logo

Cảm nhận về hình ảnh Người con trong ba khổ thơ cuối bài Mẹ ốm

Nhà thơ Trần Đăng Khoa được coi như một thần đồng. Ngay từ khi còn bé, nhà thơ đã bộc lộ tài năng của mình khi mới lên 8 tuổi đã có bài thơ đầu tiên được in lên tạp chí, 10 tuổi đã sáng tác tập thơ “Góc sân và khoảng trời” in năm 1968. Trong tập thơ, bài thơ Mẹ ốm là bài thơ nổi bật. Để giúp các bạn hiểu hơn về hình ảnh người con trong bài, chúng tôi đã mang tới bài viết sau, mời các bạn cùng tham khảo.


Dàn ý Cảm nhận về hình ảnh Người con trong ba khổ thơ cuối bài Mẹ ốm

Cảm nhận về hình ảnh Người con trong ba khổ thơ cuối bài Mẹ ốm

a. Mở bài: 

Giới thiệu bài thơ Mẹ ốm và ba đoạn thơ cuối

b. Thân bài:

- Người con là một đứa trẻ ngoan ngoãn và hiếu thảo: Để mẹ vui con sẵn sàng biểu diễn hết tài năng của mình như hát, ngâm thơ,...

- Người con rất yêu thương mẹ: Thương mẹ vất vả vì con mà nếp có nếp nhăn ở mắt; chỉ mong mẹ khỏe mạnh, hoạt động bình thường như mọi ngày,...

- Người con rất biết ơn mẹ: Coi mẹ như đất nước linh thiêng của riêng mình, và hình ảnh mẹ sẽ theo mình theo từng năm tháng làm người.

=> Người con rất hiếu thảo, ngoan ngoãn, biết thương yêu và biết ơn mẹ

c. Kết bài:

Khái quát lại hình ảnh người con trong ba khổ thơ cuối

>>> Tham khảo: Nội dung bài Mẹ ốm


Cảm nhận về hình ảnh Người con trong ba khổ thơ cuối bài Mẹ ốm

Cảm nhận về hình ảnh Người con trong ba khổ thơ cuối bài Mẹ ốm

“Cả cuộc đời Mẹ một nắng hai sương

Lặng lẽ bước trên đường dù mưa gió

Bởi thương con…Mẹ lần mò vượt khó

Dù gian truân vàng võ chẳng nao lòng.

Mẹ suốt đời như bong bóng trên sông

Năm tháng với nỗi lòng thương con trẻ

Bước chân đêm rồi nhẹ nhàng thật khẽ

Hôn thầm con! nước mắt Mẹ tuôn trào...”

      Mẹ chính là người phụ nữ vĩ đại nhất trên cuộc đời này đối với mỗi người con. Mẹ lo lắng cho con từng miếng ăn, giấc ngủ chính vì thế có câu nói “con dù lớn vẫn là con của mẹ, đi hết đời lòng mẹ vẫn theo con”. Từ lâu, mẹ đã trở thành chủ đề sáng tác bất tận cho thơ văn. Có vô số những tác phẩm viết về mẹ, nhưng trong nền văn học Việt Nam, em ấn tượng nhất với bài thơ “Mẹ ốm” của nhà thơ Trần Đăng Khoa. Bài thơ được in trong tập “Góc sân và khoảng trời” vào năm 1968, khi đó nhà thơ Trần Đăng Khoa mới 10 tuổi. Trong bài thơ, hình ảnh Người con ở ba khổ thơ cuối đã mang tới cho em nhiều cảm xúc đặc biệt:

“Mẹ vui, con có quản gì

Ngâm thơ, kể chuyện rồi thì múa ca

Rồi con diễn kịch giữa nhà

Một mình con sắm cả ba vai chèo

 

Vì con mẹ khổ đủ điều

Quanh đôi mắt mẹ đã nhiều nếp nhăn

Con mong mẹ khoẻ dần dần

Ngày ăn ngon miệng, đêm nằm ngủ say

 

Rồi ra đọc sách, cấy cày

Mẹ là đất nước, tháng ngày của con...”

      Mẹ khi đó bị ốm, người con vô cùng lo lắng cho mẹ của mình. Muốn mẹ mau chóng khỏi bệnh, người con thật sâu sắc khi nghĩ đến việc chăm sóc tinh thần cho mẹ. Con khẳng định, để làm mẹ vui, con không quản điều gì cả. Con có thể “ngâm thơ, kể chuyện rồi thì múa ca” hay thậm chí diễn liền một lúc ba vai chèo chỉ cần mẹ có thể vui vẻ, nhanh khỏi ốm. Người con thật là hiếu thảo, cũng như đa tài, đây chính là nhà thơ Trần Đăng Khoa khi còn nhỏ, được mệnh danh là thần đồng. Con thương yêu mẹ vô cùng, xót xa vì những gì mẹ đã hi sinh để cho mình có được cuộc sống ấm no. Sự hi sinh, khổ cực của mẹ đã biểu hiện qua những nếp nhăn dưới mắt. Điều này cũng chứng tỏ mẹ đang ngày một có tuổi hơn, sức khỏe sẽ ngày một yếu hơn trước. Vậy nên điều con khao khát nhất bây giờ là mẹ có thể khỏe dần, ngày ăn ngon, đêm ngủ say để có sức khỏe tốt. Để rồi mẹ có thể làm những việc mẹ thích như đọc sách hay lao động với mọi người, cùng mọi người cầy cấy. Câu thơ cuối của bài thơ thật đắt giá, đặc biệt là được một đứa trẻ 10 tuổi là nhà thơ Trần Đăng Khoa khi đó sáng tác “Mẹ là đất nước, tháng ngày của con...” Đây là câu thơ bày tỏ sự biết ơn của nhà thơ cũng như nỗi lòng của nhiều người con muốn nói với mẹ của mình. Mẹ quan trọng, thiêng liêng và to lớn như đất nước của riêng mình con. Mẹ là tháng ngày của con từ khi con sinh ra đến khi trưởng thành và già đi, hình ảnh của mẹ, sự ấm áp mẹ trao sẽ theo mỗi chặng đường con đi. Nhà thơ Trần Đăng Khoa thật giàu tình cảm và yêu thương mẹ sâu sắc.

      Chỉ với ba khổ thơ cuối của bài thơ Mẹ ốm, hình ảnh người con hiện lên làm người đọc như em quý mến dù chưa từng được gặp, hay có thể nói, đó chính là nhà thơ Trần Đăng Khoa. Người con là một người vô cùng ngoan ngoãn, hiếu thảo và yêu thương mẹ sâu sắc. Đây chính là tấm gương sáng để những bản nhỏ hay thậm chí là những người lớn đọc được bài thơ cần noi theo.

-------------------------

Trên đây là bài Cảm nhận về hình ảnh Người con trong ba khổ thơ cuối bài Mẹ ốm của nhà thơ Trần Đăng Khoa mà Toploigiai mang tới. Qua đó hình ảnh người con hiện lên trước mắt người đọc thật hiếu thảo và đáng quý.

icon-date
Xuất bản : 09/01/2023 - Cập nhật : 28/08/2023

Tham khảo các bài học khác