logo

Cảm nhận tình mẫu tử từ Trong lòng mẹ

Cảm nhận tình mẫu tử từ Trong lòng mẹ của Nguyên Hồng, tổng hợp đầy đủ dàn ý chung và những bài văn cảm nhận hay nhất. Qua các bài văn mẫu sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn về tác phẩm, cùng tham khảo nhé!


Dàn ý Cảm nhận tình mẫu tử từ Trong lòng mẹ

Cảm nhận tình mẫu tử từ Trong lòng mẹ | 900 bài Văn mẫu 8 hay nhất

1. Mở bài

- Dẫn dắt vấn đề: Có thể đi từ đề tài tình cảm gia đình

- Giới thiệu khái quát giá trị nội dung tác phẩm Trong lòng mẹ của Nguyên Hồng

2. Thân bài

* Hoàn cảnh đáng thương của nhân vật chính - bé Hồng: 

- Là kết quả của cuộc hôn nhân không tình yêu giữa cha và mẹ: Mẹ cậu vốn là người phụ nữ xinh đẹp, tần tảo, luôn khát khao có tình yêu chân chính nhưng không có quyền tự quyết định cuộc đời mình; cha cậu làm cai ngục, lại nghiện ngập héo mòn dần rồi chết. Mẹ Hồng vì cùng túng quá mà phải bỏ lại anh em Hồng, đi tha hương cầu thực

- Mẹ bỏ nhà đi, hai anh em chỉ còn biết nương vào bà cô ruột trong nhà, tuy nhiên, anh em Hồng lại bị bà cô ghẻ lạnh, hắt hủi, gieo rắc vào đầu những ý nghĩ xấu xa về mẹ

* Hồng bị gieo rắc những ý nghĩ xấu xa về mẹ:

- Bà cô xỉa xói, tiêm nhiễm vào đầu cậu bé những lời lẽ không đúng sự thật, độc ác về mẹ cho đến khi cậu bật khóc

* Tình cảm của Hồng dành cho người mẹ tội nghiệp

- Khi nghe những lời cay nghiệt của bà cô, những giọt nước mắt lăn dài trên má cậu bé, không phải vì cậu hận hay ghét mẹ mà vì thương mẹ

- Khi nhớ đến khuôn mặt rầu rầu mệt mỏi của mẹ, cậu lại càng thương mẹ nhiều hơn, dù từ khi bỏ đi mẹ chưa một lần quay về tìm hai anh em những cậu vẫn không hề trách mẹ mà luôn khao khát gặp mẹ

- Cậu bé căm ghét những hủ tục đã đày đọa người mẹ tội nghiệp, muốn bảo vệ, che chở cho mẹ "Giá những cổ tục đã đày đọa mẹ tôi... nghiến cho kì nát vụn mới thôi"

- Khi được gặp mẹ:

+ Thoáng nhìn bóng người trên xe giống mẹ, Hồng cất lên tiếng gọi đầy bối rối "Mợ ơi! Mợ ơi"

=> Tiếng gọi mẹ chứa chan niềm thương nhớ, mong mỏi, khát khao

+ Khi được mẹ "vừa kéo tay... òa lên khóc rồi cứ thế nức nở" 

=> Tiếng khóc cho những tủi nhục, đau đớn mà mẹ phải gánh chịu, cho hạnh phúc vỡ òa, cho những uất ức bấy lâu bị dồn nén

+ Khi được "lăn vào lòng một người mẹ... êm dịu vô cùng"

=> Tình mẫu tử thiêng liêng, cao đẹp.

3. Kết bài

- Khẳng định tình mẫu tử sâu sắc trong đoạn trích "Trong lòng mẹ"

- Nêu suy nghĩ, cảm xúc của bản thân. 

