logo

Tóm tắt khởi nghĩa Tây Sơn

Cùng Top lời giải hướng dẫn chi tiết: “Tóm tắt khởi nghĩa Tây Sơn” và đọc thêm phần kiến thức tham khảo giúp các bạn học sinh ôn tập và tích lũy kiến thức bộ môn Lịch sử 7.


Tóm tắt khởi nghĩa Tây Sơn

- Phong trào Tây Sơn do ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ, Nguyễn Huệ lãnh đạo. Với chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút, quân dân ta dưới sự lãnh đạo tài tình của Nguyễn Huệ đập tan âm mưu can thiệp của phong kiến Xiêm. Phong trào Tây Sơn giành thắng lợi ở các tỉnh phía Nam và sau đó phát triển ra Đàng Ngoài, diệt Trịnh thống nhất Tổ quốc. Lấy cớ đáp ứng cầu viện của Lê Chiêu Thống, quân Thanh kéo đại binh xâm lược nước ta.

- Mùa Xuân Kỳ Dậu - 1789, nhân dân ta dưới sự lãnh đạo tài tình của Quang Trung đã vùng lên quét sạch 20 vạn quân xâm lược Mãn Thanh, giải phóng Thăng Long, giải phóng Tổ quốc. Đây là chiến công vĩ đại và hiển hách vào bậc nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc.


Kiến thức tham khảo về Nhà Tây Sơn và vua Quang Trung


1. Khái quát về nhà Tây Sơn

Nhà Tây Sơn (chữ Nôm: 家西山, chữ Hán: 西山朝 / Tây Sơn triều) là một triều đại quân chủ trong lịch sử Việt Nam tồn tại từ năm 1778 đến năm 1802, được thành lập trong bối cảnh tranh chấp quyền lực cuối thời Lê Trung Hưng (1533 - 1789). Theo cách gọi của phần lớn sử gia, nhất là các sử gia hiện đại tại Việt Nam thì "nhà Tây Sơn" được dùng để gọi triều đại của anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ và Nguyễn Huệ để phân biệt với nhà Nguyễn của Nguyễn Ánh (vì cùng họ Nguyễn). Ngoài ra, "Tây Sơn" cũng chỉ các lãnh tụ và quân đội khởi nghĩa xuất thân từ ấp Tây Sơn; cũng được dùng làm tên cuộc chiến của Tây Sơn.

Tóm tắt khởi nghĩa Tây Sơn hay nhất
Ba anh em nhà Tây Sơn: Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ

Người nắm quyền đầu tiên của nhà Tây Sơn là Nguyễn Nhạc, người anh cả, lên ngôi năm 1778. Tới năm 1788, Nguyễn Nhạc nhường ngôi cho em là Nguyễn Huệ, chính là Quang Trung hoàng đế.

Một trong những công tích lớn nhất của nhà Tây Sơn trong lịch sử dân tộc là đã tiến đến rất gần công cuộc thống nhất và mở rộng lãnh thổ đất nước sau hàng trăm năm Việt Nam bị chia cắt bởi các cuộc tranh giành quyền lực giữa các thế lực lớn Mạc -Trịnh - Nguyễn kể từ khi nhà Lê sơ (1428 - 1527) bị sụp đổ, đồng thời triều đại này đã 2 lần đánh bại quân xâm lược ngoại quốc (quân Xiêm La và quân nhà Thanh) bằng những chiến dịch quân sự thần tốc. Tuy nhiên, năm 1792, vua Quang Trung (Nguyễn Huệ) đột ngột qua đời khi còn khá trẻ, người kế vị là Quang Toản còn quá nhỏ (9 tuổi) đã khiến nhà Tây Sơn không có lãnh đạo đủ năng lực, ưu thế dần chuyển sang Nguyễn Ánh, một hậu duệ của dòng họ Chúa Nguyễn nắm quyền trên đất Đàng Trong trước kia.

Triều đại Tây Sơn tồn tại khoảng 24 năm thì sụp đổ sau khi Nguyễn Ánh tiến hành một cuộc chiến tranh toàn diện để tiêu diệt nhà Tây Sơn và thành lập nhà Nguyễn. Đối với nhà Nguyễn, nhà Tây Sơn bị xem là giặc phản loạn do họ đã đánh đổ thế lực của chúa Nguyễn. Chính vì thế, nhà Nguyễn tìm nhiều cách xóa bỏ uy tín và những di tích liên quan tới nhà Tây Sơn, nhưng những người mến mộ vẫn ghi nhớ các chiến tích và công lao của nhà Tây Sơn, nhiều nơi đã lập đền thờ các vị vua, tướng lĩnh của triều đại này. Ngày nay, nhà Tây Sơn được coi là một triều đại chính thống của Việt Nam, hoàng đế Quang Trung được coi là người anh hùng dân tộc với những chiến công chống ngoại xâm và cũng là người đề ra nhiều cải cách quan trọng trong xây dựng đất nước.


