Giải đáp thắc mắc Vì sao xà phòng lại tẩy sạch được các vết bẩn? Qua đó giúp các bạn biết được thành phần của phân tử xà phòng và cách xà phòng làm sạch vết bẩn.
Thành phần chính của xà phòng công nghiệp là muối natri hoặc kali của axit béo. Xà phòng được tạo nên bởi phản ứng xà phòng hóa giữa axit béo (trong dầu, mỡ động thực vật) kết hợp với dung dịch kiềm (NaOH hoặc KOH) tạo thành muối kiềm và glycerin.
Phân tử xà phòng có hai đầu: một đầu ưa nước và một đầu kị nước (ưa dầu, mỡ).
- Một đầu phân tử rất ưa nước, nó tan trong nước và dính chặt vào các phân tử nước. Đầu phân tử này được gọi là đầu ‘hút nước’.
- Đầu còn lại của phân tử ưa mỡ và chất béo. Nó có thể làm tan mỡ nhưng lại không ưa nước. Đầu phân từ này được gọi là đầu ‘kỵ nước’.
Xà phòng lại tẩy sạch được các vết bẩn là vì đầu kỵ nước của phân tử xà phòng gắn chặt với chất béo, nhờ đó hòa tan và tẩy bỏ vết bẩn chứa chất béo trên da hay quần áo. Đầu ưa nước giúp cho cả phân tử sau khi gắn chặt với chất béo có thể hòa tan vào nước. Sau đó qua tác dụng vò, xát sẽ làm các vết dầu bẩn nổi lên. Ngoài ra phân tử xà phòng có thể kéo các chất bẩn ở dạng hạt rắn bám trong các khe hở của vật liệu sợi, giảm bớt sức tụ hợp của các hạt rắn với nhau và phân tán thành các hạt nhỏ hơn và rơi vào nước. Mặt khác sự tạo bọt xà phòng làm cho diện tích bề mặt của dung dịch xà phòng tăng lên nhiều lần và cũng nhờ đó tăng lực co kéo, giúp việc lôi chất bẩn khỏi vải thực hiện được dễ dàng hơn. Hoạt tính bề mặt của xà phòng cũng làm các vết dầu đã bị bó chặt vào gốc ưa dầu càng bị bó chặt hơn và dầu càng dễ bị lôi ra khỏi vật liệu sợi hơn.