Tuyển chọn những bài văn Phân tích vẻ đẹp hào hoa, hào hùng của người lính Tây Tiến hay, xuất sắc giúp các bạn có thêm nhiều tư liệu tham khảo cho bài viết của mình.
Nổi bậc trong bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng là vẻ đẹp hào hoa, hào hùng của người lính. Khắc họa chân dung chiến sĩ Tây Tiến với vẻ đẹp hào hoa, hào hùng, đậm chất bi tráng, Quang Dũng khẳng định, ngợi ca tinh thần yêu nước, chủ nghĩa anh hùng của chiến sĩ Tây Tiến, chiến sĩ Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp.
Bài thơ Tây Tiến ra đời vào thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp khi mà những chàng trai “mang chí nam nhi thời loạn,” “xếp bút nghiên ra xa trường”. Họ coi gian nan là “nợ anh hùng phải vay” nên sẵn sàng dấn thân đương đầu với mọi gian nan thử thách trong hàng binh trận mạc. Họ ra đi bỏ lại sau lưng mình “gian nhà không mặc kệ gió lung lay”, bỏ lại sau lưng “luống cày đất đỏ, tiếng mõ đêm trường”, họ ra đi “lột sắt đường tàu rèn thêm dao kiếm/ Áo vải chân không đi lùng giặc đánh”. Họ là nam nhi thời loạn với vẻ đẹp của người thanh niên Việt Nam “trượng phu có chí anh hùng”. Nhưng họ cũng là những con người mà khi “Súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa” nên bản thân họ chứa đựng hai vẻ đẹp hào hùng và hào hoa.
Hào hùng là vẻ đẹp mang phẩm chất, cốt cách mạnh mẽ thuộc về ý chí. Hào hoa là thuộc về tình cảm lãng mạn. Hai nét hào hùng và hào hoa dường như đối lập nhau, hào hùng là ý chí là sức mạnh là hào khí của một lớp thanh niên mang tinh thần thời đại “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Hào hoa lại là một tâm hồn mềm mại lãng mạn “Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”, “Nhạc về Viêng Chăn xây hồn thơ”.
Viết về người lính trong chiến tranh văn học nói chung, thơ ca nói riêng chủ yếu chỉ đề cập đến vẻ đẹp dũng cảm anh hùng mà ít khi bộc lộ vẻ đẹp lãng mạn tình tứ trong tâm hồn người lính, thực ra đây chính là một điểm thành công của Tây Tiến, chính nhờ có điểm thành công này mà vẻ đẹp của người lính mang sắc thái vừa riêng biệt vừa cùng với vẻ đẹp của người lính trong các bài thơ khác. Đồng chí của Chính Hữu, Cá nước của Tố Hữu… đã hoàn chỉnh về vẻ đẹp của anh bộ đội cụ Hồ trong kháng chiến chống Pháp.
Vẻ đẹp hào hoa, hào hùng của người lính Tây Tiến hiện lên qua cuộc sống chiến đấu vô cùng gian khổ. Một cuộc vạn lý trường chinh Tây Tiến đầy gian nan thử thách. Núi cao, dốc đứng, thác ghềnh,vực sâu… Có lúc như chìm vào thung lũng sương mù hay đỉnh núi cao chọc trời Tây Bắc “Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi”. Có lúc đoàn quân rơi vào trận địa của núi non trùng điệp:
“Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”
Thiên nhiên cứ cố tình giăng ra biết bao thử thách bất cứ lúc nào cũng sẵn sàng bẻ gãy ý chí của con người. Người lính Tây Tiến cứ thầm lặng dấn thân, cứ dần vượt qua hiểm trở của lộ trình oai linh của rừng thiêng núi độc. Sự rình mò của thú dữ, sự dãi dầu của thân xác. Rồi cái chết hiện ra, người lính Tây Tiến phải đối mặt với tất cả:
“Anh bạn dãi dầu không bước nữa
Gục lên súng mũ bỏ quên đời
Chiều chiều oai linh thác gầm thét
Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người”.
