logo

Chứng minh rằng Tôi đi học là truyện ngắn giàu chất thơ

Hướng dẫn lập dàn ý và tuyển tập những bài văn hay Chứng minh rằng Tôi đi học là truyện ngắn giàu chất thơ. Với những bài văn mẫu hay nhất dưới đây, các em sẽ có thêm nhiều tài liệu hữu ích phục vụ cho việc học môn văn. Cùng tham khảo nhé! 


Truyện ngắn “Tôi đi học” là một truyện ngắn giàu chất thơ. Theo em, điều gì tạo nên đặc điểm ấy? (về nội dung, hình thức, ngôn ngữ)

- Về nội dung: tập trung miêu tả những cảm xúc và diễn biến tâm trạng vừa vui mừng, phấn chấn vừa ngỡ ngàng, lo sợ,… của nhân vật “tôi” trong buổi đầu tiên đến trường một cách chân thực và cảm động.

- Về hình thức: Cốt truyện rất đơn giản, nhẹ nhàng, không có tình huống gay cấn, không nhiều sự kiện.

- Về ngôn ngữ: Sử dụng những câu văn giàu cảm xúc với giọng điệu nhẹ nhàng, những hình ảnh so sánh độc đáo và việc sử dụng hàng loạt các từ láy trong việc miêu tả khung cảnh thiên nhiên, tái hiện chân thực, rõ nét cảm xúc bỡ ngỡ, rụt rè của nhân vật tôi trong ngày tựu trường.


Dàn ý Chứng minh rằng Tôi đi học là truyện ngắn giàu chất thơ

Chứng minh rằng Tôi đi học là truyện ngắn giàu chất thơ | 900 bài Văn mẫu 8 hay nhất

1. Mở Bài

- Giới thiệu khái quát về tác giả Thanh Tịnh (đặc điểm sáng tác, các sáng tác chính của ông,...)

- Giới thiệu khái quát về văn bản Tôi đi học (xuất xứ, khái quát giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật,...)

- Nêu vấn đề: Chất trữ tình trong văn bản Tôi đi học.

2. Thân Bài

a. Chất trữ tình là gì?

- Chất trữ tình của tác phẩm văn học chính là vẻ đẹp của tư tưởng, tình cảm, cảm xúc chủ quan của con người.

- Điều ấy được thể hiện qua cách xây dựng, lựa chọn tình huống truyện, cách miêu tả thiên nhiên, nghệ thuật xây dựng, miêu tả tâm lí nhân vật và việc sử dụng từ ngữ, các hình ảnh so sánh.

b. Biểu hiện của chất trữ tình trong văn bản Tôi đi học

- Kết cấu của tác phẩm: Toàn bộ tác phẩm được kể theo dòng hồi tưởng của nhân vật tôi với những dòng cảm xúc, những diễn biến tâm trạng khác nhau của nhân vật chứ không có cốt truyện.

- Khung cảnh thiên nhiên và cảnh vật trong ngày tựu trường đầu tiên của nhân vật tôi:

+ Mở đầu tác phẩm là một câu văn miêu tả thiên nhiên đầy xúc cảm của nhân vật tôi

+ Khung cảnh thiên nhiên trong buổi sớm mai tựu trường.

+ Khung cảnh của lũ học trò nhỏ khi đứng giữa sân trường chờ được gọi tên vào lớp

- Cách tác giả xây dựng nhân vật với những mối quan hệ, những tình cảm bình dị, thân thương song rất dịu dàng, đẹp đẽ.

+ Người thầy "với cặp mắt hiền từ và cảm động"

+ Những người bạn thuở ấu thơ với biết bao kỉ niệm khó quên và cả những người bạn mới quen.

+ Người mẹ với tình yêu thương con vô bờ bến, điều đó được thể hiện rõ nét qua những cảm nhận và cách miêu tả tinh tế, dạt dào cảm xúc của chính tác giả.

- Sử dụng những câu văn giàu cảm xúc với giọng điệu nhẹ nhàng, những hình ảnh so sánh độc đáo và việc sử dụng hàng loạt các từ láy .

+ Các hình ảnh so sánh: "...như mấy cành hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng", "...như một làn mây lướt ngang trên ngọn núi", "...như con chim con đứng bên bờ tổ, nhìn quãng trời rộng muốn bay, nhưng còn ngập ngừng e sợ"...