Xem thêm: Cảm nhận chú bé Hồng qua đoạn trích Trong lòng mẹ


Cảm nhận tình mẫu tử từ Trong lòng mẹ - Bài mẫu 1

Cảm nhận tình mẫu tử từ Trong lòng mẹ | 900 bài Văn mẫu 8 hay nhất (ảnh 2)

     Gia đình là điểm tựa, là cái nôi nuôi dưỡng con người. Tình cảm gia đình thật thiêng liêng và ấm áp. Thế nhưng không phải ai sinh ra trên đời này cũng may mắn có được niềm hạnh phúc gia đình trọn vẹn. Có đứa bé tội nghiệp vừa cất tiếng khóc chào đời đầu tiên thì mẹ của nó bị tước đi sự sống, bà đã để lại đứa con bé bỏng tội nghiệp trên đời và chút đi hơi thở cuối cùng. Cũng có những đứa bé bị cha mẹ nhẫn tâm vứt bỏ từ khi còn nhỏ để rồi phải lang thang đầu đường xó chợ, vật vã nơi gió sương giá lạnh. Cũng có những đứa bé sống trong sự thiếu thốn tình thương, luôn bị hành hạ bằng những lời nói cay nghiệt như đâm dao vào trái tim. Và đó là câu chuyện kể về cuộc đời cậu bé Hồng đầy bất hạnh, đau đớn đến tột. Tác phẩm "Trong lòng mẹ" do Nguyên Hồng sáng tác kể về chính những bất hạnh, những đau đớn xung quanh cuộc sống thời ấu thơ của tác giả. Nó chứa đựng tình yêu thương mẹ sâu sắc, lòng hận thù những hủ tục, những đau đớn đã chà đạp cuộc đời của người mẹ.

     Nhắc đến Nguyên Hồng là nhắc đến một nhà văn chuyên viết về trẻ em và phụ nữ, ông có lòng cảm thương sâu sắc với những tâm hồn nhỏ bé bất hạnh, bị vùi dập trong bất công. Qua các tác phẩm của ông, ta thấy được vẻ đẹp cao quý của người phụ nữ và sự ngây thơ trong sáng của những đứa nhỏ nhưng họ lại bị cuộc sống bất công, bị dòng đời quật ngã đến đớn đau.

     Nhân vật Hồng trong tác phẩm là một cậu bé với cuộc đời bất hạnh, là kết quả của cuộc hôn nhân không tình yêu giữa mẹ và cha. Mẹ Hồng là một người phụ nữ tần tảo, hiền lành luôn khát khao có một tình yêu chân chính thế nhưng bà lại không thể tự quyết định được cuộc đời của mình và buộc phải lấy người chồng nghiện ngập. Không lâu sau, chồng vì nghiệp ngập mà héo dần héo mòn rồi chết, mẹ Hồng vì cùng túng nợ nần nên phải đi tha hương cầu thực, bỏ lại anh em Hồng. Mẹ bỏ nhà đi, anh em Hồng chỉ còn cách nương tựa vào bà cô ruột trong nhà. Thế nhưng thay vì thương yêu, quan tâm các cháu thì anh em Hồng lại luôn bị ghẻ lạnh, hắt hủi. Bà cô già luôn gieo rắc, tiêm nhiễm vào đầu hai đứa trẻ những suy nghĩ xấu xa về mẹ mình, bà muốn anh em Hồng ghét bỏ, thù hận người mẹ đã rứt ruột đẻ ra mình. Thế nhưng thay vì ghét bỏ mẹ, Hồng lại trăm vạn lần thương mẹ hơn, cậu muốn nghiền nát cái hủ tục thối tha đã chà đạp cuộc đời đáng thương đầy bất hạnh của mẹ mình.

     Cậu bé Hồng vẫn cứ sống trong những hắt hủi, chà đạp đau đớn đến thế. Vì câu chuyện của mẹ mà cậu bé đáng thương đã vô tình trở thành tấm bia hứng chịu những mỉa mai, khinh miệt của người đời. Hằng ngày cậu luôn bị bà cô giả tạo hành hạ bằng việc tra tấn tinh thần. Bà xỉa xói, tiêm nhiễm vào đầu cậu những lời lẽ độc ác về người mẹ và không dừng lại cho đến khi cậu bật khóc. Những giọt nước mắt lăn dài trên má em không phải vì hận mẹ, ghét mẹ mà vì em thương mẹ, thương cho cuộc đời tội nghiệp của mẹ chỉ vì những hủ tục ấy mà đánh mất đi tự do, đánh mất đi hạnh phúc vốn có của cuộc đời mình.

