Đáp án chi tiết, giải thích dễ hiểu nhất cho câu hỏi: “Ý thức xã hội là gì?” cùng với kiến thức tham khảo do Top lời giải biên soạn là tài liệu cực hay và bổ ích giúp các bạn học sinh ôn tập và tích lũy thêm kiến thức bộ môn Triết học.
Ý thức xã hội là khái niệm triết học dùng để chỉ các hình thái khác nhau của tinh thần trong đời sống xã hội bao gồm những tư tưởng, quan điểm, tình cảm, tâm trạng, thói quen, phong tục, tập quán, truyền thống… của cộng đồng xã hội được sinh ra trong quá trình xã hội tồn tại và phản ánh tồn tại xã hội trong từng giai đoạn lịch sử nhất định. Ý thức xã hội chỉ là một bộ phận của đời sống tinh thần.
Tùy theo mức độ nghiên cứu mà chúng ta có thể phân chia kết cấu của ý thức xã hội thành các cấp độ khác nhau như: Ý thức thông thường và ý thức lý luận; tâm lý xã hội và hệ tư tưởng.
- Theo trình độ phản ánh của ý thức xã hội đối với tồn tại xã hội có thể phân biệt ý thức xã hội thông thường và ý thức lý luận:
+ Ý thức xã hội thông thường là toàn bộ những tri thức, những quan niệm… của những con người trong một cộng đồng người nhất định, được hình thành một cách trực tiếp từ hoạt động thực tiễn hàng ngày, chưa được hệ thống hóa, khái quát hóa thành lý luận.
+ Ý thức lý luận là những tư tưởng, quan điểm đã được hệ thống hóa, khái quát hóa thành các học thuyết xã hội, được trình bày dưới dạng những khái niệm, phạm trù, qui luật. Ý thức lý luận có khả năng phản ánh hiện thực khách quan một cách khái quát, sâu sắc và chính xác, vạch ra các mối liên hệ bản chất của các sự vật và hiện tượng. Ý thức lý luận đạt trình độ cao và mang tính hệ thống tạo thành các hệ tư tưởng.
- Cũng có thể phân tích ý thức xã hội theo hai trình độ và hai phương thức phản ánh đối với tồn tại xã hội, đó là tâm lý xã hội và hệ tư tưởng xã hội.
+ Tâm lý xã hội là toàn bộ đời sống tình cảm, tâm trạng, khát vọng, ý chí,… của những cộng đồng người nhất định; là sự phản ánh trực tiếp và tự phát đối với hoàn cảnh sống của họ.
+ Hệ tư tưởng xã hội là toàn bộ các hệ thống quan niệm, quan điểm xã hội như: chính trị, triết học, đạo đức, tôn giáo,…; là sự phản ánh gián tiếp và tự giác đối với tồn tại xã hội. Tâm lý xã hội và hệ tư tưởng xã hội là hai trình độ, hai phương thức phản ánh khác nhau của ý thức xã hội đối với cùng một tồn tại xã hội, chúng có mối quan hệ biện chứng với nhau, tuy nhiên, không phải tâm lý xã hội tự nó sản sinh ra hệ tư tưởng xã hội.
- Trong xã hội có giai cấp, do các giai cấp có những điều kiện sinh hoạt vật chất khác nhau, những lợi ích khác nhau do địa vị xã hội mỗi giai cấp quy định, nên ý thức xã hội của các giai cấp có nội dung và hình thức phát triển khác nhau hoặc đối lập nhau.
- Tính giai cấp của ý thức xã hội biểu hiện ở tâm lý xã hội, cũng như ở hệ tư tưởng xã hội.
+ Về mặt tâm lý xã hội, mỗi giai cấp đều có tình cảm, tâm trạng, thói quen riêng, có thiện cảm hay ác cảm với tập đoàn xã hội này hay tập đoàn xã hội khác.
+ Ở trình độ hệ tư tưởng thì tính giai cấp của ý thức xã hội biểu hiện sâu sắc hơn nhiều. Trong xã hội có đối kháng giai cấp bao giờ cũng có những tư tưởng hoặc hệ tư tưởng đối lập nhau: Tư tưởng của giai cấp bóc lột và bị bóc lột, của giai cấp thống trị và bị thống trị.
- Những tư tưởng thống trị của một thời đại bao giờ cũng là tư tưởng của giai cấp thống trị về kinh tế và chính trị ở thời đại đó.
- Chủ nghĩa Mác - Lênin là hệ tư tưởng khoa học và cách mạng của giai cấp công nhân, ngọn cờ giải phóng của quần chúng bị áp bức, bóc lột, phản ánh tiến trình khách quan của sự phát triển lịch sử.
- Trong điều kiện xã hội ngày nay, cuộc đấu tranh giai cấp trên lĩnh vực ý thức hệ vẫn đang tiếp tục diễn ra. Các thế lực thù địch đang không ngừng tấn công vào chủ nghĩa Mác - Lênin, muốn phủ nhận, xóa bỏ nó.
Do vậy, bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin trong điều kiện thế giới ngày nay là một nhiệm vụ quan trọng của cuộc đấu tranh vì mục tiêu độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội.
- Khi khẳng định tính giai cấp của ý thức xã hội, chủ nghĩa duy vật lịch sử cho rằng, ý thức của các giai cấp trong xã hội có sự tác động qua lại với nhau.
+ Trong xã hội có áp bức giai cấp, các giai cấp bị trị do bị tước đoạt tư liệu sản xuất, phải chịu sự áp bức về vật chất nên không tránh khỏi bị áp bức về tinh thần, không tránh khỏi ảnh hưởng tư tưởng của giai cấp thống trị.
Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng của tư tưởng giai cấp thống trị đối với xã hội tùy thuộc vào trình độ phát triển ý thức cách mạng của giai cấp bị trị.
+ Giai cấp thống trị cũng chịu ảnh hưởng của giai cấp bị trị.
- Trong xã hội có phân chia giai cấp thì ý thức cá nhân, về bản chất, là biểu hiện mức độ này hay mức độ khác ý thức giai cấp.
Điều này là do địa vị và những điều kiện sinh hoạt vật chất chung của giai cấp quyết định.
- Trong xã hội có giai cấp, ý thức xã hội không chỉ mang dấu ấn những điều kiện sinh hoạt vật chất của giai cấp, mà còn phản ánh những điều kiện sinh hoạt chung của dân tộc: Những điều kiện lịch sử, kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, điều kiện tự nhiên… hình thành trong quá trình phát triển lâu dài của dân tộc.
Vì vậy, trong ý thức xã hội, ngoài tâm lý và hệ tư tưởng xã hội của giai cấp, còn bao gồm tâm lý dân tộc, tình cảm, ước muốn, tập quán, thói quen, tính cách… của dân tộc, truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác tạo thành truyền thống dân tộc.