Từ khi có chữ Quốc ngữ là tiếng Việt đã có lối viết hoa. Viết hoa là một thành tựu rất to lớn, một phát minh đầy trí tuệ mở ra khả năng biểu hiện phong phú về nhiều mặt của ngôn ngữ. Bởi hệ thống chữ viết có liên quan chặt chẽ đến âm thanh lời nói, thì chữ hoa cũng nhằm hướng tới yêu cầu đó. Cách viết hoa còn thể hiện nét thẩm mỹ riêng của chữ viết nói chung và kỹ năng của từng người viết nói riêng. Nếu chữ hoa đặt đúng vị trí, viết đúng quy cách chính tả thì người sử dụng lối viết được xem là chuẩn chính tả và có ý thức về mặt ngôn ngữ. Vậy, bạn biết gì về quy tắc viết hoa? Dưới đây là bài viết Trình bày quy tắc viết hoa trong tiếng Việt được Toploigiai sưu tầm, mời bạn cùng tham khảo.
Trình bày quy tắc viết hoa trong tiếng Việt
a. Viết hoa về mặt cú pháp
Viết hoa về mặt cú pháp là cách viết hoa chữ bắt đầu câu, với ý nghĩa phân đoạn cú pháp và phân đoạn ý nghĩa của đoạn văn. Cách viết này còn được thể hiện trên khắp các văn bản từ truyền thống cho đến hiện đại, tiếp theo sau các dấu chấm câu: dấu chấm, chấm lửng, chấm hỏi, chấm than... Dù là danh từ chung được viết hoa, nhưng chúng vẫn giữ được ngữ nghĩa và đây cũng là quy cách viết chữ hoa bắt buộc của chuẩn hóa chính tả tiếng Việt. Ví dụ:
Mưa! Mưa ơi! Mưa!...; Ai đó? Dạ, tôi đây; Trời mưa. Mình về...
Hay là: Chúng ta là người Việt Nam. Bổn phận công nhân phải làm gì cho đất nước? Ôi kìa! Những đáo hoa đẹp...
b. Viết hoa danh từ riêng chỉ tên người
– Tên người Việt Nam
+ Tên thông thường: Viết hoa chữ cái đầu tất cả các âm tiết của danh từ riêng chỉ tên người. Ví dụ: Nguyễn Ái Quốc, Trần Phú,…
+ Tên hiệu, tên gọi nhân vật lịch sử: Viết hoa chữ cái đầu tất cả các âm tiết. Ví dụ: Vua Hùng, Bà Triệu, Ông Gióng, Bác Hồ, Cụ Hồ,…
– Tên người nước ngoài được phiên âm chuyển sang tiếng Việt
+ Trường hợp phiên âm sang âm Hán – Việt: Viết theo quy tắc viết tên người Việt Nam. Ví dụ: Kim Nhật Thành, Mao Trạch Đông, Thành Cát Tư Hãn,…
+ Trường hợp phiên âm không sang âm Hán – Việt (phiên âm trực tiếp sát cách đọc của nguyên ngữ): Viết hoa chữ cái đầu âm tiết thứ nhất trong mỗi thành phần. Ví dụ: Vla-đi-mia I-lích Lê-nin, Phri-đrích Ăng-ghen,…
c. Viết hoa tên địa lý
Tên địa lý Việt Nam
- Tên đơn vị hành chính được cấu tạo giữa danh từ chung (tỉnh, huyện, xã…) với tên riêng của đơn vị hành chính đó: Viết hoa chữ cái đầu của các âm tiết tạo thành tên riêng và không dùng gạch nối.
Ví dụ: thành phố Thái Nguyên, tỉnh Nam Định, tỉnh Đắk Lắk…; quận Hải Châu, huyện Gia Lâm, huyện Ea H’leo, thị xã Sông Công, thị trấn Cầu Giát…; phường Nguyễn Trãi, phường Bách Khoa, xã Ia Yeng…
- Trường hợp tên đơn vị hành chính được cấu tạo giữa danh từ chung kết hợp với chữ số: Viết hoa cả danh từ chung chỉ đơn vị hành chính đó.
Ví dụ: Quận 1, Phường 12…
- Trường hợp viết hoa đặc biệt: Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.
- Tên địa lý được cấu tạo giữa danh từ chung chỉ địa hình (sông, núi, hồ, biển, cửa, bến, cầu, vũng, lạch, vàm v.v…) với danh từ riêng (có một âm tiết) trở thành tên riêng của địa danh đó: Viết hoa tất cả các chữ cái tạo nên địa danh.