+ Sử dụng từ láy trong việc miêu tả khung cảnh thiên nhiên và tái hiện chân thực, rõ nét cảm xúc bỡ ngỡ, rụt rè của nhân vật tôi trong ngày tựu trường.

3. Kết Bài

Khái quát về chất trữ tình trong tác phẩm và nêu suy nghĩ của bản thân.

Xem thêm: Dàn ý chứng minh chất trữ tình trong truyện ngắn Tôi đi học của Thanh Tịnh


Chứng minh rằng Tôi đi học là truyện ngắn giàu chất thơ - Bài mẫu 1

     Nếu Thạch Lam có truyện ngắn "Gió lạnh đầu mùa" thì Thanh Tịnh có "Tôi đi học" đều nhẹ nhàng giàu cảm xúc ấm áp tình người, tình đời. Đặc biệt truyện ngắn "Tôi đi học" đã được nhận xét là truyện giàu chất thơ. Có lẽ chất thơ đã góp phần không nhỏ tạo lên sự hấp dẫn của chuyện.

     Chất thơ là chất trữ tình bàn bạc trong truyện nó được thể hiện ở nhiều phương diện của tác phẩm xuyên suốt từ đầu đến cuối chuyện đậm văn phong Thanh Tịnh.

     Đúng vậy! Trong truyện "Tôi đi học" trước hết chất thơ được phản ánh qua tình huống truyện. Tình huống không hấp dẫn ở tình huống gay cấn mà hấp dẫn ở tình huống nhẹ nhàng đó là ngày đầu tiên đi học. Ai cũng từng trải nghiệm nên dễ đồng cảm với nhân vật Tôi trong truyện. Tình huống khá ấn tượng với người đọc, người nghe.

     Tiếp theo chất thơ của chuyện còn được phản ánh qua bố cục. Bố cục xây dựng theo dòng cảm xúc, theo dòng hồi tưởng. Từ hiện tại nhớ về dĩ vãng, cảm xúc men theo trình tự thời gian, không gian và bộc lộ. Lúc đầu tâm trạng nhân vật tôi "nao nức", "mơn man" nhớ về ngày đầu tiên đi học. Trên đường đi học, cậu bé ngỡ ngàng trước mọi vật rồi lo sợ vẩn vơ. Cảm xúc vừa lạ vừa quen khi ngồi trong lớp học đó là cảm xúc trong sáng đẹp đẽ.

     Không chỉ vậy mối quan hệ giữa các nhân vật trong chuyện cũng rất giàu chất thơ. Các phụ huynh rất yêu thương lo lắng quan tâm chăm sóc con em. Ông Đốc và thầy giáo trẻ vỗ về an ủi nhẫn nại, dỗ dành động viên các em bước vào ngôi nhà thứ hai của mình. Tất cả tạo lên môi trường giáo dục ấm áp có sự kết hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường, cái nôi nuôi dưỡng trẻ thơ trưởng thành.

     Bên cạnh đó các yếu tố khác cũng góp phần làm nổi bật chất thơ của truyện. Thiên nhiên đặc trưng mùa thu được nói đến qua mấy nét chấm phá. "Hằng năm cứ vào cuối thu lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bọc". Mái trường qua cái nhìn của nhân vật tôi cũng rất riêng. Lúc thì nó giống các ngôi nhà trong làng. Lúc thì nó xinh xắn, oai nghiêm như cái đình làng Hòa Ấp. Tác giả kết hợp nhiều phương thức biểu đạt tự sự với miêu tả biểu cảm đặc biệt là biểu cảm khiến chuyện nhẹ nhàng ấm áp, lời văn trong sáng, nhịp kể chậm giọng tha thiết bồi hồi các hình ảnh so sánh khiến lời văn cụ thể sinh động bay bổng, nhẹ nhàng, hấp dẫn.

     Như vậy, chất thơ thẫm đấm trong toàn truyện "Tôi đi học" còn mãi với thời gian bởi Thanh Tịnh đã nói hộ cảm xúc kỉ niệm đẹp trong ta bằng lời văn cách kể nhẹ nhàng sâu lắng giàu cảm xúc tinh tế.

