logo

Thuyết minh về tác giả Lâm Thị Mỹ Dạ

Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ đã tạo nên dấu ấn riêng trong lòng độc giả về vẻ đẹp và thơ ca trong trẻo, tình tứ, tươi tắn và hồn nhiên. Sau đây, để tìm hiểu về tác giả này, chúng ta cùng tìm hiểu và thuyết minh về tác giả Lâm Thị Mỹ Dạ qua bài viết dưới đây nhé!


1. Tiểu sử của tác giả Lâm Thị Mỹ Dạ

Lâm Thị Mỹ Dạ sinh tại quê: huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Bà làm việc tại Ty văn hóa Quảng Bình, năm 1978 đến 1983 học Trường viết văn Nguyễn Du. Sau đó bà làm phóng viên, biên tập viên tạp chí Sông Hương (của Hội liên hiệp Văn học nghệ thuật Thừa Thiên – Huế). Lâm Thị Mỹ Dạ là ủy viên Ban chấp hành Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên – Huế, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa III, ủy viên Hội đồng thơ Hội Nhà văn Việt Nam khóa V. Hiện bà đang sống tại thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Chồng bà – Hoàng Phủ Ngọc Tường cũng là một nhà văn, nhà thơ có tiếng ở Việt Nam.

Thuyết minh về tác giả lâm thị mỹ dạ

Nhà thơ, nhà nghiên cứu văn học Hồ Thế Hà đã viết: "Thơ Lâm Thị Mỹ Dạ giàu ý tứ. Tứ thơ bao giờ cũng là bất ngờ. Hình như không tạo được tứ lạ thì bài thơ vẫn còn trong dự tưởng.". Nhà thơ Ngô Văn Phú cũng nhận định: "Thơ Lâm Thị Mỹ Dạ hay ở những chỗ bất thần, ngơ ngác và những rung cảm đầy nữ tính." . Những bài thơ Truyện cổ nước mình, Khoảng trời - hố bom của bà được giảng dạy trong chương trình tiếng Việt, văn học phổ thông của Việt nam.


2. Tiểu sử hoạt động thơ ca của tác giả Lâm Thị Mỹ Dạ

Thơ Lâm Thị Mỹ Dạ xuất hiện từ đầu những năm bảy mươi của thế kỷ XX, khi chiến tranh diễn ra vô cùng ác liệt trên cả hai miền đất nước. Quảng Bình, quê hương của Lâm Thị Mỹ Dạ là một trong những vùng đất bom đạn tàn khốc nhất. Từ Hà Tĩnh vào, những địa danh như Bến Thủy, Ngã ba Đồng Lộc, Đèo Ngang, Bến phà Long Đại, Bến phà Gianh, phà Ròn… đều là những túi bom với sự tàn phá khủng khiếp. Cam go, cơ cực chưa từng thấy, hy sinh chết chóc ngoài sức tưởng tượng, cái ăn, cái mặc vô cùng gian nan. Tuổi vừa lớn dậy, Lâm Thị Mỹ Dạ gắn chặt với mảnh đất ấy như số phận chị phải thế, … và chăm chỉ làm thơ mỗi ngày. Thơ Lâm Thị Mỹ Dạ trong trẻo, tình tứ, tươi tắn và hồn nhiên… như thể bất chấp, như thể muốn vượt lên những gian khổ kia. Ở đây, có gì đó khó giải thích đối với những người không sống trong thời kỳ đó về sự trái ngược, bất công, không cân sức…giữa một bên là thơ ca vô phương tự vệ, và bên kia là mưa bom, bão đạn đang thét gào?


3. Tác phẩm của nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ

Khi thuyết minh về tác giả Lâm Thị Mỹ Dạ, ta không thể không nhắc đến những tác phẩm đã làm nên tên tuổi của bà như các tập thơ:

 Các tác phẩm chính đã xuất bản: Trái tim nỗi nhớ (thơ, in chung với Ý Nhi – 1974), Bài thơ không năm tháng (thơ – 1983), Danh ca của đất (truyện thiếu nhi – 1984), Nơi con và dòng suối (truyện thiếu nhi – 1987), Phần thưởng muôn đời (truyện thiếu nhi – 1987), Hai tuổi em đầy tay (thơ – 1989).

