logo

Chuyên đề 7: Đánh giá sự phát triển của trẻ mầm non

Bài thu hoạch chuyên đề 7: Đánh giá sự phát triển của trẻ mầm non - Lớp bồi dưỡng theo TC chức danh nghề nghiệp GVMN hạng III

CHUYÊN ĐỀ 7

ĐÁNH GIÁ SỰ PHÁT TRIỂN CỦA TRẺ MẦM NON

 (Lớp bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp GVMN hạng III )

NHÓM HỌC VIÊN

    
    
    
    
    
    
    
    

Câu hỏi kiểm tra

Câu 1: Phân tích các nguyên tắc đánh giá sự phát triển của trẻ mầm non.

Câu 2: Lập phiếu quan sát đánh giá sự phát triển của một cá nhân trẻ 5-6 tuổi trong một lĩnh vực phát triển cụ thể.

Trả lời

Câu 1: Các nguyên tắc đánh giá sự phát triển của trẻ mầm non, bao gồm:

1. Đánh giá trẻ trong mối quan hệ, liên hệ.

Trẻ em là một cơ thể đang lớn và đang trưởng thành. Quá trình phát triển của trẻ chịu ảnh hưởng và phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như: môi trường tự nhiên, môi trường xã hội, các yếu tố thể chất, trí tuệ, cảm xúc...Các yếu tố này phối hợp và tương tác qua lại lẫn nhau.

Mọi sự vật, hiện tượng tồn tại trong mối quan hệ qua lại chặt chẽ với nhau chính vì vậy khi đánh giá trẻ phải tính đến các yếu tố liên quan. Sự tiến bộ của trẻ ở lĩnh vực này sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của các lĩnh vực khác.

Ví dụ: Nếu trẻ gặp khó khăn trong sự phát triển tình cảm xã hội, trẻ sẽ bị hạn chế trong các hoạt động nhận thức. Nếu trẻ thiếu tự tin, rụt rè, nhút nhát...sẽ ảnh hưởng tới khả năng giao tiếp, biểu đạt bằng ngôn ngữ.

2. Đánh giá trẻ trong môi trường gần với môi trường sống của trẻ.

Sự hình thành và phát triển nhân cách chỉ có thể được thực hiện trong một môi trường nhất định. Môi trường góp phần tạo nên mục đích, động cơ, phương tiện, điều kiện cho hoạt động giao lưu của cá nhân, giúp trẻ chiếm lĩnh kinh nghiệm để hình thành và phát triển nhân cách.

Môi trường là hệ thống các hoàn cảnh bên ngoài, các điều kiện tự nhiên và xã hội xung quanh cần thiết cho hoạt động sống và phát triển của trẻ nhỏ.

Khi đánh giá trẻ, người đánh giá cần đảm bảo môi trường gần với cuộc sống bình thường của trẻ. Sự phát triển và học tập diễn ra liên tục như kết quả của quá trình tương tác của trẻ với môi trường. Ngoài ra cần tạo tâm lí thoải mái cho trẻ, không gây áp lực cho trẻ, thậm chí không cho trẻ biết mình đang được đánh giá. Chỉ đánh giá trẻ khi trẻ đã sẵn sàng, không tạo áp lực cho trẻ khi thực hiện nhiệm vụ. Nếu làm được như vậy, kết quả đánh giá mới khách quan và chính xác.

3. Đánh giá trẻ trong hoạt động

Tâm lí được hình thành qua hoạt động và bằng chính hoạt động. Bằng hoạt động, các hoạt động tâm lí được hình thành, phát triển và những nét tâm lí này cũng sẽ bộc lộ ra ngoài qua chính hoạt động.

Muốn phát triển tâm lý và hình thành nhân cách trẻ em thì nhất thiết phải đưa trẻ vào những hoạt động nhất định. Giáo dục trước hết phải là quá trình tổ chức hoạt động tích cực cho trẻ qua đó giúp trẻ chiếm lĩnh nền văn hóa của dân tộc và nhân loại.

Sự gắn bó, hiểu biết, chia sẻ với nhau của trẻ được hình thành và phát triển thông qua các hoạt động chung. Trong hoạt động trẻ là chủ thể chính vì vậy trẻ là người tham gia tích cực trong sự phát triển và học tập, thể hiện mình một cách rõ ràng và trung thực nhất.

Giáo viên cần xác định các hoạt động giáo dục phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh và đặc điểm tâm sinh lý của trẻ qua đó lên kế hoạch và xây dựng chương trình cho các hoạt động, đánh giá trẻ trong hoạt động, trong không gian và thời gian thích hợp.

4. Đánh giá trong sự phát triển.

Mỗi đứa trẻ là một thực thể đang phát triển. Đánh giá cần nhìn nhận theo xu hướng phát triển này.Kết quả đánh giá chỉ có ý nghĩa ở thời điểm đánh giá, nó không quy định tương lai của trẻ. Tuy nhiên người ta có theo dựa vào kết quả đánh giá hiện tại để tìm hiểu nguyên nhân và phán đoán sự phát triển tiếp theo.

