logo

Anh (chị) hãy phân tích quan điểm của triết học Mác - Lênin về bản chất con người và vấn đề giải phóng con người?

icon_facebook

Câu hỏi: Anh (chị) hãy phân tích quan điểm của triết học Mác - Lênin về bản chất con người và vấn đề giải phóng con người?

Trả lời:


1. Phân tích quan điểm của triết học Mác – Lênin về bản chất con người

Trước Mác, các nhà Triết học duy tâm coi con người là sản phẩm của thần thánh, của  ý niệm, các nhà duy vật siêu hình lại cho rằng con người là một bộ phận, là sự thể hiện cao nhất của giới tự nhiên.

* Bản chất con người là tổng hòa các quan hệ xã hội.

Mác nói “Bản chất con người không phải là một cái trừu tượng cố hữu của cá nhân riêng biệt.  Trong tính hiện thực của nó, bản chất con người là tổng hòa những quan hệ xã hội trên nền tảng  sinh học của nó”.

Mối quan hệ XH bao gồm quan hệ kinh tế, chính trị, tôn giáo, …. trong đó, quan hệ kinh  tế  là  quan trọng nhất.

Bản chất con người nó tồn tại trong con người, được thể hiện thông qua hành vi cụ thể của những con người cụ thể sống trong các quan hệ xã hội cụ thể. Các hành vi cụ thể này chính là hiện tượng, khi tập hợp tất các hiện tượng thì sẽ biết được bản chất của con người đó như thế nào.

Những con người sống trong QH xã hội như nhau, thường cư xử khá giống nhau và vì vậy tạo ra bản chất của họ có những điểm tương đồng nhau. VD: bản chất công nhân khác bản chất nông dân, bản chất tư sản khác bản chất địa chủ, bản chất SV khác bản chất lơ xe.

* Con người là một thực thể sinh học – xã hội

Triết học Mác không tuyệt đối hóa mặt xã hội trong con người mà cho rằng con người là  thực thể thống nhất của cái sinh vật và cái xã hội.

Cái sinh vật là toàn bộ các quá trình sinh vật diễn ra trong con người và cả cấu tạo giải phẫu của nó. Cái xã hội là các phẩm chất xã hội của con người do các quan hệ xã hội tạo ra như biết lao động, có ngôn ngữ, có ý thức và có tư duy.

Đối với con người, cái sinh vật là tiền đề, điều kiện của cái xã hội. Thiếu cái sinh vật, cái xã hội không thể tồn tại và biểu hiện ra được. Song, cái sinh vật trong con người bị biến đổi bởi cái xã hội và mang tính xã hội. Ngược lại, khi ra đời cái xã hội có vai trò quyết định, chế ước cái sinh vật và quy định bản chất xã hội của con người.

Bản chất của con người không phải là nhất thành bất biến, mà sự hình thành bản chất con người là một quá trình con người không ngừng hoàn thiện khả năng tồn tại của mình trước các lực lượng tự phát của tự nhiên và xã hội.

Cụ thể, con người là một thực thể sinh vật – xã hội, trong đó có sự tác động đan xen của ba hệ thống nhu cầu (nhu cầu sinh học, nhu cầu xã hội, nhu cầu tinh thần) và ba hệ  thống quy luật (quy luật sinh học, quy luật xã hội, quy luật tinh thần). Mỗi hệ thống nhu cầu và quy luật này đều  có vị trí, vai trò và tác dụng của mình trong sự tồn tại và phát triển của con người đồng thời chúng tham gia vào việc quy định bản chất của nó; trong đó hệ thống nhu cầu và quy luật xã hội luôn giữ vị trí trung tâm và có vai trò quyết định.

Các nhu cầu của con người, dù là nhu cầu vật chất hay tinh thần, mang tính tự nhiên và xã hội, đều được quy định bởi lịch sử, nhưng con người hoàn toàn có thể tự  điều chỉnh, tự  kiểm tra  các nhu cầu và hoạt động của mình. Con người tồn tại trong thế giới không phải như các sinh vật khác, mà tồn tại với tư cách là  chủ thể của quá trình nhận thức và hành động cải tạo thế giới, cải   tạo xã hội và cải tạo chính bản thân con người.

* Con người là chủ thể và là sản phẩm của lịch sử

Không có thế giới tự nhiên, không có lịch sử xã hội thì không tồn tại con  người. Bởi vậy, con người là sản phẩm của lịch sử, của sự tiến hóa lâu dài của giới hữu sinh. Song, điều quan trọng hơn cả là, con người luôn luôn là chủ thể của lịch sử - xã hội. C.Mác đã khẳng định: "Cái học  thuyết duy vật chủ nghĩa cho rằng con người là sản phẩm của những hoàn cảnh và của giáo dục...  cái học thuyết ấy quên rằng chính những con người làm thay đổi hoàn cảnh và bản thân nhà giáo dục cũng cần phải được giáo dục".