Lâm Thị Mỹ Dạ đã được nhận: Giải nhất cuộc thi thơ báo Văn nghệ 1973 (bài Khoảng trời hố bom).

Văn và thơ Lâm Thị Mỹ Dạ có giọng hồn nhiên, nhân hậu, vui tươi. Có lẽ vì thế mà các nhân vật trong các truyện viết cho thiếu nhi thường là những em bé ở lứa tuổi non tươi, hay nghịch ngợm và rất hồn nhiên. Dường như Lâm Thị Mỹ Dạ sinh ra là để làm thơ. Nói là hồn nhiên, nhưng khi cần, thơ của bà cũng nồng nàn bằng cái vẻ rất nữ tính, thể hiện niềm khát khao được vươn tới cái đẹp nhân ái, bao dung. Bà được dư luận chú ý đến khi được nhận Giải nhất cuộc thi thơ trên báo Văn nghệ 1973 với bài thơ đặc sắc: Khoảng trời hố bom. Từ cái “khoảng trời” qua một “hố bom”, nhà thơ kể về sự hy sinh cao cả của một cô gái thanh niên xung phong mở đường ra mặt trận. Nơi cô gái hy sinh, nay còn lại một hố bom nước mưa đọng trong hố bom đã thành một khoảng trời xanh con gái. Tác giả viết “Có phải thịt da em mềm mại, trắng trong, Đã hóa thành những làn mây trắng? Và ban ngày khoảng trời ngập nắng, Đi qua khoảng trời em. Vầng dương thao thức, Hỡi mặt trời, hay chính trái tim em trong ngực, Soi cho tôi”. Niềm thành kính, sự bao dung nhân hậu vừa là an ủi, vừa là biểu dương chiến tích anh hùng của cả một thế hệ thanh niên xung phong trong lửa đạn, đã làm ấm lòng bao bạn đọc hôm qua, hôm nay. Nếu có nói đến nỗi đau, Lâm Thị Mỹ Dạ cũng cố làm nổi bật sự tái sinh thay vì xoáy sâu vào rạn vỡ, đắng đót trong đời. Đọc thơ, ta bắt gặp một tiếng nói dịu dàng và thấm thía.


4. Chất thơ của Lâm Thị Mỹ Dạ

Thơ hay nhờ tứ, dù tứ thơ nói như nhà thơ Đỗ Trung Lai là cái hình chiếu ma quái trên một bài thơ. Tài thơ của Lâm Thị Mỹ Dạ chính là ở cái tứ. Mỗi bài thơ của Lâm Thị Mỹ Dạ đều có tứ.

Bắt đầu từ tứ thơ chiếc hôn như lá, bài thơ Như lá đã triển khai mạch cảm xúc theo thi tứ mới lạ, hiện đại và nhiều khi nhà thơ đã hi sinh cả vần điệu để đạt được ý tứ sâu xa: Nhìn lá / cứ ngỡ là lá ngọt / Bởi lá tơ non mơn mởn quá chừng / Lá tươi thắm xua mùa đông rét buốt / Hỡi chiếc hôn em có như lá không? / Tôi đi giữa mùa non / Sững sờ trong bao dáng lá / Nhớ ai / Tôi gửi nụ hôn lên trời / Con người không có tình yêu / Như trái đất này không có lá / Là hơi thở đất đai không thể thiếu / Lá dịu dàng sâu thẳm của tôi ơi! Nếu vẽ được chiếc hôn dưới mặt trời / Tôi sẽ vẽ chiếc hôn như lá… (Lâm Thị Mỹ Dạ, Như lá). Bài thơ Nhỏ bé tựa búp bê cũng có tứ thơ thật giản dị, tự nhiên: Này tôi ơi, có phải / Làm một người đàn bà / Người ta phải nhỏ bé / Nhỏ bé tựa búp bê / Mới dễ dàng hạnh phúc ? Dường như nhà thơ không giấu được nỗi khao khát hạnh phúc trong trái tim đa tình và lãng mạn của mình. Khao khát hạnh phúc, chị muốn mình nhỏ bé tựa búp bê, nhưng người thơ Lâm Thị Mỹ Dạ khi vừa bước vào tuổi ngũ thập tri thiên mệnh thì bờ vai che chở cho chị lại bị bạo bệnh, nằm một chỗ, chị lại phải gồng mình đứng thẳng để cho anh tựa vào em. Bởi vậy, khi tiếp xúc với Lâm Thị Mỹ Dạ người ta không hình dung được mọi vất vả, nhọc nhằn, mọi lo toan bề bộn chị từng trải qua, chỉ thấy một gương mặt niềm nở, dịu dàng, khiêm tốn, nhẹ nhàng, âu đó cũng là cách chị rèn luyện cho nước mắt chảy vào trong, biết cách trở về với chính mình: Thả mây cho gió / Thả xanh cho cỏ / Thả trăng cho trời / Tôi về với tôi. (Lâm Thị Mỹ Dạ, Tôi về với tôi). Vẫn là bắt đầu từ cái tứ thơ, Lâm Thị Mỹ Dạ đã đưa độc giả đến với cuộc đời của người phụ nữ từ khi là thục nữ hồn nhiên đến thiếu nữ thả chùm tóc bạc và may có đứa bé với trái tim thơ dại đưa tôi về với tôi.