Hào hùng nhất mà cũng lãng mạn nhất có lẽ là lúc Quang Dũng khắc họa chân dung người lính:
“Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”
Chân dung ấy được khắc họa bởi hai nét vẽ chủ đạo: Bi và Tráng. Bi là bi thương. Tráng là hào hùng. “Bi tráng” vừa đối lập mà cũng vừa thống nhất hài hòa, nghĩa là vừa đau thương vừa hào hùng hay càng đau thương càng hào hùng. Bi thương ấy hiện lên qua ngoại hình người lính ốm đau, tiều tụy, đầu trọc “không mọc tóc”, da dẻ xanh xao, héo úa “quân xanh màu lá”. Ma thiêng nước độc của Tây Bắc thật khủng khiếp. Lam sơn chướng khí núi rừng và hậu quả của sốt rét rừng ác tính, của đói rét, gian khổ đã bào mòn đi sức trẻ của những người lính. Sốt rét là một thực tế khắc nghiệt. Thơ ca kháng chiến chống Pháp không ít những lần nhắc đến như thế:
“Tôi với anh biết từng cơn ớn lạnh
Sốt run người vừng trán ướt mồ hôi”.
(Chính Hữu)
Sốt rét đến “Má anh vàng nghệ” (Tố Hữu), đến “Khuôn mặt đã lên màu bệnh tật/ Đâu còn tươi nữa những ngày xanh” (Thôi Hữu)… Còn lính Tây Tiến sốt rét đến rụng hết tóc trông đến kỳ dị.
Đối lập với “bi” là “Tráng”. Nghệ thuật tương phản giữa cái bên trong trong (tinh thần) và cái bên ngoài (ngoại hình) đã tạo nên vẻ đẹp của Tây Tiến. Đoàn quân ốm mà không yếu, bi mà vẫn hùng vì: Hình ảnh “không mọc tóc” gợi cái ngang tàng, ngạo nghễ, coi thường gian khổ của chất lính trẻ luôn hóm hỉnh đùa vui. Từ “đoàn binh” mang nghĩa rộng hơn “đoàn quân” để chỉ sự đông đảo, hùng mạnh. Ba từ “dữ oai hùm” là phi thường hóa người lính. Đó là những con người đang làm chủ tình thế, áp đảo kẻ thù. Vì thế cái hùng lấn át cái bi, sức mạnh chiến đấu lấn át hoàn cảnh tạo nên một tập thể có sức mạnh “thôn Ngưu đẩu”.
Hai câu thơ tiếp, người lính hiện lên bởi vẻ đẹp lãng mạn, hào hoa trong mộng trong mơ:
“Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”.
Vẻ đẹp Lãng mạn là vẻ đẹp tâm hồn vượt qua hiện thực gian khổ hướng tới niềm lạc quan. Ở đây, trong gian khổ thiếu thốn nhưng người lính vẫn mộng mơ.
“Mắt trừng” là đôi mắt vừa có chí vừa có tình: “Chí” trong ý chí đánh giặc. Đôi mắt ấy đang gửi về bên kia biên giới giấc mộng đánh giặc, mộng lập công, mộng hòa bình, mộng trở về. “Tình” trong tình yêu quê hương, con người. Đôi mắt ấy gửi vào giấc mơ về Hà Nội: “Đêm mơ Hà Nội”. Hà Nội là quê hương của người lính cũng là thủ đô yêu dấu. Hà Nội của cả nước, của biết bao vần thơ trong nỗi nhớ. Một Nguyễn Đình Thi xao xuyến với mùi hương cốm mới, một làn hơi may rất mỏng, lá vàng rơi…
“Sáng mát trong như sáng năm xưa
Gió thổi mùa thu hương cốm mới
Tôi nhớ những ngày thu đã xa
Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội
Những phố dài xao xác hơi may
Người ra đi đầu không ngoảnh lại
Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy”
Huỳnh Văn Nghệ “Nhớ Bắc” với “Từ thuở mang gươm đi mở cõi/Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long”. Người lính Tây Tiến ra đi thì mãi nhớ về một Hà Nội với “dáng kiều thơm”. Kiều thơm là chỉ bóng dáng những người bạn gái đẹp, thanh lịch, dịu dàng. Còn là hình bóng trong mộng của Quang Dũng (Theo lời kể của nhà thơ Vân Long thì người người yêu Quang Dũng dạo ấy có tên chữ lót là Kiều).
Từng một thời bài thơ Tây Tiến bị xem là “có vấn đề” cũng vì chất mộng mơ trong hai câu thơ này. Nhưng thời gian đã chứng minh cho sự bất tử của nó, chất lãng mạn chính là liều thuốc tinh thần cho người lính vượt lên hoàn cảnh khắc nghiệt thời bấy giờ. Đó là lãng mạn cách mạng chứ không phải là cái lãng mạn kiểu “mộng hão”, “mộng rớt” của giai cấp tiểu tư sản như Hoài Thanh và một số nhà phê bình từng nhận xét.
