logo

Vua nào trị vì lâu nhất Việt Nam?

Lý Nhân Tông tên thật là Lý Càn Đức, Con trưởng của vua Lý Thánh Tông là vị vua trị vì lâu nhất Việt Nam. Để hiểu rõ hơn về vua Lý Nhân Tông hãy cùng Toploigiai tham khảo bài viết dưới đây nhé!


1. Lý Nhân Tông – vị vua trị vì lâu nhất Việt Nam

Tên thật là Càn Đức, con trưởng của Vua Lý Thánh Tông, mẹ đẻ là Linh Nhân Thái hậu (tức bà Ỷ Lan). Vua sinh ngày 25 tháng 1 năm Bính Ngọ (1066) tại kinh thành Thăng Long, lên ngôi tháng 1 năm Nhâm Tí (1072), ở ngôi 55 năm, mất ngày 12 tháng 12 năm Đinh Mùi (1127), thọ 61 tuổi.

Trong thời gian vua Lý Nhân Tông ở ngôi, nhà Tống có ý đồ xâm lược nước ta, vua và Thái úy Lý Thường Kiệt đã chủ động đánh đuổi quân Tống, và đã chiến thắng ở sông Như Nguyệt, đánh đuổi được quân Tống.

Năm 1076 vua cho mở trường Quốc Tử Giám ở kinh đô Thăng Long, cũng từ đây, nền giáo dục đại học của nước ta được khai sinh. 

Trong 55 năm ở ngôi vua đã 8 lần đặt niên hiệu, đó là: Thái Ninh (1072-1076), Anh Vũ Chiêu Thắng (1076-1084), Quảng Hựu (1085-1092), Hội Phong (1092-1100), Long Phù (Long Phù Nguyên Hóa) (1101-1109), Hội Tường Đại Khánh (1110 – 1119), Thiên Phù Duệ Vũ (1120-1126), Thiên Phù Khánh Thọ (1127).

>>> Tham khảo: Ai là vị vua đầu tiên của triều Nguyễn?


2. Lý Nhân Tông là một vị vua anh minh

Giỏi kết hợp vua tôi:

Triều đại ông có những chiến công rực rỡ đập tan âm mưu xâm lược của nhà Tống phương Bắc, ổn định trấn giữ phương Nam, thu phục quân Chiêm thành với kỳ công của các danh tướng như Lý Thường Kiệt, Lý Thừa Ân, Tôn Ðản, và người giỏi việc triều chính, thực hiện lợi ích cho dân cho nước như thái sư Lý Ðạo Thành.

Giỏi về đào tạo nhân tài:

Ông là vị vua chú trọng về văn hóa, giáo dục, mở các cuộc thi kén chọn nhân tài, và đặc biệt ưu đãi, trọng vọng các bậc thiền sư thạc đức. Năm Ất Mão (1075) vua cho tổ chức một khoa thi Tam trường, là khoa thi chọn người giỏi đầu tiên ở nước ta.

Tiếp liền năm sau (1076), vua cho lập Quốc tử giám và bổ nhiệm những người khoa bảng văn học vào dạy.

Giỏi về tổ chức cải tiến:

Ðể tổ chức lại guồng máy nhà nước, cải tiến triều đại, năm Kỷ Tỵ (1089) vua định quan chế, chia văn võ ra làm 9 bậc, quan đại thần thì có Thái sư, Thái phó, Thái úy, và Thiếu sư, Thiếu phó, Thiếu úy. Dưới các bậc ấy, bên văn có Thượng thư, Tả Hữu Tham tri, Tả Hữu Giám nghị đại phu, Trung thư Thị Lang, Bộ Thị Lang v.v... Bên võ thì có Ðô thống, Nguyên súy, Tổng quản khu mật sứ, khu mật Tả Hữu sứ, Kim Ngô thượng tướng, Chư vệ tướng quan v.v... Ở ngoài, các Châu, Quận, văn thì có Tri phủ, Phán phủ, Tri Châu. Võ thì có Chư lộ, Trấn trại quan. Về quốc phòng thì ủy thác cho hai danh tướng Lý Thường Kiệt và Tôn Ðản huy động mọi lực lượng quân sự, ứng chiến đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược.

