logo

Truyện thơ Nôm có nguồn gốc từ đâu?

Câu trả lời chính xác nhất: Truyện thơ Nôm có nhiều nguồn gốc cốt truyện khác nhau:

+ Một số tác phẩm sử dụng cốt truyện dân gian (lấy từ cổ tích, thần tích, Phật thoại,…) vốn lưu hành trong dân gian như: Tấm Cám, Thạch Sanh, Quan Ầm Thị Kính, Tống Trân – Cúc Hoa, Trương Chi,…

+ Một số tác phẩm lấy cốt truyện trong văn học viết Trung Quốc (tiểu thuyết chương hồi, truyện truyền kì, ca bản), như: Song Tinh – Bất Dụ, Hoa tiên, Truyện Kiều, Nhị độ mai, Tì bù quốc âm tân truyện,…

+ Một số tác phẩm lấy cốt truyện từ chính cuộc đời tác giả và thực tiễn đời sống (có thông qua hư cấu, sáng tạo) như: Sơ kính tân trang, Truyện Lục Vân Tiên, Vợ ba Cai Vàng, Chàng Lía,...

Truyện thơ nôm là một thể loại truyện thơ phổ biến trong nền văn học Việt Nam. Vậy thể loại truyện thơ nôm có nguồn gốc từ đâu? Hãy cùng Toploigiai đi tìm hiểu thêm về câu hỏi này nhé.


1. Tìm hiểu chung về truyện thơ Nôm

- Truyện thơ Nôm hay Truyện Nôm thể thơ tiếng Việt viết bằng chữ Nôm (thường là thơ lục bát) để kể chuyện (trần thuật). Đây là một loại hình tự sự có khả năng phản ánh về hiện thực của xã hội và con người với một phạm vi tương đối rộng, vì vậy có người gọi truyện thơ Nôm là trung thiên tiểu thuyết (tiểu thuyết vừa). Nội dung của truyện thơ Nôm thường phản ánh đời sống xã hội cũng như thể hiện quan niệm, lí tưởng nhân sinh của tác giả thông qua việc miêu tả và thường là miêu tả chi tiết, tường thuật lại một cách tương đối trọn vẹn cuộc đời, tính cách nhân vật bằng một cốt truyện với chuỗi các biến cố, sự kiện nổi bật.

- Truyện thơ Nôm tiêu biểu cho văn học cổ điển Việt Nam, nở rộ vào cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX, do viết bằng tiếng Việt dùng chữ Nôm nên được gọi là truyện Nôm. Truyện Nôm là một bộ phận văn học độc đáo và thể hiện nét thẩm mỹ độc đáo của nền văn học phong kiến Việt Nam mà không nền văn học nào có được.

>>> Tham khảo: Ai được mệnh danh là Bà chúa thơ Nôm?

Truyện thơ nôm có nguồn gốc từ đâu

2. Truyện thơ Nôm có nguồn gốc từ đâu?

  -Hình thức đầu tiên của các truyện Nôm là những bài hát tự sự của các nghệ nhân hát rong (hiện tượng hát rong xuất hiện ở nước ta từ thế kỷ nào thì chưa xác định được, chỉ biết rằng khi có các đô thị thì đã có nhiều người sống bằng nghề này, nhất là sau thế kỷ XV).

Những bài hát tự sự này phần lớn đưọc các nghệ nhân sáng tác hoặc dựa trên cơ sở của truyện cổ dân gian, hoặc rút ra từ một truyện Nôm đã có trước. Càng về sau, những bài hát này càng được bồi bổ thêm về mặt nội dung cũng như nghệ thuật và đến một lúc nào đố bài hát đã được ghi vào trong sách, từ đó chính thức trở thành một truyện Nôm (lọai này có thể kể đến truyện: Trương Chi, Tấm Cám).

- Nơi thứ hai sản sinh ra các truyện Nôm là các nhà chùa của đạo phật. Ðể tuyên truyền đạo phật cho các tín đồ mà phần đông là không biết chữ, một số nhà sư có học đã nghĩ ra cách diễn Nôm một số sự tích trong kinh phật, hình thức này ngày càng phát triển và nhiều truyện Nôm đã xuất hiện theo con đường này.

Trên đây là nguồn gốc ra đời của truyện Nôm, trong hai hình thức trên cái nào có trước, cái nào có sau chúng ta vẫn chưa xác định được. 

- Truyện thơ Nôm có nhiều nguồn gốc cốt truyện khác nhau:

+ Một số tác phẩm sử dụng cốt truyện dân gian (lấy từ cổ tích, thần tích, Phật thoại,…) vốn lưu hành trong dân gian như: Tấm Cám, Thạch Sanh, Quan Ầm Thị Kính, Tống Trân – Cúc Hoa, Trương Chi,…

+ Một số tác phẩm lấy cốt truyện trong văn học viết Trung Quốc (tiểu thuyết chương hồi, truyện truyền kì, ca bản), như: Song Tinh – Bất Dụ, Hoa tiên, Truyện Kiều, Nhị độ mai, Tì bù quốc âm tân truyện,…

+ Một số tác phẩm lấy cốt truyện từ chính cuộc đời tác giả và thực tiễn đời sống (có thông qua hư cấu, sáng tạo) như: Sơ kính tân trang, Truyện Lục Vân Tiên, Vợ ba Cai Vàng, Chàng Lía,...