Giữa những ngày gian khổ các chiến sĩ Tây Tiến vẫn vui vẫn sống vẫn giữ nguyên cốt cách hào hùng, hào hoa của mình, họ tổ chức những đêm lửa trại tưng bừng náo nhiệt:
“Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa
Kìa em xiêm áo tự bao giờ
Khèn lên man điệu nàng e ấp
Nhạc về Viêng Chăn xây hồn thơ”.
Cái dữ dội khốc liệt của chiến tranh biến mất chỉ còn lại không gian tràn ngập ánh sáng chập chờn hội đuốc hoa và tâm hồn người lính như bốc men say trong hội vui thắm thiết của tình quân dân. Câu thơ “Kìa em xiêm áo tự bao giờ” bộc lộ tất cả cái ngỡ ngàng vui sướng cái đắm say của tâm hồn lại có cái hóm hỉnh, tinh nghịch của lính. Có thể hình dung những tâm hồn hào hoa ấy đang đắm chìm trong vẻ đẹp của những bóng hồng Tây Bắc. Người lính như được chắp cánh bởi vẻ đẹp con người và cảnh vật vùng Tây Bắc, như đang bay lên trong tiếng nhạc điệu khèn.
Phải có một cái gì đó thật lãng mạn đắm say trong tâm hồn Quang Dũng nên ông mới viết được những câu thơ hay đến thế. Những chữ “xiêm áo”, “man điệu”, “khèn lên,” “nhạc về” gợi lên vẻ đẹp hư ảo, một vẻ đẹp vừa gần vừa xa của một khung cảnh nơi xứ lạ phương xa, làm lòng người như đắm say, xốn xang hơn.
Đi suốt bài thơ ta gặp cái chất bốc tếu, cái ngang tàng kiêu bạc của người lính Tây Tiến rất rõ. Vừa treo mình cùng hơi thở nặng nhọc trên các dốc núi cheo leo ta gặp ngay cụm từ “súng ngửi trời” rất dí dỏm, rất lính. Thiên nhiên miền Tây dữ dội với núi cao, vực thẳm, thác gầm lùi lại phía sau người lính. Vẻ đẹp tâm hồn lạc quan của người lính được nhân lên sánh ngang thiên nhiên hùng vĩ. Đi suốt toàn bài thơ cái chất hào hùng của người lính hiện lên qua hiện thực gian khổ thiếu thốn tột cùng “sương lấp,” “đoàn quân mỏi,” “dãi dầu”, “không bước nữa,” “bỏ quên đời” với ý chí dấn thân thái độ kiên định sắt đá “chẳng tiếc đời xanh,” “không hẹn ước,” “chẳng về xuôi.”
Đến cái chết cũng thật hào hoa, hào hùng. Nói đến người lính, nói đến chiến tranh không thể tránh khỏi cái chết. Cái chết vẫn là một mối đe doạ, một sự thật đáng ngại và rất bi thảm, nhưng qua ngòi bút Quang Dũng ta lại thấy dược ý chí dấn thân của người lính Tây Tiến, có thể nói ngay cái chết cũng rất đỗi hào hùng người lính Tây Tiến dù có chết cũng “không rời vũ khí, không xa đội ngũ”.
“Anh bạn dãi dầu không bước nữa
Gục lên súng mũ bỏ quên đời”
Rồi những cái chết nơi rừng hoang biên giới “Rải rác biên cương mồ viễn xứ”. Nhưng câu thơ thứ hai lại vang lên như một lời thề “Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”, đúng là giọng điệu của bậc trượng phu “Coi cái chết nhẹ như lông hồng” sáng ngời chí trai cường: “Chí làm trai dặm nghìn da ngựa/Gieo Thái Sơn nhẹ tựa hồng mao”.
Còn với người lính Tây Tiến:
“Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành”
Lời thơ đã đẩy vẻ kiêu dũng lên cực điểm, hai chữ “áo bào” lấy từ văn học cổ để tái tạo ở đây vẻ đẹp tráng sĩ làm mờ đi thực trạng thiếu thốn , gợi được hào khí của chí trai thời loạn. Chữ “về” nói thái độ ngạo nghễ của người tráng sĩ đi vào cái chết. Phong Lan trong “Bài thơ Tây Tiến – tượng đài bất tử về người lính vô danh” đã nói về vẻ đẹp của người lính Tây Tiến qua cái chết như sau: “Lý tưởng cách mạng đã truyền cho các chàng trai Tây Tiến chất anh hùng ngang tàng và chất men say lãng mạn ngay cả khi họ chết cũng như phảng phất nét nghệ sĩ tài tử”.
