logo

Đọc hiểu Tôi tài giỏi Bạn cũng thế (4 đề)

Tuyển tập các đề Đọc hiểu Tôi tài giỏi Bạn cũng thế hay nhất. Các câu hỏi và trả lời đọc hiểu được sưu tầm từ các đề thi có đáp án đầy đủ. Mời các thầy cô, quý phụ huynh các em học sinh tham khảo.


Đọc hiểu Tôi tài giỏi Bạn cũng thế - Đề số 1

Đọc đoạn trích dưới đây và thực hiện các yêu cầu:

Người thành công luôn chịu trách nhiệm cho bất cứ chuyện gì xảy ra trong cuộc sống của họ. Họ tin rằng dù chuyện gì xảy ra đi chăng nữa, họ là một phần nguyên nhân gây ra nó. Ví dụ: nếu họ thi trượt, đó là lỗi của họ. Nếu không được cha mẹ tin tưởng, đó là lỗi của họ. Nếu phải vào lớp tệ hại nhất, đó là lỗi của họ. Nếu trở thành một học sinh xuất sắc, đó cũng là nhờ nỗ lực của họ. Nhận lãnh trách nhiệm về bản thân có một sức mạnh tiềm ẩn vô cùng to lớn. Nếu bạn tin rằng bạn là nguyên do của mọi chuyện, bạn sẽ có khả năng thay đổi và cải thiện mọi chuyện. Nói một cách đơn giản, bạn làm chủ cuộc sống của chính bạn. [...]Những kẻ thất bại bao giờ cũng có khuynh hướng đổ lỗi cho mọi người ngoại trừ bản thân họ. Họ đổ thừa thầy cô giảng bài nhàm chán, đổ thừa kì thi quá khó, đổ thừa bạn bè làm họ xao nhãng việc học, đổ thừa cha mẹ suốt ngày cằn nhằn họ. Tệ hại hơn cả, một số học sinh còn tự lừa dối bản thân rằng mọi việc cũng không đến nỗi quá tệ, rằng môn Toán của họ cũng không tệ đến thế, rằng thực chất họ học hành rất chăm chỉ...trong khi tự đáy lòng, họ biết rõ những điều đó không phải là sự thật. “Những người và những việc xung quanh mình khiến mình thất bại “. Suy nghĩ đó khiến bạn trở thành nạn nhân bất lực, không thể thay đổi được cuộc sống.

(Tôi tài giỏi, bạn cũng thế, Adam Khoo, Trang 43, NXB Phụ nữ, 2013)

Bộ đề Tôi tài giỏi bạn cũng thế đọc hiểu

Thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích.

Câu 2: Theo tác giả, điểm khác nhau cơ bản giữa người thành công và những kẻ thất bại là gì?

Câu 3: Vì sao tác giả lại cho rằng: suy nghĩ “những người và những việc xung quanh mình khiến mình thất bại ” lại làm cho con người trở thành nạn nhân bất lực, không thể thay đổi được cuộc sống?

Câu 4: Bài học ý nghĩa nhất mà anh/chị rút ra từ văn bản trên là gì?

Trả lời câu hỏi đọc hiểu

Câu 1:

Phương thức biểu đạt chính của đoạn trích là: Nghị luận.

Câu 2: 

Theo tác giả, điểm khác nhau cơ bản giữa người thành công và những kẻ thất bại là:

+ Người thành công luôn chịu trách nhiệm cho bất cứ chuyện gì xảy ra trong cuộc sống của họ. 

+ Những kẻ thất bại bao giờ cũng có khuynh hướng đổ lỗi cho mọi người ngoại trừ bản thân họ.  

Câu 3: 

-  Khi có suy nghĩ rằng “những người và những việc xung quanh mình khiến mình thất bại” có nghĩa đó là con người luôn đổ lỗi cho hoàn cảnh. Những người như vậy sẽ không chấp nhận thất bại là do lỗi bản thân mà luôn đổ cho những lý do khác.

Câu 4: 

Bài học ý nghĩa nhất mà em rút ra từ văn bản trên là những nguyên nhân dẫn đến thất bại và thành công.


Đọc hiểu Tôi tài giỏi Bạn cũng thế - Đề số 2

Thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1. Việc đưa ra các Ví dụ trong đoạn (1) có tác dụng gì?

Câu 2. Theo tác giả, để làm chủ được cuộc sống của mình, bạn cần làm gì?

