logo

Giao tiếp là gì? Các chức năng của giao tiếp

Trong bất cứ mối quan hệ nào, giao tiếp là một hoạt động quan trọng và cần thiết giúp mỗi người chúng ta có thể bày tỏ suy nghĩ, ước muốn, tâm tư tình cảm của bản thân. Hoạt động giao tiếp cho phép chúng ta truyền đạt kiến thức từ thế hệ trước cho thế hệ sau nhằm phát triển xã hội ngày càng tiến bộ văn minh cũng như hướng đến các nhu cầu và quyền lợi của con người. Sau đây, mời thầy cô và các bạn cùng đi tìm hiểu Giao tiếp là gì? Các chức năng của giao tiếp.


Giao tiếp là gì

Giao tiếp là một quá trình trong đó các bên tham gia tạo ra hoặc chia sẻ thông tin, cảm xúc với nhau nhằm đạt được mục đích giao tiếp.

P.Andelem: “Giao tiếp là quy trình trong đó chúng ta hiểu được người khác và làm cho người khác hiểu được chúng ta”. Hay B. ph. Lomov – nhà tâm lý học người Nga coi giao tiếp là phạm trù cơ bản của tâm lý học hiện đại, là mối quan hệ tác động qua lại giữa con người với tư cách là chủ thể. V.N. Miaxixev xét giao tiếp dưới góc độ nhân cách bệnh cho rằng giao tiếp là một quá trình quan hệ tác động qua lại lẫn nhau giữa các nhân cách cụ thể.


Mục tiêu của giao tiếp

Giúp người nghe hiểu những dự định của chúng ta;

Có được sự phản hồi từ người nghe;

Duy trì mối quan hệ tốt đẹp với người nghe .

Truyền tải được những thông điệp. Quá trình này có khả năng bị mắc lỗi do thông điệp thường được hiểu hoặc dịch sai đi bởi 1 hay nhiều hõn những thành phần khác tham gia vào quá trình này.

Khi không thành công, những suy nghĩ, ý tưởng của bạn sẽ không phản ánh được những cái đó của chính bạn, gây nên sự sụp đổ trong giao tiếp và những rào cản trên con đường đạt tới mục tiêu của bạn – cả trong đời tư và trong sự nghiệp.


Kỹ năng cần thiết trong giao tiếp

a, Kỹ năng 

- Giao tiếp (Communication Skills) là khả năng truyền đạt thông điệp, các tín hiệu cơ sở, lắng nghe; gửi đi và nhận lại các phản hồi là các thông tin được tri nhận thông qua nền tảng kiến thức riêng của mỗi người. Quá trình này mô tả sự trao đổi thông tin qua lại giữa chủ thể giao tiếp (người nói) và đối tượng giao tiếp (người nghe) nhằm tạo ra sự liên kết chặt chẽ với định hướng mang lại một mục đích giao tiếp nhất định. Kỹ năng giao tiếp có thể được nhìn nhận như một nghệ thuật giao tiếp. Nó không chỉ đơn thuần là giao tiếp mà còn bao gồm các kỹ năng khác như: kỹ năng lắng nghe, thấu hiểu; kỹ năng sử dụng ngôn từ, hình thể; kỹ năng thuyết phục, đồng cảm…

b, Nghệ thuật giao tiếp

Nghệ thuật giao tiếp là những kỹ năng cần có để giúp việc giao tiếp đi đúng với mục đích ban đầu được đề ra. Là phạm trù bao gồm: Thái độ, lời nói; cử chỉ; hành động; điệu bộ cơ thể,… tất cả các kỹ năng giao tiếp trong đời sống để tạo ấn tượng tốt, tạo được sự tin cậy, đánh giá cao của người khác về bạn.