Giỏi về âm luật:

Theo Ðại Việt sử lược (quyển 2) thì những bài ca, khúc nhạc mà nhạc công tập luyện đều do vua Lý Nhân Tông thân chế, sáng tác. Bởi biết thừa hưởng cái gia tài văn hóa văn minh Thăng Long - Ðại Việt phong phú, độc đáo do ông cha ta xây đắp lại gắn hợp với khả năng văn nghệ dồi dào của vua, cũng là người giỏi âm nhạc, nên dàn nhạc dân tộc của ta được chạm khắc ở bệ đá chùa Phật tích là một phức thể nhạc dân tộc hòa hợp ảnh hưởng âm nhạc Chiêm-Ấn-Hoa giao thoa diễm tuyệt.

Ở bài văn bia tháp Sùng Thiện Diên Linh nói về vua Lý Nhân Tông, khắc năm 1121, của Thượng thư Bộ hình Nguyễn Công Bật viết: "Vua ta tinh tường âm nhạc nước ngoài, chuyển nắm được đầu mối cốt yếu của mọi nghệ thuật".

Ðiều đó chứng tỏ Lý Nhân Tông hiểu biết đến nơi đến chốn âm nhạc các nước nói trên và nhiều ngành nghệ thuật khác (trong đó có vũ đạo) để mà sáng tác các khúc điệu mới của nhà vua.

Cuộc sống của vua thật khoan dung, giản dị, tạo ra cái vui thanh tao, chân thiện cho thần dân vui hưởng, nhưng không đam mê, lãng phí.

Giỏi về thân dân:

Lý Nhân Tông nổi bật về đức độ thương dân, gần dân, chăm lo nâng đỡ người nghèo khổ, kẻ thân phận tôi đòi, người già nua, góa bụa. Ông đi thăm và khuyến hóa nông dân chăm sóc việc đồng án, xem dân cày cấy, gặt mùa, chỉ bảo ngư dân đánh cá, khuyên dân ra sức đắp đê, đắp đập ngăn nước, đào sông, khơi ngòi. Ðộng viên cổ vũ các nghề thủ công như nghề giầy, nghề sơn, kiến trúc và điêu khắc, đóng thuyền, nung gạch ngói. Ông xuống chiếu cầu người nói thẳng, cầu hiền tài, giảm tô, tha thuế, ân xá tội đồ, giúp đỡ Tăng Ni dựng chùa thờ Phật.

Về thể lực, ông khuyên dân tung cầu, đấu vật, đua thuyền, khuyên dân học chữ, dạy quần chúng phát triển văn thơ. Bản thân vua cũng rất giỏi bắn cung nỏ, rành binh pháp, hể nơi nào có giặc, ông thân chinh cùng binh tướng đi dẹp.

>>> Tham khảo: Ai là vị vua cuối cùng của Việt Nam


3. Những điềm lành mà vua Lý Nhân Tông đem lại

Lý Nhân Tông là vị hoàng đế trị vì lâu nhất trong sử Việt. Ông lên ngôi năm 7 tuổi (1072) đến năm 1128 thì mất, tức hơn 55 năm. Thời kỳ này đánh dấu giai đoạn nhất trong lịch sử nhà Lý và cũng là 1 trong những giai đoạn văn minh bậc nhất trong sử Việt.

Thời kỳ mới trị vì, vua còn nhỏ tuổi nên Nguyên phi Ỷ Lan, Thái úy Lý Thường Kiệt, Thái sư Lý Đạo Thành trở thành trụ cột giúp giang sơn vững mạnh. Vua có thời gian học tập và phát triển để trở thành một minh quân.

Dù thời kỳ ấy, nước ta bị kìm kẹp bởi liên minh Tống - Chiêm nhưng nhờ có sự phò tá của Lý Thường Kiệt nên Đại Việt có thể dễ dàng đánh Tống bình Chiêm, phá tan thế liên minh. Cũng nhờ đó mà giang sơn được thái bình, văn minh được phát triển rực rõ.

Về giáo dục năm 1070, vua Lý Thánh Tông cho xây dựng Văn miếu. Đại Việt sử kí toàn thư còn chép: “Mùa thu tháng 8, làm văn miếu, đắp tượng, Khổng Tử, Chu Công và Tứ phối, vẽ tượng Thất thập nhị hiền, bốn mùa cúng tế. Hoàng thái tử đến đấy học". Văn Miếu ban đầu Là nơi thờ tự các bậc Thánh hiền, nơi học tập của Hoàng thất.

Đến năm 1075, vua Lý Nhân Tông đánh dấu kỳ thi khoa bảng đầu tiên bằng khoa thi “Tam trường" để chọn Minh kinh Bác học. Khoa thi này lấy 10 người đỗ, trong đó có Trạng nguyên Lê Văn Thịnh - Trạng nguyên khoa bảng đầu tiên của Việt Nam.