     Đau đớn về thể xác có thể chữa lành nhưng tổn thương vì lời nói thì không bao giờ lành, nó như mũi tên cắm vào trái tim nhỏ bé và ghim vào đó những lỗ thủng mà chẳng thể chữa lành. Những vết thương đó ngày một lớn ra, sưng tấy đau đớn, cái đau không phải một phút một lúc mà nó kéo đến từng cơn, nỗi đau âm ỉ mưng mủ vì không có thuốc chữa lành. Chịu tổn thương nhưng cậu vẫn kiên cường bảo vệ tình yêu thương với mẹ, suy nghĩ cao thượng như thế liệu có phải của một đứa trẻ ?

     Ngày qua ngày, Hồng vẫn cứ sống trong sự ghẻ lạnh, đau đớn bị tổn thương nhưng chưa một lần nào cậu quên đi gương mặt của người mẹ. Cậu nhớ về cái khuôn mặt rầu rầu mệt mỏi của mẹ, càng nghĩ cậu càng thương mẹ. Người mẹ từ hồi bỏ đi vẫn chưa một lần nào quay về tìm hai anh em cậu nhưng cậu không trách mẹ và vẫn luôn khát khao được gặp mẹ một lần để thỏa nỗi nhớ mẹ, để giãi bày những tâm tư, tâm sự mà cậu dành cho mẹ bấy lâu nay.

     Và rồi cái mong ước nhỏ bé ấy của cậu cũng có ngày trở thành hiện thực. Cậu bé nhìn thấy bóng dáng mẹ mình nhưng không dám gọi lớn vì nếu ngộ nhận ai đó không phải mẹ mình thì sẽ khốn khổ làm sao và bao hy vọng mà cậu ấp ủ sẽ tan thành mây khói. Vậy là cậu chỉ dám gọi với cái giọng bối rối run run của một đứa bé đang khao khát được gặp mẹ đến sắp vỡ òa. Và cuối cùng trong buổi chiều hôm ấy em cũng may mắn gặp lại được mẹ của mình. Hồng nhanh chóng sà vào lòng mẹ, trong vòng tay nhỏ bé của mẹ cậu không còn cảm thấy cô đơn, bao tủi nhục, đay nghiến hằng ngày bỗng chốc tan biến hết, trong đầu cậu bé lúc này tràn ngập bóng hình của mẹ. Chỉ cần một cái ôm âu yếm của mẹ là em đã cảm thấy thỏa mãn, em không đòi hỏi gì hơn và chỉ thế là đủ.

     Gia đình là điểm tựa, là hậu phương vững chắc chống đỡ cho mỗi người trong lúc gặp phải khó khăn. Bởi vậy mỗi người cần trân trọng gia đình nhỏ bé của mình vì không có gì là mãi mãi. Đừng trần chừ và hoãn lại tình cảm của mình dành cho mọi người, ngay khi có thể hãy làm tất cả có thể vì thời gian tàn nhẫn chẳng quay lại lần hai và cuộc đời con người có đâu nói trước được điều gì. Hãy trân trọng, cảm thông và thương yêu, tin tưởng cha mẹ, những người đã sinh ra mình vì dù có lựa chọn như thế nào thì nó vẫn là tốt cho chúng ta. Đừng vô tâm để rồi sau này phải hối hận.

     Qua câu chuyện về cuộc đời đầy bất hạnh của em bé Hồng, ta đã nhận ra được một điều vô cùng quý giá đó là tình cảm gia đình. Tình mẫu tử đáng tôn thờ vượt qua thời gian, đồng thời thấy được bộ mặt xã hội thối nát, hạ cấp đến không tưởng khi đày đọa một đứa bé vô tội rơi vào trong địa ngục của tổn thương. Chúng ta cũng cảm nhận được sáng lên trong trái tim rỉ máu của đứa bé là niềm thương mẹ vô bờ bờ, bảo vệ mẹ bằng cách một mình chống chọi lại cả xã hội. Tấm thân nhỏ bé nhưng có suy nghĩ mang tầm vóc vũ trụ, đó là nét đẹp tâm hồn của những em nhỏ luôn tôn thờ những người đã sinh ra mình. Và đó cũng là giai thoại về tình mẫu tử đầy thiêng liêng và cao quý được dệt lên qua tác phẩm "Trong lòng mẹ".


Cảm nhận tình mẫu tử từ Trong lòng mẹ - Bài mẫu 2

     Trong cuộc đời mỗi người, chắc chắn tình thân chính là điều quý giá nhất. Đặc biệt, tình mẫu tử thiêng liêng chính là tình cảm thật đáng trân trọng và cao đẹp. Bởi lòng mẹ vốn bao la dạt dào, dìu dắt ta qua bao năm tháng tuổi thơ, khi lớn lên và cả những chông chênh của cuộc đời. Dù ngoài kia có bao sóng gió, bao vấp ngã thì quay về bên mẹ ta mới thấy mình được chở che, được yêu thương và thứ tha. Mẹ dành trọn cuộc đời mình, dành trọn sự hy sinh lớn lao ấy cho hạnh phúc của con mình. Và có lẽ vì vậy, mà mỗi khi đọc những trang văn viết về mẹ, viết về tình mẫu tử em lại không khỏi xúc động, lắng lòng mình để thêm yêu, thêm trân trọng những người mẹ trong cuộc đời. Đọc đoạn trích “Trong lòng mẹ” của Nguyên Hồng khiến lòng ta thổn thức vô cùng về tình mẫu tử thiêng liêng, về những tình cảm đầy sâu đậm, kính trọng và thương yêu của cậu bé Hồng dành cho mẹ mình.

     Không hạnh phúc như bao đứa trẻ khác, Hồng sớm mồ côi bố từ nhỏ. Vì cuộc sống mưu sinh, mẹ em phải đi tha hương cầu thực. Cuộc đời người phụ nữ chôn vùi thanh xuân của mình trong tình yêu không hạnh phúc, lại phải chấp nhận xa đứa con mình đứt ruột đẻ đau hẳn phải đau khổ biết nhường nào. Có lẽ, vì Hồng hiểu hết được những hy sinh, nỗi lòng của mẹ mà em luôn kính trọng và thương mẹ vô cùng. Dù phải ở với người cô và gia đình bên chồng độc ác, luôn chịu sự hắt hủi, và nghe những lời lẽ cay độc của họ gieo rắc em những điều xấu xa về mẹ. Nhưng Hồng vẫn luôn tôn thờ và yêu quý mẹ, em hiểu hết nỗi đau mà mẹ phải gánh chịu và căm thù cái xã hội phong kiến bằng những thành kiến lạc hậu đã ghì nát sự tự do của chính mẹ mình. “Vì tôi biết rõ, nhắc đến mẹ tôi, cô chỉ có ý gieo rắc vào đầu óc tôi những hoài nghi để tôi khinh miệt và ruồng rẫy mẹ tôi, một người đàn bà đã bị cái tội là goá chồng, nợ nần cùng túng quá, phải bỏ con cái đi tha phương cầu thực. Nhưng “đời nào lòng thương yêu và lòng kính mến mẹ tôi lại bị những rắp tâm tanh bẩn xâm phạm đến”. “Chỉ vì tôi thương mẹ tôi và căm tức sao mẹ tôi lại vì sợ hãi những thành kiến tàn ác mà xa lìa anh em tôi, để sinh nở một cách giấu giếm… Tôi cười dài trong tiếng khóc”.

     Em thương mẹ biết bao nhiêu thì nỗi sợ hãi, lo lắng cho mẹ càng lớn bấy nhiêu. Em lo mẹ nghèo khổ, cơ cực, lo mẹ gầy yếu, xanh xao, đói khát khi nghe những lời lẽ nhẫn tâm của bà cô kể về mẹ em qua nụ cười rất kịch của mụ. Những giọt nước mắt lăn dài chứa chan sự cay đắng và lòng thương yêu, xót xa dành cho mẹ. Trong lòng em chưa bao giờ em thấy oán trách mẹ. Mà chỉ thấy những bất công, tủi nhục mà mẹ phải gánh chịu. Ở lứa tuổi của Hồng, em xứng đáng được nhận hết tất thảy những tình yêu thương của mẹ và cha, em xứng đáng được sự quan tâm của những người thân mình. Nhìn các bạn cùng trang lứa vui vầy bên cha mẹ chắc hẳn em cũng không tránh khỏi những phút giây chạnh lòng nhưng không bao giờ trong tâm hồn em có phút giây nào oán hận hay trách hờn mẹ cả. 

     Tình thương mẹ khiến em khao khát công lý hơn bao giờ hết, khiến em nhận ra ở đâu mới là lẽ phải, đâu là những tục lệ phong kiến hà khắc đã đẩy mẹ em vào cuộc sống khổ cực. Tình thương mẹ càng khiến em khát khao được gặp lại mẹ, được nhìn thấy mẹ và được mẹ vỗ về ôm ấp. Và điều mong ước bấy lâu của Hồng đã thành hiện thực khi em được gặp lại mẹ, thoáng nhìn bóng người trên xe giống bóng hình của mẹ, em cất lên tiếng gọi đấy bối rối mà thiết tha: “mợ...mợ ơi....”. Tiếng gọi mẹ chứa chan niềm thương, niềm nhớ , niềm mong, niềm yêu gửi tới mẹ. Tiếng gọi bật ra trong tâm thức trước khoảnh khắc quan trọng ngày em gặp lại mẹ như thoả mãn sự chờ đợi mà bấy lâu em vẫn khao khát kiếm tìm, khát khao ngày gặp mẹ. “Mẹ tôi vừa kéo tay tôi, xoa đầu tôi hỏi thì tôi oà lên khóc rồi cứ thế nức nở”. Bật lên tiếng khóc nức nở, tiếng khóc ấy là khóc cho những tủi nhục đau đớn mà mẹ phải gánh chịu, khóc cho cả hạnh phúc vỡ oà khi gặp mẹ, khóc cho cả những uất ức mà bấy lâu em dồn nén.

     Đến với mẹ, em được là chính mình, trong lòng mẹ em thấy an tâm hơn bao giờ hết.  “...lăn vào lòng một người mẹ, áp mặt vào bầu sữa nóng của người mẹ, để người mẹ vuốt ve từ trán xuống cằm, và gãi rôm ở sống lưng cho, mới thấy mẹ có một êm dịu vô cùng”.  Em ngắm nhìn mẹ thật kĩ, thật lâu, tận hưởng sự vuốt ve, vỗ về bên mẹ cho thoả cơn thèm khát bấy lâu của một đứa bé thiếu tình thương. Đó là những phút giây tuyệt vời với em cũng như bao đứa trẻ khác, được sà vào lòng mẹ, tận hưởng ngọt ngào trong tình yêu thương của mẹ. Hồng đã thể hiện tình yêu thương sâu đậm, mãnh liệt, thiết tha nhất dành cho mẹ. Với em, hình ảnh mẹ luôn hằn sâu trong tâm trí và mãi vẹn tròn như ánh trăng sáng ngày rằm, toả rạng mang hơi ấm cho cõi lòng lạnh lẽo chốn thiếu tình thương.

     Đoạn trích thật chân thật và sâu sắc. Nguyên Hồng đã mang ánh sáng của tình thương, của lòng nhân đạo và tình người soi rọi, đánh thức tâm hồn mỗi chúng ta về lẽ sống, lẽ nhân sinh. Hãy trân trọng những ngày bên mẹ, những ngày còn có mẹ, hãy nắm lấy những khoảnh khắc tuyệt vời của tình mẫu tử thiêng liêng. Và hãy dang rộng vòng tay mình chở che cho những bất hạnh, những cuộc đời thiếu thốn tình thương yêu bởi con người, ai cũng xứng đang yêu và được yêu, đặc biệt là những đứa trẻ vô tội


Cảm nhận tình mẫu tử từ Trong lòng mẹ - Bài mẫu 3

Cảm nhận tình mẫu tử từ Trong lòng mẹ | 900 bài Văn mẫu 8 hay nhất (ảnh 3)

     “Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ”. Quả đúng là như thế, người mẹ luôn là người vĩ đại nhất, cũng giống như tình mẫu tử thiêng liêng, cao quý và bất diệt. Đó là đề tài muôn thuở của văn chương đông tây kim cổ, nhưng với đoạn trích “Trong lòng mẹ” của nhà văn Nguyên. Hồng người đọc vẫn thấy rung lên những nhịp riêng, làm xôn xao tâm hồn độc giả bằng giọng văn thống thiết, truyền cảm, trĩu nặng yêu thương.

     Trong lòng mẹ là đạn trích kể về số phận tội nghiệp của bé Hồng khi phải xa người mẹ đi tha phương cầu thực ở với người cô ghẻ lạnh và ác độc. Hồng phải sống cuộc sống mồ côi cha, thiếu vắng tình thương của người mẹ, sống nhờ người họ hàng giàu có nhưng cay nghiệt. Hồng chịu cảnh cô đơn, bị hắt hủi. Trái lại với thái độ căm thù và trách móc, Hồng thương mẹ và nhớ mẹ vô cùng. Em nuốt những giọt nước mắt đau đớn vào lòng khi luôn phải nghe những lời mỉa mai, bêu rếu xấu xa về mẹ của bà cô độc địa. Trong lòng em luôn dấy lên niềm thương cảm và xót xa cho thân phận tội nghiệp của người mẹ xấu số. Nuốt nước mắt vào trong, em dành cả trái tim non nớt và bé bỏng của mình cho khát khao mong chờ được đoàn viên cùng mẹ và em mình.

     Với Hồng, yêu mẹ thương mẹ là căm ghét những định kiến cố hữu và hà khắc đã ép buộc oan uổng mẹ em vào những điều vô căn cứ, để người mẹ nhân hậu và đáng thương ấy phải chịu sự rẻ rúng khinh bỉ của người đời. Càng thương mẹ, em càng căm ghét những hù tục phong kiến vô lí, tàn nhẫn đã đầy đoạ, trói buộc mẹ em: "Giá như những cổ tục đã đầy đoạ mẹ tôi là một vật như hòn đá hay cục thuỷ tinh, đầu mẩu gỗ, tôi quyết vồ ngay lấy mà cắn, mà nhai, mà nghiến cho kỳ nát vụn mới thôi".

     Chính tình thương mẹ đã khiến cho Hồng nhận ra đâu là lẽ phải, đâu là những con người, những tập tục đáng phê phán. Còn gì chua xót hơn cho một tình cảm cao đẹp, thiêng liêng ấy của đứa con thơ. So sánh của Nguyên Hồng đã thật tài tình, sâu sắc để diễn tả trọn vẹn sự xúc động dữ dội và mãnh liệt trong lòng em lúc bấy giờ.

     Với Hồng, yêu mẹ chính là khát khao được gặp gỡ và được mẹ âu yếm vuốt ve. Ánh mắt thèm thuồng của em ngước nhìn những đứa bạn cùng trang lứa có mẹ bên cạnh mà đau đớn hình dung ra ảo ảnh mẹ xuất hiện như người bộ hành gục ngã giữa sa mạc. Và rồi kì tích đã xuất hiện, mong ước bấy lâu của em đã được đền đáp. Người mẹ ấy xuất hiện, thoáng thấy bóng một người trên xe rất giống mẹ, Hổng liền chạy, đuổi theo bối rối gọi: ''Mợ ơi! Mợ ơi! Mợ… ơi!”. Những tiếng gọi ấy bật ra từ lòng khát khao được gặp mẹ của chú bé bấy lây nay bị dồn nén.

     Sự thổn thức của trái tim thơ trẻ bật thành tiếng gọi. Khi đuổi theo được chiếc xe đó, Hồng được lòng bàn tay dịu hiền của người mẹ xoa lên đầu. Hồng oà khóc. Trong tiếng khóc ấy có cả niềm hạnh phúc được gặp mẹ, cả nỗi tủi thân bởi lâu quá không được gặp mẹ, bởi bao niềm cay đắng bị lăng nhục tàn nhẫn cùng những uất ức dồn nén được giải toả. Mải mê ngắm nhìn và suy nghĩ về mẹ, mải mê say sưa tận hưởng những cảm giác êm dịu khi được ngồi trong lòng mẹ để bàn tay người mẹ vuốt ve.

     Trong giây phút này, Hồng như sống trong "tình mẫu tử" hạnh phúc. Một niềm ấm áp, âu yếm mơn man khắp da thịt, em cảm nhận được hơi ấm của lòng mẹ của bầu sữa nóng, giống như đứa con thơ nay tìm được bến đỗ, em vui sướng khôn xiết. Nhưng điều khiến em hạnh phúc hơn nữa đấy là hình ảnh mẹ đẹp như nàng tiên, làn da trắng hồng với đôi mắt trìu mến yêu thương chứ không phải xanh bủng, rệu rã như lời bà cô ác độc ấy nói.

     Cảm xúc ấy của bé Hồng thật làm rung động bao nỗ bồi hồi xốn xang trong lòng độc giả, về tình mẫu tử thiêng liêng bấy lâu nay. Nay hiện lên qua từng ánh mắt, cử chỉ vuốt ve âu yếm của người mẹ cho đứa con thơ. Tình mẫu tử quả thiêng liêng và vĩ đại biết bao, nó là liều thuốc thần tiên xoa dịu đi nỗi đau và những uất nghẹn trong lòng trả lại cho ta dòng suối ngọt lành trong veo của yêu thương, bao dung và trìu mến.

     Qua hoàn cảnh và số phận tội nghiệp của bé Hồng, ta thấy càng thêm trân trọng tình mẫu tử thiêng liêng ấy, càng quý giá những phút giấy đang được sống đầy ắp trong tình mẹ bao la không như những số phận bất hạnh ngoài kia đang phải chịu đựng. Một lần nữa, Nguyên Hồng đã gọi dậy trong lòng ta những bâng khuâng sâu lắng thấm thía bậc nhất cõi lòng của tình yêu thương và sự xúc động nghẹn ngào.


Cảm nhận tình mẫu tử từ Trong lòng mẹ - Bài mẫu 4

     Qua nhiều tác phẩm của nhà văn Nguyên Hồng, tất cả mỗi chúng ta đều cố thể nhận thấy rằng chất liệu chủ đạo mà ông sử dụng cho sáng tác của mình được lấy từ cuộc sống của những con người khốn khó hay của chính mình. Hồi kí Những ngày thơ ấu của ông cũng là một trong những tác phẩm như vậy. Tình mẫu tử như một sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ đoạn trích Trong lòng mẹ của hồi kí này.

     Mẫu là mẹ, tử là con. Tình mẫu tử là tĩnh yêu thương chăm sóc mẹ dành cho con, sự kính trọng biết ơn mà con dành cho mẹ. Tất thảy những tình cảm đó tưởng chừng như bình thường, vậy mà dưới ngòi bút của Nguyên Hồng nó lại trở nên cụ thể và máu thịt, từ sự kết nối đó tạo nên ba chữ tình mẫu tử. Và trong đoạn trích này, tình cảm thiêng liêng đó được phát triển và trở thành đỉnh điểm của tình cảm con người.

     Ngay từ phần đầu đoạn trích, với nghệ thuật xây dựng diễn biến tâm lí nhân vật, nhà văn đã tạo dựng nên tình huống đối thoại giữa nhân vật người cô với chú bé Hồng. Những lời nói cay độc và đay nghiến của người cô đã khiến bé Hồng bộc lộ rõ tình yêu thương mẹ cháy bỏng khi người mẹ đáng thương đó phải đi tha hương cầu thực nơi đất khách quê người. Có thể thấy ngay từ câu hỏi đầu tiên, người cô đã trút lên đầu đứa cháu tội nghiệp những lời mỉa mai độc địa: – Mày có muốn vào Thanh Hoá chơi với mẹ mày không?

     Với nụ cười nửa miệng và câu hỏi thăm đó, bà đã chạm đến nỗi đau đớn vì phải xa mẹ của chú bé. Người cô ruột đó đại diện cho sự lạnh lùng nghiệt ngã của những hủ tục phong kiến ngày xưa, cho nên sẵn sàng nói cho sướng miệng, cho hả lòng hả dạ. Không mảy may nghĩ đến nỗi đau của đứa cháu đáng thương. Hai anh em mới mấy tuổi đầu mà đã mồ côi cha, mẹ đi biệt xứ, không được sống trong tình yêu thương, em phải sống trong sự ghẻ lạnh của họ hàng, sự khinh ghét của người cô ruột. Có thể nói cuộc sống quanh em là những đau khổ và bất hạnh. Muốn Hồng khinh ghét, ruồng rẫy mẹ, muốn Hồng quay lưng lại với người phụ nữ đã từng là chị dâu của mình, bà ta đã không từ một thủ đoạn bỉ ổi nào dù có thể làm cho đứa cháu ruột của mình đau đớn đến tuyệt vọng.

     Trong hoàn cảnh đó, tình yêu mẹ đã khiến em không dễ bị,những rắp tâm tanh bẩn của người cô đánh lừa. Em yêu thương mẹ bằng nguyên vẹn trái tim mình. Không gì có thể khiến em thay lòng đổi dạ và em đã khẳng định “cuối năm nhất định mợ cháu sẽ về”. Câu trả lời đó thật cứng cỏi, thật chắc chắn bởi nó được thốt ra từ chính miệng em, từ chính trái tim, từ chính lòng yêu quý, sự tin tưởng mà em dành cho mẹ mình.

     Suốt cả đoạn trích, ta thấy đứa trẻ với một bản năng tự vệ, phải gồng lên để bạo vệ người mẹ đang biệt xứ nơi xa. Em đã kín đáo bảo vệ mẹ. Nhiều lúc chú bé “cười trong nước mắt”, lúc khác lại “nước mắt ròng ròng”. Những giọt nước mắt đó là nỗi đau, là sự day dứt mà chú bé đã hứng chịu thay mẹ, khác nào giơ vai ra đỡ những nhát dao đâm vào mẹ. Có thể thấy trong tâm hồn em đang có một sự đấu tranh quyết liệt. Em mong muốn được bảo vệ mẹ để không ai có thể xen vào tình cảm mẹ con, để niềm tin vào một ngày đoàn tụ trong em không bao giờ tan vỡ.

     Em muốn cùng mẹ đối mặt với lễ giáo phong kiến. Em không muốn mẹ mình cứ phải sống chui sống lủi, giấu giếm như một kệ ăn cắp hay một tên giết người vởi con dao đang vấy máu. Đứa trẻ đó có một mong ước cháy bỏng “giá những cổ tục đã đày đoạ mẹ tôi là một vật như hòn đá hay cục thuỷ tinh, đầu mẩu, tôi quyết vồ ngay lấy mà cắn, mà nhai, mà nghiến cho kì nát vụn mới thôi”. Chỉ có tình cảm mẫu tử thiêng liêng mới tạo cho nó cái sức mạnh lớn lao đến vậy?

     Ở cuối đoạn trích, khi hai mẹ con Hồng đã được gặp nhau là trường đoạn thấm đẫm tình cảm yêu thương, trìu mến của tình mẹ con. Thoáng thấy bóng mẹ là em đã cất tiếng gọi. Hồng đã run rẩy vì sợ bị nhầm. Hình ảnh so sánh sự sợ sệt đó với “người bộ hành đi trên sa mạc” thật là sâu sắc. Tiếng gọi của Hồng như xé tan khoảng không gian u ám của sự xa cách trong chế độ phong kiến xưa.

     Được mẹ ôm vào lòng, hơi ấm của mẹ đã xua tan đi những nỗi đau từ trước, trái tim rạn nứt đó trở nên lành lặn và khoẻ mạnh. Mọi rắp tâm tanh bẩn dường như không còn tồn tại nữâ mà thay thế vào đó là tình mẫu tử đẹp đẽ và chite chan niềm hạnh phúc “gương mặt mẹ tôi vẫn tươi sáng với đôi mắt trong và nước da mịn, làm nổi bật màu hồng của hai gò má”. Được cảm nhận tình thương, được ngửi thấy “hơi thở ở khuôn miệng xinh xắn nhai trầu phả ra…” – những thứ thật bình thường vậy mà đối với Hồng lại là những điều thật sự thú vị và thiêng liêng. Đây được coi là đỉnh điểm của tình mẫu tử ở đoạn trích Trong lòng mẹ của Nguyên Hồng.

     Cảm ơn Nguyên Hồng, ông đã giúp cho chúng ta cảm nhận được tình mẹ con sâu nặng, tình mẫu tử cao quý và thiêng liêng.

Tham khảo thêm: Phân tích người mẹ trong đoạn trích Trong lòng mẹ của Nguyên Hồng

---/---

Như vậy là Top lời giải đã vừa cung cấp những gợi ý cơ bản cũng như một số bài văn mẫu hay nêu Cảm nhận tình mẫu tử từ Trong lòng mẹ để các em tham khảo và có thể tự viết được một bài văn mẫu hoàn chỉnh. Chúc các em học tốt môn Ngữ Văn !

icon-date
Xuất bản : 04/02/2021 - Cập nhật : 05/02/2021