Chứng minh rằng Tôi đi học là truyện ngắn giàu chất thơ | 900 bài Văn mẫu 8 hay nhất (ảnh 2)

Chứng minh rằng Tôi đi học là truyện ngắn giàu chất thơ - Bài mẫu 2

     Tôi đi học như là một bức tranh tuổi thơ nhiều màu sắc mà mảng màu nào cũng rộn ràng,cũng đẹp đẽ.Song có thể nói tất cả những màu sắc đều gắn với “màu nền” là dòng cảm xúc của cậu học trò.Những biến thái liên tiếp ấy trong dòng cảm xúc của nhân vật “tôi “ thực giống như những đốm lửa hồng thắp dần lên những kỷ niệm tuổi học trò.

     Có thể nói,những cảm xúc “ngây thơ và non nớt” của cậu học trò trong truyện ngắn của Thanh Tịnh cũng là cảm xúc của tôi,của bạn và của tất cả chúng ta,những ai đã từng một lần chập chững cấp sách tới trường.Dòng cảm xúc của nhân vật tôi “tôi” đã khái quát cảm giác chung của mọi người.

     Tôi nghĩ,nếu như truyện không phải là dòng hoài niệm thì hẳn những ấn tượng về mặt thời gian ở đầu truyện chỉ là một sự tình cờ.Cái đầu tiên được cảm nhận bằng ấn tượng chứ không phải theo kiểu một thói quen.Người đọc hình dung khá dẽ cảm xúc của nhân vật “tôi” trong truyện ngắn này.Dó là dòng cảm xúc được kết nối từ ba mạch ngắn độc lập mà thống nhất.

     Phần đầu truyện,ta bắt đầu xúc động và dường như cũng giống nhân vật,ta “mơn man” với những kỷ niệm ngày xưa.Oâi,kỷ niệm đó dù đã rất xa nhưng sao vẫn ngọt ngào biết mấy.Nhớ lúc đó vào quá nửa mùa thu,mùa của ngày hội khai trường.Ta ngại ngùng theo chân mẹ bước từng bước trên con đường quen thuộc mà lòng đầy băng khoăn thắc mắc.Con đường với ta đã quá quen nay sao có cái gì xa lạ.Phải chăng vì ta đã lớn khôn,ta đã bắt đầu cắp sách tới trường.Cmar xúc ấy hẳn chúng ta đều đã từng trải qua.Trong cái ngày khó quên ấy có một thứ hiện diện quen thuộc với tất cả nhưng cô cậu học trò:đồ dùng học tập.Nhân vật tôi cảm nhận về nó mới độc đáo làm sao “hai quyển vơ mới ở trên tay tôi đã bắt đầu thấy nặng”.Tôi “ghì chặt” mà “một quyển vở cũng xệch ra và chênh đầu chúi xuống đất”.Thế là từ nay ta bắt đầu gắn với cái nợ bút nghiên,đèn sách.

     Cổng trường mở ra,cũng mở luôn tiếp phần tiếp theo của dòng cảm xúc.Bây giờ không phải lạ lẫm với con đường,cảnh vật mà là lạ lẫm với ngôi trường tiểu học.Ngôi trường trông “xinh xắn và oai nghiêm”.Cái liên tưởng của nhân vật “tôi” thật là thú vị.Tất cả đều lạ,nhưng đang dần thân thiện và hòa hợp. “Tôi” xúc động và xao xuyến nhất là khi nghe tiếng trống giục tiết học đầu tiên.Nhưng rồi “tôi sợ”, “tôi” ngập ngừng nghe theo lời ông đốc.Cảm giác lúc ấy đúng là sung sướng nhưng quả thật sao ta lại thấy xa mẹ ta đến thế.Ta nhớ mẹ vô cùng,muốn sà ngay vào lòng mẹ và chẳng còn muốn đi đâu nữa.

     Rồi buổi học đầu tiên cũng bắt đầu.Nhân vật “tôi” miễn cưỡng bước vào trong lớp sau những lời dỗ ngọt ngào của mẹ.Phòng học mới có bao điều lạ,lạ thầy,lạ bạn và cả chổ ngồi của mình đây nữa.Nhưng sao rồi ta lại thấy quen thân nhanh thế:chỗ ngồi ngày sẽ là của ta,nhưng cậu bạn kia chưa biết tên,chưa dám hỏi tên nhưng sao vẫn thấy quen quen.Cái cảm giác đầu tiền vào lớp ấy đúng như cái cảm giác vừa quen vừa lạ.