Phân loại giao tiếp

Có nhiều cách phân loại giao tiếp theo những căn cứ khác nhau:

Dựa vào nội dung tâm lý của giao tiếp, người ta phân ra: Giao tiếp nhằm thông báo những thông tin mới. Giao tiếp nhằm thay đổi hệ thống động cơ và giá trị. Giao tiếp nhằm động viên, kích thích hành động.

Dựa vào đối tượng hoạt động giao tiếp có thể chia thành Giao tiếp liên nhân; Giao tiếp xã hội; Giao tiếp nhóm

Dựa vào tính chất tiếp xúc, ta có thể chia ra làm 2 loại: Giao tiếp trực tiếp và giao tiếp gián tiếp

Dựa vào hình thức của giao tiếp, có: Giao tiếp chính thức và giao tiếp không chính thức.

Dựa vào thế tâm lý giữa hai bên trong giao tiếp, chúng ta có thể chia giao tiếp ra thành 3 kiểu: giao tiếp ở thế mạnh, giao tiếp ở thế yếu và giao tiếp ở thế cân bằng.

Căn cứ vào phương tiện giao tiếp ta có ba loại: giao tiếp vật chất, giao tiếp ngôn ngữ và giao tiếp tín hiệu.


Các chức năng của giao tiếp

Các chức năng của giao tiếp

Giao tiếp có nhiều chức năng. Có thể chia các chức năng của giao tiếp ra làm hai nhóm: các chức năng thuần túy xã hội và các chức năng tâm lí – xã hội.

Các chức năng thuần túy xã hội là các chức năng giao tiếp phục vụ các nhu cầu chung của xã hội hay của một nhóm người. Ví dụ, khi bộ đội kéo pháo, họ cùng hô lên với nhau: “hò dô ta nào” để điều khiển, thống nhất cùng hành động để tăng thêm sức mạnh của lực kéo. Như vậy, giao tiếp có chức năng tổ chức, điều khiển, phối hợp hoạt động lao động tập thể. Giao tiếp còn có chức năng thông tin, muốn quản lí một xã hội phải có thông tin hai chiều, từ trên xuống, từ dưới lên và cả thông tin giữa các nhóm, tập thể…

Các chức năng tâm lí – xã hội của giao tiếp là các chức năng phục vụ nhu cầu của từng thành viên trong xã hội. Con người có đặc thù là luôn có giao tiếp với người khác. Cô đơn là một trạng thái tâm lí nặng nề. Bị “cô lập” với cộng đồng, bạn bè, người thân…có thể nảy sinh trạng thái tâm lí không bình thường, nhiều khi dẫn tới tình trạng bệnh lí. Chức năng này của giao tiếp gọi là chức năng nối mạch (tiếp xúc) với người khác. Nối được mạch với nhóm rồi, con người có quan hệ với các người khác trong nhóm cùng với các thành viên khác trong nhóm tạo nên các quan hệ nhóm: có hứng thú chung, mục đích chung, có nhu cầu gắn bó với nhau v.v… làm cho các quan hệ này trở thành các quan hệ thực, bảo đảm sự tồn tại thực của nhóm.

Như vậy, giao tiếp giúp cho con người thực hiện các quan hệ liên nhân cách. Nghĩa là mỗi thành viên hòa nhịp vào nhóm, coi nhóm là mình, mình là nhóm. Nhóm ở đây hiểu theo nghĩa rộng, từ hai người đến một cộng đồng lớn. Chức năng hòa nhịp còn gọi là chức năng đồng nhất qua giao tiếp thành viên đồng nhất với nhóm, chấp nhận và tuân thủ các chuẩn mực nhóm dẫn đến sự thống nhất nhiều mặt trong nhóm. Nhưng sự vận động của nhóm có thể dẫn tới chỗ một thành viên nào đó tách khỏi nhóm. Đến lúc đó chức năng đồng nhất chuyển thành chức năng đối lập: thành viên này đối lập lại với nhóm vì khác biệt về hứng thú, mục đích, động cơ v.v… Đương nhiên thành viên này sẽ có thể và phải gia nhập vào những mối quan hệ ở nhóm khác. Giao tiếp nhóm là loại giao tiếp rất phổ biến trong chúng ta và có vai trò to lớn đối với việc hình thành và phát triển tâm lí, nhất là với các em học sinh. Cần phân biệt giao tiếp nhóm chính thức và giao tiếp nhóm không chính thức. Nhóm chính thức là nhóm được thành lập theo một quy định chung nào đó. Nhóm không chính thức là nhóm do các thành viên tự tập hợp thành nhóm.

