Nhắc đến người anh hùng áo vải Quang Trung hẳn người đọc sẽ không thể nào quên những đóng góp vĩ đại của ông trong công cuộc đánh đuổi quân Thanh. Người anh hùng được lịch sử ghi nhận bởi những phẩm chất đẹp đẽ cùng tài năng hơn người. Với đề bài Nêu cảm nhận của em về nhân vật vua Quang Trung được khắc họa trong đoạn trích Quang Trung đại phá quân Thanh, qua đó nhận xét cảm hứng của tác giả với vị anh hùng dân tộc này Toploigiai sẽ cùng các em khám phá vẻ đẹp của nhân vật nổi tiếng trong lịch sử này.
1, Mở bài.
- Giới thiệu tác giả, tác phẩm và nhân vật thông qua đoạn trích.
- Cảm nhận chung về nhân vật: vị anh hùng tài ba, kiệt xuất, văn võ song toàn đã lập nên chiến công vang dội.
2, Thân bài.
- Là một vị tướng rất mạnh mẽ và quyết đoán, kiên quyết chiến đấu sống còn với quân thù.
- Người có trí tuệ cực kỳ sáng suốt, với tầm nhìn xa trông rộng, vừa biết xoa dịu lòng quân, vừa biết khích lệ tinh thần đánh giặc của binh lính.
- Quang Trung có đầy đủ phương án, kế sách để đối phó với giặc. Đặc biệt ông đã khẳng định chắc chắn phần thắng về tay mình.
- Trước sau vị chủ tướng chỉ luôn lo nghĩ cho dân, cho nước, mong muốn nhân dân được sống yên ổn, hết cảnh binh đao chứ không nề hà bất kỳ chuyện gì, không màng đến danh lợi của bản thân.
- Quang Trung còn là vị vua có tài thao lược, không chỉ trên lý thuyết, sách vở mà trên thực tế ông đều rất giỏi.
- Cảm hứng của tác giả với vị anh hùng dân tộc này: ca ngợi, cảm phục, biết ơn và ngưỡng mộ đối với vị vua tài giỏi kiệt xuất trong lịch sử.
3, Kết bài.
- Khẳng định cảm nhận về nhân vật.
- Liên hệ, mở rộng.
Đoạn trích Quang Trung đại phá quân Thanh được trích từ tác phẩm “Hoàng Lê nhất thống chí” của Ngô gia văn phái. Đoạn trích này tập trung xây dựng hình tượng tuyệt đẹp về người anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ. Người đã có công đánh đuổi giặc Thanh, bảo vệ lãnh thổ, hòa bình cho dân tộc. Qua đoạn trích nhân vật Quang Trung đã để lại những dấu ấn đậm nét trong lòng người đọc.
Đầu tiên Quang Trung là một vị tướng rất mạnh mẽ và quyết đoán, quả cảm chiến đấu với quân thù. Khi hay tin quân Thanh xâm lược bờ cõi nước ta, ông đã chẳng ngần ngại với ý định “thân chinh cầm quân đi ngay” để đánh địch. Nhưng nghe lời tướng sĩ khuyên ông đã lên ngôi hoàng đế trước để trấn an lòng dân, củng cố địa vị “cho đắp đàn trên núi Bân, tế cáo trời đất” khi mọi việc đã xong xuôi ông mới hành quân ra Bắc.
Quang Trung còn gây ấn tượng với người đọc bởi là người có trí tuệ cực kỳ sáng suốt với tầm nhìn xa trông rộng. Biết mình mới lên ngôi vua, lòng binh mới chưa vững, chưa có sự tin tưởng vào chính quyền mới, ông “cưỡi voi” ra tận doanh trại để “yên ủi quân lính” cũng như ra lời phủ dụ. Những lời phủ dụ của Quang Trung vừa mang tính răn đe, nhắc nhở binh lính về tầm quan trọng của công cuộc đánh đuổi giặc ngoại xâm, vừa tố cáo tội ác dã man của quân thù; lại có tinh thần khích lệ binh lính sâu sắc. Đó là những lời lẽ phân tích thấu tình đạt lý có sức lay động bất kỳ trái tim yêu nước nào, vừa có dẫn chứng minh hoạ từ thực tế, những bằng chứng không ai chối cãi được. Khi thì mềm mỏng, khi thì đanh thép khiến binh lính đều phải răm rắp nghe theo “Chớ có quen thói cũ, ăn ở hai lòng, nếu như việc phát giác ra, sẽ bị giết chết ngay tức khắc, không tha một ai, chớ bảo ta là không nói trước”
Khi hai tướng Sở và Lân làm thất thủ thành Thăng Long quang Trung không hề trách tội nhưng ông đã nghiêm khắc chỉ ra những yếu điểm của họ và trọng dụng họ ở những việc khác “Binh pháp dạy rằng quân thua chém tướng tội của các ngươi đều đáng chết vạn lần. Song ta nghĩ các người đều là hạng vũ dũng, chỉ biết gặp giặc là đánh đến cứ như việc tuỳ cơ ứng biến là không có tài”.