 Năm 1076, vua Lý Nhân Tông lại cho xây dựng trường Quốc Tử Giám bên cạnh Văn Miếu. Đây được xem là trường Đại học đầu tiên của Việt Nam. Nơi đây đã đào tạo ra nhiều nhân tài cho giang sơn.

Không chỉ phát triển Nho học và giáo dục, vua Lý Nhân Tông và mẹ là Thái hậu Linh Nhân còn là những người mộ Đạo phật. Vua đã cho xây dựng nhiều chùa tháp, khuyến khích việc hành đạo của các thiền sư.

 Năm 1083 “Rồng vàng bay từ điện Tử Thần đến điện Hội Long”. Năm 1117, "tháng 3, ngày Bính Thìn, vua ngự đến núi Chương Sơn để khánh thành bảo tháp Vạn Phong Thành Thiện. Có rồng vàng hiện". Núi Chương Sơn chính là núi Ngô Xá ở xã Yên Lợi, Ý Yên, Hà Nam ngày nay. Bảo tháp Vạn Phong Thành Thiện từ thời Lý Nhân Tông đến nay vẫn còn. Cũng trong năm Đại Việt sử ký toàn thư có chép: "Rồng vàng hiện ở bảo đài, cầu đảo ở Động Linh".

Trong lịch sử, hiện tượng "móc ngọt" (mưa ngọt) cực hiếm. Nếu xuất hiện được thì đó là điềm lành. Thời Lý Nhân Tông đã xuất hiện 3 lần. Chuyện này được ghi trong Đại Việt sử ký toàn thư "Mùa thu, tháng 8 (1080), móc ngọt xuống. Vua đem đua thuyền".

Năm 1111, 1112 cả nước được mùa to, xuất hiện mặt trời có hai quầng. “Nhâm thìn, (Hội Tường Đại Khánh) năm thứ 3 (1112), (Tống Chính Hòa năm thứ 2). Mùa xuân, móc ngọt xuống”. Năm 1118 “có mọc ngọt xuống, vua tự tay viết tám chữ, ‘Thiên hạ thái bình, thánh cung vạn tuế’ vào bia, sai thợ khắc.”

Vua Lý Nhân Tông cũng là người rất quan tâm đến nông nghiệp - thủy lợi. Ông được xem là người khởi công đắp nhiều đê lớn đầu tiên của Đại Việt. Tháng 9 âm lịch năm 1077, triều đình sai đắp đê trên sông Như Nguyệt, đê này được mô tả dài 67.380 bộ.

Đại Việt sử lược chép, năm 1103, nhà vua lệnh cho cư dân Thăng Long làm đê chống lũ đô lẫn ngoại ô. Mùa xuân năm 1108, Nhân Tông sai đắp đê tại Cơ Xá - đây là đoạn đê sông Hồng gần cầu Long Biên ngày nay.

Đến năm 1117, ông theo lời Thái hậu, ra quy định cấm giết trâu bò bừa bãi. Ai môt trộm trâu bị phạt 80 trượng và tội đồ làm người hầu trong quân đội. Người giết trâu và ăn trộm đều phải bồi thường. Hàng xóm biết mà không tố cáo cũng bị phạt 80 trượng.

Thời kỳ của Lý Nhân Tông, nhân dân thường trúng mùa to. Khi hạn hán mất mùa được phát chẩn kho lương, giảm tô dịch, đất nước thịnh vượng, nhân dân ấm no. Nhân Tông còn thường xuyên xem gặt lúa ở các nơi cũng như các lễ hội bắt voi... để tỏ rõ sự thịnh vượng của nước Việt lúc đó.

 Có thể nói, trong thời gian trị vì, Lý Nhân Tông đã thực hiện nhiều hoạt động tích cực đưa đại Việt cường thịnh, đời sống nhân dân ấm no, xã tắc ổn định. Sách Đại Việt sử ký toàn khen ngợi Lý Nhân Tông là người “trí tuệ hiếu nhân, nước lớn thì sợ, nước nhỏ thì mến; thần giúp đỡ người ứng theo, thông âm luật, chế khúc hát, nhân dân giàu đông, mình nên thái bình, là vua giỏi của triều Lý”.

-------------------------------------------

Trên đây Toploigiai đã cùng các bạn trả lời câu hỏi Vua nào trị vì lâu nhất Việt Nam?. Chúng tôi hi vọng các bạn đã có thông tin hữu ích khi đọc bài viết này, cảm ơn các bạn đã theo dõi và đọc bài viết. 

icon-date
Xuất bản : 17/10/2022 - Cập nhật : 30/11/2022