Ngày nay đọc lại “Tây Tiến” của Quang Dũng, bỗng thấy nhớ đến nao lòng một thời kỳ lịch sử bi tráng của dân tộc, một thời đại “Một đi không trở lại”. Các anh đã ngã xuống cho “lá cờ cách mạng thêm đỏ thắm”, cho tượng đài tự do được tôn cao. Lịch sử sẽ mãi nhớ tên các anh những người anh hùng bất tử.
Khắc họa vẻ đẹp hào hoa, hào hùng của người lính, bài thơ “Tây Tiến” của Quang Dũng ngợi ca một thế hệ thanh niên với lý tưởng “Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh” – họ là những con người đã nguyện dâng hiến máu xương mình cho tổ quốc. Thời gian đã đi qua, gió bụi thời gian có thể phù mờ bao huyền thoại nhưng tượng đài về người chiến binh Tây Tiến năm xưa thì mãi mãi bất tử cùng thời gian. Càng trân trọng và yêu quý thế hệ cha anh ngày ấy đã ngã xuống vì hòa bình, thế hệ thanh niên chúng ta ngày nay phải quyết tâm sống sao cho thật xứng đáng.
Nhắc đến Quang Dũng là nhắc đến một trong những thế hệ nhà thơ được tôi luyện và trưởng thành trong bom lửa thời kì kháng chiến chống Pháp. Ông là một người đa tài, có thể vẽ tranh, sáng tác nhạc, nhưng vẫn nổi tiếng và được nhiều người biết đến với tư cách một nhà thơ. Phong cách thơ Quang Dũng nổi bật lên chất phóng khoáng, hào hoa đầy lãng mạn. Bài thơ Tây Tiến là một bài thơ đem lại dấu ấn đậm nét, khắc ghi Quang Dũng vào sâu tâm trí độc giả. Nhớ về đồng đội, những miền đất và binh đoàn xưa, nơi mà tác giả từng vào sinh ra tử, nhà thơ đã kí thác tâm sự qua sự khắc họa đậm nét vẻ đẹp hào hoa, hào hùng và bi tráng của hình tượng người lính Tây Tiến.
Đề tài người lính là một đề tài vốn đã quen thuộc trong thi ca. Bởi người lính chính là trung tâm, là linh hồn, là sức mạnh mũi nhọn của dân tộc. Cuộc trường chính của dân tộc băng qua hai kẻ thù khổng lồ là Pháp và Mỹ, những kẻ thù mạnh mẽ nhất thế giới. Chính vì vậy, hình tượng người lính, những chàng Thạch Sanh của thế kỷ XX càng in đậm trong các sáng tác thơ văn. Ta bắt gặp một người lính chân chất thôn quê, mộc mạc, hiền lành nhưng lòng căm thù ngút ngàn trong Đồng chí của Chính Hữu; người chiến sĩ nặng ân tình, dù trở về với nắng vàng Ba Đình hoa lệ nhưng vẫn thầm nhắc nhở mình, tự dặn mình phải luôn nhớ nghĩa tình của một Việt Bắc đã hi sinh quá nhiều suốt 15 năm gắn bó trong Việt Bắc của Tố Hữu… Vẻ đẹp vừa bi thương vừa hào hùng của đoàn quân Tây Tiến trên đường hành quân:
Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm.
Thủ pháp nghệ thuật đối lập giữa ngoại hình ốm yếu và tâm hồn bên trong đã làm nên khí chất mạnh mẽ của người lính. “Đoàn binh không mọc tóc” với “quân xanh màu lá” không giống kiểu ví von “văn chương” thường thấy. Ở đây, “không mọc tóc” là cách nói ngang tàng rất lính, hóm hỉnh vui đùa với khó khăn gian khổ của mình. Câu thơ không gợi ý nghĩ bi đát mặc dù ai cũng hiểu sự không mọc tóc và làn da xanh màu lá ở đây chính là hậu quả của bệnh sốt rét. Thế nhưng ta lại cảm tưởng trong giọng thơ là lời đây tự hảo, về bức chân dung lạ đến khác biệt, hoá thành đặc trưng mà chỉ lính Tây Tiến mới có.