Trên đường hành quân về Thăng Long chưa biết tình hình giặc ra sao, chưa đánh giáp lá cà với giặc trận nào nhưng với quân địch Quang Trung đã có đầy đủ phương án, kế sách. Đặc biệt ông đã khẳng định chắc chắn phần thắng về tay mình “Lần này ta ra, thân hành cầm quân, phương lược tiến đánh đã có tính sẵn. Chẳng qua mười ngày có thể đuổi được người Thanh” song ông không đánh ngay vì muốn tính kế lâu dài. Bởi Quang Trung nghĩ “ sau khi chúng bị thua một trận, ắt lấy làm thẹn mà lo mưu báo thù. Như thế thì việc binh đao không bao giờ dứt, không phải là phúc cho dân”. Điều đó chứng tỏ trước sau vị chủ tướng chỉ luôn lo nghĩ cho dân, cho nước, mong muốn nhân dân được sống yên ổn, hết cảnh binh đao chứ không nề hà bất kỳ chuyện gì liên, không bao giờ màng đến danh lợi của bản thân. Đó chính là nét đẹp đáng quý của bậc chủ tướng xuất thân áo vải này.
Vừa đánh giặc vừa lo đến chính sách ngoại giao sau khi kết thúc chiến tranh chắc cũng chỉ có một mình vua Quang Trung làm được. Điều đó đã thể hiện tầm nhìn xa trông rộng, chiến lược của vị tướng tài này “Chờ mười năm nữa, cho ta được yên ổn mà nuôi dưỡng lực lượng, bấy giờ nước giàu quân mạnh, thì ta có sợ gì chúng?”
Quang Trung còn là vị vua có tài thao lược, không chỉ trên lý thuyết, sách vở mà trên thực tế ông đều rất giỏi. Chỉ trong vòng 5 ngày nhưng ông đã hành quân thần tốc từ Phú Xuân tới Nghệ An.Trong vòng 7 ngày, ông đã tiến sát tới Thăng Long, bao vây Hạ Hồi, rồi đánh cho quân Thanh tan tác, “bỏ chạy tán loạn, giày xéo lên nhau mà chết”. Tất cả đã chứng minh cho tài năng hơn người của vị anh hùng áo vải này.
Xây dựng nhân vật Quang Trung tác giả đã thể hiện cảm hứng ngợi ca, trân trọng và tự hào về vị vua tài giỏi kiệt xuất trong lịch sử. Với cảm hứng ngợi ca là chủ đạo nhân vật được khắc họa mang màu sắc sử thi, đại diện cho vẻ đẹp và sức mạnh của cộng đồng, thể hiện khát khao về một vị tướng lĩnh tài giỏi đứng ra trừ gian diệt hoạ cho nhân dân.
Trang văn khép lại nhưng hình tượng người anh hùng áo vải Quang Trung vẫn toả sáng mãi. Đó là vẻ đẹp của tinh thần yêu nước nồng nàn, của ý chí quyết tâm chống giặc ngoại xâm. Nhân vật đã được tạc vào lịch sử để khẳng định cho truyền thống đánh giặc cứu nước từ bao đời của nhân dân ta.
-----------------------------------------
Như vậy Toploigiai đã trình bày xong bài văn Nêu cảm nhận của em về nhân vật vua Quang Trung được khắc họa trong đoạn trích Quang Trung đại phá quân Thanh, qua đó nhận xét cảm hứng của tác giả với vị anh hùng dân tộc này. Đây là một nhân vật lịch sử nổi tiếng mang cảm hứng sử thi rõ nét. Nhân vật đã để lại những dấu ấn đậm nét trong lòng người đọc.