Trả lời:
- Tình hình phát triển thủ công nghiệp và thương nghiệp thời Lý:
+ Thủ công nghiệp: khá phát triển
- Nghề chăn tằm ươm tơ, dệt lụa, làm đồ gốm, xây dựng đền đài, cung điện, nhà cửa rất phát triển.
- Các nghề làm đồ trang sức, làm giấy, in bàn gỗ, đúc đồng, rèn sắt, nhuộm vải đều được mở rộng.
+ Một số địa danh nổi tiếng về nghề thủ công: Làng gốm Bát Tràng, làng dệt Nhược Công, làng trồng dâu nuôi tằm Nghi Tàm, làng trồng cây thuốc nam và chế biến thảo dược Đại Yên.
- Về thương nghiệp: Việc buôn bán trong và ngoài nước được mở mang hơn trước.
+ Tiền đồng được sử dụng phổ biến hơn trước.
+ Nhiều chợ ở Thăng Long và biên giới Việt - Tống được thành lập.
+ Tại cảng biển Vân Đồn, thuyền bè nước ngoài qua lại buôn bán tấp nập.
Hoạt động giao lưu buôn bán còn diễn ra với nhiều nước Đông Nam Á như: In-đô-nê-xi-a, Thái Lan,…
+ Một số địa danh nổi tiếng về buôn bán thời kì này: Chợ cửa Đông, chợ Tây Nhai, chợ Cửa Nam, cảng Vân Đồn.
Kiến thức vận dụng về một số địa danh nổi tiếng về nghề thủ công và buôn bán thời Lý
“Tại thời nhà Lý, có 3 vị Thái Học sinh là Hứa Vinh Kiều (Cảo), Đào Trí Tiến và Lưu Phương Tú (Lưu Vĩnh Phong) được cử đi Bắc Tống. Khi đã hoàn tất sứ mệnh, 3 vị này đi qua Thiều Châu (Quảng Đông) để trở về nước thì gặp phải bão, phải nghỉ lại. Tại đây có một làng gốm nổi tiếng, 3 ông đã đến thăm và học được một số kỹ thuật hay để đem về truyền bá cho dân chúng. Hứa Vinh Kiều đã truyền cho làng Bát Tràng nước men rạn trắng. Đào Trí Tiến thì truyền cho Thổ Hà (H.Việt Yên, Bắc Giang) nước men sắc vàng đỏ.
Còn Lưu Phương Tú thì truyền cho Phù Lãng (H.Quế Võ, Bắc Ninh) nước men đỏ, vàng thẫm. Câu chuyện này cũng được lan truyền ở Thổ Hà và Phù Lãng nhưng sẽ có sai biệt ít nhiều về tình tiết. Nếu đúng vậy thì có nghĩa làng gốm Bát Tràng đã bắt đầu từ thời nhà Lý, ngang với thời Bắc Tống, trước năm 1127”.
Theo lời kể xưa, trong số nhiều dòng họ tại Bát Tràng thì dòng họ Nguyễn Ninh Tràng là dân ở bản địa lâu đời nhất nên được giữ vị trí tôn trọng trong ngôi thứ và lễ hội làng. Nhiều người cho rằng, Nguyễn Ninh Tràng là họ Nguyễn ở Vĩnh Ninh – một lò gốm ở Thanh Hóa. Gia phả một số dòng họ ở Bát Tràng như Trịnh, Lê, Phạm, Nguyễn,… cũng ghi nhận tổ tiên xưa từ Bồ Bát di cư ra đây.
Đến thời Hậu Lê và thời Nguyễn, xã Bồ Xuyên và trang Bạch Bát thuộc tổng Bạch Bát, H.Yên Mô, phủ Trường Yên, trấn Thanh Hóa Ngoại. Ngày nay, Bồ Xuyên và Bạch Bát là 2 thôn của xã Yên Thành, huyện Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình, có loại đất sét trắng rất thích hợp với nghề làm gốm. Nhiều truyền thuyết kể lại rằng, người dân Bồ Bát chuyên nghề làm gốm sứ.
Năm 1010, vua Lý Thái Tổ dời đô về Thăng Long nên rất nhiều thương nhân, thợ thủ công tìm về đây. Sự ra đời và phát triển của Thăng Long đã tác động mạnh đến kinh tế của Bát Tràng. Vùng này có rất nhiều đất sét trắng nên rất thuận tiện cho việc làm gốm sứ. Nhiều người dân và thợ gốm sứ đã di cư đến đây khiến Bát Tràng trở thành trung tâm gốm sứ nổi tiếng được triều đình lựa chọn.