Việc lưu giữ hồ sơ và sản phẩm hoạt động của trẻ một cách khách quan và đều đặn giúp giáo viên và phụ huynh có cái nhìn toàn diện, đúng đắn về sự phát triển của trẻ. Nghiên cứu lịch sử phát triển của trẻ là việc làm cần thiết và quan trọng vì đây là minh chứng giúp giáo viên phán đoán chiều hướng phát triển của trẻ, kịp thời có những biện pháp tác động phù hợp, kích thích sự phát triển của trẻ.

5. Sử dụng nhiều nguồn thông tin trong đánh giá trẻ.

Giáo viên mầm non cần cần sử dụng nhiều nguồn thông tin trong đánh giá trẻ. Cần kết hợp nhiều phương pháp đánh giá để phác họa bức tranh hoàn thiện về sự phát triển của trẻ ở tất cả các lĩnh vực. Trong quá trình đánh giá, có thể phối hợp với gia đình, các tổ chức chính trị- xã hội để có những đánh giá khách quan về sự phát triển của trẻ.

6. Đánh giá phải đảm bảo quyền lợi và phát triển khả năng học tập của trẻ.

Đánh giá theo bất cứ hình thức nào đều phải đảm bảo lợi ích cho người được đánh giá. Cho dù sử dụng phương pháp nào thì kết quả đánh giá cũng phải được sử dụng để chỉ dẫn và thúc đẩy sự phát triển của trẻ, nâng cao chất lượng chăm sóc và giáo dục trẻ.

7. Đảm bảo công bằng trong đánh giá trẻ.

Trong quá trình đánh giá, cần đảm bảo công bằng cho tất cả trẻ, tôn trọng trẻ, quan tâm tới yếu tố ngôn ngữ và văn hóa trong đánh giá trẻ.

8. Nội dung và phương pháp đánh giá phải phù hợp với lứa tuổi.

Trẻ mầm non phát triển rất nhanh trong những năm đầu đời và đồng thời đây cũng là giai đoạn phát triển khá phức tạp. Nội dung và phương pháp đánh giá cần phù hợp với lứa tuổi mầm non. Việc đánh giá trẻ được coi là phù hợp nếu đo lường được quá trình học tập cũng như sự phát triển của trẻ.

Câu 2: Lập phiếu quan sát đánh giá sự phát triển của một cá nhân trẻ 5-6 tuổi trong một lĩnh vực phát triển cụ thể.

PHIẾU QUAN SÁT TRẺ

LĨNH VỰC PHÁT TRIỂN TÌNH CẢM, KỸ NĂNG XÃ HỘI

Họ và tên trẻ: ……………………………………….…Nam/Nữ:………

Ngày, tháng, năm sinh:……………………………………………………

Lớp………………………………………………………………………..

Thời gian quan sát:………………………………………………………

TT

Nội dung quan sát

Đạt

Chưa đạt

1.

Thể hiện sự nhận thức về bản thân (chọn bạn, đồ dùng, sử dụng nhà VS phù hợp với giới tính)  

2.

Nói chuyện phù hợp với giới tính (Trẻ gái nói nhẹ nhàng,…)  

3.

Tư thế ngồi, đi đứng phù hợp với giới tính  

4.

Các hành động phù hợp với giới tính trong quan hệ giao tiếp với bạn (trẻ trai giúp đỡ trẻ gái trong những việc nặng, trẻ gái quan tâm, chăm sóc bạn,…).  

5.

Mạnh dạn nói ra ý kiến của bản thân.  

6.

Mạnh dạn trả lời câu hỏi của người khác.  

7.

Tự nói lên ý kiến của mình với thái độ mạnh dạn, bảo vệ ý kiến của mình, thuyết phục được người khác mà không sợ sệt, rụt rè.  

8.

Trẻ biết cảm nhận và thể hiện cảm xúc.( Nhận ra ít nhất 4 trong 6 trạng thái cảm xúc của người khác khi họ vui, buồn, ngạc nhiên, sợ hãi, tức giận, xấu hổ)  

9.

Biết quan tâm, hỏi han, biểu lộ cảm xúc phù hợp với sự buồn, đau, gặp nạn hay khi vui, thành công của người thân và bạn bè.  

10.

Có cử chỉ, hành động phù hợp để chia sẻ niềm vui, nỗi buồn của người thân và bạn bè.  

11

Trẻ có mối quan hệ tích cực với bạn bè và người lớn.  

12

Sẵn sàng chia đồ chơi, đồ dùng cho những người gần gũi.  

13

Trẻ có hành vi thích hợp trong ứng xử xã hội  

14

Sử dụng được ngôn ngữ, cử chỉ, điệu bộ phù hợp để yêu cầu sự giúp đỡ của người khác khi cần thiết.  

15

Vui vẻ, hòa đồng, giao tiếp thân thiện với tất cả mọi người, các bạn trong lớp.  

16

Tự nhận ra sự khác biệt của người khác với mình và chấp nhận.  

17

Biết chủ động đề nghị sự giúp đỡ của người khác.  

 

icon-date
Xuất bản : 22/07/2021 - Cập nhật : 23/07/2021