Ví dụ: Hồ Gươm, Lò Đúc, Vũng Tàu, Gành Hào, Cầu Giấy, Mũi Né,…
Chú ý: Với trường hợp danh từ chung chỉ địa hình đi liền với danh từ riêng, không viết hoa danh từ chung mà chỉ viết hoa danh từ riêng (chợ Cầu Diễn, hồ Núi Cốc, vịnh Vũng Rô, hồ Suối Hai,…
- Tên địa lí được cấu tạo bởi danh từ chỉ hướng hoặc bằng cách kết hợp bộ phận vốn là danh từ chung hay danh từ chỉ hướng với bộ phận tên gọi cụ thể: Viết hoa chữ cái đầu của tất cả các âm tiết tạo thành tên gọi. Đối với tên địa lý chỉ vùng miền riêng được cấu tạo bằng từ chỉ phương hướng kết hợp với danh từ chỉ địa hình thì phải viết hoa các chữ cái đầu mỗi âm tiết.
Ví dụ: Tây Nguyên, Tây Bắc, Đông Bắc, Bắc Bộ, Nam Kỳ, Nam Trung Bộ, Trường Sơn Tây…
Tên địa lý nước ngoài được phiên chuyển sang tiếng Việt
- Tên địa lý đã được phiên âm sang âm Hán Việt: Viết theo quy tắc viết hoa tên địa lý Việt Nam.
Ví dụ: Luân Đôn, Hoa Thịnh Đốn, Hồng Công, Hà Lan, Thụy Sĩ, Ai Cập, Bồ Đào Nha…
- Tên địa lý phiên âm không qua âm Hán Việt (phiên âm trực tiếp sát cách đọc của nguyên ngữ): Viết hoa theo quy tắc viết hoa tên người nước ngoài quy định tại Điểm 2b, Khoản 2, Mục II bên trên)
Ví dụ: Mát-xcơ-va, Men-bơn, Sing-ga-po, Cô-pen-ha-ghen, Béc-lin…
d. Quy định về viết hoa tu từ:
Thông thường, trong quy tắc viết hoa trong tiếng Việt, người ta sẽ không viết hoa danh từ chung nếu không nằm ở đầu câu. Riêng trong những trường hợp nhất định, người ta muốn nhấn mạnh một từ nào đó, muốn từ này mang sắc thái biểu cảm, người ta sẽ viết hoa. Ví dụ: Con Người, hai tiếng vang lên… (M.Gorki)
Như vậy, viết hoa danh từ chung thường thể hiện sự tôn kính, làm câu văn thêm độc đáo hơn. Đây gọi là lối viết hoa tu từ.
Những danh từ chung ghi tước vị, chức vụ, cấp bậc hoặc những yếu tố gắn với tên riêng như các bậc danh nhân thường áp dụng cách viết hoa tu từ. Tuy nhiên, thực tế, cách viết này cũng đa dạng, không có sự thống nhất.
Tuy nhiên, cách viết hoa này có một số điểm sẽ đối lập với danh từ chung và danh từ riêng, đặc biệt trong cách viết hoa gọi tên cơ quan, tổ chức, đoàn thể và sản phẩm. Trong khi đó, cách viết hoa là để phân biệt giữa danh từ riêng và chung trong cách thể hiện văn bản.
e. Viết hoa tên cơ quan, tổ chức
– Tên cơ quan, tổ chức của Việt Nam
+ Viết hoa chữ cái đầu của các từ, cụm từ chỉ loại hình cơ quan, tổ chức; chức năng, lĩnh vực hoạt động của cơ quan, tổ chức. Ví dụ: Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng chống tham nhũng, Văn phòng Chủ tịch nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Hội đồng nhân dân tỉnh Sơn La, Sở Tài chính,…
+ Trường hợp viết hoa đặc biệt: Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn phòng Trung ương Đảng,…
– Tên cơ quan, tổ chức nước ngoài
+ Tên cơ quan, tổ chức nước ngoài đã dịch nghĩa: Viết hoa theo quy tắc viết tên cơ quan, tổ chức của Việt Nam. Ví dụ: Liên hợp quốc (UN), Tổ chức Y tế thế giới (WHO),…
+ Tên cơ quan, tổ chức nước ngoài được sử dụng trong văn bản ở dạng viết tắt: Viết bằng chữ in hoa như nguyên ngữ hoặc chuyển tự La-tinh nếu nguyên ngữ không thuộc hệ La-tinh. Ví dụ: WTO, UNDP, UNESCO, ASEAN,…
>>> Tham khảo: Nêu quy tắc viết hoa danh từ riêng, danh từ chung