     Dòng cảm xúc của nhân vật “tôi” là dòng biến thái giản dị mà tinh tế.Những cảm xúc đầy ấn tượng chắc chắn không chỉ khơi lại trong tôi mà còn là ở tất cả mọi người những kỉ niệm về cái ngày đầu tiên chạy lon ton theo mẹ đến trường.cái ngày ấy đầy ý nghĩa.Nó khởi đầu cho con đường chinh phục tri thức của mỗi người chúng ta.


Chứng minh rằng Tôi đi học là truyện ngắn giàu chất thơ - Bài mẫu 3

Chứng minh rằng Tôi đi học là truyện ngắn giàu chất thơ | 900 bài Văn mẫu 8 hay nhất (ảnh 3)

   Không biết bao nhiêu thế hệ học trò đã từng đọc, từng học và từng nhầm lẫn một cách rất đáng yêu rằng truyện ngắn Tôi đi học của nhà văn Thanh Tịnh chính là bài tâp đọc đầu tiên của mình. Sự nhầm lẫn vô lí mà lại hết sức có lí. Vô lí vì bài tập đọc đầu tiên hẳn phải là các câu văn, đoạn văn hay bài thơ chứ khó có thể là cả một truyện ngắn. Còn có lí bởi học trò các thế hệ có thể quên đi nhiều bài tập đọc khác, như­ng hình như­ ít ai hoàn toàn quên đư­ợc  những cảm xúc trong trẻo nguyên sơ mà  từng dòng từng chữ của Tôi đi học  gợi lên trong miền kí ức tuổi thơ của mình. Để có được điều đó, cũng bởi như nhận xét của nhà văn Thạch Lam: “Truyện ngắn nào hay cũng có chất thơ và bài thơ nào hay cũng có cốt truyện”.

      Để hiểu vì sao Tôi đi học là một truyện ngắn giàu chất thơ, chúng ta cần hiểu chất thơ là gì?

    Chất thơ là tính chất trữ tình – tính chất được tạo nên từ sự hoà quyện giữa vẻ đẹp của cảm xúc, tâm trạng, tình cảm với vẻ đẹp của cách biểu hiện nó để có thể khơi gợi những rung động thẩm mĩ và tình cảm nhân văn. Chất thơ là một thuật ngữ lý luận chỉ một phẩm chất đặc biệt của văn xuôi. Tác phẩm văn xuôi được xem là có chất thơ khi nội dung của nó đi sâu vào trạng thái cảm xúc, diễn tả diễn biến trong trạng thái chủ quan với những rung động tinh tế. Chất thơ còn nằm trong hình thức thể hiện. Đó là tính nhạc, sự hàm xúc của ngôn từ, đó là sự linh hoạt của các thủ pháp nghệ thuật tạo cho giọng văn, lời văn sức truyền cảm lớn. Một truyện ngắn (hoặc tác phẩm văn xuôi) được coi là giàu chất thơ khi mối bận tâm của người viết không đặt vào việc kể lại một biến cố, sự việc, hành động mà là việc làm bật lên một trạng thái của đời sống hoặc của tâm hồn con người.

    Chất thơ trong Tôi đi học được biểu hiện một cách rõ nét, đậm đà qua cốt truyện, cảnh vật, tâm trạng, tình tiết,… vô cùng dào dạt và tràn đầy cảm xúc.

    Chất Thơ Trong Truyện Ngắn Tôi Đi Học Của Thanh Tịnh

     Trước hết, chất thơ được thể hiện ở chỗ truyện ngắn không có cốt truyện mà chỉ là dòng chảy cảm xúc, là những tâm tư tình cảm của một tâm hồn trẻ dại trong buổi khai trường đầu tiên với những cảm xúc ngọt ngào, man mác buồn nhưng cũng tưng bừng khi lần đầu tiên được cắp sách tới trường: “Hàng năm cứ vào cuối thu lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại náo nức những kỷ niệm mơn man của buổi tựu trường… Buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh, mẹ âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp”. Những câu văn trong sáng, gợi cảm và giầu chất thơ kiểu như thế này đã để lại những dấu ấn đậm nét trong hành trang tinh thần của nhiều thế hệ bạn đọc. Có thể dễ dàng tìm thấy nhiều câu văn, nhiều đoạn văn đẹp và tha thiết trong các trang viết của ông. Thanh Tịnh thuộc loại nhà văn viết không nhiều. Tác phẩm của ông không gây ra những choáng váng, đột ngột mà nhẹ nhàng thấm sâu. Chừng nào con người còn yêu thương cảm xúc, còn nặng lòng gắn bó với quê hương, đồng loại thì còn tìm thấy trong những trang viết của Thanh Tịnh mối dây đồng cảm và niềm an ủi. Con người trong tình yêu, tình bạn, tình vợ chồng, cha con, con người với quê hương… tất cả đều được ngòi bút của ông trình bày một cách nhẹ nhàng, thanh thoát và đằm thắm.