Câu 3. Theo anh/ chị, cần làm gì để không rơi vào khuynh hướng đổ lỗi cho mọi người được nói đến trong đoạn trích?

Câu 4. Anh/chị có đồng ý với quan điểm Nhận lãnh trách nhiệm về bản thân có một sức mạnh tiềm ẩn vô cùng to lớn không? Vì sao? 

Trả lời câu hỏi đọc hiểu

Câu 1. 

Việc đưa ra các Ví dụ trong đoạn (1) có tác dụng làm rõ hơn vấn đề cần nghị luận với minh chứng và ví dụ cụ thể.

Câu 2. 

Theo tác giả, để làm chủ được cuộc sống của mình, bạn cần:

- Có trách nhiệm với những việc xảy ra với mình và với những việc mình làm.

- Cần dũng cảm đối mặt với những sai lầm của mình và biết sửa lõi sai để lần sau không mắc lại.

Câu 3. 

Theo em, để không rơi vào khuynh hướng đổ lỗi cho mọi người được nói đến trong đoạn trích cần: 

- Khi mắc lỗi sai, cần tự chịu trách nhiệm và đối diện, tìm cách khắc phục nó.

- Đề cao lòng tự trọng của bản thân.

Câu 4. 

Em đồng ý với quan điểm Nhận lãnh trách nhiệm về bản thân có một sức mạnh tiềm ẩn vô cùng to lớn. Vì khi nhận trách nhiệm về mình, ta sẽ có thêm bản lĩnh và lòng dũng cảm, từ lỗi sai ấy tìm cách sửa sao và sẽ có thêm nhiều động lực cố gắng.


Đọc hiểu Tôi tài giỏi Bạn cũng thế - Đề số 3

Đọc đoạn trích dưới đây và thực hiện các yêu cầu:

Tôi luôn ngưỡng mộ những học sinh không chỉ học xuất sắc mà còn dành được nhiều thời gian tham gia vào các hoạt động ngoại khóa. Họ thường nắm giữ những vị trí quan trọng ở các câu lạc bộ trong trường và ngoài xã hội. Họ đạt điểm cao trong học tập, đi thi đấu thể thao cho trường, giữ chức chủ nhiệm trong các câu lạc bộ khoa học, và trên hết, họ là những thành viên tích cực trong Đoàn, Đội. Tôi luôn tự hỏi “Làm thế nào mà họ có nhiều thời gian đến thế?”. Mặt khác, những học sinh kém đưa ra lí do họ nhận kết quả thi không tốt là do họ không có thời gian để ôn bài. Tuy nhiên, thực tế, những học sinh này thường không tích cực trong các hoạt động tập thể và ngoại khóa như những học sinh giỏi. Tại sao lại như vậy? Tất cả mọi người đều có 24 giờ một ngày. Thời gian là thứ tài sản mà ai cũng được chia đều. Cho dù bạn là một học sinh giỏi, một học sinh kém, tổng thống hay một người gác cổng, bạn cũng chỉ có cùng một lượng thời gian như nhau. Thời gian là thứ duy nhất mà chúng ta không thể mua được. Tuy nhiên, tại sao một người như Tổng thống Mỹ lại có thời gian quản lý cả một quốc gia trong khi đó người gác cổng lại than phiền rằng ông ta không có thời gian để học? Sự khác biệt là do những người thành công trong cuộc sống biết cách quản lý thời gian. Chúng ta không thể thay đổi được thời gian nhưng có thể kiểm soát được cách sử dụng thời gian của chúng ta. Nếu bạn làm chủ được thời gian, bạn sẽ làm chủ được cuộc sống.

(Adam Khoo, Tôi tài giỏi, bạn cũng thế, Nxb Phụ nữ, 2014)

Thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong văn bản trên. 

Câu 2. Nêu nội dung chính của văn bản. 

Câu 3. Vì sao tác giả lại cho rằng: “Thời gian là thứ duy nhất mà chúng ta không thể mua được”? 

Câu 4. Anh/chị có đồng tình với quan điểm: “Nếu bạn làm chủ được thời gian, bạn sẽ làm chủ được cuộc sống”? Tại sao?

Trả lời câu hỏi đọc hiểu

Câu 1. 

Phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong văn bản trên là: Nghị luận.

Câu 2. 

