Câu hỏi: Chỉ và phân tích các câu thơ thể hiện tình cảm của người con dành cho mẹ. Em hiểu nội dung của hai dòng thơ cuối bài thơ Mẹ như thế nào?
Lời giải:
- Câu thơ thể hiện tình cảm của người con dành cho mẹ:
“Một miếng cau khô
Khô gầy như mẹ
Con nâng trên tay
Không cầm được lệ”.
Hai chữ “nâng” và “cầm” ám chỉ động thái của tình cảm, thể hiện sự nâng niu, trân trọng và xót thương, không thể kìm lòng trước sự thay đổi ngày một già đi của mẹ.
- Hai dòng thơ cuối của bài là đáp án cho câu hỏi của dòng thơ thứ hai ở khổ cuối. Không một lời đáp. Có lẽ rằng, đấy chính là quy luật của thời gian. Tất cả đều sẽ già đi. Thời gian ngày một thu hẹp. Khi thấy được sự già nua nhanh chóng ấy, nên chăng, người con cần phải trân trọng từng khoảnh khắc bên mẹ, yêu thương mẹ nhiều hơn. “Mây bay về xa”, như một lời ẩn dụ, rằng, sẽ đến một lúc nào đó, như những đám mây kia, người mẹ đầu trắng bạc phơ sẽ đến một nơi thật xa…
>>>Xem trọn bộ: Bài Mẹ SGK 7 trang 44, 45, 46 - Văn Cánh diều
Dàn ý phân tích Bài Thơ Mẹ
Mở bài:
Giới thiệu tác giả, tác phẩm; nêu ấn tượng, cảm xúc chung về bài thơ.
Thân bài:
Hình ảnh đối lập giữa cây cau và mẹ già (2 khổ thơ đầu):
- "Lưng mẹ còng rồi": từ "rồi" như một lời khẳng định chắc nịch về tình trạng già yếu của mẹ.
- "Cau - ngọn xanh rờn/ Mẹ - đầu bạc trắng": cau tràn đầy sức sống thì mái tóc của mẹ đã bị nhuộm bạc bởi thời gian.
- "Cau ngày càng cao/ Mẹ ngày một thấp": điệp ngữ "ngày" nhấn mạnh sức tàn phá của thời gian đối với mẹ.
- "Câu gần với giời/ Mẹ gần với đất!": câu cảm thán thể hiện nỗi xót xa của người con.
=> Hai khổ thơ đầu với phép đối từ: "còng" - "thẳng", "xanh rờn" - "bạc trắng", "cao" - "thấp", "trời" - "đất", tác giả thể hiện nỗi xót xa, đau
Cảm xúc của người con khi chứng kiến mẹ ngày một già yếu (3 khổ thơ sau):
- Kí ức ngày còn nhỏ khi ở bên mẹ và hiện tại: ngày xưa cau bổ từ, giờ bổ tám "mẹ còn ngại to" -> Gợi ra vẻ móm mém của mẹ già.
- "Một miếng cau khô/ Khô gầy như mẹ": Biện pháp so sánh ví mẹ với miếng cau khô để làm nổi bật sự sa sút về sức khỏe của mẹ khi đã già.
- "Con nâng trên tay/ Không cầm được lệ": từ "nâng" thể hiện thái độ nâng niu, trân trọng, không nỡ làm tổn thương. Người con thương mẹ không cầm được nước mắt.
- Câu hỏi tu từ "Sao mẹ ta già": câu hỏi nhân vật trữ tình đặt ra cho chính mình, khắc sâu thêm nỗi bất lực của người con khi không thể thay đổi được quy luật: sinh - lão - bệnh - tử.
=> Ba khổ thơ cuối cho thấy tấm lòng thương yêu và nỗi xót thương của tác giả đối với mẹ kính yêu.
Kết bài
- Khái quát được cảm xúc về bài thơ.
Đoạn văn cảm nhận về bài thơ Mẹ của Đỗ Trung Lai
Một trong những tác phẩm hay viết về người mẹ phải kể đến “Mẹ” của Đỗ Trung Lai. Khi đọc bài thơ, người đọc có thể cảm nhận được đây là lời của người con đang bày tỏ cảm xúc về người mẹ của mình. Tác giả đã sử dụng hình ảnh cây cau vốn gần gũi và quen thuộc, để bộc lộ nỗi xót xa khi mẹ ngày càng già đi. Những hình ảnh đối lập như “Lưng mẹ còng rồi - Cau thì vẫn thẳng”, “Cau - ngọn xanh rờn, Mẹ - đầu bạc trắng” đã gợi ra sự liên tưởng về tuổi già của mẹ. Cùng với đó, nhà thơ còn sử dụng biện pháp tu từ so sánh “Một miếng cau khô – Khô gầy như mẹ” cho thấy sự già nua héo hắt của người mẹ. Trước hiện thực khắc nghiệt đó, người con đã bộc lộ cảm xúc một cách trực tiếp: “Con nâng trên tay/Không cầm được lệ” - đó là nỗi đau đớn, xót xa. Tất cả được dồn nén để rồi người con tự hỏi chính mình: “Ngẩng đầu hỏi giờ/Sao mẹ ta già?”. Câu hỏi không nhận được lời đáp. Không ai trả lời được vì sao mẹ già, cũng không ai ngăn được guồng quay của thời gian tàn nhẫn. Hình ảnh “mây bay về xa” cũng giống như mái tóc mẹ bạc hòa cùng với mây trắng trên cao thể hiện một niềm xót xa, tiếc nuối. Qua bài thơ, người đọc cũng hiểu được thông điệp mà tác giả muốn gửi gắm đó là hãy trân trọng những giây phút được ở bên cạnh người mẹ, biết yêu thương và trân trọng người mẹ của mình.