    Thứ hai, trong truyện ngắn Tôi đi học, hình ảnh được tác giả huy động sử dụng với tần số lớn. Các hình ảnh này đều mang những đặc điểm chung: đẹp, lãng mạn và thi vị. Ngay ở phần mở đầu câu chuyện, tác giả đã dựng nên một khung cảnh cuối thu tuyệt đẹp để làm “chất xúc tác” cho những kỷ niệm tuổi thơ ùa về: “Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm mơn man của buổi tựu trường”. Dọc theo câu chuyện, những hình ảnh giàu chất thơ như vậy thường xuyên xuất hiện: “Buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh, mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp”, “người nào áo quần cũng sạch sẽ, gương mặt cũng vui tươi và sáng sủa”, “trường Mỹ Lý vừa xinh xắn vừa oai nghiêm như cái đình làng Hòa Ấp”, “một con chim liệng đến đứng trên bờ cửa sổ, hót mấy tiếng rụt rè rồi vỗ cánh bay cao”… Những hình ảnh so sánh trong truyện cũng thật đẹp, gợi cảm: “những cảm giác trong sáng ấy nảy nở trong lòng tôi như mấy cành hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng”, “ý nghĩ ấy thoáng qua trong trí tôi nhẹ nhàng như một làn mây lướt ngang trên ngọn núi”, “họ như con chim non đứng bên bờ tổ, nhìn quãng trời rộng muốn bay, nhưng còn ngập ngừng e sợ”…Có thể nói, trong một dung lượng truyện tương đối nhỏ, những hình ảnh lãng mạn, ý vị được sử dụng với số lượng khá lớn đã góp phần làm cho câu chuyện trở nên giàu chất thơ, hình tượng trong truyện trở nên lung linh, đẹp hơn rất nhiều.

    Thứ ba, từ ngữ và câu văn cũng là một trong những phương diện góp phần quan trọng vào việc làm nên chất thơ trong truyện ngắn Tôi đi học. Dễ dàng nhận ra những đặc điểm độc đáo, nổi bật của từ ngữ và câu văn trong truyện ngắn này. Về câu văn, truyện sử dụng nhiều câu dài (có những đoạn văn chỉ là một câu), mở rộng nhiều thành phần, sử dụng nhiều từ có thanh bằng, âm mở để tạo nên nhịp điệu êm ái, âm điệu du dương như: “Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm mơn man của buổi tựu trường” (một đoạn, 18/34 âm tiết là thanh bằng); “Tôi quên thế nào được những cảm giác trong sáng ấy nảy nở trong lòng tôi như mấy cành hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng” (một đoạn, 15/28 âm tiết là thanh bằng); “Vì có những hôm đi chơi suốt cả ngày với chúng bạn ở đồng làng Lê Xá, lòng tôi vẫn không cảm thấy xa nhà hay xa mẹ tôi chút nào hết” (một đoạn, 17/32 âm tiết là thanh bằng)…

    Thật vậy, theo như Trần Hữu Tá, “nhìn chung, tác phẩm Thanh Tịnh đậm chất trữ tình. Thông qua tâm hồn tác giả, hiện thực cuộc sống được phản ánh giản dị mà sâu sắc, không phải chỉ ở bề ngoài, mà ở cái linh hồn sâu kín bên trong. Văn Thanh Tịnh gợi cảm, đằm thắm và trong sáng” (Từ điển văn học (bộ mới), Nxb Thế giới, H., 2004, tr. 1636). Tôi đi học, một truyện ngắn giàu chất thơ, là tác phẩm rất tiêu biểu cho điều này.


