logo

Cảm nhận của em trước lòng kính yêu tha thiết của nhân dân miền Nam đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài Viếng lăng Bác học sinh giỏi

Bài thơ Viếng lăng Bác của Viễn Phương đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn đọc bởi lòng yêu thương, kinh yêu Bác Hồ - vị cha già kính yêu của dân tộc. Trong bài viết này Toploigiai sẽ chia sẻ đến bạn đọc cách cảm nhận của em trước lòng kính yêu tha thiết của nhân dân miền Nam đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài Viếng lăng Bác học sinh giỏi hay và chính xác nhất. 


1. Dàn ý cảm nhận của em trước lòng kính yêu tha thiết của nhân dân miền Nam đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài Viếng lăng Bác học sinh giỏi

Mở bài

- Nêu những nét chính về tác giả Viễn Phương và bài thơ Viếng lăng Bác

- Dẫn vào đề bài: Bài thơ chính là sự bày tỏ lòng tiếc thương, nhớ Bác, kính yêu tha thiết của nhân dân miền Nam đối với Bác nên tác giả đã viết ra bài thơ Viếng lăng Bác để nói lên tâm tư của mình.

Thân bài

- Ở khổ thơ đầu tiên: Với những câu từ thân mật, tác giả đã khái quát lòng nhớ thương Bác của nhân dân miền Nam, tác giả đã khéo láo sử dụng biện pháp nói giảm nói tránh để tránh đau thương, qua khung cảnh thiên nhiên hàng tre bên lăng Bác.

- Ở khổ thơ thứ 2: Tác giả đưa bạn đọc đến gần hơn với lăng Bác, khổ thơ đã gói trọn niềm tiếc thương vô hạn của nhân dân miền Nam và nhân dân cả nước với Bác. Hình ảnh ẩn dụ “mặt trời” ca ngợi công lao của Bác luôn soi sáng.

- Ở khổ thơ thứ 3: Khổ thơ này, tác giả tiến vào trong lăng, thấy Bác ở đó mà niềm xúc động trào dâng. Bác vẫn luôn ở đó, luôn dõi theo sự phát triển của con người của đất nước, lúc Bác mất, Bác vẫn một lòng hướng về miền Nam, hướng về dân tộc.

- Khổ thơ cuối: Tất cả gói trọn trong khổ thơ này, những ước mong của nhân dân miền Nam được tác giả gói gọn vào khổ thơ này. Mong ước được ở gần Bác, được ở cạnh Bác.

Kết bài

- Cảm nhận về lòng kính yêu Bác, tha thiết mến thương của dân tộc Việt Nam nói chung và nhân dân miền Nam nói riêng

- Liên hệ bản thân về lòng mến thương Bác

- Đánh giá tài năng nghệ thuật của Bác

Cảm nhận của em trước lòng kính yêu tha thiết của nhân dân miền Nam đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài Viếng lăng Bác học sinh giỏi

2. Bài văn cảm nhận của em trước lòng kính yêu tha thiết của nhân dân miền Nam đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài Viếng lăng Bác học sinh giỏi

Viếng lăng Bác được Viễn Phương sáng tác năm 1979, sau 4 năm đất nước hoà bình, thống nhất, lăng Bác cũng khánh thành được một năm. Bao trùm toàn bộ bài thơ là dòng cảm xúc đau xót, bàng hoàng trước sự ra đi của lãnh tụ. Qua đó cũng thể hiện được tấm lòng kính yêu tha thiết của nhân dân miền Nam đối với vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc.

Viễn Phương sinh ra và lớn lên ở miền Nam, cũng như bao con dân đất Việt, ông luôn đau đáu một ước nguyện được một lần ra thủ đô để thăm lăng Bác, thăm nơi yên nghỉ lúc cuối đời của Người. Ước nguyện ấy đã thành hiện thực, năm 1979, nhân sự kiện vừa tròn 1 năm khánh thành lăng Bác, Viễn Phương hòa chung với hàng nghìn người, thành kính dâng hương viếng lăng Bác. Đặt chân vào trong lăng, cảm xúc tuôn trào không nói lên lời, tất cả được gửi gắm vào những dòng thơ:

Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác….

Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng

Nhà thơ xưng con - Bác, một cách xưng hô thân mật. Hàng triệu người dân Việt Nam nói chung và đồng bào ruột thịt miền Nam nói riêng đều coi Bác là vị cha kính yêu của dân tộc. Ra “thăm” chứ không phải “viếng”, thăm là cách nói giảm, nói tránh, nhằm giấu đi nỗi mất mát quá lớn của cả dân tộc. Cách sử dụng ngôn ngữ xưng hô, kết hợp với từ nói giảm, nói tránh gợi lên không khí đầm ấm, thân quen, vơi bớt phần nào nỗi mất mát Bác đã mãi đi xa. Hình ảnh hàng tre xanh xuất hiện trong câu thơ thứ 3 là hình ảnh ẩn dụ đẹp. Nó tượng trưng cho đất nước và con người Việt Nam dẫu trong phong ba bão táp vẫn hiên ngang đứng thẳng hàng, vươn mình trong nắng. Hình ảnh hàng tre “đứng thẳng hàng” còn thể hiện tấm lòng kính yêu vô hạn của con dân Việt Nam dành cho Bác. Cả dân tộc đều một lòng hướng về lăng Bác, canh giữ cho người được giấc ngủ bình yên.

