logo

Cảm thụ bài Dáng hình ngọn gió của Đoàn Thị Lam Luyến

Gió không chỉ là một hiện tượng tự nhiên đặc biệt mà còn là một người bạn thân thiết đối với muôn loài và con người. Có khá nhiều tác phẩm viết về gió, trong đó có một bài thơ với câu từ đơn giản nhưng lại rất đáng yêu và gần gũi có tên Dáng hình ngọn gió của nhà thơ Đoàn Thị Lam Luyến. Mời các bạn đến với bài viết sau của chúng tôi để hiểu rõ hơn về bài thơ này.


Dàn ý Cảm thụ bài Dáng hình ngọn gió của Đoàn Thị Lam Luyến

- Mở bài:

Giới thiệu về bài thơ Dáng hình ngọn gió

- Thân bài:

+ Khổ thứ nhất: Nguồn gốc của gió (nhà của gió chính là bầu trời rộng lớn) => Ngôi nhà to nhất trên thế gian này

+ Các khổ thơ còn lại: Miêu tả hoạt động của gió (Khi thì ca hát cùng lá và biển cả; lúc thì nghịch ngợm trốn trong chiếc nón mùa hè;...; gió chăm chỉ làm việc giúp con người và muôn loài như làm mưa, làm khô muối, đẩy cánh buồm cho thuyền đi muôn nơi;...). Tuy nhiên vẫn chưa ai có thể nhìn thấy hình dáng của gió thực sự ra sao => Gió bí ẩn nhưng cũng đáng yêu và tốt bụng, gần gũi với con người

- Kết bài:

Bài thơ với ngôn từ ngộ nghĩnh đã mang tới hình ảnh gió thật chăm chỉ và gần gũi với con người.

Cảm thụ bài Dáng hình ngọn gió của Đoàn Thị Lam Luyến

Cảm thụ bài Dáng hình ngọn gió của Đoàn Thị Lam Luyến

      Có rất nhiều hiện tượng tự nhiên diễn ra xung quanh chúng ta như mưa,  bão, nắng, tuyết, sương hay gió,... Mỗi hiện tượng tự nhiên đều có nguồn gốc và ý nghĩa đối với trái đất, với con người. Không chỉ trong lĩnh vực khoa học có nhắc đến các hiện tượng tự nhiên mà trong cả văn học và nghệ thuật, những hiện tượng tự nhiên cũng trở thành những chủ đề, những cảm hứng sáng tác bất tận cho các tác giả. Có thể kể đến nếu nhắc về mưa sẽ thường có những nhạc phẩm tâm trạng, buồn bã, nhắc đến nắng là những tác phẩm vui hay bão sẽ có những bài thơ nói đến tâm trạng rối bời,...Còn nếu nói về gió trong văn học, chúng ta có tác phẩm Gió đầu mùa nổi tiếng của nhà văn Thạch Lam, bên cạnh đó còn có bài thơ Dáng hình ngọn gió của nhà thơ Đoàn Thị Lam Luyến cũng rất hay. Dáng hình ngọn gió được viết theo thể thơ hiện đại, mang lại cảm giác bình yên và nhẹ nhàng, với nhiều hình ảnh phong phú, thu hút độc giả, đặc biệt là thiếu nhi.

      Khổ thơ đầu tiên, tác giả đã giới thiệu nguồn gốc của gió:

“ Bầu trời rông thênh thang

Là căn nhà của gió

Chân trời như cửa ngõ

Thả sức gió đi về”

      Mỗi người chúng ta đều có một gốc gác, một quê hương để về và một căn nhà nhỏ để lớn lên, gió cũng như vậy. Nhà của gió chính là “bầu trời”, đây là ngôi nhà rộng “thênh thang” hơn bất kì ngôi nhà nào trên thế gian này. Sở dĩ tác giả Lam Luyến liên tưởng như vậy bởi vì khắp mọi nơi trong không khí này đều có gió, đều từng được nó ghé đến dạo chơi, ngày ngày nó đều đi lại trong căn nhà rộng lớn của mình. Con người mỗi khi nhìn ngắm đường chân trời đều thấy xa xôi, không thể nào chạm tới thì đối với gió đó chỉ là nơi cửa ngõ của nhà để nó đi ra đi vào. Bằng một loạt các hình ảnh nhân hóa ngộ nghĩnh, người đọc chúng ta đã có thể biết được nguồn gốc cúa gió và thấy được nó là một vật vô hình rất to lớn nhưng lại cũng gần gũi.