Cái bi thương của người lính được gợi lên từ ngoại hình ốm yếu, tiều tụy, đầu trọc, da dẻ xanh như màu lá. Thực tế gian khổ thiếu thốn đã làm cho người lính đa dẻ xanh xao, Sốt rét làm họ trụi cả tóc. Quang Dũng không hề che giấu. Song, cái nhìn lãng mạn của ông đã thấy họ ốm mà không yếu, đã nhìn thấy bên trong cái hình hài tiều tụy của họ chứa đựng một sức mạnh phi thường. Đặc biệt hơn, với câu thơ: “Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc” không những gợi cho ta những gương mặt rắn rỏi, gân guốc, những dáng hình làm chúa sơn lâm cũng phải run hơi, mà hai chữ đoàn binh, như kết đọng lại trong một khối vững chắc, lại sử dụng từ Hán Việt, vì lẽ đó, đọc câu thơ, mà ngỡ binh đoàn dũng sĩ xưa, với sức mạnh của ngàn năm lịch sử, đang hùng dũng ùa vào trong tâm trí độc giả. Mạnh mẽ, oai phong biết bao.
Nhưng dáng hình chưa đủ, phải khắc hoạ thêm ánh “mắt trừng”, để tô đậm thêm khí chất dũng tướng, mãnh liệt: Mắt trừng gửi mộng qua biên giới”. “Mắt trừng” đó là đôi mắt đang quắc sáng, phóng tia nhìn giận dữ về phía địch thủ. Ánh mắt ấy hướng về biên giới, nơi kẻ thù, nơi tử địa, cũng là lãnh thổ quốc gia, vừa chứa trong đó lòng căm thù sâu sắc, chứa trong đó dạ sắt gan vàng bảo vệ biên cương, lại ánh lên cả khao khát lập chiến công hiển hách. Ta chợt nhớ lại hình ảnh đội quân từ hổ trong thơ Phạm Ngũ Lão: “Tam quân ti hổ khí thôn ngưu”, hay như trong Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi: “Sĩ tốt kén tay từ hồ, bề tôi chọn kẻ vuốt nanh”. Những người lính, những anh bộ đội cụ Hồ của thế kỷ XX vẫn mang trong mình dáng dấp, hào khí, sức mạnh của thời Sát Thát chảy trong huyết quản.
Đến câu tiếp, chất hào hoa của lính Tây Tiến bật lên rõ rệt: “Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”. “Dáng Kiều thơm” ấy chính là vầng sáng lung linh trong kí ức, làm hiện rõ nét đa tình và đời sống tình cảm dạt dào của người lính, vôn thường bị che phủ. Mơ dáng kiều, ta nhận ra những người lính ấy tâm hồn còn rất trẻ, còn chứa trái tim yêu đương mãnh liệt. dáng kiều để chỉ người con gái xinh đẹp, đó có thể là người thường, người yêu của những chàng lính trẻ, nhớ về họ, đó là điểm tựa tinh thần vững vàng để người lính chắc tay súng. Hoá ra, sau vẻ thô ráp bề ngoài, bên trong người lính Tây Tiến lại ấm nóng một trái tim đa tình, hào hoa. Lính Tây Tiến vốn là những chàng trai còn là học sinh, sinh viên, “xếp bút nghiên theo việc đao cung”, cho nên, những tâm hồn ấy vẫn đầy lãng mạn và bay bổng.
Vẻ đẹp hào hoa, hào hùng người lính còn được thể hiện qua lý tưởng hết sức thiêng liêng, cao đẹp:
Rải rác biên cương mồ viễn xứ,
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh.
Chiến trường là nơi chết chóc, là khu tử địa, đi dễ khó về. Đời xanh là chỉ cuộc đời đang độ đẹp tươi nhất, căng tràn nhất. Những người lính đường cái độ tươi đẹp nhất của cuộc đời đó, vậy mà sẵn sàng lao vào chốn tử địa, mà chẳng tiếc. Bởi họ đi vì lý tưởng thật cao đẹp: chiến đấu cho quê hương, chết cho quê hương, quyết tử cho tổ quốc quyết sinh.
Chiến tranh, có bao giờ thiếu đi sự mất mát. Quang Dũng, có lẽ là nhà thơ dám bước vào thế giới tang thương đó để làm bật lên chất hào hùng:
Áo bào thay chiếu, anh về đất,
Sông Mã gầm lên khúc độc hành.