Chứng minh rằng Tôi đi học là truyện ngắn giàu chất thơ - Bài mẫu 4

     Thanh Tịnh là nhà văn tiêu biểu của nền văn học hiện đại Việt Nam với những tác phẩm toát lên vẻ đằm thắm và tình cảm dịu nhẹ, tha thiết. Và có thể nói, "Tôi đi học" là một trong số những tác phẩm tiêu biểu cho đặc điểm sáng tác ấy của ông. Đọc truyện ngắn Tôi đi học của Thanh Tịnh người đọc sẽ cảm nhận được chất trữ tình đằm thắm ẩn sâu trong từng con chữ.

     Chất trữ tình là một thuật ngữ quen thuộc với mỗi người chúng ta. Vậy nên hiểu như thế nào là chất trữ tình? Hiểu một cách chung nhất, chất trữ tình là khái niệm dùng để chỉ một đặc điểm nổi bật, đặc sắc của tác phẩm văn học. Chất trữ tình của tác phẩm văn học chính là việc nó thể hiện những trạng thái tính cảm, cảm xúc chủ quan của con người. Điều ấy được thể hiện qua cách xây dựng, lựa chọn tình huống truyện, cách miêu tả thiên nhiên, nghệ thuật xây dựng, miêu tả tâm lí nhân vật và việc sử dụng từ ngữ, các hình ảnh so sánh. Và với cách hiểu như vậy, truyện ngắn "Tôi đi học" là tác phẩm thể hiện chất trữ tình sâu sắc.

     Trước hết, chất trữ tình trong văn bản "Tôi đi học" thể hiện ở kết cấu của tác phẩm. Đọc tôi đi học, người đọc sẽ dễ dàng nhận ra toàn bộ tác phẩm được kể theo dòng hồi tưởng của nhân vật "tôi" với những dòng cảm xúc, những diễn biến tâm trạng khác nhau của nhân vật chứ không có cốt truyện. Những dòng hồi ức, những kỉ niệm ấy như gọi nhau ùa về trong tâm trí nhân vật "tôi" là cho tác phẩm như một khúc ca trữ tình của những cảm xúc. Mở đầu tác phẩm đó chính là tâm trạng của nhân vật "tôi" trên đường cùng mẹ tới trường - đó chính là cái cảm giác vừa quen vừa lạ, là thấy trong chính mình đang có một sự thay đổi lớn. Tiếp đến đó chính là cảm xúc bỡ ngỡ, rụt rè, vừa nghiêm trang vừa lo lắng khi đứng ở sân trường chờ gọi lên vào lớp. Và để rồi, kết thúc tác phẩm đó chính là cảm xúc của nhân vật tôi khi vào trong lớp học. Như vậy, tác phẩm Tôi đi học đã đi sâu vào việc diễn tả những dòng cảm xúc của nhân vật và tất cả mọi thứ đều được tái hiện lại một cách chân thực qua dòng hồi tưởng cùng những dòng cảm xúc của nhân vật tôi.

     Thêm vào đó, chất trữ tình trong tác phẩm còn được thể hiện ở khung cảnh thiên nhiên và cảnh vật trong ngày tựu trường đầu tiên của nhân vật tôi. Mở đầu tác phẩm là một câu văn miêu tả thiên nhiên đầy xúc cảm của nhân vật tôi "Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường..." Dường như, câu văn ấy đã gợi lên bao nhiêu cảm xúc trong nhân vật tôi và cả những cô cậu học trò, để rồi từng nhịp kỉ niệm cứ thế theo nhau ùa về trong kí ức. Không dừng lại ở đó, khung cảnh thiên nhiên trong buổi sớm mai tựu trường cũng được nhân vật tôi tái hiện lại bằng những câu văn thật dạt dào "Buổi sáng mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên tôi thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học." Đó còn là khung cảnh của lũ học trò nhỏ khi đứng giữa sân trường chờ được gọi tên vào lớp "Sau một hồi trống thúc vang dội cả lòng tôi, mấy người học trò cũ đến sắp hàng dưới hiên rồi đi thẳng vào lớp. Cảm thấy mình trơ vơ là lúc này. ... Chính lúc này toàn thân các cậu cũng đang run run theo nhịp bước rộn ràng trong các lớp." Tất cả, tất cả những khung cảnh ấy hiện lên thật đẹp qua những dòng xúc cảm, qua cảm nhận của chính nhân vật tôi.