Thi ca là vậy, là cảm xúc, là tài năng, là lãng mạn, là đắm say. Ở Lâm Thị Mỹ Dạ hòa quyện các yếu tố đó đến tận thẳm sâu, nên trước bất cứ hiện tượng gì, bất cứ cảm nhận nào lòng chị cũng rung động, cũng thể hiện cảm xúc bằng tứ thơ tài hoa.

Lâm Thị Mỹ Dạ quan niệm: Với tôi, thơ là cái đẹp, mãi mãi như vậy. Cái đẹp là khao khát muôn đời của con người, có lẽ vì vậy mà Lâm Thị Mỹ Dạ đến hôm nay vẫn bước những bước chân vào cuộc trường chinh đi tìm cái đẹp. Chị giơ cao cờ trắng đầu hàng thơ bởi sau một thời gian dài chăm sóc cho chồng, không có cơ hội đi đây đi đó, chị nói rằng thơ thì phải nhìn thấy, nhìn thấy thì mới có cảm xúc, có cảm xúc thì mới viết được, không có cơ hội để tôi về với tôi theo đúng nghĩa của nó, chị sợ mình không đủ sức để chiếm lĩnh cái đẹp và bất tử hóa cái đẹp.

Chị cũng tâm sự rằng: Muốn có thơ hay theo tôi là phải sống thật với chính mình. Nhờ đó, mà những bài thơ của chị lấp lánh vẻ đẹp của nghệ thuật bởi trái tim chân thành, nhân hậu, dịu dàng...

Có lẽ quãng đời đẹp nhất của Lâm Thị Mỹ Dạ là khi chị đến đọc thơ trên đất  Mỹ, nhìn những nhà thơ nước ngoài nghe chị ngâm thơ, đọc thơ và khi chị đọc về Khoảng trời hố bom, thì gần như họ đã giật mình, bởi qua bài thơ đó, một lần nữa họ lại nhìn thấy chiến tranh ở Việt Nam ngay trên đất Mỹ, chiến tranh hiển hiện qua những vần thơ của chị. Một phụ nữ làm thơ, đưa thơ đi xứ người, rồi được người ta dịch ra và xuất bản ở Mỹ thì quả là danh tiếng. Danh tiếng đó không chỉ của Lâm Thị Mỹ Dạ mà còn của thi ca Việt Nam. Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ đã làm rạng rỡ tâm hồn dân tộc, bởi chị đã cho thế giới biết đến Chuyện cổ nước mình kì diệu đến thế nào.

-------------------------------

Trên đây Top lời giải đã cùng các bạn tìm hiểu Thuyết minh về tác giả Lâm Thị Mỹ Dạ. Chúng tôi hi vọng các bạn đã có thông tin hữu ích khi đọc bài viết này, chúc các bạn học tốt. 

icon-date
Xuất bản : 06/07/2022 - Cập nhật : 06/07/2022