Xem thêm: Vai trò của giao tiếp là gì?


Các yếu tố cấu thành của hoạt động giao tiếp

Trong quá trình giao tiếp xã hội không có sự phân cực giữa bên phát và bên nhận thông tin, cả hai đều là chủ thể tích cực, luôn đổi vai cho nhau. Các chủ thể giao tiếp là những nhân cách đã được xã hội hóa, do vậy các hệ thống tín hiệu thông tin được họ sử dụng chịu sự chi phối của các qui tắc chuẩn mực xã hội trong một khung cảnh văn hóa xã hội thống nhất. Đồng thời, mỗi cá nhân là một bản sắc tâm lý với những khả năng sinh học và mức độ trưởng thành về mặt xã hội khác nhau. Như vậy, giao tiếp có một cấu trúc kép, nghĩa là giao tiếp chịu sự chi phối của động cơ, mục đích và điều kiện giao tiếp của cả hai bên có thể mô tả như sau:

Cấu trúc kép trong giao tiếp

Động cơ của S1 —> Hoạt động giao tiếp <— Động cơ của S2

Mục đích của S1 —> Hành động giao tiếp <— Mục đích của S2

Điều kiện của S1 —> Thao tác giao tiếp <— Điều kiện của S2

Trong quá trình giao tiếp hai người luôn tự nhận thức về mình, đồng thời họ cũng nhận xét, đánh giá về phía bên kia. Hai bên luôn tác động và ảnh hưởng lẫn nhau trong giao tiếp và có thể mô hình hóa như sau:

Các chức năng của giao tiếp

Khi A và B giao tiếp với nhau, A nói chuyện với tư cách A’ hướng đến B”, B nói chuyện với tư cách B’ hướng đến A”; trong khi đó, A và B đều không biết có sự khác nhau giữa A’, B’, A”, B” với hiện thực khách quan của A và B; A và  B không hề biết về A”, B” hay nói cách khác là không hay biết về về sự đánh giá nhận xét của bên kia về mình. Hiệu quả của giao tiếp sẽ đạt được tối đa trong điều kiện có sự khác biệt ít nhất giữa A-A’-A” và B-B’-B”.


Nguyên nhân của giao tiếp thất bại

Quá trình giao tiếp diễn ra có hiệu quả hay không là do người phát và người nhận thông tin có chung hệ thống mã hóa và giải mã hay không. Những khác biệt về ngôn ngữ, về quan điểm, về định hướng giá trị khiến quá trình giao tiếp bị ách tắc, hiểu lẫm, gây mâu thuẫn giữa các bên.

Nhận thức của các bên tham gia giao tiếp là yếu tố gây ảnh hưởng trực tiếp và mạnh nhất đến hoạt động giao tiếp.

Trạng thái cảm xúc của người giao tiếp, niềm tin và quan điểm sống của người tham gia giao tiếp sẽ quyết định thông tin nào được chọn lọc tiếp nhận hoặc bị bóp méo.

Ngoài ra, có thể kể thêm một số yếu tố dẫn đến giao tiếp thất bại :

Thông điệp đưa ra sai.

Sử dụng phương pháp giao tiếp sai.

Thông điệp không gửi đúng đối tuợng.

Không có thông điệp nào đuợc đưa ra.

Sự kết hợp của tất cả các yếu tố trên

icon-date
Xuất bản : 04/05/2022 - Cập nhật : 14/08/2023