Cho đến nay, vẫn chưa tìm được tư liệu lịch sử nào xác nhận tiểu sử của 3 nhân vật trên và khẳng định sự hình thành của làng gốm. Tuy nhiên, qua các công trình khảo cổ học thì chúng ta nhận thấy rõ hơn bề dày lịch sử, di tích của làng gốm Bát Tràng. Có thể thấy, làng gốm Bát Tràng đã có từ rất lâu, trải qua nhiều thăng trầm cùng lịch sử. Tuy nhiên, đến nay, Bát tràng vẫn giữ được nét độc đáo, tinh xảo trong từng sản phẩm gốm sứ. Điều này khiến cho làng gốm này ngày càng phát triển và có cơ hội hòa nhập cùng thị trường thế giới.
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, vào năm 1149, thời vua Lý Anh Tông, thuyền buôn ba nước Trảo Oa, Xiêm La, Lộ Lạc (nay là Indonesia, Thái Lan) vào Hải Đông (Quảng Ninh ngày nay) xin ở lại buôn bán. Vua đã cho lập trang ở nơi hải đảo, gọi là Vân Đồn, để mua bán hàng hóa quý, dâng tiến sản vật địa phương.
Nhà Lý ban hành nhiều chính sách khuyến khích ngoại thương nên giao thương tại Vân Đồn phát triển. Hàng hóa trao đổi ở Vân Đồn là các sản vật tự nhiên phong phú như trầm hương, ngọc trai, ngà voi, vỏ quế, sừng tê giác, vàng, bạc, đồng, diêm tiêu. Hàng hóa nước ngoài nhập vào là gấm vóc. Hoạt động ngoại thương chỉ do nhà nước đảm trách, tư nhân không được tham gia buôn bán với nước ngoài. Để bảo vệ an ninh quốc gia, triều đình quy định, tàu thuyền nước ngoài, dù xa hay gần, đã vào cảng đều phải neo ở Vân Đồn, không được tiến sâu vào nội địa. Người nước ngoài chỉ được phép buôn bán ở một số địa điểm nhất định và chịu sự kiểm soát của nhà nước.
Chợ Cửa Đông hay chợ Đông là trung tâm buôn bán tấp nập nhất của kinh thành. Cửa đông xưa mở ra ngay khoảng trước phố Hàng Buồm ngày nay mà dấu vết còn lại là đình Cửa Đông (Đông Môn đình) ở số 8 Hàng Cân và chùa Cửa Đông (Đông Môn tự) ở 38B Hàng Đường. Theo Lý Tế Xuyên trong Việt điện u linh, chợ Đông được mở vào thời Lý Thái Tông, hàng quán chen chúc đến sát đền Bạch Mã, cảnh tượng buôn bán rất huyên náo. Đây là khu vực tập trung nhiều phố phường, chợ bến mà trung tâm là phường Giang Khẩu, chợ Đông, bến cảng Triều Đông (dốc Hoè Nhai). Chợ bến tấp nập, trên bến dưới thuyền, hàng quán chen chúc tạo cho khu vực này không khí đông vui sầm uất của kinh thành. Khu vực phố phường, chợ bến này gần như hình tam giáo mà đỉnh là cửa Đông và cạnh đối là sông Nhị từ bến Triều Đông đến bến Cơ Xá. Cũng vì vị trí ở giữa khu cư dân tập trung đông đúc nhất mà nhà Lý thường chọn địa điểm này để thi hành các bản án phạm tội nặng nhất nhằm thị uy trước công chúng và dư luận. Như năm 1015, nhà Lý bêu đầu thủ lĩnh chống đối Hà Trắc Tuấn ở chợ Đông.
Chợ Cửa Tây còn gọi là chợ Tây Nhai, được chính quyền nhà Lý cho thành lập năm 1035 dưới thời Lý Thái Tông. Ngay từ khi mới thành lập, chợ Cửa Tây đã được quy hoạch và xây dựng khá quy củ. Thương nhân có nơi ngồi bán hàng dưới mái che tránh mưa nắng. Chợ Tây cũng như chợ Đông là nơi từng diễn ra những cuộc hành quyết người cầm đầu các vụ mưu phản như Nguyễn Khánh và sư Hồ năm 1035.