Nếu khổ thơ đầu tiên là dòng cảm xúc của nhà thơ khi quan sát bên ngoài lăng thì khổ thơ thứ hai, điểm nhìn gần hơn, đó là khi nhà thơ tiến gần hơn vào trong lăng Bác

Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng…

Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân....

Có lẽ đây là một trong những khổ thơ hay nhất của bài thơ này. Khổ thơ đã gói trọn tình yêu và tấm lòng biết ơn vô hạn của nhân dân miền Nam và nhân dân cả nước dành cho Bác. Hai hình ảnh mặt trời xuất hiện trong hai câu thơ là một hình ảnh ẩn dụ đặc sắc. Mặt trời thứ nhất, là mặt trời của vĩnh hằng, tự nhiên; mặt trời thứ hai chính là Bác. Đặt hai hình ảnh mặt trời song song nhau nhà thơ gián tiếp ca ngợi công lao to lớn của Bác đối với dân tộc. Bác là ánh thái dương soi sáng cho con đường cách mạng của dân tộc. Sự nghiệp cũng như cuộc đời của người sánh ngang với tầm vóc vũ trụ. Hình ảnh dòng người đi trong thương nhớ nối tiếp nhau tiến vào lăng Bác giống như hình ảnh của tràng hoa dâng lên 79 tuổi xuân của người. Một tràng hoa kết tinh bằng tình người, chính là lời cảm tạ chân thành, sâu sắc nhất của dân tộc đối với công lao to lớn của Bác.

Đặt chân vào trong lăng, ngắm nhìn thi hài của Bác là lúc cảm xúc của nhà thơ như vỡ oà thành những giọt nước mắt

Bác nằm trong giấc ngủ bình yên

Mà sao nghe nhói ở trong tim!

Cách nói giảm nói tránh, Bác nằm trong giấc ngủ bình yên, bên cạnh có vầng trăng dịu hiền như muốn làm nguôi ngoai phần nào nỗi mất mát quá lớn của dân tộc. Trong tim của con dân miền Nam Bác vẫn còn đó, chưa lúc nào người rời xa dân tộc, người nằm đó nhưng chỉ là một giấc nghỉ trưa. Nhưng sự thật vẫn là sự thật, dẫu trời xanh là mãi mãi vĩnh hằng, luân chuyển thì có một sự thật nghiệt ngã đó là Bác đã mãi mãi rời xa dân tộc, người đã đi theo cụ Các Mác, cụ Lê Nin. Động từ “nghe nhói” thể hiện nỗi đau đớn, nghẹn ngào, day dứt vì không thể chấp nhận sự thật này.

Sắp phải rời xa lăng Bác, Viễn Phương đã cất lên tiếng lòng mong ước thay cho đồng bào miền Nam, mong ước được

Mai về miền Nam thương trào nước mắt

Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này.

Ngày mai phải về miền Nam rồi, phải xa rời Bác, biết bao giờ mới có dịp quay trở lại, thương nhớ làm sao đến “trào nước mắt”, giống như cảm xúc của một người con phải rời xa cha, đau đớn làm sao, thương tiếc làm sao. Và rồi nhà thơ thay cho đồng bào miền Nam nói lên ước nguyện của mình. Đó là mong ước được làm con chim để ca hát quanh lăng Bác, được làm một đoá hoa toả hương thơm quanh lăng, được làm cây tre mãi đứng thẳng hàng, canh giữ cho giấc ngủ của người. Ba lần điệp ngữ “muốn làm” vang lên thể hiện những mong ước thật chân thành của người con, đó là mong ước được ở mãi bên lăng Bác, không muốn rời xa người.

Bài thơ viết theo thể thơ 8 chữ thỉnh thoảng có xen câu 7, không quá nặng nề về gieo vần, nhịp nhưng vẫn giàu tính nhạc bởi cảm xúc chân thành, tha thiết. Thông qua bài thơ chúng ta thấy được tình cảm kính yêu vô hạn của Viễn Phương nói riêng và đồng bào miền Nam nói chung dành cho Bác. Ước nguyện được trở về miền Nam thăm đồng bào của Bác không thực hiện được, đó cũng là nỗi lòng canh cánh của con dân miền Nam đối với Bác. Chúng ta cùng chung nỗi đau mất mát quá lớn này nhưng tự hứa với lòng sẽ biến nó thành sức mạnh, tiếp tục thực hiện di nguyện của Bác trước lúc đi xa, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội sánh vai với các cường quốc năm châu.

>>> Tham khảo: Mở bài 2 khổ đầu Viếng lăng Bác học sinh giỏi

----------------------------------

Trên đây, Toploigiai đã cùng các bạn tìm hiểu cách cảm nhận của em trước lòng kính yêu tha thiết của nhân dân miền Nam đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài Viếng lăng Bác học sinh giỏi. Hi vọng đây là những thông tin bổ ích cho các bạn. Chúc các bạn học tập tốt. 

icon-date
Xuất bản : 22/10/2022 - Cập nhật : 28/08/2023