2. Vua Quang Trung 

Quang Trung - Nguyễn Huệ (1753 - 1792) là một thiên tài quân sự, một vị anh hùng dân tộc kiệt xuất. Hình ảnh vua Quang Trung tiêu biểu cho tinh thần quật cường, bất khuất của dân tộc Việt Nam. Chỉ với 39 tuổi xuân, Quang Trung đã có 22 năm đánh Nam dẹp Bắc - tạo cơ sở cho quá trình thống nhất đất nước; đuổi Xiêm diệt Thanh - góp phần bảo vệ vững chắc nền độc lập nước nhà. Mỗi chiến công trong cuộc đời Quang Trung đánh dấu một mốc son trong lịch sử hào hùng của cả dân tộc.

Tóm tắt khởi nghĩa Tây Sơn hay nhất (ảnh 2)

3. Giai thoại về cái chết của Vua Quang Trung

Cho đến nay, đã có nhiều giả thuyết về nguyên nhân cái chết của vua Quang Trung được đưa ra nhưng chưa giả thuyết nào có được chứng cứ xác thực, đủ sức thuyết phục.

Sách Ngụy Tây liệt truyện, một tài liệu chính sử của Sử quán triều Nguyễn ghi chép cái chết của vua Quang Trung như sau: "Một hôm, về chiều, Quang Trung đang ngồi bỗng xây xẩm, tối tăm, thấy một ông già đầu bạc từ trên trời xuống, mặc áo trắng, cầm gậy sắt, mắng rằng: "Ông cha người sống ở đất của Chúa, đời đời làm dân Chúa Nguyễn, sao phạm đến lăng tẩm...". Rồi lấy gậy đánh vào trán Quang Trung, mê man ngã xuống, bất tỉnh nhân sự lâu lắm... Từ đó, bệnh chuyển nặng..."

Ghi chép của Ngụy Tây liệt truyện có phần hư cấu để nâng cao sự mê tín vào "thiên mệnh" của nhà Nguyễn, nhưng nó cũng cho thấy Quang Trung bị bất tỉnh đột ngột, có lẽ là do tai biến ở vùng não bộ.

Sách Tây Sơn thực lục cũng có ghi "Huệ mắc bệnh nặng, chữa không khỏi… Năm ấy Nguyễn Huệ mất, tóc của Huệ thì quăn, mặt thì đầy mụn, có một con mắt nhỏ, nhưng cái tròng rất lạ, ban đêm ngồi không có đèn, thì ánh sáng từ mắt soi sáng cả chiếu…". 

Và sau khi Quang Trung mất, vào tháng 1 năm Càn Long thứ 58 (1793), Quách Thế Huân cũng báo cáo với Càn Long: "Quang Trung đã chết vì bệnh". Cũng một giả thuyết được truyền lại nhiều nhất là một buổi chiều thu năm 1792, vua Quang Trung đang ngồi làm việc, bỗng hoa mắt, tối sầm mặt mũi, mê man bất tỉnh. Người xưa gọi là chứng "huyễn vận", còn ngày nay y học gọi là tai biến mạch máu não.

Một giáo sĩ tên Longer, có mặt ở Đàng Ngoài vào những thời điểm này, đã viết trong một bức thư đề ngày 21 tháng 12 năm 1792 là vua Quang Trung chết vì bệnh, nhưng không rõ là bệnh gì. Các nhà nghiên cứu về sau gạt bỏ các chi tiết mê tín trong Ngụy Tây liệt truyện thì họ cho rằng Quang Trung đã bị một cơn tăng huyết áp đột ngột. Bác sĩ Bùi Minh Đức qua khảo cứu các nguồn tư liệu lịch sử, kết luận rằng Nguyễn Huệ bị "Xuất huyết não dưới màng nhện; nguyên nhân tử vong: do viêm phổi sặc" (tràn dịch màng phổi).

icon-date
Xuất bản : 08/04/2022 - Cập nhật : 13/06/2022