Là một vị vua hiếm hoi sáng tác thơ ca, Trần Nhân Tông không để lại nhiều tác phẩm văn học nhưng một số bài thơ của ông vẫn giữ vị trí nhất định trong lòng người đọc. Trong đó bài thơ Thiên Trường vãn vọng được đánh giá là đặc sắc hơn cả. Cùng Viết đoạn văn (khoảng 7 – 9 câu) trình bày cảm nhận của em về nhan đề hoặc một hình ảnh đặc sắc trong bài thơ Thiên Trường vãn vọng để thấy được tài năng của vị vua nổi tiếng trong lịch sử này nhé.
Trần Nhân Tông là vị vua thứ ba của nhà Trần. Ông là vị hoàng đế anh minh đã lãnh đạo nhân dân ta chiến thắng hai cuộc xâm lược của quân Nguyên, khôi phục nền kinh tế văn hoá Đại Việt. Thơ của Trần Nhân Tông tràn đầy cảm hứng yêu nước và hào khí Đông A, đặc biệt là cái nhìn trìu mến nâng niu với cuộc sống của con người. Thiên trường vãn vọng là một trong những bài thơ đặc sắc của ông, trong đó em đặc biệt ấn tượng với hình ảnh khói phủ mờ bên thôn trong hai câu thơ đầu tiên
Thôn hậu thôn tiền đạm tự yên
Bán vô bán hữu tịch dương biên
Dịch
Trước thôn, sau thôn đều mờ mờ như khói phủ,
Bên bóng chiều cảnh vật nửa như có, nửa như không.
Buổi chiều buông xuống nhanh, khói bếp từ các nhà cộng lẫn với sương mù dày đặc trên không trung gợi ra một khung cảnh lung linh, huyền ảo. Có cảm giác trước hay sau thôn, tức là bốn phía quanh thôn đều mờ mờ như khói phủ, giăng mắc bởi bầu không khí huyền ảo, hư không. Đặc biệt hình ảnh bên bóng chiều, cảnh vật nửa có lại nửa như không càng gợi ra không gian bao la của sương khói bao trùm, một không khí rất đặc trưng của một buổi chiều mùa đông trên làng quê. Qua hình ảnh khói và sương phủ dày đặc thôn xóm chúng ta thấy hình ảnh làng quê Việt Nam bình dị, thân thuộc hiện ra. Từ đó mới thấy được tình yêu quê hương, đất nước và sự gắn bó của vị vua với cuộc sống dân dã của con người.
Ngoài cảm hứng yêu nước, tinh thần hào sảng của hào khí Đông A thời Trần, những bài thơ của Trần Nhân Tông còn ca ngợi cuộc sống bình dị của làng quê. Thể hiện sự trân trọng và gắn bó tha thiết với cuộc sống thôn quê của con người, bài thơ “Thiên trường vãn vọng” nằm trong mạch cảm hứng sáng tác ấy. Bài thơ đã gợi ra hình ảnh bình dị, thân thuộc của cảnh và người nơi cuộc sống thôn quê Việt Nam. Trong đó có một hình ảnh rất ấn tượng xuất hiện ở hai câu thơ cuối cùng
Mục đồng địch lý quy ngưu tận,
Bạch lộ song song phi hạ điền.
Dịch
Trong tiếng sáo, mục đồng lùa trâu về hết,
Từng đôi cò trắng hạ cánh xuống đồng.
Đó là hình ảnh của đôi cò trắng đang hạ cánh xuống đồng. Một hình ảnh thật gợi cảm và giàu sức sống, làm bừng tỉnh không gian ảm đạm, xám xịt toàn sương và khói ở hai câu thơ đầu tiên. Trời tối dần khi con người cũng dần thu các hoạt động sản xuất để trở về tổ ấm, trẻ dắt trâu về thì cũng là lúc đàn cò tìm chốn nghỉ đêm. Dưới con mắt quan sát của nhà thơ, từ trên trời từng đôi cò trắng chao liệng rồi hạ xuống cánh đồng tìm chốn ngủ. Khung cảnh bình dị, thân quen nhưng dưới con mắt quan sát của nhà thơ bỗng dưng có sức gợi đến lạ lùng.
-----------------------------------------
Như vậy Toploigiai đã trình bày xong một số mẫu Viết đoạn văn (khoảng 7 – 9 câu) trình bày cảm nhận của em về nhan đề hoặc một hình ảnh đặc sắc trong bài thơ Thiên Trường vãn vọng. Đây là một trong những bài thơ xuất sắc của vua Trần Nhân Tông trong cảm hứng ca ngợi về quê hương, đất nước.