Đề bài: Viết đoạn văn cảm nhận về hình tượng người mẹ được thể hiện trong đoạn thơ sau:
“Con bị thương, nằm lại một mùa mưa
Nhớ dáng mẹ ân cần mà lặng lẽ
Nhà yên ắng, tiếng chân đi rất nhẹ,
Gió từng hồi trên mái lá ùa qua.
[…]
Con xót lòng, mẹ hái trái bưởi đào
Con nhạt miệng, có canh tôm nấu khế
Khoai nướng, ngô bung, ngọt lòng đến thế
Mỗi ban mai toả khói ấm trong nhà.
Ba con đầu đi chiến đấu nơi xa
Tình máu mủ mẹ dồn con hết cả,
Con nói mơ những núi rừng xa lạ
Tỉnh ra rồi, có mẹ, hoá thành quê!"
(Trích: Mẹ *, Bằng Việt, in trong Tác phẩm chọn lọc, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 2010)
(* Bài thơ Mẹ có lẽ được nhà thơ Bằng Việt sáng tác vào năm 1970, vào thời điểm ông tham gia công tác ở chiến trường Bình Trị Thiên, với tư cách là một phóng viên chiến trường, tác giả bị thương phải nằm lại trong ngôi nhà của một người mẹ. Cảm động trước tình cảm của những người mẹ miền Nam nên ông đã sáng tác bài thơ Mẹ như một lời cảm ơn, tri ân người “mẹ” đặc biệt này).
Hướng dẫn làm
Viết đoạn văn cảm nhận về hình tượng người mẹ được thể hiện trong đoạn thơ ở phần đọc hiểu
a. Đảm bảo cấu trúc đoạn văn nghị luận
Mở đoạn nêu được vấn đề, Thân đoạn triển khai được vấn đề, Kết đoạn khái quát được vấn đề
b. Xác định đúng yêu cầu của đề: hình tượng người mẹ được thể hiện trong đoạn thơ của bài thơ
c. Triển khai vấn đề nghị luận
HS có thể trình bày bài viết theo nhiều cách trên cơ sở đảm bảo những yêu cầu sau:
Hình tượng người mẹ được nhà thơ tái hiện qua dòng hồi ức ngọt ngào, da diết.
+ Người mẹ hiện lên với hình dáng ân cần mà lặng lẽ. Nó cho ta thấy được sự lo lắng, tình yêu thương của người mẹ dành cho đứa con xa lạ: vì yêu thương, lo lắng cho người con chiến sĩ, mẹ đã luôn bên cạnh để chăm lo, lại sợ đứa con giật mình tỉnh giấc nên mẹ luôn lặng lẽ, bước chân cũng nhẹ nhàng.
+ Người mẹ còn tận tình lo cho người chiến sĩ từng bữa ăn. Sự quan tâm của mẹ thật kịp thời, và luôn luôn làm sao để cho người con cảm thấy hài lòng nhất: Con xót lòng, mẹ hái trái bưởi đào/ Con nhạt miệng, có canh tôm nấu khế. Mọi thức ăn của nhà quê mà mẹ có, người mẹ đều dành cho đứa con xa lạ: khoai nướng, ngô bung. Chính tình thương của mẹ đã làm cho căn nhà ấm áp, tình mẹ như bếp lửa, như ngọn khói sưởi ấm căn nhà, sưởi ấm lòng người con mỗi sớm mai.
+ Dù người mẹ và người chiến sĩ mới chỉ gặp gỡ lần đầu, nhưng người mẹ đã chăm sóc người chiến sĩ như người con ruột thịt của mình. Chính tình yêu thương ấy đã làm cho người con cảm thấy như đang ở nhà của mình. Tình thương của mẹ đã làm cho đất lạ hóa thành quê hương.
d. Chính tả, từ ngữ, ngữ pháp Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp Tiếng Việt.
e. Sáng tạo: Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.