- Dù cốt truyện xuất phát từ nguồn nào thì các truyện thơ Nôm vẫn ít nhiều phản ánh các vấn đề của thực tại xã hội và con người đương thời cũng như phản ánh tâm tư, nguyện vọng của tác giả.

>>> Tham khảo: Chứng minh nhận định sau Tự tình 2 là bài thơ cho thấy khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc và tài năng độc đáo của Bà chúa thơ Nôm


3. Các hình thái của truyện thơ Nôm

- Truyện Nôm ra đời và tồn tại với hình thái đầu tiên là truyện Nôm truyền khẩu. Sau một thời gian dài, khi phong trào truyện Nôm truyền khẩu phát triển mạnh mẽ thì các nho sĩ bình dân và bác học đã mạnh dạn sử dụng loại hình văn học này để sáng tác, hoặc ghi chép lại những truyện Nôm đã có. Từ đó truyện Nôm viết được xuất hiện. Cũng như mọi hình thái sáng tác, truyện Nôm không phải là đã kế tiếp nhau một cách dứt khoát mà mỗi cái khi xuất hiện đều tồn tại song song với những cái xuất hiện trước hoặc sau nó.

- Cho đến nay chúng ta vẫn chưa xác định được truyện Nôm viết xuất hiện vào thời gian nào và sự phát triển của nó trong lịch sử văn học. Bởi vì cho đến nay hầu hết các truyện Nôm còn lại đều không có tên tác giả và thời điểm sáng tác.

- Các nhà nghiên cứu đã căn cứ vào mối quan hệ giữa nội dung tác phẩm và hiện thực đời sống xã hội, căn cứ vào tài liệu cấm đoán của giai cấp thống trị, căn cứ vào hình thức ngôn từ và thể loại mà đi đến một nhận định sơ bộ về sự phát triển của bộ phận văn học này như sau: Chính giai đoạn lịch sử từ thế kỷ XV đến thế kỷ XIX  là giai đoạn bộ phận văn học này ra đời và phát triển, thời kỳ cực thịnh của nó là thế kỷ XVIII đến thế kỷ XIX. Phần lớn các truyện Nôm lưu hành hiện nay cũng ra đời trong hai thế kỷ này. Sang đầu thế kỷ XX việc sáng tác truyện Nôm dần dần chấm dứt vì thể loại văn xuôi mới ra đời đã đủ sức thay thế nó.

Truyện thơ nôm có nguồn gốc từ đâu

4. Chủ đề truyện thơ Nôm

Truyện thơ Nôm thường hướng đến hai chủ đề chính:

a. Truyện thơ Nôm bác học.

Chủ đề giải phóng tình yêu đôi lứa: Đây là chủ để nổi bật trong các truyện thơ Nôm bác học mà nổi bật và dễ thấy nhất là các tác phẩm như Sơ kính tân trang, Truyện Kiều… Trong các truyện này, các cặp đôi nhân vật “tài tử – giai nhân” đã đến với nhau bằng tình cảm yêu đương tự nhiên, chân thật, say đắm của tuổi trẻ và đầy tính lãng mạn. Những cặp đôi nhân vật cũng thường phải vượt qua những trở ngại của lễ giáo và của các thế lực xã hội khác (nhờ sự trợ giúp nhất định của các lực lượng thần kì hoặc tiến bộ) để cuối cùng nên duyên chồng vợ, hưởng hạnh phúc lứa đôi tương đối trọn vẹn, lí tưởng nhằm chứng minh cho tình yêu đôi lứa mãnh liệt của nhân vật trong truyện.

b. Truyện thơ Nôm bình dân.

Chủ đề đấu tranh cho công lí xã hội: Đây là chủ đề nổi bật trong các truyện thơ Nôm bình dân như mà nổi bật là các tác phẩm khuyết danh như Phạm Tải – Ngọc Hoa, Tống Trân – Cúc Hoa, Thoại Khanh – Châu Tuấn… (ở một số truyện thơ Nôm bác học, chủ đề đấu tranh cho công lí xã hội cũng được đề cập như Truyện Kiều, Truyện Lục Vân Tiên… nhưng chỉ là chủ đề phụ, cái chính vẫn là tình yêu đôi lứa trong xã hội phong kiến cũ). Các truyện này thường kết thúc có hậu (nhờ sự trợ giúp của các yếu tố thần kì, kì bí hay các nhân vật mang tính nghĩa hiệp), thoả mãn mơ ước về một xã hội công bằng, về sự thay đổi số phận của các tầng lớp dưới thấp hèn trong xã hội. Các mối tình cao đẹp, trong sáng cũng được nâng niu, ca ngợi. Đồng thời chủ đề trong những tác phẩm thơ Nôm khuyết danh cũng là những cuộc đấu tranh của những người bị áp bức chống cường quyền bạo chúa bảo vệ tình yêu thủy chung, bảo vệ hạnh phúc gia đình, bảo vệ nhân phẩm.

----------------------

Trên đây Toploigiai đã cùng các bạn tìm hiểu về câu hỏi “Truyện thơ Nôm có nguồn gốc từ đâu?”. Chúng tôi hi vọng các bạn đã có kiến thức hữu ích khi đọc bài viết này, chúc các bạn học tốt.

icon-date
Xuất bản : 21/10/2022 - Cập nhật : 21/10/2022