Trong quá trình cải biến tự nhiên, con người cũng làm ra lịch sử của mình. Con người là sản phẩm của lịch sử, đồng thời là chủ thể sáng tạo ra lịch sử của chính bản thân con người. Hoạt động lao động sản xuất vừa là điều kiện cho sự tồn tại của con người, vừa là  phương thức để làm biến  đổi đời sống và bộ mặt xã hội. Trên cơ sở nắm bắt quy luật của lịch sử xã hội, con người thông qua hoạt động vật chất và tinh thần, thúc đẩy xã hội phát triển từ thấp đến cao, phù hợp với mục tiêu và nhu cầu do con người đặt ra. Không có hoạt động của con người thì cũng không tồn tại quy luật xã hội, và do đó, không có sự tồn tại của toàn bộ lịch sử xã hội loài người.


2. Phân tích vấn đề Triết học Mác – Lênin về vấn đề giải phóng con người

Tư tưởng giải phóng con người, giải phóng nhân loại là tư tưởng xuyên suốt, cốt lõi của triết học Mác – Lênin. Triết học Mác – Lênin đã xác định “bất kỳ sự giải phóng nào cũng bao hàm ở   chỗ là nó trả thế giới con người, những quan hệ của con người về với bản thân con người”, “là giải phóng người lao động thoát khỏi lao động bị tha hóa”. Theo Mác, “Tha hóa con người” chính là “tha hóa lao động”.  “Tha hóa con người” là con người không còn là chính mình mà trở thành tồn  tại khác, cái đối lập với mình. “Tha hóa con người” ở đây bao gồm:

+ Tha hóa sản phẩm lao động do CN làm ra: SP do con người lao động làm ra lẽ ra phải thuộc về họ nhưng do chế độ sở hữu tư nhân về TLSX nên SP ấy không thuộc về họ.

+ Tha hóa hoạt động lao động sản xuất: hoạt động LĐ SX làm hoàn thiện con người, nhưng dưới chế độ sở hữu tư nhân về TLSX, nó làm cho con người lao động bị phát triển què quặt.

+ Tha hóa thể xác của người lao động: thể xác của NLĐ là thuộc về họ, nhưng dưới chế độ sở hữu tư nhân về TLSX, nó không còn thuộc về NLĐ nữa.

Theo triết học Mác – Lênin thì nguyên nhân của vấn đề này là do chế độ tư hữu về tư liệu  sản xuất (vừa là kết quả của sự tha hóa lao động, vừa là nguyên nhân duy trì sự tồn tại của nó)  và sự nô dịch nhiều mặt đối với con người gây ra.

Để xóa bỏ sự tha hóa lao động và giải phóng con người, triết học Mác đã đưa ra những chỉ dẫn xác đáng, đó là:

+ Cần xóa bỏ “Chế độ sỡ hữu tư sản”, là nguồn gốc sinh ra mọi nô dịch con người trong xã hội tư bản. Mặt khác, để giải phóng con người khỏi sự nô dịch ấy, cần phải “giải phóng chính trị”, “giải phóng xã hội”.

+ Sự nghiệp xóa bỏ “tha hóa”, giải phóng con người là sự nghiệp của quần chúng nhân dân lao động, trong đó giai cấp vô sản là lực lượng nòng cốt và quyết định.

+ Sự nghiệp giải phóng con người, giải phóng nhân loại là một quá trình lâu dài. Nó phụ thuộc chủ yếu vào trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, vào các điều kiện vật chất tất yếu cho sự nghiệp giải phóng ấy.

Như vậy, “sự nghiệp giải phóng toàn diện, triệt để của con người và cả xã hội loài người chỉ có thể được thực hiện trong điều kiện những lực lượng sản xuất hiện đại đã phát triển”, và chỉ khi nào “thay đổi xã hội tư sản cũ, với những đối kháng giai cấp của nó” bằng một xã hội mới, xã hội không còn cơ sở kinh tế của mọi bóc lột và nô dịch, không còn giai  cấp và hiện tượng người bóc  lột người – “một liên hiệp trong đó sự phát triển tự do của con người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người”, đó chính là XHCN.

icon-date
Xuất bản : 27/09/2021 - Cập nhật : 27/09/2021

Câu hỏi thường gặp

Đánh giá độ hữu ích của bài viết

😓 Thất vọng
🙁 Không hữu ích
😐 Bình thường
🙂 Hữu ích
🤩 Rất hữu ích
image ads