây Tiến:

+ Cảm hứng lãng mạn và giá trị của bài thơ Tây Tiến: Cảm hứng lãng mạn giúp tác giả khắc hoạ vẻ đẹp hào hùng, hào hoa, sự hi sinh bi tráng của người lính Tây Tiến cùng vẻ đẹp hùng vĩ, thơ mộng của thiên nhiên miền Tây, tạo nên một tác phẩm độc đáo trong thơ ca thời kì kháng chiến chống thực dân Pháp.

+ Cảm hứng lãng mạn và sự thể hiện phong cách của tác giả: nét hồn nhiên, tinh tế, vẻ đẹp hào hoa, phóng khoáng, đậm chất lãng mạn của hồn thơ Quang Dũng.

Kết bài:

    Cảm nhận, ấn tượng riêng của cá nhân về vẻ đẹp của cảm hứng lãng mạn trong bài thơ (có thể so sánh với một số bài thơ ra đời trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp).

 Dàn ý phân tích cảm hứng lãng mạn ở bài thơ Tây Tiến (ảnh 2)


Phân tích cảm hứng lãng mạn ở bài thơ Tây Tiến - Bài mẫu 1

    Có một thời, nhắc đến khái niệm “lãng mạn" người ta thường đồng nhất nó với những gì xa rời thực tế, cá nhân, tiêu cực, mềm yếu... và người ta phản đối, phê phán, thậm chí tẩy chay nó. Nhưng nếu xét đến tận cùng, phần lãng mạn ấy không thể thiếu trong đời sống tinh thần, trong tâm hồn con người và cái gọi là “lãng mạn” ấy cũng thật nhiều vẻ, nhiều hình. Nó có thể làm con người ta nhỏ lại yếu hèn đi nhưng cũng có thể đem đến cho con người có sức mạnh phi thường để làm nên những điều phi thường. Ta bắt gặp sức mạnh lãng mạn ấy qua Tây tiến của Quang Dũng - một tác phẩm mang đậm chất sử thi, đậm chất lãng mạn anh hùng, lãng mạn cách mạng.

    Có thể nói, cuộc sống tinh thần của mỗi con người hay cả một cộng đồng dân tộc sẽ nghèo nàn, cằn cỗi và nhàm chán biết bao nếu thiếu đi những ước mơ bay bổng, thiếu đi những ước mơ bay bổng , thiếu đi tưởng tượng phong phú, diệu kỳ... Lãng mạn hiểu theo nghĩa đúng đắn, chắp cánh cho những ước mơ, thúc giục con người hướng tới cái đẹp, cái cao cả và sự hoàn thiện mà hiện thực cuộc sống còn chưa đạt tới. Chất lãng mạn trong bài thơ Tây Tiến chính là cảm hứng bay bổng của nhà thơ hướng tới vẻ đẹp hào hùng và hào hoa của thiên nhiên và con người Tây Bắc, Vẻ đẹp được cảm nhận từ một hiện thực gian khổ và đầy khốc liệt, khó khăn. Chính vì thế, chất lãng mạn của bài thơ càng đáng chân trọng, nâng niu. "Nói" đúng hơn, chính nhờ chất lãng mạn ấy mà người lính Tây Tiến có thể vượt qua được mọi vất vả gian lao, mọi khó khăn thử thách. Chất lãng mạn trong Tây Tiến xuất hiện dường như để lại "thăng bằng" cho cảnh vật và tâm hồn của con người. Vì thế bên cạnh một thiên nhiên hiểm trở, dữ dằn, những núi đá cheo leo, những cảnh rừng thiêng nước độc... ta lại thấy một thiên nhiên thơ mộng đến say người, một Tây Bắc đẹp như tranh thuỷ mạc. Nỗi nhớ Tây Tiến trong lòng nhà thơ cứ "chơi vơi” giữa hai gam màu ấy. Còn gì dữ dội và hiểm trở hơn những cảnh:

"Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm

Heo hút cồn mây, súng ngửi trời.."

    Còn gì hoang dại và âm u, rùng rợn hơn tiếng thác gào và tiếng cọp gầm:

Chiều chiều oai linh thác gầm thét 

Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người.

    Nhưng liền đó lại là những cảnh rất đỗi nên hoạ, nên thơ. Đó là chiều sương Mộc Châu, là "hồn lau" thấp thoáng "nẻo bến bờ", là dáng người mảnh mai mềm mại trên chiếc thuyền độc mộc:

Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa

    Rõ ràng thiên nhiên Tây Bắc ở đây được cảm nhận với một vẻ độc đáo: vừa hùng vĩ, dữ dội, vừa tươi tắn, thơ mộng. Mà không chỉ thiên nhiên, chất lãng mạn bay bổng còn thể hiện rõ khi tác giả khắc họa chân dung người lính Tây Tiến hiện lên trên cái nền hùng vĩ và mỹ lệ ấy của núi rừng Tây Bắc. vẫn là đối chọi để "cân bằng" giữa một bên là hiện thực khắc nghiệt, là cuộc sống đầy gian nan và lắm hy sinh mất mát, với một bên là cuộc sống tươi đẹp và đầy chất thơ. Này đây là những vất vả, gian lao của cuộc đời người lính Tây Tiến: "Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi", "Anh bạn dãi dầu không bước nữa - Gục sũng mũ bỏ quên đời!". Hình ảnh đoàn quân "không mọc tóc" với nước da "xanh màu lá" là kết quả của những trận sốt rét triền miên. Những nấm mồ "rải rác" khắp "biên cương” và cảnh người lính ngã xuống không manh chiếu liệm v.v... đủ nói lên tất cả gian khổ cùng cực của cuộc chiến đấu mà người lính phải gánh chịu. Nhưng nếu chỉ có thế, sức mạnh của hiện thực sẽ đè nát ý chí và tâm hồn người chiến sĩ. Chính cảm hứng lãng mạn đã truyền niềm tin đi những người lính Tây Tiến khiến các anh sẵn sàng hiến dâng tuổi thanh xuân của minh cho Tổ quốc "chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh". Trong cái gian khổ khắc nghiệt trên, bỗng thoảng hương của nếp xôi của những cô gái xứ Mai Châu. Ta nao nao, say người trong đêm lửa trại giữa "hội đuốc hoa", khi bắt gặp trong mơ hình ảnh "nàng e ấp" trong xiêm áo lộng lẫy và tiếng khèn man điệu hoang dại của núi rừng. Nhiều khi sự cân bằng, đối chọi giữa hai màu sắc – hiện thực và lãng mạn - thể hiện ngay trong từng câu thơ, từng đoạn thơ. Vừa thấy rợn người, trên độ cao ngàn thước chênh vênh bên bờ vực thẳm "ngàn thước xuống” đã lại thấy lòng thanh thản ngắm nhìn qua cơn mưa thanh bình nhà ai đó thoáng ở lưng núi Pha Luông. Vừa thấy hiện lên trước mắt hình ảnh: "Sài khao sương lấp đoàn quân mỏi" rất hiện thực, đã lại chuyển sang hình ảnh đầy chất thơ "Mường Lát hoa về trong đêm hơi". Câu thơ lung linh huyền ảo với hàng loạt thanh bằng (6/7) đã ảo hóa hiện thực. Người đọc chỉ cảm nhận được cái gì đó nhẹ nhàng, bâng khuâng, chơi vơi như nỗi nhớ, bảng lảng như sương chiều, xua tan đi mệt mỏi của đoàn quân. Cũng như thế ở câu trên ta vừa thấy sự uất hận của người lính Tây Tiến gửi hai chữ "mắt trừng" thì ngay sau đó “đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm" một câu thơ cũng phần lớn dùng thanh (5/7). Tính chất lãng mạn của bài thơ còn thể hiện ở một phương diện Đó là chất bi tráng. Dường như vẫn là một cặp đối chọi nhau. Bi mà không lụy, buồn đau mà hùng tráng, mất mát hy sinh mà vẫn lạc quan. Không bi sao trước những gian nan đến ghê người, những cơn sốt rét, nước da xanh lá và tóc rụng không mọc lại được; không bi sao được trước những mất mát hy sinh "Rải rác biên cương mồ viễn xứ". Tuy nhiên bi mà không lụy, bi mà tráng, mạnh mẽ quân xanh màu lá mà vẫn giữ oai hùm. Ngay trong một bài thơ ta đã thấy rõ tính chất này: "Áo bào thay chiếu anh về đất”. Một sự ra đi nhẹ nhàng, thanh thản, ung dung. Giọng thơ muốn hạ xuống cung bậc thấp phù hợp với nỗi tiếc thương. Nhưng hạ thấp là để mà cuối cùng vút lên bản nhạc dữ dội và hùng tráng: "Sông Mã gầm lên khúc độc hành”. Những mất mát đau thương của con người như dồn nén, tích tụ ương tiếng gầm vang rung chuyển cả núi rừng của dòng sông Mã. Ai bảo lãng mạn như thế là tiêu cực, là mềm yếu. Thực chất, chính chất lãng mạn của bài thơ đã nâng được người đọc lên, vực dậy những người lính mệt mỏi đang dãi dầu không bước nữa, xoá tan đi bao nhọc nhằn đau khổ, lãng quên đi bao nỗi hiểm nguy và lấy lại cân bằng tâm hồn người lính, giúp họ vững bước đi lên... Chất lãng mạn ấy là sức và vẻ đẹp của người lính Tây Tiến.

    Đọc Tây tiến của Quang Dũng ta bắt gặp cảm xúc lãng mạn anh hùng thăng hoa cái nền hiện thực, bắt gặp sức mạnh tinh thần mà những vần thơ lãng mạn ấy đem lại cho người lính binh đoàn Tây Tiến. Nó là nét đẹp vĩnh hằng trong tâm hồn người lính và trong thơ ca kháng chiến.

---/---

Như vậy, Top lời giải đã vừa cung cấp những dàn ý cơ bản cũng như một số bài văn mẫu hay Dàn ý phân tích cảm hứng lãng mạn ở bài thơ Tây Tiến để các em tham khảo và có thể tự viết được một bài văn mẫu hoàn chỉnh. Chúc các em học tốt môn Ngữ Văn !

icon-date
Xuất bản : 04/02/2021 - Cập nhật : 15/11/2022