Khi miêu tả những người lính Tây Tiến, ngòi bút của Quang Dũng không hề nhấn chìm người đọc vào cải bị thương, bị lụy. Cảm hứng của ông mỗi khi chìm vào cái bị thương lại được nâng đỡ bằng đôi cánh của lí tưởng, của tinh thần lãng mạn. Chính vì vậy mà hình ảnh những nấm mồ chiến sĩ rải rác nơi rừng hoang biên giới xa xôi đã bị mờ đi trước lí tưởng quên mình vì Tổ quốc của người lính Tây Tiến. Cái sự thật bi thảm những người lính Tây Tiến gục ngã bên đường không có đến cả mảnh chiếu che thân, qua cái nhìn của nhà thơ, lại được bọc trong những tấm áo bào sang trọng. Và rồi, cái bị thương ấy bị át hẳn đi trong tiếng gầm thét dữ dội của dòng sông Mã.
Cái chết, sự hi sinh của những người lính Tây Tiến được nhà thơ miêu tả thật trang trọng. Cái chết ấy đã tạo được sự cảm thương sâu sắc ở thiên nhiên. Và dòng sông Mã đã trân trọng đưa tiễn linh hồn người lính bằng cách tấu lên khúc nhạc trầm hùng. Họ ra đi, nhưng tráng chí thì còn sống mãi, đó là tinh thần của những bậc trượng phu, ra đi vì nghĩa lớn, như vị đại tướng quân Trần Quốc Tuấn từng viết: “Dẫu cho trăm thân này phơi ngoài nội cỏ, nghìn xác này gọi trong da ngựa, ta cũng vui lòng”.
Tây Tiến là bức tượng đài bổ sung thêm cho hình tượng người lính, xuyên suốt chiều dài lịch sử của một đất nước nhiều những đau thương và mất mát. Nếu điểm lại, ta sẽ thấy những người con của đất Việt anh hùng: người lính mang hào khí Đông A và cải trang chí nam nhi mạnh mẽ với khao khát lập công danh trong Tỏ lòng của Phạm Ngũ Lão. Người lính nông dân chân chất nhưng đầy hào hùng, bất khuất, dùng những vũ khí thô sơ mà đối chọi lại với tàu đồng súng nổ trong Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu. Hình tượng tập thể đoàn quân ra trận mạnh mẽ, khi thê rợp trời, dòng người như thác lũ khiến đất rung trời chuyển trong Việt Bắc của Tố Hữu…
Có thể nói hình tượng người lính đều hiện lên trong sức mạnh, đó là sức mạnh của ý chi phí thường, sức mạnh của niềm tin tưởng. Những người chiến sĩ đều bật lên vẻ đẹp của lý tưởng, và sự ý thức và trách nhiệm. Họ là những con người gánh vác đại nghiệp, là người tiên phong, là sức mạnh mũi nhọn chiến đấu chống lại kẻ thù xâm lược, Nếu trong các sáng tác về người lính, chủ yếu nhấn mạnh đến sự mạnh mẽ, tầm vóc, sự anh hùng, bất khuất, thì Quang Dũng tạo một nét vẽ trần trụi hơn khi miêu tả về lính Tây Tiến. Đó là những người lính da dẻ xanh xao, sốt rét, trụi cả tóc. Nhưng qua ngòi bút lãng mạn của ông đã biên họ thành những bức chân dung lẫm liệt, oai hùng. Cái nhìn nhiều chiều của Quang Dũng đã giúp ông nhìn thấy xuyên qua cái vẻ oai hùng, dữ dằn bề ngoài của những người lính Tây Tiến là những tâm hồn còn rất trẻ, những trái tim rạo rực, khao khát yêu đương (Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm). Một thế giới tâm hồn đầy mộng mơ là nét đặc trưng, biến thành huy hiệu riêng của lính Tây Tiến.
Nét cuối cùng khiến lính Tây Tiến trở nên đặc biệt, đó là khi Quang Dũng cho họ hiện lên qua sự hi sinh mất mát. Thậm chí, ta còn thấy cái tàn khốc của chiến tranh qua những vần thơ. Đây là điều các tác giả cố tránh đi khi nói về người lính và chiến tranh.
Từ nỗi nhớ về một đoàn binh, về những con người cụ thể đã hóa thân thành nỗi nhớ về một mảnh đất, một quê hương, Tây Tiến đã trở thành nỗi nhớ, niềm yêu tha thiết của Quang Dũng. Chạm khắc vào trái tim độc giả những vẻ đẹp riêng lạ, Tây Tiến hoá bất tử trong lòng bao thế hệ, bởi chính những vẻ đẹp hào hoa, hào hùng bi tráng của thời đại.
>>> Xem thêm: