logo

Cảm nhận của em về 4 câu thơ đầu trong bài thơ Thu hứng của Đỗ Phủ (ngắn gọn)

Đỗ Phủ là một thi nhân kiệt xuất của nền văn học Trung Quốc. Ông là một người có tác động lớn tới nền văn hóa và lịch sử xứ Trung với sự nghiệp sáng tác vô cùng đồ sộ. Trong đó tác phẩm Thu hứng là một trong số tác phẩm nổi bật của Đỗ Phủ. Các bạn hãy đến với bài viết sau đây của chúng tôi để hiểu rõ hơn về bài thơ nhé!


Dàn ý Cảm nhận của em về 4 câu thơ đầu trong bài thơ Thu hứng của Đỗ Phủ (ngắn gọn)

- Mở bài: 

Giới thiệu tác phẩm, tác giả và nội dung chung của bốn câu thơ đầu

- Thân bài: 

+ 2 câu đề: Khung cảnh chung của mùa thu nơi Quỳ Châu mà Đỗ Phủ đến; có sương phủ dày đặc cánh rừng phong, hai ngọn núi lớn của Quỳ Châu mang màu sắc u tối

=> Cảm nhận khung cảnh mùa thu đẹp nhưng ảm đảm

+ 2 câu thực: Mở rộng bức tranh mùa thu với sóng ở dòng sông dâng cao đến tận trời; mây thì giăng kín, sà xuống tận mặt đấy

=> Nghệ thuật tương phản được sử dụng thật điêu luyện, khiến cảnh sắc mùa thu càng thêm sự hùng vĩ, trầm lắng nhưng vẫn khiến cho em thấy được sự trống trải và đìu hiu nơi non nước mùa thu yên bình.

- Kết bài: 

Khái quát lại nội dung bốn câu thơ đầu

>>> Tham khảo: Phân tích bài Thu hứng Văn 10 ngắn gọn kèm dàn ý


Cảm nhận của em về 4 câu thơ đầu trong bài thơ Thu hứng của Đỗ Phủ (ngắn gọn)

Cảm nhận của em về 4 câu thơ đầu trong bài thơ Thu hứng của Đỗ Phủ (ngắn gọn)

"Ao thu lạnh lẽ nước trong veo,

Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo.

Sóng biếc theo làn hơi gợn tí,

Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo.

Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt,

Ngõ trúc quanh co khách vắng teo.

Tựa gối, buông cần lâu chẳng được,

Cá đâu đớp động dưới chân bèo."

      Đây là bài thơ Thu điếu của thi nhân Nguyễn Khuyến, một bài thơ nổi tiếng viết về mùa thu trong kho tàng văn học Việt Nam. Mùa thu luôn mang đến một cảm giác rất tình, dịu dàng xoa dịu tâm hồn con người. Có lẽ vì vậy mà mùa thu từ xa xưa đã là đề tài được nhiều nhà thơ, nhà văn lựa chọn để sáng tác không chỉ tại Việt Nam mà còn trên thế giới, đặc biệt là Trung Quốc, nơi có nền văn hóa lâu đời. Nhắc tới những bài thơ viết về mùa thu của Trung Quốc, sẽ là thiếu sót lớn nếu không nói đến Thu hứng của nhà thơ Đỗ Phủ, một nhà thơ nổi tiếng thời Đường. Cùng với Lí Bạch, Đỗ Phủ đã trở thành hai nhà thơ có ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử Trung Quốc. Bài thơ Thu hứng hay cảm xúc mùa thu là bài thơ đầu tiên trong tám bài thơ của chùm thơ Thu hứng, được sáng tác năm 766, khi Đỗ Phủ đang ở Quỳ Châu, Trung Quốc. Mở đầu bài thơ, bức tranh mùa thu được khắc họa sinh động trong bốn câu thơ đầu, khiến cho người người đọc như em cảm thấy như đang đứng trong bức tranh đó vậy.

“Ngọc lộ điêu thương phong thụ lâm,
Vu sơn, Vu giáp khí tiêu sâm.
Giang gian ba lãng kiêm thiên dũng,
Tái thượng phong vân tiếp địa âm.”

      Hai câu thơ đề đầu tiên đã đưa người đọc du ngoạn trời thu của Trung Quốc, một khung cảnh đậm chất Đường thi. “Ngọc lộ” ở đây chính là hạt sương vương lại vào những sớm mùa thu, phủ khắp rừng phong. Hình ảnh này khiến cho em cảm thấy khá lạnh lẽo và tiêu điều, cũng vẫn là không khí yên bình của mùa thu, nhưng lại thêm vào đó là nét đượm buồn. Sương phủ một lớp màn mờ ảo lên khu rừng nơi Đỗ Phủ đến làm cho không khí có phần ảm đảm, không thể nhìn rõ mọi thứ. Nhưng nhìn ra xa hơn, nhà thơ vẫn nhận ra núi Vu Sơn và Vu Giáp, hai địa danh khá nổi tiếng của Quỳ Châu. Hai ngọn núi này “khí tiêu sâm”, nghĩa là không khí tối tăm, buồn bã. Tuy cảnh vật mùa thu mà Đỗ Phủ mang tới thật hùng vĩ, với rừng thông rộng lớn, núi cao đồ sộ, nhưng khung cảnh đó thật buồn vì nó mang trong mình màu sắc trầm tối và thanh âm ảm đảm. Hai câu thơ đề đã mang tới cho em cảm xúc thật khó tả, nó khiến cho em thấy bình yên và phải ngạc nhiên vì cảnh sắc của Trung Quốc nhưng lại cũng khiến em thấy trống rỗng và buồn man mác. Lời thơ của Đỗ Phủ thật tài tình, ông có thể dùng lời thơ để vẽ lên tranh.

      Sau khi miêu tả chung, bao quát về cảnh sắc mùa thu, nhà thơ Đỗ Phủ đã chuyển tầm mắt của người đọc xuống dưới và lên cao với hai câu thực. Từ rừng phong và hai ngọn núi, Đỗ Phủ chuyển tầm nhìn xuống dưới để thưởng thức cảnh quan. Hình ảnh “Giang gian ba lãng kiêm thiên dũng” chính là sóng ở con sông vọt lên tận trời cao, điều này chứng tỏ, con sông đó rất lớn, có thể có sóng to, xô cao lên như vậy. Cảnh tượng này nhìn từ trên cao xuống tuy thật hùng vĩ nhưng cũng khiến người đọc như em cảm thấy run sợ nhẹ. Rồi nhà thơ Đỗ Phủ nhìn lên trên trời cao “Tái thượng phong vân tiếp địa âm”, mây sa xuống tận dưới đất. Có sương mù giờ lại thêm mây giăng kín xuống tận mặt đất làm cho không khí mùa thu đã âm u nay càng hiu hắt hơn trước. Nhà thơ Đỗ Phủ thật tài hoa khi sử dụng biện pháp tương phản để cho người đọc thấy rõ bức tranh mùa thu yên bình nhưng ảm đảm. Đó là sóng ở dưới lại lên tận trời, mây đáng nhẽ trên cao lại sà xuống tận mặt đất. Em đã được nhà thơ Đỗ Phủ đưa đến nơi đất trời mùa thu se lạnh, ngắm nhìn cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ mang sự tĩnh lặng, êm dịu của tiết thu nhưng lại ảm đảm và bi sầu.

      Chỉ với bốn câu thơ đầu, nhà thơ Đỗ Phủ đã cho em được chiêm ngưỡng cảnh sắc mùa thu chân thật nơi Quỳ Châu Trung Quốc. Tuy cảnh sắc mùa thu đó thật đẹp và bình yên, nhưng lại chứa thêm cả sự đìu hiu, u ám, có thể là do nhà thơ đang mang tâm sự trong lòng chăng? Đúng là “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”.

---------------------

Trên đây Toploigiai đã mang tới cho các bạn bài viết Cảm nhận của em về 4 câu thơ đầu trong bài thơ Thu hứng của Đỗ Phủ (ngắn gọn). Qua đó chúng ta có thể thấy được cảnh sắc mùa thu thật đẹp những cũng chất chứa nỗi buồn qua ngòi bút của Đỗ Phủ.

icon-date
Xuất bản : 29/12/2022 - Cập nhật : 15/07/2023