Nội dung chính của văn bản là Bàn về việc sử dụng thời gian hợp lý và quỹ thời gian của học sinh giỏi và học sinh kém.

Câu 3. 

Tác giả cho rằng: “Thời gian là thứ duy nhất mà chúng ta không thể mua được” là vì thời gian một khi trôi đi sẽ không trở lại.

Câu 4. 

Em đồng tình với quan điểm: “Nếu bạn làm chủ được thời gian, bạn sẽ làm chủ được cuộc sống”. Vì nếu biết làm chủ thời gian chính tỏ bạn biết quý trọng nó và không lãng phí thời gian vào những việc vô bổ mà sẽ phát triển được bản thân và làm nhiều điều có ích.


Đọc hiểu Tôi tài giỏi Bạn cũng thế - Đề số 4

Thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1: Văn bản chỉ ra cách quản lý thời gian của học sinh giỏi và học sinh kém khác nhau như thế nào?

Câu 2: Xác định cụ thể và nêu tác dụng của một biện pháp tu từ có trong câu sau: “Họ đạt điểm cao trong học tập, đi thi đấu thể thao cho trường, giữ chức chủ nhiệm trong các câu lạc bộ khoa học, và trên hết, họ là những thành viên tích cực trong Đoàn, Đội”.

Câu 3: Theo em, vì sao “chúng ta không thể thay đổi được thời gian nhưng có thể kiểm soát được cách sử dụng thời gian của chúng ta”?

Câu 4: Em có đồng ý với quan điểm “Nếu bạn làm chủ được thời gian, bạn sẽ làm chủ được cuộc sống” của tác giả hay không? Hãy viết từ 3 đến 5 câu trình bày ý kiến của em.

Trả lời câu hỏi đọc hiểu

Câu 1: 

Văn bản chỉ ra cách quản lý thời gian của học sinh giỏi và học sinh kém khác nhau ở chỗ:

+ Học sinh giỏi: thường nắm giữ những vị trí quan trọng ở các câu lạc bộ trong trường và ngoài xã hội. Họ đi thi đấu thể thao cho trường, giữ chức chủ nhiệm trong các câu lạc bộ khoa học, và trên hết, họ là những thành viên tích cực trong Đoàn, Đội nhưng vẫn có thời gian học tập và đạt điểm cao.

+ Học sinh kém: đổi lỗi kết quả thi không tốt là do họ không có thời gian để ôn bài. Tuy nhiên, thực tế, những học sinh này thường không tích cực trong các hoạt động tập thể và ngoại khóa như những học sinh giỏi. 

Câu 2: 

Biện pháp tu từ có trong câu sau: “Họ đạt điểm cao trong học tập, đi thi đấu thể thao cho trường, giữ chức chủ nhiệm trong các câu lạc bộ khoa học, và trên hết, họ là những thành viên tích cực trong Đoàn, Đội” là điệp ngữ: Họ.

→ Tác dụng: Nhấn mạnh vào sự năng nổ và tài giỏi trong cách quản lý thời gian của học sinh giỏi.

Câu 3: 

Theo em, “chúng ta không thể thay đổi được thời gian nhưng có thể kiểm soát được cách sử dụng thời gian của chúng ta” vì:

+ Thời gian trôi theo quy luật tự nhiên, một ngày chỉ có 24 giờ không hơn không kém nên chúng ta không thể thay đổi được thời gian.

+ Tuy nhiên có thể kiểm soát được cách sử dụng thời gian vì mỗi người có quỹ thời gian một ngày khác nhau tùy vào cách mình sắp xếp và sử dụng.

Câu 4: 

Em đồng tình với quan điểm: “Nếu bạn làm chủ được thời gian, bạn sẽ làm chủ được cuộc sống”. Vì nếu biết làm chủ thời gian chính tỏ bạn biết quý trọng nó và không lãng phí thời gian vào những việc vô bổ mà sẽ phát triển được bản thân và làm nhiều điều có ích.

----------------------------------

Trên đây Toploigiai đã mang tới cho các bạn những kiến thức bổ ích qua bài Đọc hiểu Tôi tài giỏi Bạn cũng thế. Hi vọng những kiến thức trên sẽ giúp các bạn đạt được kết quả cao trong học tập. Mời các bạn đến với câu hỏi tiếp theo.

icon-date
Xuất bản : 04/02/2021 - Cập nhật : 20/12/2022