     Không dừng lại ở đó, chất trữ tình trong tác phẩm còn được thể hiện rõ nét qua cách tác giả xây dựng nhân vật với những mối quan hệ, những tình cảm bình dị, thân thương song rất dịu dàng, đẹp đẽ và đang trân quý. Đó là người thầy "với cặp mắt hiền từ và cảm động". Là những người bạn thuở ấu thơ với biết bao kỉ niệm khó quên và cả những người bạn mới quen - những người bạn cũng bỡ ngỡ, cũng rụt rè trong ngày tựu trường đầu tiên. Và có lẽ, đặc biệt hơn cả đó là hình ảnh người mẹ, là tình mẹ. Đọc toàn bộ tác phẩm Tôi đi học, người đọc sẽ thấy rằng hình ảnh bàn tay mẹ được tác giả nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong tác phẩm - "mẹ tôi ân cần nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng", bàn tay mẹ cầm bút thước, cặp sách cho con khi đến trường,... Và có lẽ, tất cả những hình ảnh ấy đã gợi lên trong chúng ta một người mẹ với tình yêu thương con vô bờ bến, điều đó được thể hiện rõ nét qua những cảm nhận và cách miêu tả tinh tế, dạt dào cảm xúc của chính tác giả.

     Và cuối cùng, việc sử dụng những câu văn giàu cảm xúc với giọng điệu nhẹ nhàng, những hình ảnh so sánh độc đáo và việc sử dụng hàng loạt các từ láy chính là một trong số những biểu hiện của chất trữ tình trong tác phẩm. Trước hết, trong tác phẩm, tác giả đã sử dụng hàng loạt câu văn với những hình ảnh so sánh hấp dẫn "...như mấy cành hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng", "...như một làn mây lướt ngang trên ngọn núi", "...như con chim con đứng bên bờ tổ, nhìn quãng trời rộng muốn bay, nhưng còn ngập ngừng e sợ"... Những hình ảnh ấy không những làm cho câu văn trở nên sinh động, hấp dẫn mà còn góp phần to lớn vào việc diễn tả, thể hiện cảm xúc của nhân vật trữ tình. Thêm vào đó, chất trữ tình trong tác phẩm còn được thể hiện rõ nét qua việc tác giả sử dụng hàng loạt các từ láy. Đó là những từ tượng hình để gợi nên khung cảnh thiên nhiên, cảnh vật mơ mộng, trữ tình "bàng bạc", "quang đãng", "trang trọng", "đứng đắn", "tươm tất", "nhí nhảnh", "sạch sẽ", "sáng sủa"... Và đặc biệt, đó còn là hàng loạt các từ láy có giá trị, vai trò to lớn trong việc diễn tả tâm trạng rụt rè, bỡ ngỡ, xen chút lo lắng của nhân vật tôi trong buổi tựu trường tựu trường đầu tiên "rụt rè", "vẩn vơ", "run run", "lúng túng", "nặng nề", "ngập ngừng", "lưng lẻo", "quyến luyến",... Tất cả, tất cả những hình ảnh so sánh cùng việc sử dụng hàng loạt các từ láy đã làm cho những câu văn của "Tôi đi học" trở nên giàu tính nhạc, giàu chất thơ và giàu tính trữ tình.

     Tóm lại, "Tôi đi học" của Thanh Tịnh là một câu chuyện chân thực, sâu sắc. Tác phẩm ấy để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn đọc không chỉ bởi những ý nghĩa về mặt nội dung mà còn bởi đọc tác phẩm người đọc có thể cảm nhận một cách chân thực và sâu sắc chất thơ, chất trữ tình bàng bạc ẩn chứa trong từng con chữ.

Tham khảo: Phân tích để làm sáng tỏ chất thơ trong truyện ngắn Tôi đi học

---/---

Như vậy là Top lời giải đã vừa cung cấp những gợi ý cơ bản cũng như một số bài văn mẫu hay Chứng minh rằng Tôi đi học là truyện ngắn giàu chất thơ để các em tham khảo và có thể tự viết được một bài văn mẫu hoàn chỉnh. Chúc các em học tốt môn Ngữ Văn !

icon-date
Xuất bản : 04/02/2021 - Cập nhật : 14/08/2023