logo

Cách trình bày bài văn nghị luận văn học hay nhất

Câu hỏi: Cách trình bày bài văn nghị luận văn học hay nhất

Trả lời:

a. Mở bài

- Giới thiệu tác giả và tác phẩm, nêu đầy đủ các thông tin như tên tác giả tác phẩm, thời điểm và bối cảnh sáng tác, nội dung khái quát của tác phẩm

- Nêu vấn đề cần nghị luận được đưa ra trong đề bài.

b. Thân bài

- Dựa trên bố cục: Luận điểm 1 – luận cứ 1, 2, 3..  – đưa ra dẫn chứng

- Chỉ ra nội dung và những biện pháp nghệ thuật của đoạn trích/tác phẩm, từ đó giúp người đọc thấy được cái hay, cái đẹp và giá trị của đoạn trích/tác phẩm đó.

- Kết hợp giữa các phương pháp bàn luận, chứng minh, phân tích… để làm rõ nội dung.

c. Kết bài

- Tóm tắt lại nội dung của đoạn trích/tác phẩm và đưa ra nhận định

- Rút ra kết luận về chủ đề cần nghị luận

- Đưa ra ý kiến cá nhân

Cùng Top lời giải tìm hiểu về bài văn nghị luận nhé!


1. Khái quát về nghị luận văn học

Nghị luận văn học là dạng văn bản dùng để bày tỏ sự cảm thụ tác phẩm văn học theo suy nghĩ của cá nhân, là những lý lẽ để đánh giá, phân tích, bàn bạc về vấn đề thuộc lĩnh vực văn học để khám phá thế giới nội tâm của tác giả, đồng thời tìm ra những giá trị thuyết phục người khác nghe theo quan điểm, ý kiến cá nhân của mình.

Có 2 dạng nghị luận văn học:

- Nghị luận về tác phẩm văn học: dạng đề này nhằm kiểm tra năng lực cảm thụ văn học của người viết. Đối tượng cảm thụ ở đây có thể là thơ, truyện, kịch hoặc văn nghị luận, có thể là toàn bộ tác phẩm, cũng có thể là đoạn trích.

- Nghị luận về một ý kiến bàn về văn học: đối tượng bàn luận ở đây có thể là một nhận định về văn học sử, về nội dung hay nghệ thuật của tác phẩm; hoặc một ý kiến về lí luận văn học.

Cách trình bày bài văn nghị luận văn học hay nhất

2. Những điểm cần biết khi làm bài nghị luận văn học 

a. Phần mở bài:

- Mở bài giới thiệu khái quát về tác giả (vị trí, phong cách nghệ thuật điển hình); tác phẩm (vị trí, giá trị, xuất xứ); vấn đề khái quát nghị luận theo yêu cầu của đề.

- Những NOTE không thể thiếu trong phần mở bài:

+ Thông tin cơ bản nhất về tác giả. Căn cứ vào đề bài để điều chỉnh lượng thông tin đưa vào. Ví dụ: nếu trọng tâm của bài là nghị luận về tác phẩm, một đoạn, một vấn đề,.. của tác phẩm thì chỉ nói thật sơ qua về tác giả, xoáy quá sâu sẽ dẫn đến lan man.

+ Giới thiệu tác phẩm. Chắc chắn không thể quên cái tên của nó. Sau đó là một số đặc điểm nổi bật mà mỗi một tác phẩm riêng có. Những tác phẩm nào có hoàn cảnh sáng tác đơn giản, thì bạn có thể đưa phần hoàn cảnh sáng tác vào mở bài: thật súc tích và ngắn gọn thôi! Nếu không thì đẩy nó xuống thân bài

- Điểm quan trọng nhất: Đưa ra đối tượng và vấn đề phân tích. Trong những bài thi tốt nghiệp hay đại học, đề thường chỉ hỏi một phần của tác phẩm hoặc một vấn đề của tác phẩm, và nó chính là trọng tâm của toàn bài văn. Chính vì vậy, không được quên việc nhắc đến đối tượng và vấn đề phân tích trong mở bài.

- Chú ý nho nhỏ: Nếu là đề về thơ thì đừng quên dẫn thơ! Nhưng chỉ dẫn nếu đoạn thơ đó xấp xỉ 20 dòng! Vì nếu dẫn quá dài, bạn có thể biến mở bài thành thân bài đấy.

- Chỉ cần viết dồi dào cảm xúc một chút, câu từ mượt mà, sắc sảo và đầy đủ các nội dung trên thì chắc chắn bạn hoàn toàn có thể lấy tối đa điểm ở phần mở bài.

b. Phần thân bài

- Đây là phần quan trọng nhất của bài văn. Cần phải phân tích, giải thích, bình luận để làm rõ vấn đề, đối tượng được nêu ra ở đề bài.

- Thân bài nên có hai phần. 

+ Phần thứ nhất, khái lược những yếu tố chi phối nội dung nghị luận. Ví dụ hoàn cảnh sáng tác với Tây Tiến, Việt Bắc; kết cấu hình tượng với Sóng, Việt Bắc; hệ thống lập luận với Đất Nước; hệ thống ý triển khai theo cấu tứ tác phẩm với Ai đặt tên cho dòng sông; hệ thống ý hướng tới khắc họa nhân vật, ví dụ: nhân vật Mị trong Vợ chồng A Phủ, các nhân vật trong Vợ nhặt, nhân vật người đàn bà hàng chài trong Chiếc thuyền ngoài xa... đều được nhà văn khắc họa từ những phẩm chất tốt đẹp tới số phận bất hạnh... Phần khái lược này sẽ giúp xác định vị trí của nội dung cần nghị luận trong tổng thể chung của tác phẩm, nhân vật, góp phần khái quát lên giá trị nội dung, nghệ thuật của tác phẩm, tư tưởng, phong cách của nhà văn trong phần kết luận.

+ Phần thứ hai, cũng là phần chính, phần quan trọng nhất của thân bài là triển khai hệ thống luận điểm thực hiện yêu cầu nghị luận của đề được thể hiện trong câu lệnh. Phần này các em sẽ có cơ hội thể hiện rõ nhất kiến văn sâu rộng, khả năng cảm thụ văn chương tinh tế, năng lực diễn đạt ngôn từ chính xác, biểu cảm.

c. Phần kết luận:

- Cần tổng hợp lại những giá trị cơ bản của nội dung nghị luận, nâng lên sự thống nhất với các giá trị nội dung, nghệ thuật chính của tác phẩm, như giá trị nhân đạo của ba tác phẩm văn xuôi tự sự, tư tưởng Đất Nước của Nhân dân, vẻ đẹp người chiến sĩ Tây Tiến, vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ khi yêu, tình nghĩa thủy chung sâu nặng giữa người dân Việt Bắc với bộ đội, cán bộ kháng chiến... Cần phân biệt phần giới thiệu khái quát vấn đề nghị luận trong mở bài với tổng hợp vấn đề trong phần kết luận.

icon-date
Xuất bản : 24/01/2022 - Cập nhật : 25/01/2022