      Ở những khổ thơ tiếp theo, nhà thơ Lam Luyến đã miêu tả hoạt động của gió:

“Nghe lá cây rầm rì

Ấy là khi gió hát

Mặt biển sóng lao xao

Là gió đang dạo nhạc”

Cảm thụ bài Dáng hình ngọn gió của Đoàn Thị Lam Luyến

      Gió sẽ có khi hóa thành một ca sĩ của thiên nhiên, hát những âm thanh “rầm rì” tâm tình với nhạc cụ là những chiếc lá. Hay hát cả những bài ca có dạo nhạc “lao xao” như tiếng sóng biển vỗ. Gió là người bạn thân thiết của cỏ cây, của biển cả, chúng cùng nhau tạo nên những khúc ca thiên nhiên tươi đẹp và tràn ngập sức sống.

“Những ngày hè oi bức

Cứ tưởng gió đi đâu

Gió nép vào vành nón

Quạt dịu trưa ve sầu”

      Gió hoạt động mọi lúc, mọi nơi, gắn với cuộc sống của con người. Nếu mùa đông gió hóa làm gió mùa đông bắc tạo ra không khí lạnh, mùa xuân làm gió heo mây thì mùa hè gió làm gió nóng mang không khí đậm chất mùa hè về cho chúng ta. Tuy vậy, khác với những mùa khác, mùa hè gió ít xuất hiện hơn nên làm cho tác giả “cứ tưởng gió đi đâu”. Nhưng ra gió đã nghịch ngợm chơi trốn tìm với con người, nép vào “vành nón” tránh nắng của chúng ta, để rồi trưa hè mới ra quạt những làn gió man mát thật bình yên cho chúng ta dễ chịu hơn.

“Gió còn lượn lên cao

Vượt sông dài biển rộng

Cõng nước làm mưa rào

Cho xanh tươi đồng ruộng”

      Có nhiều khi nghịch ngợm, hồn nhiên nhưng gió ta vẫn rất chăm chi làm việc. Gió phải lượn lên tận cao tít rồi vươn thân mình ra biển lớn, để làm gì? Gió làm vậy để gom hơi nước lại, tạo thành những đám mây to, đám mây cứ được gió gộp lại dần dần để rồi trở nên nặng trĩu và hóa thành mưa rào, mưa rơi cho cây cối tốt tươi và con người có nước để sống và sinh hoạt. Xong việc tạo mưa, gió lại đi làm việc khác:

“Gió khô ô muối trắng

Gió đẩy cánh buồm đi

Gió chẳng bao giờ mệt!

Nhưng đố ai biết được

Hình dáng gió thế nào”

      Gió phụ các bác ngư dân làm muối ven biển bằng cách làm khô cánh đồng muối trắng. Rồi gió lại ra tận ngoài khơi xa đẩy thuyền cho con người đi khắp bốn bể. Gió làm mọi việc mà không hề ngừng nghỉ nên tác giả Lam Luyến đã thấy gió “chẳng bao giờ mệt”. Gió thật tài giỏi, chăm chỉ và tốt bụng, đúng là người bạn thân thiết đáng quý của con người và muôn loài khác. Chúng ta tuy biết được bao việc gió đã làm nhưng chưa từng có ai nhìn được hình dáng của gió ra sao? Điều này khiến cho gió thật thần bí nhưng cũng thật đáng yêu làm sao! Gió trong trí tưởng tượng của mỗi người sẽ khác nhau, nhưng chắc chắn, dù trong hình dáng nào gió vẫn luôn là một người bạn đáng mến không bao giờ tách rời của chúng ta.

      Qua bài thơ Dáng hình ngọn gió của tác giả Đoàn Thị Lam Luyến, người đọc chúng ta đã cảm nhận được sự đáng yêu và gần gũi của gió. Tuy nó là một hiện tượng thiên nhiên vô hình mà chúng ta không nhìn rõ được hình thù nhưng nhờ có gió mà cuộc sống của muôn loài mới có thể diễn ra bình thường, tồn tại và phát triển được. Bài thơ thật ngộ nghĩnh và giàu sức gợi hình, gợi cảm.

----------------------------

Trên đây Toploigiai đã mang tới cho các bạn bài Cảm thụ bài Dáng hình ngọn gió của Đoàn Thị Lam Luyến. Bài thơ đã sử dụng những từ ngữ đơn giản nhưng lại vô cùng đáng yêu và sinh động để nói về gió, một hiện tượng thiên nhiên gần gũi.

icon-date
Xuất bản : 20/02/2023 - Cập nhật : 03/07/2023